Báo Trung Quốc xếp loại những vũ khí đình đám năm 2012

04/01/2013 06:35
Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)
(GDVN) - Báo Trung Quốc xếp loại về một số vũ khí đình đám trên thế giới hiện nay, đáng chú ý tiến hành kiểu "mẹ hát con khen hay" đối với một số vũ khí của họ.
Máy bay chiến đấu hải quân J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay chiến đấu hải quân J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh

Tờ “Giải phóng quân báo” của Quân đội Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, trong năm qua, Trung Quốc có nhiều “vũ khí ngôi sao” Trung Quốc rất đáng nhớ. Tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh, máy bay chiến đấu hải quân J-15 và máy bay trực thăng vũ trang Z-10, Z-19 lần lượt xuất hiện, chúng đem lại cho người Trung Quốc một “giấc mơ Trung Quốc”.

Ngoài ra, các “vũ khí ngôi sao” nước ngoài gây chú ý gồm có máy bay không gian bí hiểm X-37B của Mỹ, mỗi lần nó xuất hiện đều gây rất nhiều phỏng đoán; máy bay chiến đấu tàng hình T-50 mỗi lần gào thét trên bầu trời đều gây rất nhiều tranh luận, sự ra đời của hệ thống “Iron Dome” của Israel, máy bay chiến đấu Rafale Pháp lần đầu tiên giành được đơn đặt hàng lớn của nước ngoài... cũng đang lặng lẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh trên bàn cờ quân sự thế giới.

Trong 1 năm, rất nhiều “vũ khí ngôi sao” thực sự là “vài lời khó nói hết”. AK-12 phải chăng tiếp tục viết thêm “huyền thoại” của dòng súng này? Tàu sân bay “siêu chậm” của Ấn Độ có chi phí cải tạo lên tới 2,9 tỷ USD, máy bay vận tải Osprey đến Nhật Bản bị 100.000 người dân Okinawa biểu tình phản đối... đều xuất hiện đầy ắp trên các mặt báo.

Hemingway từng nói: “Không ai là một hòn đảo, mà luôn nằm trong một chỉnh thể”. Tương tự, không có vũ khí nào là cô lập. Mỗi một vũ khí xem ra tựa như một câu đố đơn giản, đoán ra đáp án lại thường phải xem xét cả một thời đại.

Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Là “bông hoa công nghiệp” của một quốc gia, vũ khí chắc chắn liên quan chặt chẽ đến những vấn đề lớn như sức mạnh quốc gia, chính sách quốc phòng; với tư cách là một phương tiện của quân đội, vũ khí tất yếu phản ánh hình ảnh về tư duy phát triển và chiến lược, chiến thuật của một đội quân; với tư cách là một người bạn của quân nhân, vũ khí nhất định hội tụ rất nhiều trí tuệ và tình cảm của quân nhân...

Căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có mật độ thông tin đăng tải trên truyền thông, báo Trung Quốc liệt kê danh sách thứ tự các “vũ khí ngôi sao” trong năm 2012 và nói về ý nghĩa của chúng như sau:

1. Tàu sân bay Liêu Ninh đi vào hoạt động

Ngày 25/9/2012, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh chính thức bàn giao cho Hải quân Trung Quốc, theo đó, Trung Quốc chính thức bước vào “thời đại tàu sân bay”, trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cuối cùng sở hữu loại tàu chiến này.

Cùng ngày, hãng Reuters cho rằng: “Tuy rằng tàu sân bay Trung Quốc thực sự phát huy được khả năng tác chiến còn phải trải qua rất nhiều thời gian, nhưng chương trình tàu sân bay của Trung Quốc là một hình ảnh thu nhỏ của con đường hiện đại hóa quân đội 30 năm qua của Quân đội Trung Quốc”.

Hải quân Trung Quốc tìm cách để hình thành khả năng chiến đấu cho tàu sân bay Liêu Ninh
Hải quân Trung Quốc tìm cách để hình thành khả năng chiến đấu cho tàu sân bay Liêu Ninh

Trong 1 năm qua, với tư cách là một “siêu sao” vũ khí Trung Quốc, tàu sân bay Liêu Ninh không chỉ là đối tượng được báo chí Trung Quốc và nước ngoài tập trung đưa tin, nó còn là phương tiện để người dân Trung Quốc thể hiện niềm tự hào.

