Báo Nga: Nhật Bản tăng cường hải quân tấn công trên biển-trên không

05/11/2014 09:20
Đông Bình
(GDVN) - Kẻ thù tiềm tàng nhất của Nhật Bản là CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc, do đó Nhật Bản phát triển những vũ khí tác chiến phù hợp với địa lý khu vực này.
Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga, Nhật Bản
Tàu sân bay trực thăng lớp Hyuga, Nhật Bản

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 4 tháng 11 dẫn mạng Quan sát quân sự Nga ngày 31 tháng 10 đăng bài viết "Phương hướng phát triển chủ yếu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản".

Theo bài viết, khu vực Thái Bình Dương có thể gọi là khu vực quan trọng chiến lược đối với một số quốc gia. Trong tương lai không xa, nó có thể trở thành vũ đài đối đầu giữa Bắc Kinh với Washington và đồng minh.

Sự thay đổi của tình hình khu vực có ảnh hưởng rất lớn đến vị thế chiến lược và an ninh của Nhật Bản. Những năm gần đây, đảo quốc này luôn thực hiện một số kế hoạch tăng cường sức chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ.

Tính chất đặc biệt của vị trí địa lý làm cho các chỉ huy quân sự Tokyo hết sức quan tâm đến sức mạnh quân sự trên biển. Lực lượng Phòng vệ Biển sắp tới sẽ nhận được rất nhiều vũ khí trang bị kiểu mới.

Trong vài năm tới, sự phát triển của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ đi theo 3 phương hướng lớn. Đương nhiên, đều có liên quan đến mua thêm và đổi mới trang bị.

Thứ nhất là khởi công chế tạo tàu sân bay trực thăng mới; thứ hai là tiếp tục chế tạo tàu ngầm lớp Soryu; ba là trang bị tàu khu trục mới Aegis cho hải quân. Ngoài ra, cũng sẽ nâng cấp trang bị của các đơn vị lực lượng như lực lượng hàng không trên biển.

Tàu sân bay trực thăng Izumo đang chạy thử trên biển, sắp biên chế cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu sân bay trực thăng Izumo đang chạy thử trên biển, sắp biên chế cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Tokyo rất coi trọng chế tạo tàu chiến mặt nước và tàu ngầm. Vì thế, Nhật Bản sẽ trích khoản tiền tương ứng từ ngân sách quốc phòng để xây dựng "lá chắn" trên biển mạnh, chống lại các cuộc tấn công từ các nước khác.

Đồng thời, Tokyo tiếp tục triển khai hợp tác với Washington, thúc đẩy nhất thể hóa hệ thống phòng thủ của hai nước. Trong tình hình này, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ thực hiện chức năng phòng thủ, trong khi đó nhiệm vụ tấn công do tàu chiến Mỹ đảm nhiệm.

Những năm gần đây, ngành chế tạo tàu chiến của Nhật Bản liên tiếp có tin mừng. Tháng 3 năm 2009, tàu sân bay trực thăng Hyuga lớp Hyuga biên chế cho Lực lượng Phòng vệ Biển. Hai năm sau, tàu Ise đồng cấp (cũng thuộc lớp Hyuga) tiếp tục gia nhập.

Những tàu chiến nêu trên đều trang bị tên lửa, pháo cao xạ, hệ thống chống tàu ngầm. Tàu chiến lớp Hyuga có lượng giãn nước đầy là 18.000 tấn, lượng giãn nước tiêu chuẩn là 14.000 tấn, có thể mang theo 11 máy bay trực thăng và bảo đảm cho nó thực hiện nhiệm vụ tác chiến.

Tháng 8 năm 2013, chiếc đầu tiên của tàu sân bay trực thăng lớp Izumo hạ thủy. Lượng giãn nước đầy là 27.000 tấn, sẽ chính thức biên chế vào đầu năm 2015. Nó có thể mang theo nhiều nhất 28 máy bay trực thăng. Đường băng đầy đủ cùng nhà chứa máy bay có thể chứa 15 máy bay trực thăng với công dụng khác nhau.

Nhật Bản dự định chế tạo 2 tàu sân bay lớp Izumo. Một khi chính thức đưa vào hoạt động, nó sẽ trở thành tàu chiến hải quân lớn nhất được chế tạo thành công sau "chiến tranh chống Nhật".

