Báo Trung Quốc bàn tán về hiện trạng của Quân đội Việt Nam

01/03/2014 08:55
Đông Bình
(GDVN) - Báo Trung Quốc xuyên tạc hoạt động xây dựng hiện đại hóa của Quân đội Việt Nam, cho rằng Việt Nam phát triển sức mạnh quân sự để chống TQ "thu hồi" Trường Sa.

Mạng tiếng Trung inewthings.com ngày 28 tháng 2 có bài viết bình luận cho rằng, những năm gần đây, kinh tế Việt Nam phát triển tốc độ nhanh chóng, hầu như hết sức cố gắng phát triển sức mạnh quốc phòng.

Trung tâm phân tích thương mại vũ khí thế giới Nga cho biết, từ năm 2012 đến năm 2015, Việt Nam sẽ trở thành một trong 3 nước nhập khẩu vũ khí của Nga nhiều nhất, chỉ đứng sau Ấn Độ và Venezuela, nhưng vượt Trung Quốc.

Việt Nam từng tìm cách áp dụng phương thức tự lực cánh sinh để hiện đại hóa quân đội, nhưng do các nhân tố như nền tảng công nghiệp của đất nước yếu kém, trình độ khoa học công nghệ không cao, vì vậy vũ khí mũi nhọn chỉ có thể dựa vào nhập khẩu, mấy năm tới Việt Nam sẽ trở thành nước lớn số một Đông Nam Á mua vũ khí của Nga.

Theo báo này, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh từng cho biết: “Việt Nam đã mua các vũ khí trang bị như tàu ngầm, tên lửa, máy bay, mục đích chỉ là bảo vệ hòa bình đất nước và toàn vẹn lãnh thổ”.

Báo Trung Quốc xuyên tạc cho rằng, lời nói của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh là “mềm hóa” động cơ mua vũ khí của Việt Nam, bởi vì báo Trung Quốc đổi trắng thay đen cho rằng, xuyên tạc, tuyên truyền không một chút xấu hổ, danh sự cho rằng Việt Nam đưa quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa “của Trung Quốc” vào bản đồ của mình, vì vậy, Việt Nam dùng lực lượng quân sự bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia thực chất là Việt Nam quyết tâm dùng vũ lực chống lại Quân đội Trung Quốc “thu hồi” lãnh thổ trên Biển Đông.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu)

Trên thực tế và dư luận đều biết mười mươi rằng, quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm lược vào năm 1974, một số đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam sau này cũng bị Trung Quốc đánh chiếm… Trung Quốc có tham vọng lãnh thổ vô độ và chủ trương “đường lưỡi bò” bất hợp pháp trên Biển Đông, thể hiện rõ tư tưởng bành trướng kiểu “mạnh hiếp yếu”.

Theo bài báo, Việt Nam chi tiền lớn nhập khẩu vũ khí là có một số cân nhắc sau đây:

Trước hết, tư tưởng hiện đại hóa quân sự (xây dựng quân đội mạnh) là một trong những tư tưởng chỉ đạo của nhiều khóa Chính phủ Việt Nam. Việt Nam trước sau đã trực tiếp có chiến tranh với các nước lớn như Pháp, Nhật Bản, Mỹ.

Tư tưởng được vũ trang mạnh mới có thể bảo đảm an ninh quốc gia đã ăn sâu bám rễ. Trải qua hơn 20 năm đổi mới, mở cửa, kinh tế Việt Nam phát triển, cộng với thu nhập từ dầu mỏ liên tục tăng lên, nên Việt Nam cho rằng mình đã có điều kiện khách quan để tăng cường quân bị.

Thứ hai, là một thành viên của ASEAN, thực lực quân sự làm cho các nước thành viên khác không thể coi thường. Trong lịch sử, Việt Nam trải qua chiến tranh lâu dài, khả năng chịu đựng của người Việt Nam phổ biến mạnh hơn các nước ASEAN khác. Hơn nữa, Việt Nam cũng muốn có tiếng nói lớn hơn trong hệ thống ASEAN.

