Vụ clip phao thi Bắc Giang: Vì sao người hùng trở thành "kẻ tội đồ"?

21/06/2012 06:03
Độc giả Lâm Tùng
(GDVN) - Nếu chúng ta dung túng cho tiêu cực thì có nghĩa là cả xã hội cùng dắt nhau xuống hố, giáo dục còn đâu là “quốc sách hàng đầu”, nhân tài còn đâu là "nguyên khí của quốc gia" nữa.
Ngay sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: Người chống gian lận thi cử ở Bắc Giang bị xỉ vả: "Mày ác quá"!, Báo Giáo dục Việt Nam tiếp tục nhật được hàng trăm chia sẻ của độc giả, bày tỏ sự bức xúc trước giáo viên THPT DL Đồi Ngô và sự thông cảm, chia sẻ với thầy giáo N.D.N. Sau đây, Báo Giáo dục Việt Nam xin đăng tải bức thư của độc giả Lâm Tùng:

Tôi còn nhớ, năm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đứng lên phát động phong trào“hai không” chống tiêu cực trong giáo dục, bà con quê tôi có vài người cho con học hết cấp II rồi thôi. Họ nói: “Học cấp III làm gì cho tốn tiền, đằng nào với sức học này cũng không có được bằng tốt nghiệp THPT đâu. Thôi thì cho nó đi học nghề phụ giúp cha mẹ”. Ai ngờ mấy năm sau tiêu cực lại vẫn tồn tại, tỷ lệ tốt nghiệp các trường trong huyện lại cao vùn vụt, những người cho con nghỉ học cấp III méo mặt, tiếc nuối.

Từ câu chuyện nhỏ quanh làng ngõ xóm này mới hay dân ta thường có tâm lý học theo kiểu: "un trâu qua rào", tinh thần tiêu cực trong giáo dục là tinh thần luôn thường trực và mang tính chất tập thể. Ai cũng muốn con mình dù học kém nhưng vẫn đỗ tốt nghiệp THPT. Vì vậy, nếu có ai đứng lên vùi dập mong muốn đó của họ, sẽ bị tách biệt khỏi tập thể. Đó chẳng phải là tâm lý bầy đàn hay sao?

Hình ảnh lấy từ clip tố cáo tiêu cực tại Hội đồng thi trường THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang
Hình ảnh lấy từ clip tố cáo tiêu cực tại Hội đồng thi trường THPT DL Đồi Ngô, Bắc Giang

Một trường hợp rất cụ thể là vụ việc clip tố cáo tiêu cực tại Bắc Giang thời gian vừa qua. Sau khi em thí sinh S. tố cáo tiêu cực đã có những phản ứng không tích cực từ một vài quan chức, phía độc giả, cư dân mạng... Thậm chí, có bạn trẻ còn hùng hổ dọa "xử", đòi lập hội truy lùng thí sinh đã quay clip, vì cho rằng cậu học trò này đã "dốt" còn thích chơi chội.

Tôi hoàn toàn ngạc nhiên trước tâm lý này của giới trẻ. Điều gì đã khiến các em có những suy nghĩ xấu xí như vậy? Đó có thể là thói ích kỷ, lười nhác và thậm chí là sự độc ác tồn tại trong những tâm hồn chúng ta tưởng là non trẻ. Thế nhưng, khi được hỏi, các bạn luôn khẳng định đây là do áp lực học hành quá lớn khiến học sinh bị hổng một lượng kiến thức nhất định, vì thế quay cóp là chuyện đương nhiên.

Thật không thể tin nổi, căn bệnh thành tích đã ăn sâu trong tư tưởng của các giáo viên Bắc Giang khi họ không biết nhận lỗi lại còn xỉ vả thầy giáo tổ chức quay clip. Thầy giáo N. (người hướng dẫn học sinh S. sử dụng máy quay) đã bị chính những giáo viên tại THPT DL Đồi Ngô mắng như tát nước: “Nếu như cứ áp vào quy chế thì chắc chắn là họ sai rồi, họ bị xử lí rồi, nhưng mình là người, là đồng nghiệp mà lại làm như thế thì quả là ác quá, vô tâm quá”.

