Ý xưa - Ngẫm lại trong sự nghiệp giáo dục nước ta hiện nay

30/04/2014 06:09
Hoàng Nguyên – Văn Chuyên
(GDVN) - Trong lịch sử phong kiến ở từng thời kì, tùy theo yêu cầu của thời đại, việc áp dụng “đức trị” hay “pháp trị” được thực thi ở mức độ khác nhau.
Tư tưởng Nho gia cho rằng, con người ta sinh ra vốn mang tính thiện “Nhân chi sơ tính bản thiện”... Vì vậy cho nên giáo dục của Nho gia chủ trương khơi dậy tính thiện của con người, khi thiện căn được củng cố giữ vững và phát triển sẽ hướng con người theo được chính đạo, tự giác rèn luyện phấn đấu, thực hiện trách nhiệm bổn phận với xã hội và cuộc đời.

Trái ngược với quan điểm đó, Pháp gia lại khẳng định “Nhân chi sơ, tính bản ác” con người ta sinh ra vốn mang tính ác, bản chất gốc rễ của con người là ác. Vì vậy, giáo dục con người cần phải chế ngự tính ác bằng pháp trị, nghiêm hình có như thế mới đảm bảo kỉ cương yên ổn. Vì thế, ngày xưa vị trí người thầy giáo được đặt lên trên cha mẹ. 

Trong lịch sử phong kiến (Việt Nam và Trung Hoa) ở từng thời kì, hai hệ tư tưởng ấy tùy theo yêu cầu của thời đại, việc áp dụng “đức trị” hay “pháp trị” được thực thi ở mức độ khác nhau, thành tựu và hệ lụy cũng khác nhau nhưng đều để lại cho đời sau nhiều bài học quý giá và những kinh nghiệm bổ ích trong việc giáo dục, đào tạo con người cũng như duy trì kỉ cương nền nếp từ trong gia đình đến cộng đồng xã hội và quốc gia.

Là những người làm giáo dục, chúng ta thấy gì, học tập được gì và thực hành được những gì từ quan điểm và triết lí của người xưa trong công việc thường nhật của người thầy: Giáo dục học sinh?
Trước hết phải thấy rằng, giáo dục nói chung và giáo dục nhân cách học trò (trong trường học) nói riêng không hề dễ dàng bởi nhiều lí do. Trong đó, phải kể đến một yếu tố là tính phức tạp trong đời sống cá nhân mỗi người và tính phức tạp giữa các cá nhân trong tập thể (học sinh chúng ta không phải là một loại sản phẩm được ra đời từ một khuôn đúc sẵn, theo một công thức chế tạo định trước), trước mắt chúng ta là những con người, những học sinh có thể chất, tâm hồn tư tưởng, tình cảm, năng lực, suy nghĩ, lối sống khác nhau. Là kết quả của sự tác động tổng hoà của nhiều yếu tố tự nhiên, xã hội không giống nhau. Làm thế nào để tất cả các em đều phát triển theo định hướng tích cực của nhà trường, của thầy cô?

Mặt khác lại phải thấy rằng, trong nhà trường, sự tác động của người thầy đối với học trò là sự tác động quan trọng hàng đầu gần như là yếu tố quyết định thiên hướng phát triển năng lực và định hình nhân cách của các em.Về điều này, người xưa cũng đã đúc kết “Giáo bất nghiêm, sư chi đoạ” (Dạy học trò không nghiêm là lỗi ở thầy), “thầy nào trò ấy” có lẽ cũng không sai.

Vậy giáo dục nhân cách, rèn năng lực phẩm chất cho học sinh trong nhà trường nên bắt đầu từ đâu? Có lẽ nên bắt đầu, phải bắt đầu từ người thầy.

Trở lại với cách đặt vấn đề nêu trên, người thầy có thể bằng hai con đường cơ bản để giáo dục học sinh: Cảm hoá bằng tình cảm (đức trị) và sử dụng kỉ luật nghiêm (pháp trị). Nhưng rõ ràng là không thể tránh khỏi sai số và hệ lụy.