Rõ ràng, đây là một cột mốc trên con đường phát triển đáng chú ý của Hải quân Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang tập trung xây dựng cường quốc biển và ngày càng tự tin hơn trong tranh chấp biển đảo.

2. Máy bay không gian X-37B: Hành tung bí ẩn

Nếu bạn ngồi trên chiếc máy bay này, bạn sẽ được bay một vòng quanh Trái đất trong vòng 90 phút. Vào trung tuần tháng 6/2012, chiếc máy bay không gian không người lái X-37B thứ hai của Không quân Mỹ đã kết thúc nhiệm vụ bí mật hơn 15 tháng, trở về mặt đất một cách thuận lợi.

Đến rạng sáng ngày 12/12/2012, Không quân Mỹ lại tiếp tục phóng máy bay không gian X-37B vào vũ trụ, dưới sự trợ giúp của tên lửa đẩy Atlas-V từ căn cứ Canaveral, bang Florida, Mỹ.

Máy bay không gian không người lái X-37B
Máy bay không gian không người lái X-37B

Loại máy bay không gian này tích hợp các đặc tính của cả máy bay và tàu vũ trụ, có thể cơ động thay đổi quỹ đạo trong không gian và ở khu vực tiếp cận không gian, quỹ đạo phức tạp, đa dạng, lơ lửng, không xác định. Với độ cao mà nó bay, 1 quả bom không có đầu đạn nặng 1.000 kg thả từ máy bay này đủ để phá hủy một cây cầu lớn trên mặt đất với tốc độ của tên lửa.

Với tốc độ bay nhanh của nó, làm cho hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa hiện đại “cảm thấy thua chị kém em”, từ phát hiện, nhận biết, bám theo đến đánh chặn và tiêu diệt, hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa đều mất hiệu lực.

Không quân Mỹ không hề tiết lộ về sứ mệnh của loại máy bay này, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ luôn tập trung xây dựng “khả năng tấn công toàn cầu trong 2 giờ”. Máy bay không gian X-37B thần bí tiếp tục đặt ra câu hỏi cho dư luận: Tác chiến trong không gian vũ trụ cách chúng ta rốt cuộc còn bao xa?

3. Máy bay chiến đấu tàng hình T-50

Không quân Nga tổ chức kỷ niệm tròn 100 năm ra đời, tiếp tục làm cho máy bay chiến đấu tàng hình T-50 trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận. Trước đó, những thông tin về loại máy bay chiến đấu này là, hệ thống tên lửa mới nhất trang bị cho nó sẽ hoàn thành nghiên cứu chế tạo vào năm 2012-2013.

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 của Nga
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 của Nga

Trong năm 2012, nó thực sự nổi bật khi được truyền thông đem ra so sánh với máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-22 của Mỹ.

Trong con mắt của các chuyên gia, so với đặc điểm tấn công rất mạnh của F-22 và F-35, thì chiến đấu cơ T-50 nghiêng về phòng thủ, ưu điểm là có tính năng cơ động tốt, cất/hạ cánh cự ly ngắn, lượng tải đạn lớn; điểm yếu là thiết bị điện tử hàng không và khả năng tàng hình còn hạn chế nhất định.

T-50 cất cánh chắc chắn sẽ rất nặng. Điều này không chỉ là thân máy bay có trọng lượng cất cánh tối đa đạt 34 tấn, mà còn có sứ mệnh và kỳ vọng mà nó mang theo. Mỹ đi đầu trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, tạo ra sức ép rất lớn đối với Không quân Nga. T-50 ra đời được coi là tiêu chí phục hưng toàn diện của công nghiệp quân sự Nga.

4. Máy bay chiến đấu hải quân J-15

Trong năm 2012, Trung Quốc đã cho máy bay chiến đấu hải quân J-15 (xem video) cất/hạ cánh thành công trên tàu sân bay Liêu Ninh. Theo đánh giá của các chuyên gia Trung Quốc, máy bay chiến đấu J-15 được cho là “cá mập” bay mạnh mẽ, các tính năng có thể “sánh ngang” với các máy bay chiến đấu chủ lực hiện có trên thế giới như Su-33 của Nga, F-18 của Mỹ.