Giáo viên L. T. H còn giận dữ: “Mày ác quá N. ạ. Tình nghĩa bao năm của chị em mình mà mày chẳng coi ra gì cả. Chị đã bảo mày rồi là cái nào có mặt chị thì mày chừa chị ra. Mày còn sống ở đất Lục Nam này chứ mày chưa chết ngay được đâu N. à”. Vì tất cả các mối quan hệ xung quanh, lợi ích cá nhân nên họ sẵn sàng làm sai và ngụy biện cho chính mình với lý do chân chính: lòng thương người. Những suy nghĩ "làm phúc phải tội" của giáo viên THPT DL Đồi Ngô chỉ là biện minh. Những giáo viên đáng kính không bao giờ phát biểu như vậy. Họ nhận trách nhiệm cao quý là "trồng người" mà lại cứ nhắm mắt cho những học sinh yếu, kém lên lớp, qua hết các kỳ thi tuyển. Theo tôi, họ không phải "dạy người" mà là "hại người", chữ "làm phúc" họ nói nên đổi lại thành "gieo họa" mới đúng. Trong bài viết: Người chống gian lận thi cử ở Bắc Giang bị xỉ vả: "Mày ác quá", tôi có thấy tác giả nhắc đến việc hai bà L.T.H và K.T khóc lóc vì mất việc. Nhưng dường như họ vẫn còn cay cú lắm, vẫn khăng khăng vơ lấy vài lý do nào đó để nhẹ tội, hoặc chí ít thì cũng để hàng xóm láng giếng, rồi nhân dân quanh vùng "thông cảm". Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, họ vẫn là những người đã mắc sai phạm, mà đó còn là sai phạm nghiêm trọng, điều ấy không thể chối cãi. Họ nên tìm một công việc khác phù hợp hơn là nghiệp "trồng người".
Một điều không thể phủ nhận trong xã hội hiện nay là luân thường đạo lý ngày càng bị băng hoại, những giá trị đạo đức bị đảo lộn. Nhiệm vụ của giáo dục là đào tạo con người trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Con người được đào tạo ra vừa phải có đức, vừa phải có tài. Nếu như trong giáo dục mà có sự gian dối, chấp nhận những thói hư, tật xấu thì sẽ cho "ra lò" những phế phẩm, kiến thức rỗng, đạo đức xuống cấp.

Cái thời của con trai tôi đi thi, cháu về kể tôi nghe học sinh đi thi vừa quay cóp vừa chế giễu giám thị đang "bắc chân chữ ngũ" buôn dưa lê ngoài hành lang bằng câu thơ nhại: “Ngày xưa giám thị cũng đi thi/ Cũng nhìn cũng liếc, cũng coppy” mà đau lòng. Nhưng đó là từ miệng con trẻ, càng đau lòng hơn khi đọc và nghe chính những người làm trong ngành giáo dục kể chuyện chữa điểm cho học trò, quay cóp, học tới cấp hai mà không biết chữ là... chuyện bình thường. Những người trong nghề nói được câu đó thì mới hiểu nền giáo dục nước nhà suy giảm đến mức nào.

Tiêu cực trong giáo dục mang tính chất tập thể, người chống lại cái xấu đồng nghĩa với việc chống lại một lực lượng kẻ thù lớn. Xã hội không ai muốn vạch trần bộ mặt của cái xấu thì sự tăng trưởng của tiêu cực lại tăng lên cấp số nhân. Những người chống tiêu cực chỉ là “thấp cổ bé họng” mà thôi.  Như vậy, những anh hùng kia lại trở thành "tội đồ", bởi ranh giới giữa anh hùng và tội đồ là quá mong manh, bởi xã hội có quá nhiều thói dối trá. Những người như thầy Đỗ Việt Khoa, em S. và thầy N. rất có thể bị cô lập, chửi bới, trù dập...
Xã hội vốn có sự phân công theo quy luật, người giỏi sẽ vươn lên, người học kém cho dù gian lận trong thi cử được một vài lần nhưng ra cuộc đời sẽ bị đào thải. Nếu chúng ta dung túng cho tiêu cực thì có nghĩa là cả xã hội cùng dắt nhau xuống hố, giáo dục còn đâu là “quốc sách hàng đầu”, nhân tài còn đâu là "nguyên khí của quốc gia" nữa.

Qua câu chuyện clip tiêu cực trong thi cử này, tôi thấy cái đáng lo và đáng buồn của xã hội bây giờ là sự vô cảm, bàng quan với sai phạm Có thể số đông lo sợ rủi ro, biết mình không thay đổi được gì cho xã hội hoặc họ quá quen thuộc đến thờ ơ với những cái xấu, cái ác. Bởi tiêu cực tồn tại đầy rẫy xung quanh, người ta dần quen gọi nó là bạn, thay vào vị trí kẻ thù. 
Độc giả Lâm Tùng