Tiếp theo, vấn đề Biển Đông ngày càng nóng lên, trực tiếp liên quan đến “chủ trương” chủ quyền của Việt Nam, hơn nữa Việt Nam có các công trình mỏ dầu lớn trên Biển Đông. Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam luôn tập trung tăng cường sức mạnh quân sự ở khu vực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bắt tay hợp tác (ảnh tư liệu)
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bắt tay hợp tác (ảnh tư liệu)

Cuối cùng, vị trí chiến lược của khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất quan trọng, luôn là nơi đấu đá giữa các nước lớn. Mỹ ồn ào quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương, Nga mạnh mẽ muốn tăng cường vị thế ở châu Á-Thái Bình Dương, ngoài ra, các nước Philippines, Malaysia, Brunei… còn tranh cãi về các hòn đảo trên Biển Đông.

Các nhân tố phức tạp như ân oán lịch sử, tranh chấp hiện có, lợi ích đã có, tài nguyên tiềm năng, con bài tranh chấp, chiếm cơ hội trước… đan xen với nhau. Việt Nam muốn thông qua xây dựng quân đội mạnh để chiếm vị thế có lợi.

Báo Trung Quốc xuyên tạc cho rằng, về thuộc tính quốc gia, Việt Nam có “tính hai mặt”. Đứng trước các siêu cường, Việt Nam là một “nước nhỏ”, ngoại giao cân bằng “lôi kéo nước lớn chống lại nước lớn” là vũ khí lợi hại của Việt Nam.

Đứng trước các nước khác trong khu vực, Việt Nam lại là một “nước lớn”, tìm kiếm vai trò lãnh đạo là tư tưởng đối ngoại nhất quán của Việt Nam. Vì vậy, phát triển, xây dựng quân đội mạnh trở thành sự lựa chọn tất yếu của Việt Nam.

Hiện nay, trình độ trang bị công nghệ cao của Quân đội Việt Nam hoàn toàn không cao, nhưng phân tích kỹ thì trong Lục, Hải, Không quân Việt Nam vẫn có một một số vũ khí “vượt trội”.

Báo Trung Quốc cho rằng, Việt Nam là nước có thực lực quân sự mạnh nhất trong các nước xung quanh Biển Đông (trừ Trung Quốc), nên đây là khó khăn lớn nhất trong quá trình mà truyền thông nước gọi là Trung Quốc “thu hồi” (thực chất là xâm lược) Biển Đông.

Hải quân Việt Nam gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Hải quân Việt Nam gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc

Hải quân Việt Nam

Trọng điểm hiện đại hóa của Quân đội Việt Nam là hải quân, Hải quân Việt Nam đã lần lượt đưa ra "Kế hoạch phát triển trang bị hải quân năm 2000" và "Quy hoạch phát triển hải quân thế kỷ 21", cố gắng trở thành cường quốc biển trong ASEAN.

Nguồn tin từ Quân đội Việt Nam cho biết: "Việt Nam có kế hoạch xây dựng thành công một lực lượng hải quân hiện đại vào năm 2015, khi đó, khả năng hộ tống biển xa và khả năng tác chiến trên biển của Hải quân Việt Nam sẽ đạt trình độ đáng kể".

Lời nói này đương nhiên không phải là vô nghĩa. Người Nga nhìn ra điều kỳ diệu ở đó, hiện nay thực lực kinh tế Việt Nam liên tục được tăng cường, đặc biệt là cùng với việc leo thang căng thẳng tình hình Biển Đông, Việt Nam đã sở hữu rất nhiều vũ khí trang bị tính năng tốt từ Nga, điều này rất quan trọng đối với Việt Nam.

1. Tàu ngầm lớp Kilo:

Ngày 24 tháng 8 năm 2010, nhà máy đóng tàu hải quân St. Petersburg Nga tổ chức lễ chính thức khởi công chế tạo chiếc đầu tiên trong số 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo Type 636 cho khách hàng nước ngoài.

