Báo quân đội TQ e ngại trước khả năng tác chiến ven bờ liên hợp của Mỹ

23/04/2013 06:33
Đông Bình
(GDVN) - "Tác chiến duyên hải" là "mốt" tác chiến liên hợp hiện nay, dựa trên hệ thống thông tin đa hướng - trên đất liền, trên biển, trên không, mạng...
Ngày 2/5/2012 tàu tuần duyên (tàu chiến đấu duyên hải) LCS-1 USS Freedom va LCS-2 USS Independence tiến hành diễn tập liên hợp lần đầu tiên ở bờ biển nam California
Ngày 2/5/2012 tàu tuần duyên (tàu chiến đấu duyên hải) LCS-1 USS Freedom va LCS-2 USS Independence tiến hành diễn tập liên hợp lần đầu tiên ở bờ biển nam California

Tờ “Giải phóng quân” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, từ nửa sau thế kỷ trước đến nay, sự sụp đổ của Liên Xô làm cho Mỹ đã xác lập đầy đủ quyền kiểm soát biển trên toàn cầu.

Do đó, Hải quân Mỹ không ngừng điều chỉnh chiến lược quân sự, từng bước nhận thức được chiến trường hiện nay ở duyên hải, nơi giáp giới giữa biển và đất liền trên cả 5 châu lục, trước sau đã đưa ra tư tưởng chiến lược “từ biển hướng vào đất liền”, “hiện diện tuyến đầu”, làm nảy sinh khái niệm “tấn công trên biển, lá chắn trên biển và căn cứ trên biển”, làm cho “tác chiến duyên hải” lộ ra manh mối.

Đến nay, “tác chiến duyên hải” là một loại hình thức tác chiến liên hợp thời thượng, bao trùm phạm vi toàn cầu – không gian chiến trường thông tin hóa cả mặt đất, trên biển, trên không, trong vũ trụ, mạng, điện từ; được cho là đã phát huy tối đa các ý tưởng.

Ở đây, quân Mỹ đặc biệt chú trọng xây dựng lực lượng tác chiến liên hợp tiên tiến, có thể kiểm soát chắc chắn các đầu mối trọng yếu và điểm nút then chốt về quân sự của “đường bờ biển vàng” đối phương, từ đó đóng vai trò giành thắng lợi kiểu “lấy nhỏ đánh lớn”.

Điều chỉnh bố trí, thực hiện tấn công liên hợp mọi hướng

Gần đây, có chuyên gia nước ngoài cho rằng, dự kiến sau năm 2015, các cường quốc quân sự sẽ tiến hành một loạt cuộc cải cách mới xoay quanh việc xây dựng các trang bị tác chiến mọi hướng như trên mặt đất, trên biển, trên không, trong vũ trụ, điện từ, mạng cùng với ứng dụng quân sự của chúng.

Máy bay không gian không người lái X-37B của Mỹ
Máy bay không gian không người lái X-37B của Mỹ

Khi đó, Không quân và Hải quân Mỹ sẽ đưa toàn bộ những trang bị như máy bay ném bom chiến lược tàng hình tầm xa thế hệ mới X-37B, tàu lặn không người lái duyên hải, máy bay không người lái hải quân X-47B, máy bay tấn công tầm xa thế hệ mới (LRS).. vào tác chiến duyên hải.

Được biết, Hải quân, Lực lượng đánh bộ của EU và Australia cũng sẽ lần lượt hoàn thành đổi mới hệ thống tác chiến thế hệ mới như tên lửa hành trình siêu thanh liên hợp, tàu cao tốc liên hợp, radar phòng thủ tên lửa tiên tiến và thủy lôi tự động thông minh tầm xa.

Ngoài ra, hệ thống chi viện không người điều khiển mặt đất, hệ thống tác chiến người máy (robot) tiên tiến mô đun hóa của Lục quân ba nước Anh, Pháp, Đức dự kiến cũng đều sẽ hoàn thành triển khai trước sau năm 2015.

Trong việc lên kế hoạch rùm beng cho tác chiến duyên hải, hiện nay các trang bị tác chiến cơ động lưỡng thê (trên cạn, dưới nước) có trình độ thông tin hóa cao của các cường quốc quân sự đều đã thể hiện đầy đủ tư tưởng tác chiến C4ISRK thời thượng hiện nay, đó là, cùng với việc áp dụng liên kết dữ liệu mới nhất để nâng cao hiệu suất tác chiến chỉ huy, còn kết nối vào mạng lưới Bộ tư lệnh mạng của các nước, tạo thành thiết bị đầu cuối của “chiến tranh trung tâm mạng”.