Máy bay chiến đấu hải quân J-15 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu hải quân J-15 Trung Quốc

Tuy nhiên, phía Nga đã cáo buộc máy bay J-15 Trung Quốc sao chép Su-33 của Nga. Đại tá Igor Korotchenko, một quan chức Bộ Quốc phòng Nga, khẳng định: “Bản sao J-15 của Trung Quốc sẽ không thể có được những đặc điểm hoạt động ưu việt của máy bay chiến đấu Su-33 của Nga. Tôi cho rằng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải đàm phán với Nga để mua một số lượng đáng kể Su-33”.

Bên cạnh đó, có một sự kiện buồn liên quan đến máy bay hải quân J-15 là, ngày 25/11/2012, Tổng chỉ huy nghiệp vụ thử nghiệm cất, hạ cánh của chiến đấu cơ J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh, ông La Dương đã đột tử khi đang trên đường trở về đất liền, do bị nhồi máu cơ tim.

La Dương là Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Thẩm Dương – Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, người được giao nhiệm vụ chỉ huy hoạt động huấn luyện thử nghiệm cất hạ cánh chiến đấu cơ J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh.

J-15 là loại máy bay chiến đấu do công ty Thẩm Dương chế tạo và La Dương cũng là người chịu trách nhiệm chính của dự án này.

Trang mạng tổ hợp công nghiệp quân sự Nga ngày 7/11 dẫn các nguồn tin phỏng đoán, máy bay J-15 rất có thể sắp đưa vào sản xuất hàng loạt, hiện đã có khoảng 20 chiếc tham gia các cuộc thử nghiệm.

Máy bay chiến đấu hải quân Su-33 của Nga
Máy bay chiến đấu hải quân Su-33 của Nga

5. Máy bay trực thăng Z-10,  Z-19 tham gia triển lãm

Hai loại máy bay trực thăng vũ trang do Trung Quốc tự chế tạo gồm Z-10 và Z-19 đã luôn được tờ “Jane’s Defense Weekly” của Anh và tờ “Kanwa Defense Review” quan tâm phỏng đoán, cuối cùng cũng được Trung Quốc trưng bày tại Triển lãm hàng không Trung Quốc lần thứ 9 vào ngày 13/11/2012.

Báo Trung Quốc nói rằng, theo đánh giá của các chuyên gia thì hai loại máy bay này đứng vào top 3 trong số các máy bay trực thăng cùng loại trên thế giới!.

Máy bay trực thăng vũ trang luôn bị phương Tây cho là điểm yếu trong trang bị của Quân đội Trung Quốc. Báo Trung Quốc cho rằng, Z-10 và Z-19 đã loại bỏ quan niệm này, nó phản ánh trình độ nghiên cứu chế tạo của máy bay trực thăng vũ trang Trung Quốc đã “đạt trình độ tiên tiến của thế giới”.

Máy bay trực thăng tấn công Z-10 Trung Quốc được cho là giống AH-64 Apache Mỹ
Máy bay trực thăng tấn công Z-10 Trung Quốc được cho là giống AH-64 Apache Mỹ

Z-10 là máy bay trực thăng tấn công do Công ty công nghiệp máy bay Xương Hà và Tổng công ty chế tạo máy bay Cáp Nhĩ Tân cùng phụ trách nghiên cứu phát triển. Bề ngoài của nó trông khá giống AH-64 Apache của Mỹ, nó được đánh giá là yếu nếu sử dụng động cơ trong nước. Z-10 có bán kính hoạt động khoảng 800 km, còn kém xa so với các trực thăng vũ trang cùng loại của Mỹ, châu Âu và Nga.

Ngoài ra, trong năm 2012, dư luận Mỹ cũng cho rằng Trung Quốc đã ăn cắp công nghệ của Công ty Platter Whitney, nên mới có thể chế tạo loại trực thăng tấn công hiện đại Z-10.

