4 hợp đồng vũ khí đang được Trung -Nga bàn có ảnh hưởng đến khu vực?

23/01/2014 10:08
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết nhấn mạnh triển vọng hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung và ảnh hưởng của nó đối với việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ ở xung quanh.
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga
Trung-Nga đang bàn 4 chương trình thương mại vũ khí, Trung Quốc nhập khẩu tàu ngầm để ứng phó Nhật Bản", bài viết này của tác giả Vasilii Cashin, báo "Người đưa tin công nghiệp quân sự" Nga.

Bài viết cho rằng, các nhân tố chính trị quân sự thúc đẩy quan hệ Nga-Trung trong lĩnh vực chính trị và kinh tế phối hợp lẫn nhau, làm cho hợp tác kỹ thuật quân sự song phương cũng đã xuất hiện “phục hưng” mới.

Nửa sau thập niên đầu của thế kỷ 21, việc nhận định mức độ hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung giảm xuống và không tránh khỏi từng bước yếu đi hầu như đã được thừa nhận rộng rãi.

Nhưng, đến nay, có thể tin rằng, giai đoạn suy yếu đã kết thúc. Xuất khẩu hàng hóa công nghiệp quân sự của Nga cho Trung Quốc đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng vững chắc, quy mô thậm chí có thể so sánh với "thời kỳ hoàng kim" hợp tác kỹ thuật quân sự hai nước từ thập niên 1990 đến đầu thế kỷ này, đồng thời trong mấy năm tới có cơ hội phá vỡ kỷ lục lịch sử hình thành ở thời đại hậu Liên Xô.

Mô hình tàu ngầm Amur-1650 Nga
Mô hình tàu ngầm Amur-1650 Nga

Hợp tác quân bị Nga-Trung thay đổi

Mặc dù lượng xuất khẩu giai đoạn hiện nay tương tự lượng xuất khẩu danh nghĩa từ thập niên 90 đến đầu thế kỷ 21, nhưng sự khác biệt căn bản giữa hai giai đoạn này ở chỗ tỷ lệ xuất khẩu quân bị hiện nay trong cơ cấu hợp tác Nga-Trung rất nhỏ.

Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, hợp tác kỹ thuật quân sự từng là một trong những lĩnh vực chủ yếu của thương mại hai nước và nền tảng của quan hệ hai nước. Sau khi bước vào thế kỷ 21, cùng với xuất khẩu vũ khí Nga không ngừng đạt đột phá trên thị trường mới, tỷ trọng của Trung Quốc trong cơ cấu xuất khẩu của Nga nhanh chóng giảm đi. Căn cứ vào số liệu đã biết, xuất khẩu vũ khí của Nga đối với Trung Quốc từng đạt đỉnh cao trong mấy năm đầu thế kỷ 21.

Vì vậy, Trung Quốc vẫn là đối tác hợp tác quan trọng của Nga, là thị trường xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai của Nga, sau Ấn Độ, nhưng đã không còn đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự sống còn của công nghiệp quốc phòng Nga.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Bộ Quốc phòng Nga ngày 23 tháng 3 năm 2013
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Bộ Quốc phòng Nga ngày 23 tháng 3 năm 2013

Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin năm 2013 tuyên bố, xuất khẩu chỉ chiếm 22% trong hệ thống tiêu thụ quốc phòng Nga, đơn đặt hàng trong nước lên tới 45%, 33% còn lại là sản xuất sản phẩm quốc phòng.

Đơn đặt hàng trong nước của Nga tăng lên, đa dạng hóa xuất khẩu hàng hóa và sự phát triển nghiệp vụ dân dụng của các doanh nghiệp quốc phòng làm cho mức độ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc không ngừng giảm xuống, vì vậy, Nga có mức độ "tự do" tương đối lớn trong quá trình đàm phán.

