Ý kiến của Giáo sư Đào Trọng Thi có đi ngược chủ trương?

07/05/2017 07:58
Tiến sĩ Dương Xuân Thành
(GDVN) - Liệu có nên lấy chính câu hỏi của ông mấy năm trước để hỏi: “không hiểu với tư cách gì mà ông Giáo sư này lại có phát biểu như vậy?”.

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và phân tích chính sách, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam).

Trong bài viết này, ​Tiến sĩ Dương Xuân Thành đưa ra những trao đổi, phản biện trước ý kiến của Giáo sư Đào Trọng Thi về việc không thừa nhận sự tồn tại của các trường đại học tư thục có lợi nhuận.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ngày 26/4/2017,  Giáo sư Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội) thay mặt Hiệp hội đã gửi công văn tới lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phản ánh bức xúc của nhiều trường thuộc Hiệp hội trước phát biểu của Giáo sư Đào Trọng Thi.

Công văn có đoạn: “Vừa qua Hiệp hội các trường Đại học - Cao đẳng Việt Nam nhận được ý kiến từ khá nhiều lãnh đạo khá nhiều trường đại học ngoài công lập phản ánh sự bức xúc gay gắt đối với phát biểu của Giáo sư Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa 12 tại cuộc Hội nghị về giáo dục Đại học ngoài công lập ngày 18/4/2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì…”.

Đâu là nguyên nhân dẫn tới việc Hiệp hội phải gửi công văn này?

Để trả lời câu hỏi, cần quay lại quá trình soạn thảo Luật Giáo dục đại học.

Phát biểu của Giáo sư Đào Trọng Thi tại hội nghị, nếu là ý kiến cá nhân có thể xem là bình thường bởi mỗi người đều có quyền nói lên chính kiến của mình.

Vấn đề là ở chỗ ông đã đề cập đến Luật Giáo dục Đại học mà ông là người có ảnh hưởng nhất định.

Giáo sư Đào Trọng Thi là người chủ trì xây dựng Luật Giáo dục đại học khi còn là Chủ nhiệm Ủy ban tại Quốc hội.

Giáo sư Đào Trọng Thi là người chủ trì xây dựng Luật Giáo dục Đại học khi còn là Chủ nhiệm Ủy ban tại Quốc hội. (Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn)
Giáo sư Đào Trọng Thi là người chủ trì xây dựng Luật Giáo dục Đại học khi còn là Chủ nhiệm Ủy ban tại Quốc hội. (Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn)

Dưới sự chỉ đạo của ông, Luật Giáo dục đại học có một điều khoản (điều 66) đưa ra những quy định cứng nhằm mục đích từng bước chuyển đổi vai trò chủ sở hữu tư nhân các trường ngoài công lập (trường đại học tư thục) sang dạng trường mà tài sản là “sở hữu chung không phân chia”.

Đáng chú ý là khoản 3, 4 điều này quy định:

3. Phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học tư thục được sử dụng như sau:

a) Dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế;

b) Phần còn lại, nếu phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở giáo dục đại học thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

4. Giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục và giá trị của các tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng cho cơ sở giáo dục đại học tư thục là tài sản chung không chia, được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.

Có hai điều không bình đẳng giữa các doanh nghiệp tư nhân và đại học ngoài công lập mà người viết đã nhiều lần đề cập.

Thứ nhất, bắt buộc Hội đồng quản trị các đại học ngoài công lập phải có đại diện chính quyền địa phương đại diện đoàn thể và các tổ chức quần chúng trong khi những người này không góp vốn xây dựng trường.

Thứ hai, bắt buộc các đại học ngoài công lập phải dành ít nhất 25% cho các hoạt động đầu tư, bồi dưỡng hoặc cho mục đích từ thiện,…

Ý kiến của Giáo sư Đào Trọng Thi có đi ngược chủ trương? ảnh 2

Hiệp hội đề nghị các cấp làm rõ ý kiến của Giáo sư Đào Trọng Thi

(GDVN) - Ngày 26/4, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi công văn đề nghị làm rõ ý kiến của Giáo sư Đào Trọng Thi về vấn đề trường ngoài công lập.

Mặc dù các đại học tư thục không hoạt động theo Luật Doanh nghiệp song lại phải nộp thuế theo Pháp luật Thuế, nghĩa là xem cơ sở giáo dục đại học cũng như doanh nghiệp.