Trong khi đó, Z-19 là máy bay trực thăng tấn công do Tập đoàn Công nghiệp Harbin chế tạo, nó nhẹ hơn Z-10, được thiết kế dựa trên trực thăng Z-9 và có nguồn gốc từ AS365 Dauphin của Pháp. Nó được cho là có thiết kế và vai trò nhiệm vụ tương đồng đặc biệt với trực thăng trinh sát và tấn công hạng nhẹ Kawasaki OH-1 Ninja của Nhật Bản.

Máy bay trực thăng tấn công Z-19 Trung Quốc
Máy bay trực thăng tấn công Z-19 Trung Quốc

6. Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm gần Iron Dome phòng thủ hiệu quả

Người dân Israel đang tìm lại được cảm giác an toàn đã lâu. Năm 2012, trong cuộc xung đột giữa Palestin và Israel, hệ thống phòng thủ tên lửa tầm gần Iron Dome - một loại vũ khí phòng thủ mặt đất đã ra đời, gạt bỏ những “ngôi sao” khác như máy bay không người lái, máy bay kiểu mới, thậm chí lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của Israel cũng phải thán phục.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak nói rất tự hào rằng: “8 ngày qua, Hamas đã phóng vào lãnh thổ Israel 1.506 quả tên lửa, 875 quả phóng vào khu vực hoang dã, 152 quả không thể phóng thành công, 421 quả còn lại bị Iron Dome đánh chặn. Điều này có nghĩa là, 479 quả tấn công có hiệu quả tên lửa, 88% bị đánh chặn, kết quả đáng kinh ngạc”.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome của Israel
Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome của Israel

Quốc phòng-an ninh là thứ khó có thứ gì có thể mua được. Hệ thống Iron Dome không những đã nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân Israel, mà còn đã làm thay đổi “quy tắc trò chơi” trong cuộc xung đột Palestin-Israel. Không còn phải tính một quả tên lửa Iron Dome 60.000 USD đánh chặn không nổi một quả tên lửa 1.000 USD, Iron Dome đã đem lại cảm giác an toàn cho người dân, đem lại khả năng răn đe về quân sự và quyền chủ động về ngoại giao cho Israel, đã sớm vượt qua phạm trù kinh tế học đơn thuần.

7. Máy bay chiến đấu Rafale lần đầu tiên xuất khẩu

Máy bay chiến đấu khó bán nhất trên thế giới cuối cùng đã bán được. Ấn Độ quyết định mua 126 máy bay chiến đấu Rafale trị giá 12 tỷ USD, giúp cho mong muốn nhiều năm xuất khẩu máy bay chiến đấu Rafale của Pháp cuối cùng được bắt đầu thực hiện.

Tổng thống Pháp khi đó là ông Sarkozy xúc động nói, đây là giao dịch mà Pháp đã chờ đợi 30 năm, sẽ đem lại niềm tin cho cả nền kinh tế Pháp.

Máy bay chiến đấu hải quân Rafale-M do Pháp chế tạo
Máy bay chiến đấu hải quân Rafale-M do Pháp chế tạo

Báo Trung Quốc cho đây là may mắn của máy bay chiến đấu Rafale Pháp, bởi vì máy bay này được cho là thuộc thế hệ thứ 3+, trong khi đó hiện nay những máy bay chiến đấu tàng hình, máy bay không người lái kiểu mới đang nổi lên.

Rafale đạt được kết quả tốt như vậy là do đã may mắn gặp được Ấn Độ - một nước được mệnh danh là nước nhập vũ khí hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, triển vọng bán Rafale cho các khách hàng tiếp theo còn chưa biết được.

8. Máy bay vận tải cánh xoay Osprey

Năm 2012, loại máy bay để xảy ra nhiều sự cố rơi vỡ Osprey tiếp tục được dư luận quan tâm khi nó được Mỹ triển khai ở Nhật Bản, đã bị 100.000 người dân Okinawa Nhật Bản biểu tình phản đối.

Loại máy bay này được lực lượng Lính thủy đánh bộ Mỹ gọi là máy bay vận tải Osprey với mệnh danh “ngôi sao tương lai”. Từ khi bắt đầu bay thử vào năm 1989 đến nay, đã có 30 người chết vì sự cố ngoài ý muốn gây ra bởi loại máy bay này.

Máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey Mỹ
Máy bay vận tải cánh xoay MV-22 Osprey Mỹ

Mặc dù vậy, máy bay MV-22 Osprey vẫn được Mỹ triển khai ở Okinawa. Theo thỏa thuận giữa Nhật-Mỹ, khi Osprey thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, độ cao bay thấp nhất không được dưới 150 m, đây được cho là một sự nhượng bộ của Nhật Bản đối với việc Mỹ triển khai máy bay vận tải này.

Đằng sau việc triển khai máy bay vận tải Osprey là rõ ràng Mỹ đẩy nhanh các bước bố trí lực lượng quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương.

9. Tàu sân bay Vikramaditya siêu chậm

Năm 2004, Nga cam kết tặng tàu sân bay cũ Đô đốc Gorshkov cho Ấn Độ, chỉ cần Ấn Độ bỏ ra kinh phí cải tạo. Giá rẻ như vậy làm cho Ấn Độ “bập” vào, rồi đặt tên cho nó là INS Vikramaditya (tức siêu thời gian). Ai biết được cái tên này trở thành sự thật - báo TQ mỉa mai.

Tàu sân bay Vikramaditya đã trở thành tàu sân bay siêu chậm trễ, 8 năm trôi qua với nhiều lần trì hoãn bàn giao, nhiều lần tăng chi phí, năm 2012 con tàu này mặc dù đã được chạy thử, nhưng sau đó lại gặp phải sự cố nồi hơi nên tiếp tục trì hoãn thời gian bàn giao.

Tàu sân bay INS Vikramaditya Ấn Độ
Tàu sân bay INS Vikramaditya Ấn Độ

Những người ngồi xe lửa (loại xe phải dừng từng trạm) đều có thể hiểu được tâm trạng của Ấn Độ. Điều gay go hơn là, cái “giá rẻ” năm xưa đã biến thành “giá trên trời” hiện nay: 2,9 tỷ USD.

Đằng sau sự rối rắm của tàu sân bay siêu chậm này đã phản ánh Ấn Độ có tham vọng xây dựng hạm đội tàu sân bay lớn thứ hai trên thế giới.

10. Súng trường  AK-12

Dòng súng AK không còn có Kalashnikov nữa, súng trường AK-12 do nhà thiết kế chính Vladimir Zlobin thiết kế để nâng cấp phải chăng viết tiếp thành huyền thoại, ngay từ lúc bắt đầu nó đã ngổn ngang trăm mối.

Sự phá sản của nhà máy chế tạo AK-47 làm cho việc nâng cấp này mang đầy màu sắc bi tráng. Điều này hoàn toàn khác với tâm trạng sáng tạo AK-47 của Kalashnikov trước đây. Trước đây, Kalashnikov chế tạo một chiếc súng trường cho nước Nga, còn nay, Vladimir Zlobin lại nhằm mục đích cứu lấy tài chính gay go của công ty.

Có lẽ, AK-12 không thực sự được như ý muốn, nhưng với nhãn hiệu “mạ vàng” của dòng súng AK thì nó vẫn là “hàng hiệu”. Nhà bình luận vũ khí hạng nhẹ nổi tiếng Mỹ, Isere quả quyết rằng, trước năm 2025, về độ tin cậy bắn, thế giới không có nhiều khả năng xuất khẩu sản phẩm mới cao hơn AK.

Súng trường tự động AK-12 Nga
Súng trường tự động AK-12 Nga

Được biết, AK-12 do nhà máy Izhmash, đơn vị sản xuất súng AK huyền thoại nghiên cứu chế tạo vào cuối năm 2011. Đây là loại súng trường tấn công Kalashnikov thế hệ thứ 5 đã thu hút sự chú ý của Bộ Quốc phòng Nga.

Hơn nữa, có chuyên gia dự đoán, AK-12 có thể là mô hình cơ bản cho súng trường trong tương lai, thậm chí còn được kỳ vọng trở thành vũ khí lý tưởng cho những người lính tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và các chiến dịch chống khủng bố.

Đông Bình (nguồn Tân Hoa xã)