Ấn Độ lo ngại Trung Quốc chiếm được Biển Đông rồi sẽ đến Ấn Độ Dương

07/07/2014 10:42
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc chỉ cần kiểm soát Biển Đông, sẽ tăng cường chi phối Thái Bình Dương, rồi vươn tới Ấn Độ Dương, nhưng họ sẽ vấp phải "chí cường quốc" của Ấn Độ.
Hải quân Ấn Độ (ảnh minh họa)
Hải quân Ấn Độ (ảnh minh họa)
Tờ “Tin tức Tham khảo”, một phiên bản của Tân Hoa xã, Trung Quốc ngày 6 tháng 7 dẫn bài viết “Ảnh hưởng của chính sách biển Trung Quốc đối với Ấn Độ” trên trang mạng chương trình nghiên cứu của tạp chí “Foreign Policy In Focus” Mỹ.

Bài viết cho rằng, mấy tháng gần đây, có 2 vùng biển được các phương tiện truyền thông quan tâm. Rất nhiều tin tức thời sự tập trung đưa tin về yêu sách chủ quyền (bất hợp pháp) của Trung Quốc đối với Biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo bài viết, tháng 11 năm 2013, Bắc Kinh (đơn phương) lập ra Khu nhận biết phòng không biển Hoa Đông, chồng lấn một phần với khu nhận biết phòng không của Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, thái độ lo ngại của Nhật Bản và các nước láng giềng khác đối với thực lực của Trung Quốc đã diễn ra từ lâu, ngày càng tăng và nay trở nên trầm trọng hơn.

Bài viết cho rằng, Trung Quốc vẫn chưa lập ra (cái gọi là) Khu nhận biết phòng không Biển Đông, nhưng Trung Quốc lại đưa ra yêu sách chủ quyền (bất hợp pháp) đối với toàn bộ vùng biển này.

Điều này đã gây ra xung đột gay gắt với nhiều quốc gia hơn, bởi vì vùng biển này là một trong những tuyến đường thương mại trên biển quan trọng của thế giới. Ngoài ra, giống như biển Hoa Đông, đáy Biển Đông cũng có nhiều dầu mỏ và khí đốt, nên Trung Quốc rất thèm khát và cướp đoạt nó.

Trung Quốc tuyên bố yêu sách có chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông (phi lý, phi pháp), đã tiến hành kiểm soát (xâm lược) đối với rất nhiều đảo, trong đó có (một phần) quần đảo Trường Sa và (toàn bộ) quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Điều quan trọng hơn là, Trung Quốc đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ở những hòn đảo này theo “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” (Thực ra, Trung Quốc đã thông qua Phó Tổng tham mưu trưởng PLA Vương Quán Trung ngang nhiên tuyên bố công ước này và nó không thể áp dụng ở Biển Đông).

Luận điệu của bài báo cho rằng, căn cứ vào công ước này, nước ký kết có quyền khai thác tài nguyên đáy biển (như dầu mỏ và khí đốt chứa ở đáy Biển Đông) và tất cả sinh vật biển. Biển Đông, biển Hoa Đông nổi tiếng với nguồn lợi hải sản phong phú. Mỹ đã ký tên vào điều ước quan trọng này, nhưng Thượng viện Mỹ vẫn chưa phê chuẩn.

Theo bài viết, chỉ cần Trung Quốc có thể kiểm soát (bất hợp pháp đối với) tất cả hoạt động vận chuyển hàng hóa và khai thác (trái phép) tài nguyên ở Biển Đông, thì vị thế chi phối của họ ở Thái Bình Dương sẽ tăng cường.

Ở ngoài Thái Bình Dương, sự kiểm soát đối với Biển Đông sẽ còn làm cho Bắc Kinh có thể điều lực lượng vươn tới Ấn Độ Dương, họ có thể chạy xuyên qua eo biển Malacca tiến vào Ấn Độ Dương. Vì vậy, vùng biển này được cho là “cổ họng của Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”. Điều này sẽ đưa lực lượng của Trung Quốc tới sân sau của Ấn Độ, do đó làm cho New Delhi đặc biệt lo ngại.

Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Bài báo cho rằng, New Delhi đang xem xét 2 nhân tố thương mại và tài nguyên khi đưa ra phản ứng với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Cuộc tranh luận này đã được các nước láng giềng khuyến khích, trong đó có Nhật Bản và các nước ASEAN.

Kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN đến năm 2012 đã đạt 79 tỷ USD. Ngoài ra, trên một nửa thương mại của Ấn Độ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần phải đi qua Biển Đông. Vì vậy, tự do hàng hải rất quan trọng đối với thương mại quốc tế khu vực và giúp Ấn Độ dễ dàng có được dầu khí phục vụ cho phát triển.

Trên thực tế, năng lượng rất quan trọng đối với phát triển của Ấn Độ. Vì vậy, công ty dầu khí quốc gia của Ấn Độ đã thiết lập quan hệ đối tác với Việt Nam vào năm 2011, cùng khai thác dầu khí (đúng luật, được sự cho phép của nước sở hữu, có quyền tài phán) ở đáy Biển Đông – dọc đường bờ biển Việt Nam.

Báo của TQ nói rằng, New Delhi làm như vậy là đã bất chấp những cảnh báo (vô lý-PV) của Trung Quốc.

Bài viết đặt câu hỏi và tự trả lời: Nếu Trung Quốc có thể tiến vào sân sau của Ấn Độ, Ấn Độ tại sao không nên đưa ra phản ứng trở lại ở Biển Đông? Việt Nam, Philippines đương nhiên cảm thấy vui mừng, trong khi đó hành động này của Ấn Độ cũng đã phản ánh họ có chí xác lập vị thế cường quốc khu vực (cuối cùng là cường quốc thế giới).

Theo nhận xét của các chuyên gia, học giả, một trong những "đặc sắc Trung Quốc" là tiến hành khủng bố nhà nước trên biển đối với Việt Nam
Theo nhận xét của các chuyên gia, học giả, một trong những "đặc sắc Trung Quốc" là tiến hành khủng bố nhà nước trên biển đối với Việt Nam

Báo Trung Quốc bịa chuyện cho rằng, nội dung chính của tất cả các động thái này ở chỗ, Mỹ khuyến khích Việt Nam (và ngầm đồng ý cho Ấn Độ) "khiêu khích" Trung Quốc (chính Bắc Kinh mới là trùm sò, đầu mào khiêu khích các nước khác), coi đây là một phần của chính sách chuyển hướng sang châu Á.

Bài viết còn cho rằng, có một nước chưa được nhắc tới, nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với các quan hệ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đó chính là Nga.

Biên đội tàu chiến Ấn Độ thăm Việt Nam (ảnh tư liệu minh họa)
Biên đội tàu chiến Ấn Độ thăm Việt Nam (ảnh tư liệu minh họa)
Đông Bình