Đáng chú ý, Quân đội Nga tập trung vào tăng cường xây dựng chiến trường số hóa duyên hải trên nhiều phương hướng chiến lược.

Tấn công tức thời, hiệp đồng cao giữa cận chiến và viễn chiến

Việc đưa ra học thuyết “tác chiến duyên hải” của các cường quốc quân sự, không chỉ hy vọng sáng tạo tư tưởng tác chiến, dẫn dắt sự phát triển tiếp theo của các lực lượng quân sự ở các vùng biển duyên hải rộng lớn trên toàn cầu, mà còn kỳ vọng thực hiện sự thống nhất cao giữa cận chiến (đánh gần) và viễn chiến (đánh xa) trong các hành động đổ bộ, tối đa hóa hiệu quả và lợi ích quân sự “từ biển hướng vào đất liền” của các thành tựu cuối cùng.

Máy bay chiến đấu không người lái hải quân X-47B Mỹ
Máy bay chiến đấu không người lái hải quân X-47B Mỹ

Để thúc đẩy thực hiện kế hoạch chiến dịch “tác chiến duyên hải”, hiện nay các cường quốc quân sự đều chú trọng nâng cao trình độ thông dụng và đa năng hóa của các trang bị hải, không quân, cố gắng phát triển vũ khí, trang bị tác chiến tổng hợp.

Được biết, quân Mỹ sẽ thúc đẩy chương trình tên lửa không đối không thực hiện hai nhiệm vụ liên hợp tầm gần và tầm xa, yêu cầu có khả năng tấn công không đối không và không đối đất tầm gần, đồng thời có thể áp chế và phá hoại hệ thống phòng thủ của đối phương. Hiện nay quân Mỹ đang nghiên cứu chế tạo bom cỡ nhỏ, tên lửa hành trình cỡ nhỏ, chi phí thấp, đều thích hợp sử dụng cho tác chiến duyên hải hiệp đồng cao.

Ngoài ra, các cường quốc quân sự sẽ còn nghiên cứu chế tạo máy bay cảnh báo sớm kiểu mới và liên kết dữ liệu chiến thuật mới, tranh thủ thông qua các tiêu chuẩn như kết cấu, quy cách, thỏa thuận số liệu thống nhất, phá vỡ “lá chắn” giữa các hệ thống thông tin và chuỗi số liệu, làm thay đổi và nâng cao trình độ chia sẻ thông tin tác chiến liên hợp duyên hải một cách căn bản.

Được biết, quân Mỹ sẽ còn tập trung phát triển “chương trình tấn công toàn cầu tốc độ nhanh” nhằm có thể tiến hành tấn công tức thời đối với bất cứ khu vực duyên hải và “bờ biển vàng” nào trên toàn cầu trong vòng thời gian 1 giờ đồng hồ.

Tên lửa hành trình siêu thanh X-51 Mỹ
Tên lửa hành trình siêu thanh X-51 Mỹ

Tích hợp ưu thế, tăng cường khả năng tác chiến liên hợp

Hệ thống chiến đấu của tác chiến duyên hải thể hiện tập trung ở khả năng kiểm soát tác chiến liên hợp dựa trên hệ thống thông tin, gồm các phương diện năng lực sống sót và năng lực chiến đấu của tàu chiến đấu duyên hải (tàu tuần duyên), máy bay trực thăng đa năng, máy bay không người lái, tàu lặn không người lái, tàu tấn công tốc độ nhanh.

Ngoài khả năng dò tìm thấp, không dễ bị phát hiện của tàu chiến đấu duyên hải, còn thể hiện ở quản lý, kiểm soát thông tin tự thân. Lắp một loại radar mảng pha quét điện tử chủ động ăng ten cỡ nhỏ vào cột buồm sẽ không dễ bị chặn, đồng thời nhờ có chức năng của nhiều mạng lưới liên kết số liệu, có thể thu được thông tin từ bên ngoài, cải thiện “độ trong suốt” của môi trường chiến thuật.

Ngoài ra, các trang bị cỡ nhỏ, tàng hình của hệ thống tác chiến duyên hải còn có thể tồn tại với tư cách là các điểm nút của mạng lưới, tiến hành chia sẻ lẫn nhau các nguồn thông tin, ưu thế thông tin được tập trung cao độ của nó có thể hỗ trợ hiệu quả cho việc tăng cường sức chiến đấu và sống sót của toàn bộ hệ thống tác chiến ở các vùng biển nông ven bờ.