Tuy Nga lúc đó không chỉ rõ tên nước mua, nhưng ai cũng biết, lô tàu ngầm này là dành cho Việt Nam. Bởi vì, tháng 5 năm 2009, tuyên bố đã gần đạt được thỏa thuận cung ứng 6 tàu ngầm diesel lớp Kilo Type 636 với Nga.

Tàu ngầm Hà Nội lớp Kilo của Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo
Tàu ngầm Hà Nội lớp Kilo của Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo

Khi đó, có bài báo cho rằng, bên thực hiện đơn đặt hàng chính là nhà máy đóng tàu Admiralty (St. Peterburg). Cuối năm 2009 Nga-Việt ký hợp đồng cung ứng 6 tàu ngầm diesel-điện Type 636, tổng giá trị khoảng 2,1 tỷ USD.

3 tháng sau, hai bên bắt đầu đàm phán vấn đề xây dựng căn cứ neo đậu tàu ngầm và các công trình có liên quan. Chuyên gia dự đoán, vốn của chương trình này ít nhất tương đương, thậm chí cao hơn so với giá trị mua 6 tàu ngầm.

Ngày cuối cùng của năm 2013, chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên mang tên Hà Nội đã về vịnh Cam Ranh, 5 chiếc còn lại dự kiến hoàn thành bàn giao cho Việt Nam trước năm 2016.

Tàu ngầm Hà Nội có lượng giãn nước 3.1000 tấn, tốc độ khi lặn là 20 hải lý/giờ, lặn sâu tới 300 m, thủy thủ đoàn 52 người, trang bị các vũ khí như ống phóng ngư lôi, có thể thực hiện nhiệm vụ chống tàu ngầm và chống hạm vùng nước nông.

Tàu ngầm thông thường cấp Kilo Type 636 là một trong những tàu ngầm có tiếng ồn nhỏ nhất. Tàu ngầm này trang bị 4 quả tên lửa phòng không, 18 quả ngư lôi và 24 quả thuỷ lôi. Bài báo suy đoán cho rằng, trong tương lai, “kẻ địch mạnh lớn nhất” của Hải quân Trung Quốc có thể chính là tàu ngầm lớp này.

2. Tàu hộ vệ Type Gepard-3.9:

Cùng với việc ra sức xây dựng lực lượng tàu ngầm, Hải quân Việt Nam bắt đầu tập trung tăng cường xây dựng hiện đại hóa tàu chiến mặt nước chủ lực và các loại tàu chiến khác, Việt Nam rất coi trọng tận dụng sức mạnh của Nga.

Căn cứ vào hợp đồng ký kết tháng 12 năm 2006, nhà máy đóng tàu Zelenodolsk Nga tháng 6 năm 2007 bắt đầu thực hiện nghĩa vụ hợp đồng chế tạo 2 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9, tháng 12 năm 2009 chiếc đầu tiên hạ thủy, hiện nay 2 tàu chiến này đều đã biên chế cho Hải quân Việt Nam.

Tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ HQ012 của Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo
Tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ HQ012 của Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo

Gepard-3.9 là phiên bản xuất khẩu của tàu hộ vệ Type 11661, áp dụng công nghệ tàng hình, sử dụng hệ thống phòng không Palma-SU và hệ thống tên lửa Uran, có thể mang theo máy bay trực thăng Ka-28, chủ yếu dùng để tìm kiếm, theo dõi, chống lại các mục tiêu trên mặt nước, dưới nước và trên không, có thể độc lập hoặc hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ hộ tống, theo dõi, bảo vệ vùng kinh tế và biên giới trên biển.