Căn cứ vào số liệu đã biết, năm 2011, quy mô xuất khẩu hàng hóa quốc phòng cho Trung Quốc của Nga trên 1,9 tỷ USD, xu thế tăng tiếp diễn trong năm 2012. Còn về hợp đồng mới ký kết, căn cứ vào tuyên bố của cấp cao Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga (Rosoboronexport), tỷ lệ nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 12% trong hợp đồng tổng trị giá 17,6 tỷ USD. Điều này có nghĩa là, quy mô hợp đồng mới giữa hai bên tổng cộng trên 2,1 tỷ USD.

Tổng kim ngạch các hợp đồng hiện đã xác định nội dung cụ thể là 1,3 tỷ USD. Trong đó, hợp đồng 600 triệu USD cung cấp cho Trung Quốc 52 máy bay trực thăng Mi-171E, còn hợp đồng 700 triệu USD liên quan đến xuất khẩu 140 động cơ hàng không AL-31F, động cơ này sẽ lắp cho máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30 xuất khẩu cho Trung Quốc và các máy bay chiến đấu J-11B/BS, J-15 và J-16 do Trung Quốc chế tạo.

Nội dung cụ thể của các hợp đồng trị giá 800 triệu USD khác hiện còn chưa rõ, có thể là nhiều hợp đồng có trị giá tương đối nhỏ.

Máy bay trực thăng Mi-17B-7 của lực lượng hàng không Lục quân Trung Quốc, mua của Nga
Máy bay trực thăng Mi-17B-7 của lực lượng hàng không Lục quân Trung Quốc, mua của Nga

Máy bay Trung Quốc bay cao dựa hoàn toàn vào động cơ Nga

Trong 10 năm qua, xuất khẩu động cơ máy bay cho Trung Quốc của Nga luôn duy trì ở mức khá cao. Chính như đại diện giới công nghiệp hàng không Trung Quốc xác nhận, tình hình này sẽ không thay đổi lớn lắm trong mấy năm tới. Xuất khẩu động cơ vẫn có không gian tăng trưởng lớn.

Tuy ngành chế tạo máy bay Trung Quốc đã đạt được tiến bộ gây ấn tượng sâu sắc, nhưng động cơ hàng không vẫn là một trong những trở ngại trong phát triển công nghiệp quân sự của Trung Quốc.

Hiện nay, 3 loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư chủ yếu của Trung Quốc đều sử dụng động cơ do Nga chế tạo, đó là động cơ AL-31F sử dụng cho máy bay chiến đấu J-11B, động cơ AL-31FN sử dụng cho máy bay chiến đấu J-10 và động cơ RD-93 sử dụng cho máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long/JF-17 Thunder. Ngoài ra, máy bay ném bom tên lửa hành trình tầm xa mới nhất H-6K Trung Quốc cũng sử dụng động cơ D-30KP2 do Nga chế tạo.

Các loại máy bay chiến đấu, ném bom... Trung Quốc lệ thuộc vào động cơ Nga, trong đó có máy bay J-10
Các loại máy bay chiến đấu, ném bom... Trung Quốc lệ thuộc vào động cơ Nga, trong đó có máy bay J-10

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga có thể trở thành bộ phận quan trọng của quốc phòng Trung Quốc. Hiện nay, hai loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Trung Quốc J-20 và J-31 đều đang ở giai đoạn bay thử.

Vì vậy, Trung Quốc đã bày tỏ quan tâm đến động cơ hàng không thế hệ tiếp theo của Nga, đặc biệt là động cơ 117S dùng cho máy bay chiến đấu Su-35. Điều cần chỉ ra là, hầu như tất cả các loại máy bay xuất khẩu và dân dụng do Trung Quốc sản xuất đều sử dụng động cơ nhập khẩu.

Nói đến máy bay trực thăng, ngoài mua máy bay trực thăng vận tải, dự kiến Trung Quốc sẽ còn tiếp tục mua máy bay trực thăng chuyên dụng do Công ty Kamov sản xuất với mức độ thích hợp. Đối với Trung Quốc, khả năng sao chép trong ngắn hạn rất nhỏ, hơn nữa cũng không có khả năng.

Xuất khẩu vũ khí mang tính khôi phục

Hợp tác tiến hành công tác nghiên cứu khoa học và thiết kế, thử nghiệm hoặc dựa vào nhu cầu của Trung Quốc thực hiện tại Nga trở thành mô hình cố định trong hợp tác khoa học kỹ thuật hai nước Nga-Trung.

