Biển Đông là vấn đề cốt lõi trong quy hoạch ngoại giao, chiến lược Mỹ

30/09/2014 06:54
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết nhấn mạnh, Mỹ cần tăng cường quan hệ với Việt Nam, tăng cường can dự vấn đề Biển Đông, phát huy vai trò của Mỹ trước tham vọng của Trung Quốc.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sắp tổ chức hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sắp tổ chức hội đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry

Tạp chí online "Yale Global" Mỹ ngày 25 tháng 9 đăng bài viết đánh giá cho rằng, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tổ chức hội đàm vào đầu tháng 10 năm 2014, hành vi hung hăng hăm dọa ở Biển Đông của Trung Quốc khi đó sẽ trở thành chủ đề chính của họ.

Vài tháng gần đây, giới tinh hoa chính sách ngoại giao của Washington luôn thảo luận, can thiệp vào cuộc tranh chấp này phải chăng phù hợp với lợi ích của Mỹ. Đối với Mỹ, để cho Trung Quốc tự tung tự tác tùy tiện sẽ gây ra hậu quả chiến lược quá nghiêm trọng, vì vậy Mỹ vừa không thể bất chấp tất cả đối đầu với họ, cũng không thể hoàn toàn bàng quan với điều này.

Ông John Kerry và Phạm Bình Minh nên tập trung tìm một con đường trung gian, vừa bảo vệ tính tự chủ chính sách của Mỹ vừa có thể duy trì cân bằng của khu vực này.

Bài viết cho rằng, Trung Quốc là một cường quốc đang trỗi dậy, hợp tác của Trung Quốc rất cần thiết trên các phương diện như ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố, làm chậm lại biến đổi khí hậu và ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Mỹ không thể bỏ qua ý đồ xây dựng bá quyền ở các vùng biển xung quanh của Trung Quốc.

Ở biển Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc đã gây thách thức quyết liệt đối với quan niệm của Công ước Luật biển Liên hợp quốc về trật tự quốc tế, giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp đàm phán hoặc trọng tài, chứ không phải bằng vũ lực; nhưng, Trung Quốc tương đối thận trọng ở biển Hoa Đông, bởi vì, đối thủ của họ là Nhật Bản, đồng minh của Mỹ - là một đối thủ đáng gờm, trong khi đó, Trung Quốc tương đối "tự tin" (hung hăng hăm dọa) ở Biển Đông.

6 năm trước, Trung Quốc đã trình bày một bản đồ để minh họa cho yêu sách của họ về cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" ở khu vực bao quanh bởi một "đường chín đoạn" (vẽ bậy bạ) bao bọc 3,5 triệu km2.

Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014 (ảnh tư liệu)
Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 7 năm 2014 (ảnh tư liệu)

Kể từ đó, Trung Quốc hàng năm đã gia tăng thách thức trên Biển Đông. Trung Quốc triển khai hàng trăm tàu đánh cá biển sâu và hàng chục tàu bảo vệ bờ biển (hải cảnh), Bắc Kinh đã thách thức chủ quyền của các nước láng giềng trong vùng đặc quyền kinh tế theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.

Họ đã đuổi ngư dân Việt Nam ra khỏi ngư trường truyền thống, đã đoạt lấy nguồn lợi thủy sản ở bãi cạn Scarborough (ăn cướp) trong tay Manila, quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí ngoài khơi ở bờ biển miền Trung của Việt Nam, đồng thời dựng cột mốc ở bãi ngầm James - nơi cách bờ biển Malaysia chỉ 50 dặm, trong khi cách đảo Hải Nam của Trung Quốc tới 2.200 dặm.

Năm nay, Trung Quốc thể hiện sự kiểm soát của họ bằng cách triển khai (bất hợp pháp) một giàn khoan dầu khí nước sâu và một hạm đội tàu hộ tống ở vùng biển gần bờ biển miền Trung (vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa) của Việt Nam, đồng thời điều một đội tàu nạo vét và có máy trộn xi măng đến lấn biển, xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở một số đá ngầm ở phía nam (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Bắc Kinh luôn không hề lay động trước sự khuyên bảo của dư luận bên ngoài, trong khi đó, thái độ cứng rắn của các quan chức ngoại giao Mỹ đã khiến cho Bắc Kinh cảm thấy tức giận. Từ Hillary Clinton đến John Kerry đều cho Bắc Kinh biết rằng, hồ sơ của Trung Quốc dựa trên "tuyên bố lịch sử" là không thể chấp nhận về mặt pháp lý.