Năm 2010, Việt Nam trước hết đã tiếp nhận 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard-3.9 của Nga, giai đoạn tiếp theo Việt Nam sẽ tự lắp ráp, sản xuất ít nhất 2 tàu hộ vệ lớp này.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 có lượng giãn nước đầy là 2.100 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, hành trình tác chiến tối đa là 5.000 hải lý. Tàu hộ vệ này có thể trang bị 16 quả tên lửa hạm đối hạm Uran. Loại tên lửa này có tầm bắn tối đa 130 km, tốc độ tối đa 0,9 Mach, áp dụng bay điều khiển hệ thống quán tính cộng với dẫn đường radar chủ động.

3. Tàu hộ vệ lớp Sigma:

Việt Nam có kế hoạch mua tàu hộ vệ lớp Sigma của Hà Lan, tốc độ lớn nhất đạt 28 hải lý/giờ, có thể chạy 4.000 hải lý với tốc độ 18 hải lý/giờ, có thể đáp ứng nhiều nhu cầu tác chiến.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sigma là một loại tàu hộ vệ hạng nhẹ kiểu mới do Tập đoàn đóng tàu Damen Hà Lan nghiên cứu chế tạo, sản xuất. Hải quân Indonesia đã trang bị 4 chiếc, Hải quân Morocco đã trang bị 3 chiếc. Ngoài ra, Việt Nam và các nước Oman, Sudan lần lượt có kế hoạch trang bị 4 chiếc.

Theo báo Trung Quốc, Việt Nam sẽ mua 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sigma của Hà Lan.
Theo báo Trung Quốc, Việt Nam sẽ mua 2 tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp Sigma của Hà Lan.

Tàu hộ vệ lớp Sigma của Hà Lan là một loại phương án thiết kế tàu hộ vệ có tính năng cực kỳ tuyệt vời. Tàu này áp dụng thiết kế mô đun hóa, vì vậy có thể đáp ứng nhiều nhu cầu tác chiến, chứ không phải chỉ giới hạn ở thực hiện nhiệm vụ tuần tra và theo dõi đơn thuần.

Đối với hải quân rất nhiều quốc gia, tàu hộ vệ hạng nhẹ lớp này có độ tin cậy và khả năng chịu đựng đáng kinh ngạc, khách hàng có thể có được một loại tàu chiến có tính năng ưu việt. Tàu này có lượng giãn nước 1.692 tấn, tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ, hành trình tối đa có thể đạt 7.000 km, thủy thủ đoàn 80 người.

4. Tàu tên lửa lớp Molniya:

Chương trình mua lượng lớn tàu tên lửa Molniya Nga của Việt Nam cũng đang tiếp tục được thực hiện. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã nhập khẩu 4 tàu tên lửa 1241PE Molniya, năm 1993 Việt Nam đã có được giấy phép sản xuất tàu tên lửa Type 12418 Molniya lắp hệ thống tên lửa Uran, lô 2 chiếc đầu tiên do nhà máy đóng tàu Nga chế tạo, hiện đã trang bị cho Hải quân Việt Nam.

Tàu tên lửa lớp Moniya của Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo
Tàu tên lửa lớp Moniya của Hải quân Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo

Việt Nam đã mua 12 tàu tên lửa lớp Molniya, hiện đang tổ chức sản xuất theo giấy phép 10 tàu tên lửa loại này, dự kiến đến năm 2016 sẽ hoàn thành toàn bộ. Tàu tên lửa Type 12418 Molniya của Hải quân Việt Nam có tên gọi nổi tiếng hơn là Tarantul. Tàu tên lửa lớp Tarantul sở dĩ có uy lực là do được lắp tên lửa chống hạm.

Lục quân Việt Nam:

1. Tên lửa chống hạm bờ biển Bastion-P:

Ngay từ năm 2005 đã có tin cho biết, Nga và Việt Nam đã ký thỏa thuận mua 2 hệ thống tên lửa chống hạm bờ biển Bastion-P, được biết, tên lửa Bastion-P dài khoảng 8,6 m, đường kính 67 cm, sải cánh khoảng 1,25 m, trọng lượng phóng tên lửa 3 tấn, đầu đạn nặng 200 kg, đủ để làm trọng thương tàu sân bay vào chục nghìn tấn.