Có nhiều thành quả đạt được trong khuôn khổ mô hình này liên quan đến hệ thống vũ khí của Trung quốc, như tên lửa không đối không PL-12, tên lửa phòng không HQ-16, máy bay huấn luyện L-15, máy bay trực thăng chiến đấu Z-10, máy bay chiến đấu FC-1 Kiêu Long, tàu hộ vệ Type 054A.

Tên lửa không đối không PL-12 Trung Quốc
Tên lửa không đối không PL-12 Trung Quốc

Căn cứ vào tuyên bố của cấp cao Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga (Rosoboronexport), số lượng nhu cầu nghiên cứu phát triển đến từ Trung Quốc đang không ngừng tăng lên.

Tuyên bố không tiết lộ nội dung cụ thể của các chương trình, nhưng có thể trong tương lai sẽ biết được hệ thống vũ khí gây ấn tượng sâu sắc của Trung Quốc do Nga hỗ trợ.

Mấy năm gần đây, một số hệ thống hiện có của Nga xuất khẩu sang Trung Quốc bị trượt dốc, hiện nay, triển vọng xuất khẩu quy mô lớn tiếp tục sáng sủa. Các hợp đồng dưới đây đang trong các giai đoạn thực hiện khác nhau:

Xuất khẩu 24 máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc

Năm 2012, hai bên Nga-Trung ký kết bản ghi nhớ hợp tác, hiện đang đàm phán chi tiết hợp đồng. Dự kiến, hợp đồng chính thức sẽ ký kết vào cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015. Ngoài ra, bán máy bay chiến đấu sẽ không kèm theo chuyển nhượng công nghệ.

Mặc dù quy mô cung ứng có hạn, nhưng máy bay chiến đấu Su-35 có một loạt tính năng ưu việt, đặc biệt là hệ thống radar mới, mạnh của nó, có thể tăng cường rõ rệt khả năng ứng phó cho Trung Quốc trong các cuộc khủng hoảng khu vực như đảo Senkaku.

Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Nga
Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 Nga

Xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không S-400

Hiện nay, hai nước tiếp tục tiến hành đàm phán về vấn đề này. Thời hạn cung cấp hàng hóa cụ thể còn chưa rõ. Trước đây từng có tin cho biết, thời gian cung ứng sẽ xác định khi xem xét tình hình đơn đặt hàng ưu tiên của Không quân Nga.

Trung Quốc bày tỏ quan tâm tới hệ thống tên lửa hạng nặng tầm bắn 400 km. Tên lửa S-400 triển khai ở Trung Quốc có tầm bắn bao trùm lên Đài Loan và đảo Senkaku.

Xuất khẩu cho Trung Quốc sản xuất ở Ulyanovsk

Trung Quốc còn phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đưa máy bay vận tải cỡ lớn Y-20 vào sản xuất hàng loạt. Trung Quốc tập trung vào tăng cường nâng cao thực lực vận tải quân sự chiến lược.

Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nhu cầu của Không quân Trung Quốc đối với máy bay vận tải hạng nặng khoảng 100 chiếc. Hiện nay, Trung Quốc còn mua máy bay vận tải IL-76 của Nga và Ukraine.

Máy bay vận tải IL-476 (IL-76MD-90A) do Nga chế tạo
Máy bay vận tải IL-476 (IL-76MD-90A) do Nga chế tạo

Cung ứng và lắp ráp tàu ngầm động cơ thông thường Type 677 

Hai bên đã ký kết bản ghi nhớ. Các dấu hiệu cho thấy, sự quan tâm của Trung Quốc đối với loại tàu ngầm mới có liên quan đến sự xấu đi của quan hệ Trung-Nhật, nhu cầu này có thể đối phó với tàu ngầm săn ngầm mạnh và hiệu quả cao của Nhật Bản.

Theo bài báo, việc thực hiện cuối cùng bất cứ thỏa thuận nào ở trên đều sẽ trở thành bước nhảy vọt mới trong hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Trung.

Đông Bình