Viện Toán cao cấp sau hơn 1 năm hoạt động

20/02/2013 08:47
Theo GD&TĐ
Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) sau hơn một năm hoạt động chính thức đã tổ chức được khá nhiều loại hình đào tạo và nghiên cứu khác nhau, theo mô hình hoạt động của nước ngoài. Ðây là những tín hiệu khởi đầu trong Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020, góp phần nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trên trường quốc tế.
Lễ ra mắt quốc tế Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trong năm 2012
Lễ ra mắt quốc tế Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trong năm 2012

Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) là tổ chức khoa học và công nghệ công lập đặc thù hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu toán học, trực thuộc Bộ GD&ĐT. Giáo sư Ngô Bảo Châu của trường Đại học Chicago (Mỹ), đạt Giải thưởng Fields năm 2010, được bổ nhiệm làm Giám đốc khoa học của Viện vào ngày 3/3/2011. Viện đã triển khai một số hoạt động khoa học từ tháng 6/2011 và khai trương chính thức vào ngày 17/1/2012.

Ði theo mô hình của các nước phát triển, VIASM  có bộ máy tổ chức gọn nhẹ, bao gồm một giám đốc khoa học là GS Ngô Bảo Châu, một giám đốc điều hành và bảy chuyên viên. Hội đồng khoa học gồm 14 thành viên đều là các chuyên gia hàng đầu của các viện nghiên cứu và trường đại học trong và ngoài nước. Không kể GS Ngô Bảo Châu, Chủ tịch Hội đồng khoa học (giảng dạy và nghiên cứu tại Ðại học Chi-ca-gô, Mỹ) còn có các thành viên như GS Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản), GS Ðinh Tiến Cường (Ðại học Paris 6), GS Vũ Hà Văn (Ðại học Yale, Mỹ)...

Ban tư vấn quốc tế gồm 6 người, tất cả đều là  giáo sư nổi tiếng thuộc các quốc gia Pháp, Mỹ, Ðức, Ấn Ðộ. Chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2012, trong điều kiện cơ sở vật chất còn phải thuê mượn một số phòng làm việc của thư viện Tạ Quang Bửu (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), bước đầu VIASM đã có những hoạt động khá sôi nổi theo mô hình một tổ chức nghiên cứu khoa học quốc tế.

Hình thức hoạt động chính của VIASM là tổ chức các nhóm nghiên cứu, tập hợp các nhà khoa học trong cùng một lĩnh vực đến làm việc một thời gian nhất định tại viện (ngắn nhất là hai tháng, dài nhất không quá một năm). GS Ngô Bảo Châu, với trách nhiệm là giám đốc khoa học, hằng năm giành ba tháng từ Mỹ về làm việc. Các giáo sư, chuyên gia nước ngoài đến giảng bài, dự hội thảo (do GS Ngô Bảo Châu giới thiệu, nhóm nghiên cứu đề xuất).

Việc tuyển chọn cán bộ được thực hiện một cách công khai, bảo đảm chất lượng. Nghĩa là thông tin tuyển chọn được đưa lên mạng trước từ một đến ba tháng. Các thành viên hội đồng khoa học truy cập và xem xét hồ sơ của từng ứng viên, rồi thảo luận, và có ý kiến nhận xét đánh giá qua mạng. Chủ tịch HÐKH tổng hợp đối chiếu các tiêu chí đã ban hành, dự kiến danh sách tuyển chọn để HÐKH cho ý kiến cuối cùng.

Năm 2012, VIASM đã tuyển chọn được 61 nghiên cứu viên (đa phần là các phó giáo sư, tiến sĩ thuộc các viện, trường trong và ngoài nước) đến viện làm việc từ hai tháng đến sáu tháng (không kể hai trường hợp nghiên cứu sau tiến sĩ với thời gian một năm). Ðồng thời, Viện cũng mời 20 giáo sư, chuyên gia từ các nước Mỹ, Pháp, Ðức, Nga, Ấn Ðộ, Ukraina... trong đó có các giáo sư người Việt Nam ở nước ngoài như GS Hồ Tú Bảo, GS Vũ Hà Văn về giảng bài, trao đổi các chuyên đề khoa học do VIASM "đặt hàng".

Năm 2012, Viện hình thành được hơn mười nhóm nghiên cứu và đi theo sáu hướng, đó là: Lý thuyết tối ưu; Ðại số, hình học và đại số, lý thuyết số; Ứng dụng của toán học trong công nghệ thông tin; Tôpô đại số; Lý thuyết hệ thống và điều khiển; Giải tích phức và hình học.

Mỗi nhóm nghiên cứu được bố trí một giáo sư có uy tín  trong hoặc ngoài nước làm trưởng nhóm. Các nghiên cứu viên thuộc các cơ quan, đơn vị trong nước đến làm việc tại viện, theo cơ chế được giữ nguyên lương nơi mình công tác. Ngoài ra, khi kết thúc đợt học tập và nghiên cứu còn được VIASM chi trả một khoản phụ cấp theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Cùng với việc bước đầu ươm tạo các nhóm nghiên cứu đi sâu vào các chuyên ngành, VIASM cũng đã tổ chức được mười cuộc hội nghị, hội thảo, trường, lớp chuyên biệt thu hút hơn 1.000 lượt cán bộ, chuyên gia và sinh viên giỏi toán trong nước và ngoài nước tham dự.

Không khí học thuật cởi mở, cùng trao đổi và tranh luận để tìm ra chân lý mà không hề có sự áp đặt, đã khiến cho những người dự các lớp nghiên cứu, cũng như khách mời đến làm việc tại viện cảm thấy hài lòng, bổ ích và hiệu quả. Có thể nói, đây là những tín hiệu khởi đầu nhằm vực dậy nền toán học nước nhà trong Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học giai đoạn 2010-2020.

GS Ngô Bảo Châu đã từng nhấn mạnh: Ý tưởng xây dựng một Viện nghiên cứu cao cấp ở Việt Nam theo mô hình ở các nước tiên tiến là một ý tưởng tốt  đẹp. Nhưng nó không thể trở thành hiện thực nếu thiếu sự ủng hộ vững chắc của Chính phủ, của Bộ GD&ĐT và các bộ ngành liên quan. Nó cũng không thể hoàn thành sứ mạng của mình với Toán học và Khoa học Việt Nam nếu thiếu sự ủng hộ của chính cộng đồng khoa học Việt Nam cũng như sự hợp tác của cộng đồng khoa học quốc tế.

Theo GD&TĐ