Quỹ đạo bay tầng trời thấp của tên lửa Bastion-P cao 30 thước Anh, tốc độ 680 m/giây, hành trình tối đa 120 km; mô hình bay hỗ hợp tầng trời cao-thấp bay ở độ cao 46.000 thước Anh, tốc độ 780 m/giây, hành trình tối đa 300 km, giai đoạn tấn công thì giảm xuống độ cao lướt sóng là 30 thước Anh, tên lửa dựa vào dẫn đường radar mạch xung chủ động/bị động, tên lửa này trong quá trình bay được dẫn đường quán tính cộng với quang học.

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P của Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo
Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion-P của Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo

Sau khi bước vào giai đoạn tấn công, tên lửa dựa vào đầu dẫn của radar mạch xung chủ động/bị động. Trong mô hình chủ động, phạm vi bao trùm của đầu dẫn radar mạch xung chủ động/bị động ít nhất là 50 km, góc dò tìm là +- 45 độ, tàu sân bay chạy cực nhanh cũng khó thoát bị tấn công. Mỗi nhóm tên lửa Bastion có 8 quả tên lửa, bắn thẳng đứng hết 8 quả tên lửa trong vòng 20 giây – hình thành tấn công bão hòa.

Tên lửa chống hạm bờ biển Bastion-P của Việt Nam đã được bàn giao, điều này giúp Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên nhập khẩu loại tên lửa này, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc còn chưa có sức chiến đấu, "sát thủ tàu sân bay" tên lửa Bastion đã đưa vào hoạt động. Rõ ràng Nga đang thực hiện "cân bằng khu vực" trong chiến lược quốc tế.

2. Tên lửa chống hạm bờ biển Yakhont:

Tháng 8 năm 2010, Nga cũng đã bàn giao cho Việt Nam 1 tiểu đoàn tên lửa chống hạm bờ biển Yakhont, gồm có 4 xe phóng tên lửa, mỗi xe phóng trang bị 4 quả tên lửa chống hạm bờ biển Yakhont.

Còn có 4 xe nhồi tên lửa và 2 hệ thống radar phòng thủ bờ biển đồng bộ mới nhất. Bắt đầu từ năm 2012, Nga còn thảo luận thỏa thuận mới với Việt Nam, tiếp tục cung cấp 1 tiểu đoàn tên lửa chống hạm bờ biển Yakhont cho Việt Nam.

Tên lửa Yakhont triển khai ở Phan Thiết, gần thành phố Hồ Chí Minh, trận địa cách bờ biển chỉ 1,3 km, đã thi công kho tên lửa và xưởng sửa chữa có nóc nhà màu xanh. Radar phòng thủ bờ biển của nó có cự ly dò tìm các mục tiêu trên biển đạt 450 km, cự ly dò tìm các mục tiêu tên lửa đạt 35 km.

Khi dò tìm theo mô hình chủ động, nó có thể đồng thời theo dõi 30 mục tiêu, khi dò tìm theo mô hình bị động có thể theo dõi 50 mục tiêu. Hệ thống xử lý số liệu của nó có thể đồng thời xử lý 200 mục tiêu.

Tên lửa chống hạm Yakhont Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo
Tên lửa chống hạm Yakhont Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo

Tình hình triển khai này đã phản ánh mức độ tập trung đối với các đảo, đá ngầm "có tranh chấp" trên Biển Đông (báo Trung Quốc xuyên tạc) của Hải quân Việt Nam.

Đa số các đảo, đá ngầm "có tranh chấp" với Trung Quốc (báo Trung Quốc xuyên tạc) cách bờ biển Việt Nam chưa đến 300 km, trong khi đó tầm bắn của tên lửa chống hạm Yakhont thực chất vượt 300 km.

3. Hệ thống tên lửa phòng không S300PMU-1:

Lực lượng phòng không Việt Nam đã nhập khẩu 16 hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S300PMU1 của Nga vào năm 2003, hiện đã trang bị 2 tiểu đoàn.