Cần thấy rằng các đại học ngoài công lập Việt Nam hiện nay chưa có trường nào thực sự là “không vì lợi nhuận”, dù có một vài trường tự nhận là “phi lợi nhuận”.

Một khi đại học ngoài công lập chủ yếu hoạt động “vì lợi nhuận” cộng với chủ trương “tự chủ đại học” thì không thể đưa ra quy định cứng về khoản tái đầu tư trong hoạt động của trường.

Sự không rõ ràng trong khoản 4 điều 66 là sự lồng ghép một cách khiên cưỡng giữa “tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động” và “tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng”.

Phần tài sản có được do tài trợ, ủng hộ, hiến tặng được coi là tài sản chung không chia là hợp lý, nhưng phần tích lũy được trong quá trình hoạt động không thể xem là “của chung” bởi lẽ nó là kết quả kinh doanh của người đầu tư (sau khi đã thanh toán sòng phẳng cho người lao động và nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế).

Trong ý kiến phát biểu phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 đang họp tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập một số vấn đề về kinh tế:

 “Doanh nghiệp Nhà nước chưa thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể chậm đổi mới và phát triển; kinh tế tư nhân phát triển chưa thật nhanh, bền vững và lành mạnh. 

Bên cạnh đó, việc tiếp cận các nguồn lực xã hội chưa bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế. 

Hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, chất lượng chưa cao và việc tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập. Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao. 

Quyền sở hữu tài sản, nhất là quyền của người góp vốn chưa được bảo đảm thực thi đầy đủ”.

Để thay đổi tình trạng đó Trung ương sẽ ban hành “Nghị quyết mới chỉ đạo kinh tế thị trường”.

Khi Trung ương và Tổng Bí thư đã nhận thấy bất cập trong hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh và đặc biệt là “Quyền sở hữu tài sản, quyền của người góp vốn chưa được bảo đảm thực thi đầy đủ” thì vì sao ông Đào Trọng Thi lại nêu quan điểm “không thừa nhận sự tồn tại của các trường đại học tư thục có lợi nhuận, đồng thời đã giải thích việc đưa vào các quy định cứng tại Điều 66 Luật Giáo dục đại học là nhằm mục đích từng bước chuyển đổi vai trò của sở hữu tư nhân đối với trường đại học tư thục qua cái gọi là “sở hữu chung không phân chia” (trích ý kiến của Hiệp hội).

Phát biểu của ông Đào Trọng Thi hoàn toàn trái với ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bởi khi chuyển vai trò của sở hữu tư nhân đối với trường đại học tư thục thành sở hữu chung không phân chia thì cũng có nghĩa là “công hữu hóa” tài sản cá nhân, đi ngược lại các quy định của pháp luật về quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân.

Cũng xin trích dẫn thêm phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 5 khóa 12:

Báo cáo tổng kết 15 năm (2002-2017) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá 9 "Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân" đã được xây dựng, biên tập, chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở các báo cáo tổng kết và ý kiến đóng góp của hầu hết các ban, bộ, ngành và các tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương; kế thừa kết quả tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới; tham vấn ý kiến các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội-nghề nghiệp, hiệp hội ngành nghề và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý”.

“Phát triển kinh tế tư nhân” là chủ trương xuyên suốt của Đảng từ khóa 9 đến nay, chủ trường này nhận được sự đóng góp công sức của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội-nghề nghiệp, hiệp hội ngành nghề và nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý”.

Phải chăng vì là người chủ trì soạn thảo Luật Giáo dục đại học nên ông Đào Trọng Thi phải bảo vệ đến cùng quan điểm của mình, dù nó không phù hợp với nhận định của Trung ương?

Còn nhớ năm 2014, khi Hiệp hội các trường đại học, Cao đẳng ngoài công lập có văn bản góp ý với Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức một kỳ thi quốc gia duy nhất, kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học, lấy đó làm cơ sở để tuyển sinh cao đẳng, đại học, ông Đào Trọng Thi đã từng phát biểu: “không hiểu với tư cách gì mà Hiệp hội này lại có đề nghị như vậy?”. [1]

Liệu có nên lấy chính câu hỏi của ông mấy năm trước để hỏi: “không hiểu với tư cách gì mà ông Giáo sư này lại có phát biểu như vậy?”.

Tài liệu tham khảo:

[1 http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/de-nghi-bo-thi-dai-hoc-la-trai-luat-1390160855.htm

Tiến sĩ Dương Xuân Thành