Ý kiến, tâm tư về quỹ lớp, lo thầy

16/05/2017 07:05
Thiên Ấn
(GDVN) - "Bố mẹ ở quê làm nông, lo tiền đuối luôn, có lúc phải vay nóng, vay nguội gởi cho em… Làm sao bớt lo, bớt mệt mỏi với việc quỹ lớp bây giờ?"

 LTS: Sau khi bài viết “Nhà tôi không thiếu thứ gì, chỉ mỗi cái tủ lạnh là cũ kỹ” của tác giả Thiên Ấn được đăng tải trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, tác giả đã nhận được nhiều ý kiến về vấn đề "đi phong bì" thầy cô.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng độc giả.

Đọc bài “Nhà tôi không thiếu thứ gì, chỉ mỗi cái tủ lạnh là cũ kỹ” của tôi trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 8/5, nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi khá tâm đắc và có gửi nhiều ý kiến chia sẻ, tâm tư…

Tiến sĩ Nguyễn Văn Giang, Trưởng phòng đào tạo trường Cao đẳng sư phạm tỉnh Kon-Tum chia sẻ: 

Trước đây, tôi từng trải qua lớp cao học chính quy ở Hà Nội, song ít phải tốn khoản quỹ lớp, lo cho thầy cô giáo. Học viên nào lười học bị thi lại… tơi tả.

Nhưng nay, nghe nói, các học viên tốn kém khoản đó nhiều lắm. Theo tôi như thế là không nên.  

Cán sự lớp chọn lựa ra cái chính để tổ chức, điều hành, giúp đỡ nhau trong học tập chứ không phải để lo mỗi chuyện quỹ lớp, chăm sóc, gần gũi giảng viên để đề cương gọn, đề thi dễ, điểm số cao, không phải thi lại….”     

Việc đóng quỹ lớp để "lo thầy cô" đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. (Ảnh minh họa: plo.vn)
Việc đóng quỹ lớp để "lo thầy cô" đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. (Ảnh minh họa: plo.vn)

Mỗi lớp học, có nhiều độ tuổi, điều kiện, hoàn cảnh, mức thu nhập khác nhau. Người lương cao, có khoản nọ, khoản kia, mỗi tháng, mỗi quý đóng vài triệu tiền quỹ lớp không thành vấn đề gì. 

Đối với người lương thấp, nhất là các sinh viên mới ra trường còn phụ thuộc vào cha, mẹ, gia đình thì số tiền ấy quả là cả một mối lo lớn.

Em N.T.T, 25 tuổi, học viên một lớp thạc sĩ ở Đà Nẵng cho biết: “Không đóng, không theo tập thể, cán sự lớp, tụi em cảm thấy áy ngại quá, sợ mọi người sẽ đánh giá mình thế nọ, thế kia.

Nhưng lúc nào cũng phải theo, đóng quỹ lớp cả tiền triệu, tụi em chịu hết nổi.

Bố mẹ ở  quê làm nông, lo tiền đuối luôn, có lúc phải vay nóng, vay nguội gởi cho em… Làm sao bớt lo, bớt mệt mỏi với việc quỹ lớp bây giờ? 

Hiện tượng học viên lười học, giỏi lo thầy để được “qua chuông” không còn là câu chuyện hiếm nữa”.        

Nhà tôi không thiếu thứ gì, chỉ mỗi cái tủ lạnh là cũ kỹ

(GDVN) - Có nhiều học viên lo lắng, thầy cô không nhận quà, phong bì của mình thì nguy to, lúc kiểm tra, thi cử dễ cho đề cương nhiều và điểm số thấp.

Đề cập về thái độ, trách nhiệm của một số giảng viên đối với lớp học, nhiều học viên thi nhau “tố”: 

Thầy H của lớp anh thuộc dạng chúa nhậu, nhậu đã rồi, lần nào cũng có nhu cầu đi “tăng” hai, “tăng” ba, vì nể thầy, lớp anh phải đi tiếp cả đêm; 

Thầy Q của lớp em, nhân ngày lễ, lớp em chỉ mời cá nhân thầy đi chơi, du lịch với  lớp cho vui, thay vì thầy đi một mình, thầy còn kéo theo cả gia đình 5 người nữa, bọn em phải lo đến cắm đầu; 

Còn cô L của lớp cháu thì nổi tiếng với sở thích đi mua sắm hàng hiệu, chuyên đề của cô có 4 ngày, sau màn gợi ý của cô từ buổi dạy học đầu tiên, tối nào lớp cũng phải cử các học viên nữ dẫn cô đi siêu thị mua sắm… tất nhiên lớp chi tiền
”.       

Chị Trương Thị Mỹ Hạnh, cán bộ Phòng Giáo dục, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) có ý kiến:

Việc các lớp thạc sĩ… bây giờ đẻ ra chuyện đóng quỹ lớp quá nhiều để chăm lo chu đáo cho thầy, cô giáo, theo tôi có cái gì đó bất ổn, vừa tội cho các đối tượng học viên còn khó khăn, vừa dễ làm cho một số giảng viên sinh hư và các học viên có tư tưởng chủ quan, ỷ lại, dựa dẫm trong học tập, làm luận văn… 

Các thầy cô giáo đi dạy đã có chế độ chi trả, thanh toán của nhà trường rồi, can cớ chi các lớp lại bày vẽ... 

Cái tâm lý, tư tưởng luôn sợ giảng viên sẽ khó, dễ với mình cần loại bỏ dần và mong mọi giảng viên gương mẫu, đánh giá nghiêm túc, vượt qua được những “cám dỗ”của cán sự, tập thể lớp”.

Thiên Ấn