Sự coi trọng của Quân đội Nhân dân Việt Nam đối với loại tên lửa tầm xa này cho thấy Việt Nam "có ý đồ" xây dựng hệ thống "phòng không tấn công" để khắc phục điểm yếu cố hữu là Việt Nam có chiều sâu phòng thủ nhỏ hẹp.

Trong hệ thống "phòng không tấn công" của Quân đội Việt Nam, tên lửa S-300 có thể đứng ở vị thế cốt lõi: Trước hết, máy bay chiến đấu Su-30 có giá cả đắt đỏ, số lượng có hạn, trong khi đó S-300 lại có thể mua số lượng lớn, dựa vào ưu thế số lượng cục bộ để đáp ứng nhu cầu phòng không.

Thứ hai, tên lửa này không chỉ có thể đánh chặn máy bay chiến đấu trong phạm vi 150 km, độ cao 10 m đến 30.000 m, mà còn có thể đánh chặn một số tên lửa.

Tên lửa phòng không S-300 của Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc
Tên lửa phòng không S-300 của Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Thứ ba, các loại rađar đồng bộ với hệ thống S-300 không chỉ có thể theo dõi hơn 100 mục tiêu trong phạm vi 300 km, mà còn có thể dò tìm được mục tiêu siêu thấp độ cao 20 m, có ý nghĩa to lớn đối với việc nâng cao khả năng cảnh báo sớm cho Quân đội Việt Nam.

4. Súng trường tấn công ngắn TAR-12:

Lực lượng đặc nhiệm Việt Nam trang bị súng trường tấn công ngắn TAR-21 do Israel chế tạo, một số nước châu Á rất chú trọng súng trường tấn công TAR-21 của Israel.

Chẳng hạn, Ấn Độ, Thái Lan đều đã mua lượng lớn loại súng này trang bị cho lực lượng tinh nhuệ nước mình. Hiện nay, Việt Nam cũng theo kịp các bước này. Hiện nay, lực lượng đặc nhiệm Việt Nam đã trang bị súng trường TAR-12, nhưng số lượng trang bị không rõ.

Có tờ báo Trung Quốc cũng đưa tin cho rằng, điều đáng chú ý là, Việt Nam cũng đã đạt được thỏa thuận với phía Israel xây dựng nhà máy sản xuất súng trường Galil tại Việt Nam.

Súng trường tấn công TAR-21 của lực lượng đặc nhiệm Việt Nam
Súng trường tấn công TAR-21 của lực lượng đặc nhiệm Việt Nam

5. Xe tăng T-72:

Năm 2005, Việt Nam mua được 150 xe tăng chiến đấu T-72 cũ cùng với linh kiện, đạn dược từ Ba Lan. Trước khi sở hữu xe tăng T-72, Quân đội Việt Nam chủ yếu sử dụng xe tăng T-62 và T-55 cũ. Đây được coi là xe tăng tiên tiến của Việt Nam.

6. Xe tăng phiên bản nâng cấp T-55 do Việt Nam sản xuất:

Đài truyền hình Việt Nam từng cho biết: Việt Nam đã nghiên cứu chế tạo thành công xe tăng chiến đấu mới nhất, trang bị pháo tiên tiến 125 mm và tên lửa, hệ thống săn tìm-tiêu diệt và bọc thép mô đun hóa có thể sánh ngang với xe tăng tiên tiến nhất trên thế giới, đạt trình độ tiên tiến thế giới.

Hiện nay, loại xe tăng này đã bắt đầu tiến hành kiểm tra tính năng dã ngoại. Loại xe tăng mới này của Việt Nam được cải tiến từ xe tăng chiến đấu T-55 của Liên Xô cũ.

