Báo cáo đáng chú ý về nạn cướp biển tại khu vực châu Á

15/01/2015 13:41
Bình Nguyên
(GDVN) - Thực tế này theo IBM là đáng báo động bởi thống kê về các vụ cướp tàu chở dầu trên toàn cầu đã tăng từ 12 vụ năm 2013 lên 21 vụ vào năm 2014.
Báo Học giả ngoại giao có trụ sở tại Nhật Bản ngày 15/1/2015 dẫn thống kê mới được Cơ quan hàng hải quốc tế/(IMB) công bố cho hay, trong năm 2014, 75% các vụ cướp biển được toàn thế giới thống kê đều xuất hiện ở khu vực châu Á và xu hướng này đang gây quan ngại rất lớn với toàn bộ khu vực.

Báo cáo của IMB được công bố vào ngày hôm qua 14/1/2015 và thông tin này cũng đã được nhiều hãng truyền thông lớn của thế giới đề cập. Cụ thể, trong năm 2014, toàn thế giới xảy ra 245 vụ việc do hải tặc và các biến cố liên quan đến nạn cướp trên biển gây ra, trong đó 183 trường hợp xảy ra ở các vùng biển của châu Á.

Tàu Sunrise 689 của VN bị cướp biển khống chế, lấy đi hơn 1 ngàn tấn dầu trị giá 30 tỷ VNĐ (ảnh minh họa)
Tàu Sunrise 689 của VN bị cướp biển khống chế, lấy đi hơn 1 ngàn tấn dầu trị giá 30 tỷ VNĐ (ảnh minh họa)

IMB đặc biệt nhấn mạnh thực tế là trong số gần 200 vụ cướp xảy ra ở khu vực châu Á thì chủ yếu và nghiêm trọng nhất vẫn là nhằm vào các tàu chở dầu cỡ nhỏ lưu thông trên các vùng duyên hải ở khu vực Đông Nam Á.

Thực tế này theo IBM là đáng báo động bởi thống kê về các vụ cướp tàu chở dầu trên toàn cầu đã tăng từ 12 vụ năm 2013 lên 21 vụ vào năm 2014.

Pottengal Mukundan – Giám đốc IBM được dẫn lời trên một thông cáo báo chí được đăng tải trên website do IBM điều hành nói: “Số vụ việc liên quan đến hoạt động tấn công của hải tặc nhằm vào các tàu chở dầu ở khu vực Đông Nam Á đã làm cho số lượng các vụ cướp tàu trên quy mô toàn thế giới tăng đáng kể”.

“Các băng đảng cướp có tổ chức, có vũ trang đã tìm cách tấn công các tàu chở dầu cỡ nhỏ lưu thông ở khu vực Đông Nam Á để cướp tài sản mà các tàu vận tải này đang chở. Đa phần các băng đảng này nhằm vào các tàu chở dầu, khí đốt để khống chế, ăn trộm sau đó bán đi lấy tiền”.

Chỉ riêng khu vực Đông Nam Á, năm 2014 đã chứng kiến 141 vụ cướp biển, phần lớn số vụ việc này đều xảy ra tại các vùng biển quanh lãnh thổ Indonesia. Thống kê tương tự tại khu vực này vào năm 2013 là 126 trường hợp.

IMB cũng đã đưa ra khuyến nghị đối với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia và Malaysia với hai lực lượng chủ công là Cảnh sát biển Indonesia và Cơ quan thực thi pháp luật hàng hải Malaysia phải có giải pháp ứng phó và giải quyết triệt để tình hình này.

IMB đồng thời cũng đưa ra cảnh báo rằng nếu các vụ cướp biển sử dụng súng, dao dài tại các điểm nóng ở Đông Nam Á không được giải quyết, dập tắt thì tình trạng này sẽ có xu hướng lan rộng, xuất hiện nhiều trong tương lai.

“Điều quan trọng là phải bắt, xử lý theo pháp luật các băng nhóm cướp biển trước khi các vụ tấn công táo bạo và nghiêm trọng hơn có thể xảy ra” – Giám đốc IMB cho hay.

Khu vực Đông  Nam Á được xem là nhà của nhiều tuyến đường vận tải biển quan trọng của thế giới như Biển Đông, Eo Malacca, nơi một nửa giao dịch thương mại quốc tế và 1/3 nguồn cung dầu mỏ toàn cầu phải đi qua.