Ngày 8 tháng 10 năm 2014, Nhật Bản hạ thủy tàu ngầm Thần Long SS-507 lớp Soryu
Ngày 8 tháng 10 năm 2014, Nhật Bản hạ thủy tàu ngầm Thần Long SS-507 lớp Soryu

Trong tương lai, Nhật Bản sẽ tiếp tục chế tạo tàu ngầm tấn công phi hạt nhân lớp Soryu, chiếc cuối cùng trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Biển vào đầu năm 2013. Một chiếc khác không lâu trước đã hạ thủy, đang tiến hành thử nghiệm; còn có 1 chiếc khác đang lắp ráp. Kế hoạch của Tokyo là chế tạo 10 tàu ngầm lớp Soryu.

Đầu mùa thu năm 2014, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã công bố kế hoạch phát triển lực lượng tàu ngầm, cốt lõi là sử dụng nhiều công nghệ mới như ắc quy lithium-ion. Tàu ngầm lớp Soryu là một trong số ít tàu ngầm được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP). Nó đã từ bỏ động cơ dầu diesel truyền thống, đã chọn dùng hệ thống Sterling, thời gian hoạt động liên tục dưới nước được kéo dài rõ rệt.

Phương hướng thứ ba là chế tạo tàu khu trục mới trang bị hệ thống tác chiến Aegis và vũ khí tương ứng. Năm 2007 và năm 2008, Lực lượng Phòng vệ Biển đã biên chế thêm 2 tàu khu trục lớp Atago trang bị hệ thống Aegis. Tàu này có lượng giãn nước hơn 10.000 tấn, lắp hệ thống bắn thẳng Mk41 do Mỹ nghiên cứu phát triển. Tàu Atago và Ashigara đều đã trang bị 64 đơn vị bắn, đuôi có 32 đơn vị bắn. Do không có chiến tranh, nó chỉ trang bị tên lửa đối không và săn ngầm.

Tàu khu trục lớp Atago thể hiện xuất sắc, vì thế Lực lượng Phòng vệ Biển quyết định mua thêm. Tăng số lượng tàu lớp Atago sẽ nâng cao rất lớn thực lực phòng không và săn ngầm cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Tàu khu trục Aegis lớp Atago, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu khu trục Aegis lớp Atago, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Không khó để phát hiện, trong 3 xu thế phát triển lớn nêu trên, có 2 xu thế đều có liên quan đến tăng cường năng lực đề phòng ứng phó với các cuộc tấn công trên không và dưới nước. Do luật pháp Nhật Bản có chỗ đặc biệt, việc trang bị vũ khí cho tàu sân bay trực thăng lớp Izumo và tàu khu trục lớp Atago bị hạn chế rất lớn, nhiệm vụ có thể thực hiện tương đối hạn chế. Chúng đã trang bị tên lửa cao xạ và săn ngầm rất tiên tiến, nhưng lại không mang theo bất cứ vũ khí mang tính tấn công nào.

Tàu ngầm lớp Soryu vừa có thể sử dụng ngư lôi, vừa có thể bắn tên lửa AGM-84A kiểu Harpoon để tiến hành tấn công. Đương nhiên, thực lực tấn công của nó trực tiếp tùy thuộc vào thời gian hoạt động liên tục dưới nước. Do sử dụng hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP), nó sẽ không dễ dàng nổi lên mặt nước.

Nhìn sơ qua, Nhật Bản chuẩn bị xác định chức năng phòng thủ và tấn công lần lượt cho tàu mặt nước và tàu dưới mặt nước, như vậy có thể làm suy yếu năng lực phòng thủ tổng thể của Lực lượng Phòng vệ Biển. Tuy nhiên, sở dĩ áp dụng phương thức đặc biệt như vậy, không chỉ phù hợp với hạn chế pháp lý hiện có, mà còn phù hợp với đặc điểm địa lý của Nhật Bản.

Bởi vì kẻ thù tiềm tàng nhất của Nhật Bản là CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc, khoảng cách giữa họ và Tokyo không xa, Nhật Bản có thể thông qua lực lượng đường không, thậm chí dựa vào hệ thống bờ biển để tiến hành tấn công có hiệu quả.

Tàu chiến ở quân cảng Yokosuka, Nhật Bản
Tàu chiến ở quân cảng Yokosuka, Nhật Bản

Địa hình của biển Nhật Bản, biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông đã quyết định phải tác chiến có hiệu quả cao ở những vùng biển trên, phải sở hữu rất nhiều tàu ngầm hiện đại mang theo vũ khí tấn công. Xét tới rủi ro có thể đối mặt, Nhật Bản thực sự cần tiếp tục chế tạo tàu ngầm lớp Soryu, hơn nữa còn phải nỗ lực nghiên cứu phát triển tàu ngầm có tính năng xuất sắc hơn.

Đông Bình