Thực tế nhiều học sinh không thể dùng lời nói, hoặc là dùng tình cảm đơn thuần để động viên khích lệ giáo hoá. Lại có những học sinh trở nên chai lì, bất cần, bất chấp kỉ luật và cả hình phạt. Những đối tượng như vậy đòi hỏi mỗi người thầy phải thực sự là những “kĩ sư tâm hồn” hết sức uyển chuyển, linh hoạt và khéo léo.

Nhưng dù linh hoạt, khéo léo, mềm dẻo và uyển chuyển đến mức nào thì một yếu tố không thể thiếu đó là “cái uy” của người thầy trước học trò. Nếu thiếu “cái uy” này thì mọi cố gắng có thể đều không mang lại hiệu quả.

Nếu thầy không có uy, khi cảm hoá bằng tình cảm đơn thuần có thể  học sinh sẽ “nhờn”, sẽ cho là giả dối. Nếu thầy không có uy, khi nghiêm hình phạt dễ làm trẻ oán giận, phản ứng tiêu cực.

Có nghĩa là tự bản thân người thầy phải toát lên sức mạnh cảm hoá thu phục, cuốn hút, hấp dẫn học sinh, để các em tự nguyện tự giác, tự động theo chỉ dẫn của thầy. Nói khác đi là phải làm thế nào để biến quá trình giáo dục của thầy thành quá trình tự giáo dục của trò.

Thầy không cần dùng những lời “ái mĩ”, không cần thể hiện tình cảm ồn ào mà học sinh vẫn cảm được tấm lòng, đức độ của thầy mà sinh lòng cảm mến mà vâng lời thầy.

Thầy không cần ra “uy”, không quá nghiêm khắc đến độ “sắc lạnh” mà trò vẫn nể sợ khuôn phép.

Khó lắm thay!

Nhưng mỗi người thầy chúng ta đều có thể nắm trong tay bí quyết thần kì ấy. Bởi xét cho cùng, “uy” của người thầy chính là cái uy tín thực chất, (nhân cách thực chất, tài năng thực chất,tình yêu thương thực sự dành cho trẻ, dành cho nghề, lòng hi sinh và đức tận tụy...) toả sáng một cách tự nhiên không cần đánh bóng, được thể hiện một cách nhuần thấm trong sinh hoạt, trong cư xử, trong lao động học tập công tác, trong mọi lĩnh vực hoạt động cũng như trong mọi mối quan hệ...

Để có được điều đó, không có con đường nào khác là bản thân mỗi người thầy phải nghiêm túc rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi kinh nghiệm sống... phải thực sự "khắc kỉ vị nhân", lời nói đi đôi với việc làm. Điều này khó nhưng không phải không làm được.

Hiện nay, chúng ta đã và đang đồng thời tổ chức thực hiện nhiều cuộc vận động lớn trong nghành: Cuộc vận động xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực, làm cho học sinh thêm yêu trường mến lớp, các em thực sự cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Cuộc vận động: Kỉ cương, tình thương trách nhiệm, tăng cường chỉnh đốn kỉ cương trường lớp gắn với việc tôn vinh đề cao lòng nhân ái, tình yêu thương, tinh thần trách nhiệm thực sự của đội ngũ nhà giáo đối với các em. 
Đó chính là sự vận dụng sáng tạo linh hoạt, sự kết hợp hài hoà, sự kế thừa, phát huy những tinh hoa trong quan điểm giáo dục của cổ nhân, nhưng vẫn gắn với thực tiễn và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ giáo dục đào tạo trong thời đại mới.

Bên cạnh đó, những cuộc vận động: Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức về tinh thần tự học và sáng tạo, chính là con đường là biện pháp hữu hiệu để những người thầy chúng ta tự xây dựng cái uy của mình trong con mắt học trò. Đó là bí quyết để chúng ta nhận được sự tin tưởng tôn kính của các em - khởi nguồn của những thành công trong giáo dục thế hệ trẻ.

“Sử nhân uý bất như sử nhân ái, cầu nhân tài bất nhược đắc nhân tâm” (làm người sự chẳng bằng khiến người yêu, cầu người tài chẳng bằng lấy nhân tâm), có lẽ vẫn là một bí quyết trong nghề dạy - học vậy!
                                                                                              
Hoàng Nguyên – Văn Chuyên