Xe tăng Việt Nam
Xe tăng Việt Nam

Không quân Việt Nam:

1. Máy bay chiến đấu Su-30:

Năm 2012, Không quân Việt Nam trang bị tổng cộng 24 máy bay chiến đấu đa năng Su-30MKV/MK2. Điều đáng chú ý là, loại máy bay chiến đấu này là máy bay chiến đấu đa năng do Nga nghiên cứu chế tạo, thiết kế dùng để giành lấy ưu thế trên không, cũng có thể sử dụng vũ khí chính xác cao để tiêu diệt mục tiêu mặt đất trong mọi điều kiện thời tiết.

Đơn vị Không quân Việt Nam tinh nhuệ nhất là sư đoàn hàng không 370, trực thuộc là trung đoàn 935 triển khai máy bay Su-30MKV ở căn cứ không quân Biên Hòa, thuộc ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. Bài báo cho rằng, điều này đã thể hiện tình hình triển khai "coi trọng miền nam, coi nhẹ miền bắc" của Không quân Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh cách eo biển Malacca 1.124 km, có thể thấy bán kính tác chiến của lực lượng Su-30 Không quân Việt Nam bao trùm lên toàn bộ Biển Đông.

Máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo
Máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 Việt Nam sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo

Không quân Việt Nam còn có một kế hoạch đổi mới trang bị cỡ lớn, vẫn là tiếp tục mua trung đoàn máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK thứ ba và máy bay huấn luyện Yak-130 của Nga.

Từ tình hình xây dựng lại căn cứ của Không quân Việt Nam những năm gần đây có thể thấy, nhiều sân bay hơn đang được hiện đại hóa, dự kiến sẽ chào đón thêm nhiều máy bay chiến đấu, máy bay huấn luyện mới.

2. Máy bay chiến đấu Su-27:

Việt Nam hiện nay trang bị 17 máy bay chiến đấu Su-27SK/UBK, máy bay chiến đấu Su-27 của Không quân Việt Nam chủ yếu dùng để thực hiện nhiệm vụ phòng không.

Trong tình hình bình thường, có 2 phi công sẽ nằm ở trạng thái đợi lệnh 24/24 giờ, có thể căn cứ vào mệnh lệnh đưa ra từ Bộ tư lệnh Không quân Việt Nam ở Hà Nội, trong thời gian ngắn có thể làm tốt công tác sẵn sàng chiến đấu.

Điều cần chỉ ra là, Quân đội Việt Nam triển khai một hệ thống radar Nebo-SV ở khu vực xung quanh Hà Nôi, nó có thể đồng thời dò tìm được 250 mục tiêu, độ cao dò tìm là 50 m - 27.000 m, cự ly dò tìm là 50-330 km.

Việc triển khai máy bay chiến đấu tiên tiến của Không quân Việt Nam đã hoàn thành, đã thể hiện rất lớn sự coi trọng của đối với Biển Đông. Đây là quốc gia trang bị máy bay chiến đấu dòng Su nhiều nhất trong các nước Đông Nam Á.

Bán kính tác chiến của những máy bay chiến đấu này bao trùm lên tất cả đảo, đá ngầm "có tranh chấp" giữa Việt Nam với Trung Quốc (báo Trung Quốc xuyên tạc, thực ra là Trung Quốc xâm lược và gây ra tranh chấp).

Máy bay chiến đấu Su-27SK của Không quân Việt Nam
Máy bay chiến đấu Su-27SK của Không quân Việt Nam

Báo Trung Quốc kết luận, nói chung, vũ khí của 3 quân chủng Quân đội Nhân dân Việt Nam về tổng thể có trình độ kỹ thuật "hoàn toàn không cao", không thể so sánh với Trung Quốc trên nhiều phương diện, nhưng Việt Nam và Trung Quốc "có tranh chấp lãnh hải trực tiếp" (thực chất không có tránh chấp, TQ là nước cố tình kéo Việt Nam và các nước khác tại khu vực vào tranh chấp để trục lợi cho mình) trên Biển Đông, mục tiêu phát triển quân bị trực tiếp của Việt Nam rất rõ ràng, ngoài nhu cầu quốc phòng tự thân, còn lại chính là nhằm "đối phó Trung Quốc".

Đông Bình