"Bắc Triều Tiên sẽ có 20 vũ khí hạt nhân trước khi ông Obama rời nhiệm sở"

14/01/2015 13:45
Bình Nguyên
(GDVN) - Bắc Triều Tiên đã đạt được tiến bộ lớn trong quá trình phát triển vũ khí hạt nhân dưới thời chính quyền George H.W. Bush.
Ông Kim Jong Un đang quan sát máy bay tập trận
Ông Kim Jong Un đang quan sát máy bay tập trận

Báo Businessinsider của Mỹ ngày 13/1/2015 dẫn nhận định của một học giả cao cấp có tên Siegfried S. Hecker từ Trung tâm Hợp tác và An ninh quốc tế thuộc Đại học Stanford cho rằng rất có thể chỉ trong vòng 2 năm tới quân đội của Bắc Triều Tiên sẽ có đủ nguyên liệu phân hạch để có thể chế tạo được 20 vũ khí hạt nhân cho kho vũ khí răn đe chiến lược của mình.

Học giả Siegfried S. Hecker từng là  giám đốc điều hành Thư viện quốc gia Los Alamos và ông đã từng có thực tế đến Cộng hòa dân chủ Nhân Dân Triều Tiên vài lần trong một vài thập kỷ vừa qua,

Siegfried S. Hecker tin rằng các chính sách hạt nhân không hiệu quả được 5 đời Tổng thống Mỹ sử dụng kết hợp với chính sách của Hàn Quốc và thiếu áp lực từ Trung Quốc trong quá khứ đã tạo điều kiện cho Bắc Triều Tiên có đủ thời gian và nỗ lực để có thể cho phép nước này bước chân tới tiến bộ trong quá trình hạt nhân hóa vũ khí.

Siegfried S. Hecker hiện nay Bắc Triều Tiên có thể đã có khoảng 12 vũ khí hạt nhân với năng lực mỗi năm có thể sản xuất được tối đa từ 4 đến 6 quả  bom nhiệt hạch.

Học giả này tin rằng kho vũ khí hạt nhân của quân đội Bắc Triều Tiên sẽ được mở rộng với quy mô lớn hơn trong vòng 2 năm tới, đồng nghĩa với khoảng thời gian Tổng thống Mỹ Barack Obama rời nhiệm sở.

Chuyên gia này cũng dự báo rằng từ nay đến lúc ông Obama kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của mình quân đội Bắc Triều Tiên có thể sẽ thử nghiệm một vụ nổ hạt nhân tiếp theo để răn đe các đối thủ.

Trong phân tích, đánh giá của mình, Siegfried S. Hecker chỉ ra, 5 chính quyền của 5 đời tổng thống Mỹ trong 30 năm qua đã thi hành các chính sách hạt nhân thiếu hiệu quả và đã thất bại trong việc ngăn chặn Bắc Triều Tiên trở thành một quốc gia có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân.

Cụ thể, Siegfried S. Hecker nói rằng các chính sách hạt nhân ngăn chặn của Hoa Kỳ đối với Bình Nhưỡng dựa trên các yếu tố như sức ép ngoại giao, đe dọa, tối hậu thư và trừng phạt nhưng tất cả đều không đem lại kết quả như mong muốn của Washington.

Trong báo cáo đánh giá của mình vị chuyên gia này cũng đã chỉ, cáo buộc đích danh các tổng thống Mỹ. “Thất bại thảm hại này bắt đầu từ chính quyền của Tổng thống George W. Bush và đến giờ là Tổng thống Barack Obama”.

Bắc Triều Tiên lần đầu tiên thiết lập các nền tảng phục vụ cho chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của mình từ cuối những năm 1980 khi đó nước Mỹ đang nằm dưới sự điều hành của chính quyền Tổng thống Reagan.

Tại thời điểm này, Mỹ cho rằng chính quyền Bình Nhưỡng bắt đầu nghĩ đến vũ khí hạt nhân vào đã xúc tiến các hoạt động xây dựng các cơ sở sản xuất plutonium bằng các lò phản ứng cũng như tìm cách đạt được khả năng phân tách plutonium ở cấp độ có thể dùng để chế tạo bom hạt nhân.

Bắc Triều Tiên đã đạt được tiến bộ lớn trong quá trình phát triển vũ khí hạt nhân dưới thời chính quyền George H.W. Bush thông qua các nghiên cứu về công nghệ ly tâm uranium bởi khi ly tâm được Uranium tức là làm giàu được nguyên tố này lên cấp độ vũ khí, cung cấp cho quân đội của Bình Nhưỡng phương thức có thể dùng để tạo ra các vụ nổ hạt nhân thử nghiệm.

Dưới thời chính quyền Clinton, Bình Nhưỡng đã gần như loại bỏ các lò phản ứng Plutinium của mình thông qua  nỗ lực đàm phán như là một phần của chương trình “1994 Agreed Framework”. Tuy nhiên, khi đó Bắc Triều Tiên đã chuyển trọng tâm tập trung của mình sang công nghệ ly tâm Uranium cũng như chia sẽ công nghệ hạt nhân của mình với Syria, Libya và Pakistan.

Dưới thời chính quyền George W. Bush, Bắc Triều Tiên phá bỏ chương trình “1994 Agreed Framework” sau đó tái khởi động lại các lò phản ứng plutonium. Năm 2006, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần đầu tiên và bắt đầu từ đó Bắc Triều Tiên lại quay trở lại con đường dốc sức tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân và tự tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên đã trở thành quốc gia hạt nhân.

Hiện nay, đối với một số quốc gia láng giềng, Bắc Triều Tiên được những nước này coi như một mối nguy hiểm khó lường, đặc biệt là khi kho vũ khí hạt nhân của nước này đang tăng lên cùng với đó là việc các đầu đạn hạt nhân đã trở lên dễ dàng để triển khai hơn trước đây rất nhiều.

Tháng 10/2014, một quan chức cấp tướng phụ trách lực lượng quân đội Mỹ đóng ở bán đảo Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng đang tìm cách thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân để dễ dàng gắn chúng trên các quả đạn tên lửa hoặc rocket tầm xa.

Trong khi đó, tình báo Mỹ cho rằng Bắc Triều Tiên đã bắt đầu phát triển các tàu ngầm có khả năng mang, phóng tên lửa đạn đạo cũng như các kết cấu bệ phóng tên lửa xuyên lục địa cơ động.

Bình Nguyên