Báo TQ quan tâm đến phát biểu của các tướng lĩnh Việt Nam

05/08/2014 10:05
Việt Dũng
(GDVN) - Gần đây, bất cứ động thái nào liên quan đến Biển Đông hay những vấn đề an ninh, tiêu cực của Việt Nam cũng được truyền thông Trung Quốc quan tâm, để ý, đưa tin

Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh: Hải quân Việt Nam không thể có biểu hiện “kiêu binh”

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh

Nằm trong chuỗi loạt bài viết đó, tờ “Nhật báo Trung Quốc” ngày 4 tháng 8 tỏ ra quan tâm đến lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam (5/8/1964-5/8/2014).

Bài báo dẫn lời Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh đã phát biểu cho rằng: “Cùng các quân binh chủng khác, Hải quân Việt Nam được quan tâm và đầu tư, có được nhiều vũ khí trang bị hiện đại mới, đồng thời cũng được toàn Đảng, toàn dân quan tâm”.

“Vì vậy, Hải quân Việt Nam phải tuân theo chủ trương thông qua quốc phòng để bảo đảm hòa bình, bảo dưỡng, khai thác, nắm vững và vận hành vũ khí trang bị một cách có hiệu quả, an toàn, chính xác. Chúng ta đã trang bị tàu ngầm, tàu pháo, tàu tên lửa, tên lửa đất đối hải hiện đại. Nhưng phải xác định, những vũ khí này dùng để bảo vệ Tổ quốc, chứ không phải dùng để gây chiến với ai”.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh còn cho biết, mặc dù một số quân binh chủng đã trang bị vũ khí khí tài mới, nhưng về cơ bản, vũ khí trang bị của Hải quân Việt Nam vẫn còn thiếu rất nhiều. Vì vậy, phải lấy xây dựng chính trị làm trụ cột để nâng cao sức chiến đấu của lực lượng vũ trang. Nếu chiến tranh xảy ra, phải vận dụng tốt chủ trương chiến tranh nhân dân, lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều.

Tàu ngầm thông thường Hà Nội HQ 182 lớp Kilo của Hải quân Việt Nam
Tàu ngầm thông thường Hà Nội HQ 182 lớp Kilo của Hải quân Việt Nam

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói: “Trang bị của các quân chủng nói chung là còn nhiều khó khăn. Hải quân, dù đã được trang bị nhiều vũ khí tốt nhưng vẫn cần phải rất khiêm tốn, không được có biểu hiện "kiêu binh", nếu không khai thác hiệu quả, an toàn, tiết kiệm là có lỗi với Đảng, với nhân dân”.

Theo Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, Quân đội Việt Nam còn phải dựa vào đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng, không liên minh với nước này để chống nước khác. Bộ trưởng nói: “Mỗi con tàu, mỗi hòn đảo phải là điểm tựa của đất nước, của ngư dân trên biển, hải quân cũng phải tạo điều kiện cho ngư dân bám biển, giữ biển, giữ đảo, đồng thời phải tham gia tìm kiếm cứu nạn trên biển”.

Trung tướng Việt Nam: Khi cần thiết dùng ngư dân cho chiến tranh trên biển

Các tờ báo điện tử Trung Quốc cũng đặc biệt chú ý tới phát biểu của Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7 về bảo vệ chủ quyền biển đảo trước thái độ và hành động ngông cuồng của Trung Quốc.

Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7
Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7

Trung tướng Phạm Văn Dỹ nói, chiến tranh trên biển phải gian khổ, phức tạp gấp vài lần so với chiến tranh trên đất liền. “Nếu chiến tranh xảy ra trên biển, sẽ rất khắc nghiệt. Trong suốt tiến trình giữ biển đảo, hầu như chúng ta thường tự lực cánh sinh đánh giặc mà không thể trông cậy vào bất cứ ai”.

“Gần đây do kinh tế phát triển nên Việt Nam mới mua được tàu ngầm, máy bay, tên lửa và nhiều vũ khí phương tiện hiện đại khác. Nói thật nếu trong tay mình không có những vũ khí hiện đại này, khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào như vừa qua thì mình chỉ có việc đầu hàng thôi. Bây giờ không thể đánh giặc bằng xuồng ba lá được nữa mà chiến tranh với nhiều vũ khí tối tân, hiện đại”.

Đối với nhiệm vụ của lực lượng Hải quân Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhắc nhở: “Hải quân phải góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước bằng biện pháp hòa bình, bình tĩnh, nhạy bén, đánh giá, dự báo chính xác để đề xuất, tham mưu với Đảng, Nhà nước các tình huống xảy ra trên biển để đất nước không bị bất ngờ (không để các thế lực nước ngoài tạo cớ gây xung đột, phát động chiến tranh)”.

Tướng Dỹ nói: “Đánh giặc trên biển khó vô cùng, khó gấp nhiều lần so với trên đất liền. Ở đất liền chúng ta có “rừng che bộ đội rừng vây quân thù”, còn ở ngoài biển rừng đâu mà che. Chiến tranh nhân dân của Việt Nam trên đất liền có đủ những binh chủng hùng mạnh. Còn ở trên biển chúng ta chỉ có hải quân, lực lượng thực thi luật pháp trên biển, bà con ngư dân và một vài cái đảo”.

“Ai đã từng đi biển ra đảo rồi sẽ biết. Thuyền ra càng xa, đảo càng nhỏ lại, thuyền ra xa nữa, đảo chỉ còn lại một chấm đen rất nhỏ nhoi trên biển. Trước sự hung dữ của biển cả, của kẻ thù, sinh mạng của các chiến sĩ rất nhỏ nhoi, mong manh”. “Vậy bây giờ làm cách nào để chúng ta có được sức mạnh để giữ được biển đảo? Chiến tranh nhân dân trên biển đảo là cái gì vậy? Đó chính là mọi người Việt Nam dù là ai, làm gì, ở đâu đều một lòng hướng và ủng hộ Hoàng Sa, Trường Sa. Có như thế thì các chiến sĩ giữ biển đảo không bao giờ đơn độc trước sự xâm lăng của kẻ thù”.

“Muốn giữ biển giữ đảo trước hết phải giữ cái bờ. Cái bờ ở đây chính là khối đại đoàn kết toàn dân. Trong cái bờ này, cái quan trọng bậc nhất là nền kinh tế phải phát triển”.

Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc xâm lược và đang chiếm đóng bất hợp pháp. Trong hình là đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc xâm lược và đang chiếm đóng bất hợp pháp. Trong hình là đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Quân khu 7 với vai trò là quân khu quan trọng ở phía Nam. Do đó chúng tôi luôn ý thức phải làm sao giữ chắc đất liền, đồng thời sẽ có chi viện cho Hoàng Sa, Trường Sa khi cần thiết. Tất cả cái này chúng tôi đã tính toán trong thời bình”.

“Khi cần tất cả sức mạnh như tàu ngầm, máy bay, vũ khí hiện đại, sức mạnh của các chiến sĩ ở biển đảo lẫn sức mạnh của bà con ngư dân góp phần giữ vững Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu”.

Việt Dũng