Người Trung Quốc tỏ ra "tức giận", họ coi nước khác đánh cá và khai thác dầu khí ở Biển Đông là đang "ăn cắp tài nguyên của Trung Quốc" (hoạt động này thuộc phạm vi chủ quyền theo luật pháp quốc tế của các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines…).

Trung Quốc hầu như không có ý định đưa yêu sách chủ quyền của họ ra trọng tài quốc tế để phán quyết. Trong vấn đề tiến hành đàm phán Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) với các nước ASEAN, Trung Quốc cũng không quan tâm lắm.

Trung Quốc khủng bố Việt Nam ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam (ảnh tư liệu)
Trung Quốc khủng bố Việt Nam ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam (ảnh tư liệu)

Xung đột ở Biển Đông không phải không quan trọng, vì đây là tuyến đường hàng hải với gần một nửa thương mại của thế giới. Điều làm gia tăng lo ngại là, Bắc Kinh dùng chiến thuật hung hăng và gây sức ép hơn một cách liên tục, đã thách thức các quy tắc của trật tự quốc tế, điều này phản ánh thực sự bản chất của Bắc Kinh và là điều mà cộng đồng quốc tế phải đấu tranh trong thời gian tới.

Hành vi và thái độ của Trung Quốc đã làm cho Mỹ đưa đối đầu ở Biển Đông thành một vấn đề cốt lõi đáng lo ngại trong quy hoạch ngoại giao và chiến lược của Mỹ.

Ở Biển Đông giống như ở các nơi khác trên thế giới, sự tham gia của Mỹ là cần thiết nếu như tham vọng của Trung Quốc sẽ được đáp trả một cách có hiệu quả. Đàm phán tay đôi không có lợi cho củng cố vai trò trụ cột của ASEAN cũng không làm "cảm kích" Bắc Kinh.

Từ góc độ chiến thuật, hầu như biểu hiện của Mỹ ngoài phê phán hành vi khiêu khích của Trung Quốc và triển khai Hạm đội 7, không có sự lựa chọn khả thi nào khác. Mặt khác, Trung Quốc luôn khai thác các cơ hội trong khoảng trống đó. Trung Quốc dựa vào lực lượng bán quân sự, tàu hải cảnh và "tàu cá" yểm trợ để tiếp tục thúc đẩy tham vọng chủ quyền của họ, trong khi đó, Hải quân Trung Quốc đang thận trọng chờ đợi thời cơ.

Bắt chước chiến thuật của Bắc Kinh, Mỹ và các đồng minh, đối tác ở châu Á có thể tăng cường hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển, chủ yếu bao gồm tích cực triển khai các cuộc diễn tập đa phương trên biển. Viện trợ quân sự tăng cường khả năng kiểm soát biên giới biển cho các nước Đông Nam Á sẽ làm suy yếu khả năng áp dụng các hành động bất ngờ của Trung Quốc. Nếu sắp xếp khéo léo, những hoạt động này sẽ làm cho Trung Quốc buộc phải tính toán đến một loạt rủi ro trong đối đầu tàu và máy bay - Carlyle Thayer lập luận.

Trung Quốc xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh mạng Quan sát, TQ)
Trung Quốc xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam (ảnh mạng Quan sát, TQ)

Washington còn phải tăng mạnh quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam, bởi vì Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có khả năng răn đe quân sự, đồng thời sẵn sàng đứng lên chống lại (tham vọng bành trướng “đường lưỡi bò” của) Trung Quốc dưới sự ủng hộ của Mỹ.

Hành động triển khai giàn khoan vào tháng 5 năm nay của Trung Quốc đã làm cho các nhà lãnh đạo Việt Nam lo ngại, làm cho Việt Nam không sẵn sàng tiếp tục phí công xoa dịu Bắc Kinh.

Bài viết cho rằng, Mỹ can thiệp mạnh mẽ hơn vào vấn đề Biển Đông sẽ tăng cường quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á. Trên phương diện này, Mỹ có thể túc đẩy Brunei, Malaysia, Việt Nam và Philippines giải quyết vấn đề đòi hỏi chủ quyền giữa họ. Mỹ có thể đưa ra sáng kiến, kéo nhà cầm quyền và doanh nghiệp Trung Quốc cùng thảo luận cách thức tiến hành quản lý đa phương đối với nguồn lợi hải sản đang cạn kiệt nhanh chóng và tiến hành cùng thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí dưới đáy biển.

Đông Bình