Ấn Độ tích cực mở rộng biên đội UAV đối phó Trung Quốc, Pakistan

06/02/2013 07:01
Việt Dũng
(GDVN) - Lục quân Ấn Độ đã xây dựng các căn cứ máy bay không người lái (UAV) mới trên hướng tây bắc Ấn Độ, đồng thời mua sắm UAV cho các đơn vị cấp tiểu đoàn.
Máy bay không người lái Heron do Israel chế tạo.
Máy bay không người lái Heron do Israel chế tạo.

Ngày 5/2, tờ “Thời báo Ấn Độ” cho biết, đối mặt với mối đe dọa từ hai hướng Trung Quốc và Pakistan, lực lượng vũ trang Ấn Độ đang xây dựng vững chắc một kho vũ khí máy bay không người lái (UAV) mạnh, dùng để thực hiện nhiệm vụ theo dõi, định vị và tiêu diệt mục tiêu.

Theo bài báo, trong khi Hải quân Ấn Độ xây dựng căn cứ máy bay không người lái ở dọc tuyến bờ biển và Không quân Ấn Độ nhập khẩu máy bay không người lái mới, Lục quân Ấn Độ cũng đã ký kết với Israel hợp đồng mua sắm 2 biên đội máy bay không người lái Heron khác. Bài báo cho biết, mỗi biên đội sẽ có 8 chiếc UAV.

Một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết, hợp đồng này được ký với Công ty công nghiệp hàng không Israel có trị giá lên tới 12 tỷ rupee.

Theo quy định của hợp đồng, bắt đầu từ năm 2014, Lục quân Ấn Độ sẽ tiếp nhận lô máy bay không người lái Heron đầu tiên.

Những máy bay không người lái này sẽ trang bị cho biên đội UAV mới thành lập. Đây là một phần của chương trình hiện đại hóa tổng thể Lục quân được Tổng tư lệnh Lục quân Ấn Độ Bikram Singh thúc đẩy.

Một sĩ quan Ấn Độ cho biết, Lục quân Ấn Độ hy vọng nhanh chóng nhập khẩu các loại máy bay không người lái từ loại máy bay không người lái gián điệp mini cho tới máy bay không người lái có thể bắn trúng mục tiêu như tên lửa. Điều này sẽ tăng cường khả năng theo dõi, phóng vũ khí và định vị hỏa pháo cho Lục quân Ấn Độ.

Máy bay không người lái Searcher-2 do Israel chế tạo
Máy bay không người lái Searcher-2 do Israel chế tạo

Lục quân Ấn Độ có kế hoạch trước khi kết thúc thập niên này, từng bước mua sắm máy bay không người lái cho các đơn vị cấp tiểu đoàn.

Để thúc đẩy kế hoạch này, Lục quân Ấn Độ đã xây dựng các căn cứ máy bay không người lái mới từ Nagrota, Manasbal ở các khu vực Jammu và Kashmir đến các khu vực rộng lớn gồm Kumbhigram và Lilabari trên hướng tây bắc Ấn Độ.

Sau khi lần lượt thành lập 3 phi đội máy bay không người lái ở Cochin (bang Kerala), Porbandar (bang Gujarat) và Uchipuli (bang Tamil Nadu), Hải quân Ấn Độ cũng muốn thành lập phi đội máy bay không người lái mới, dùng để do thám những mục tiêu trên biển.

Tương tự, Không quân Ấn Độ cũng đang nhập khẩu máy bay không người lái Heron trang bị bộ cảm biến điện quang, lượn vòng trên không theo dõi các mục tiêu quân sự có giá trị cao cho đến khi tiêu diệt chúng.

Họ còn tăng “phụ kiện” cho máy bay không người lái Heron và máy bay không người lái Searcher-II hiện có, làm cho chúng có khả năng “tiêu diệt”.

Các lực lượng vũ trang Ấn Độ mong muốn cuối cùng có thể sở hữu máy bay chiến đấu không người lái hoàn thiện – tương tự các máy bay không người lái Predator và Reaper của Mỹ sử dụng ở khu vực Afghanistan-Pakistan. Loại máy bay không người lái này có thể quay trở về căn cứ, bổ sung tên lửa để thực hiện nhiệm vụ mới.

Máy bay do thám không người lái Heron của Ấn Độ, mua của Israel
Máy bay do thám không người lái Heron của Ấn Độ, mua của Israel

Bài báo cho rằng, từ cuộc xung đột Kargil (giữa Ấn Độ và Pakistan) đến nay, các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã mua sắm hơn 100 máy bay không người lái, chủ yếu mua từ Israel, là “hệ số nhân sức mạnh quan trọng” của họ.

Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cũng bắt đầu hành động, gấp rút nghiên cứu chế tạo máy bay không người lái, gồm máy bay không người lái Nishant (đã trang bị hàng loạt) và các máy bay không người lái Rustom-I, Rustom-II (hiện đang trong quá trình nghiên cứu phát triển).

Trước đây, tờ “Thời báo Ấn Độ” từng tiết lộ, Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ đã bí mật khởi động chương trình “máy bay thử nghiệm điều khiển không người” (AURA), phát triển máy bay chiến đấu không người lái có thể phóng tên lửa, bom và đạn dẫn đường chính xác.

Ngoài ra, tổ chức này cũng đã khởi động chương trình máy bay không người lái bay cao và xa sử dụng năng lượng mặt trời đầy tham vọng. Theo ý tưởng đó, loại máy bay không người lái này có thể liên tục thực hiện các nhiệm vụ trong nhiều ngày, như nhiệm vụ tình báo, theo dõi, trinh sát và phát hiện mục tiêu.

Máy bay tấn công không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ phóng tên lửa Hellfire.
Máy bay tấn công không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ phóng tên lửa Hellfire.
Việt Dũng