Tàu tuần duyên USS Independence LCS-2 Mỹ
Tàu tuần duyên USS Independence LCS-2 Mỹ

Từ biển hướng vào đất liền, nhấn mạnh tập kích phi đối xứng

Trong việc thúc đẩy kế hoạch “từ biển hướng vào đất liền”, hạm đội của các cường quốc quân sự đều cần an toàn can thiệp ở các vùng biển duyên hải. Được biết, áp dụng “tác chiến tập kích phi đối xứng” vừa có thể bảo đảm cho hải quân các cường quốc can thiệp an toàn các vùng biển duyên hải, vừa có thể bảo đảm cho các lực lượng tác chiến khác hoàn thành sứ mệnh tác chiến “lấy ít thắng nhiều”.

“Tác chiến tập kích phi đối xứng” duyên hải vừa có đặc điểm cơ động quy mô nhỏ, vừa có đặc điểm tác chiến xa xôi ở các đại dương, có thể triển khai trên toàn cầu với cự ly xa, ở bất cứ vùng biển nào trên thế giới – không vượt mấy chục hải lý của biển gần. Lực lượng đặc nhiệm liên hợp đều có thể tiến hành các hành động quân sự duyên hải cơ động nhanh, chính xác cao, tấn công hỏa lực mạnh.

Được biết, tàu chiến đấu duyên hải có khả năng “tác chiến tập kích phi đối xứng” – điều khiển nhanh, linh hoạt, có khả năng tàng hình nhất định, có thể hoạt động tuần tiễu ở vùng nước nông biển gần, thậm chí bí mật chạy tới tuyến bờ biển hoặc khu vực sông, hồ của đối phương hỗ trợ cho lực lượng đặc nhiệm đổ bộ, thực hiện nhiệm vụ đột kích bí mật trong mọi điều kiện thời tiết.

Ngoài ra, trong thời bình, tàu chiến đấu duyên hải còn có thể ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực phi quân sự ở vùng biển duyên hải, sử dụng cho các nhiệm vụ quân sự phi truyền thống như tấn công buôn lậu, chống ma túy, chống cướp biển.

Mỹ phát triển tàu khu trục DDG-1000 có lượng giãn nước 14.500 tấn, có thể áp sát bờ biển nước khác mà không bị phát hiện.
Mỹ phát triển tàu khu trục DDG-1000 có lượng giãn nước 14.500 tấn, có thể áp sát bờ biển nước khác mà không bị phát hiện.

Từ xa tới gần, phác họa bức tranh mới về tác chiến trên biển

Theo tiết lộ của truyền thông nước ngoài, hiện nay các cường quốc quân sự tập trung cho thực hiện có hiệu quả kế hoạch tác chiến duyên hải trong tương lai, tích cực ứng phó với nhiều mối đe dọa như thủy lôi, tàu nhỏ tập kết tốc độ nhanh và tàu ngầm, cho rằng cùng với sự đột phá liên tục của công nghệ tàu chiến biển gần, thì các trang bị như tàu chiến đấu duyên hải, máy bay không người lái, tàu ngầm mini, mạng lưới tên lửa chắc chắn sẽ được đưa vào chiến trường trên biển theo xu thế cải cách quân sự mới.

Đến lúc đó, trong tương lai gần, các cường quốc quân sự sẽ nâng cao toàn diện khả năng “tác chiến duyên hải”, đặc biệt một số cường quốc quân sự lấy mạng lưới hóa, toàn cầu hóa làm “chất xúc tác” quan trọng, kết hợp các không gian trên biển, trên đất liền, trên không, trong vũ trụ và mạng máy tính với nhau – một hình thức trước đây chưa từng có, từ đó phác thảo nên một bức tranh mới về chiến tranh trên biển – từ biển xa hướng vào biển gần.

Ngày 18/4/2013, tàu tuần duyên USS Freedom LCS-1 đã đến Singapore, chốt chặn eo biển Malacca - nơi kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và còn được cho là "cổ họng" của nền kinh tế Trung Quốc
Ngày 18/4/2013, tàu tuần duyên USS Freedom LCS-1 đã đến Singapore, chốt chặn eo biển Malacca - nơi kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương và còn được cho là "cổ họng" của nền kinh tế Trung Quốc
Đông Bình