Báo cáo của IMB nhấn mạnh, trong những năm gần đây mặc dù các quốc gia ven biển ở Đông Nam Á đã thành công trong việc tăng cường hợp tác khu vực để giải quyến vấn nạn hải tặc hoành hành nhưng những con số được IBM đưa ra cho thấy công tác này trong năm 2014 vẫn còn nhiều điều đáng suy nghĩ.

Liên quan đến vấn nạn hải tặc tại khu vực, năm 2014 cũng là năm mà tàu chở dầu của Việt Nam cũng đã trở thành nạn nhân của những tên cướp biển táo tợn.

Đầu tháng 10/2014,  một tàu vận tải mang tên Sunrise 689 của Việt Nam chở theo 5.226 tấn dầu diesel đã bị hải tặc tấn công, khống chế, cướp đi số dầu là 1.328 tấn trị giá khoảng 30 tỷ Đồng.

Con tàu này đã bị cướp biển khống chế, phá hỏng các thiết bị liên lạc, ra đa định vị  trong nhiều ngày trước khi được lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp cận, lai dắt về nước.

Tiếp đó, ngày 7/12/2014, tàu chở hàng VP ASPHALT 2 của Việt Nam cũng đã bị cướp biển tấn công khiến một thuyền viên thiệt mạng, đáng chú ý, địa điểm  xảy ra vụ việc rất gần với vị trí tàu Sunrise 689 từng bị cướp hồi tháng 10 cùng năm.

Theo thống kê của Trung tâm chia sẻ thông tin Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp tàu có vũ trang ở châu Á (ReCAAP) đặt tại Singapore trong tháng 12/2014, vấn nạn cướp biển trong khu vực một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý của khu vực.

Theo ReCAAP, các nhóm cướp biển trong khu vực giờ đây không chỉ tăng cường hoạt động, mà còn trở nên táo tợn và bao lực hơn.

Theo mức độ phân cấp, từ đầu năm 2014 đến cuối năm đã xảy ra 12 vụ thuộc loại 1 (gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản), vượt mức kỉ lục 8 vụ của năm 2011. Ở loại 3 (cướp vặt hoặc gây hậu quả tối thiểu), cũng xảy ra 71 vụ, chỉ kém chút ít so với mức kỷ lục 73 vụ của năm 2013.

Cơ quan chức năng của VN chuẩn bị khám nghiệm tàu VP Asphalt 2 ngày 13/12/2014 (ảnh minh họa, nguồn NLĐ)
Cơ quan chức năng của VN chuẩn bị khám nghiệm tàu VP Asphalt 2 ngày 13/12/2014 (ảnh minh họa, nguồn NLĐ)

Và tình trạng bạo lực leo thang tại vùng biển trong khu vực một lần nữa ở mức nghiêm trọng sau cái chết của thuyền viên Trần Đức Đạt trong vụ cướp tàu hàng VP ASPHALT 2 của Công ty Cổ phần Vận tải Hóa dầu VP khi cách bờ biển Singapore khoảng 70 hải lý rạng sáng 7/12/2014.

Nguyên nhân gây tử vong của thuyền viên này được xác định là do bị đạn bắn vào trán phải. Anh Đạt đã qua đời cùng ngày tại Bệnh viện Tan Hock Seng của Singapore sau khi được đưa về đây cấp cứu.

Ông Đặng Minh Thao, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải Hóa dầu VP, cho rằng việc tàu VP ASPHALT 2 bị cướp một lần nữa cho thấy cướp biển giờ đây không chỉ thực hiện những vụ việc có quy mô lớn như trước mà còn sẵn sàng làm “những việc hết sức vặt vãnh như với tàu chúng tôi vừa rồi,” khi không cướp được hàng trên tàu thì cướp đồ của thuyền viên.

Khi bị cướp, tàu VP ASPHALT 2 chở 2.300 tấn nhựa đường lỏng, với thủy thủ đoàn gồm 16 người, đang trên hành trình trả hàng từ Singapore về Việt Nam.

Theo Jane Chan - chuyên gia về an ninh hàng hải thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS), vấn đề nằm ở chỗ liệu các nước liên quan có sẵn sàng mở rộng hoạt động tuần tra ra những khu vực khác hay không.

Bà Jane Chan cho hay: “Các nước ven biển cần phải quyết định liệu họ có nên mở rộng tuần tra và hành động không chỉ ở vùng biển của mình mà còn trên cả Biển Đông hay không, khi mà ngày càng nhiều tàu thuyền đang trở thành đối tượng của nạn cướp biển tại đây.”

Bình Nguyên