Bước dạo đầu của tuyên bố Khu nhận dạng phòng không Biển Đông

20/05/2014 07:12
Đông Bình
(GDVN) - Philippines cho rằng, các hành động của Trung Quốc trong đó có hạ đặt trái phép giàn khoan 981 đã vi phạm DOC, nên cần phải ký COC...

Philippines lên án Trung Quốc vi phạm DOC

Hãng AFP đưa tin, Tổng thống Philippines Benigno Aquino ngày 19 tháng 5 đã lên án Trung Quốc vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), bởi vì Trung Quốc đang tìm cách biến đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) trên Biển Đông thành một hòn đảo.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino
Tổng thống Philippines Benigno Aquino

Theo bài báo, tuần trước, Manila công khai lên án Bắc Kinh xây dựng công trình trên đá Gạc Ma. Philippines cũng tuyên bố có chủ quyền đối với đá ngầm này, quan chức Philippines lo ngại Trung Quốc sẽ xây dựng sân bay đầu tiên ở vùng biển tranh chấp này.

Ông Benigno Aquino nói với báo chí: "Đối với chúng tôi, hiện nay, hành động của họ ở đó hầu như đều đã vi phạm thỏa thuận đạt được của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".

Ông nhấn mạnh, năm 2002, Trung Quốc và 10 nước Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã ký tuyên bố này nhằm giảm tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nhưng thỏa thuận này không có sự ràng buộc.

Trong khi đó, theo hãng tin CNA Đài Loan, ông Benigno Aquino chủ trương xây dựng bộ quy tắc chính thức có khả năng ràng buộc, tức Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC).

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo bài báo, Trung Quốc tăng cường yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông, những hành động này làm cho Philippines và Việt Nam đặc biệt lo ngại. Trung Quốc hạ đặt (trái phép) giàn khoan ở Biển Đông (vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam) đã gây ra biểu tình bạo động ở Việt Nam vào tuần trước, khiến cho nhiều người thương vong.

Trung Quốc và 10 nước ASEAN từng ký kết thỏa thuận, đồng ý tránh chiếm những đảo, đá ngầm không người ở trên Biển Đông, xây dựng các công trình mới làm phức tạp thêm tranh chấp.

Ông Benigno Aquino còn nói: "Vấn đề là DOC không có khả năng ràng buộc, cũng không thể tiến hành cưỡng chế, vì vậy chúng tôi muốn có bộ quy tắc ứng xử chính thức để giải quyết tranh chấp và ngăn chặn xung đột tiềm tàng".

Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario ngày 15 tháng 5 cho biết, vào tháng trước, máy bay trinh sát của Philippines đã xác nhận tàu của Trung Quốc đang hoạt động rầm rộ ở đá Gạc Ma, sau khi chụp được ảnh, Philippines đã đưa ra phản đối với Trung Quốc.

Trung Quốc thậm chí còn cho tàu chiến như tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 (trong hình) và máy bay quân sự đến bảo vệ giàn khoan này và đe dọa cùng với nhiều loại tàu khác, điều này chẳng khác nào một cuộc xâm lược có quy mô đối với vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế.
Trung Quốc thậm chí còn cho tàu chiến như tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 (trong hình) và máy bay quân sự đến bảo vệ giàn khoan này và đe dọa cùng với nhiều loại tàu khác, điều này chẳng khác nào một cuộc xâm lược có quy mô đối với vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, bất chấp luật pháp quốc tế.

Albert Del Rosario cho biết, hiện nay không rõ Trung Quốc thi công xây dựng thế nào ở đá Gạc Ma, có một khả năng là Trung Quốc sẽ xây dựng đường băng sân bay. Một quan chức lâu năm khác giấu tên cho rằng, Trung Quốc có khả năng muốn xây dựng Trung tâm tiếp tế quân sự xa bờ.

Truyền thông Philippines dẫn quan chức quốc phòng nước này cảnh báo, đây có khả năng là bước đi đầu tiên xây dựng Khu nhận biết phòng không Biển Đông của Trung Quốc.

Trung Quốc có ý đồ biến đá ngầm thành đảo và mở rộng vùng biển?

Hãng CNA dẫn lời Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, Trung Quốc cải tạo đá Gạc Ma (trái phép) có thể là dự định xây dựng đường băng sân bay, hơn nữa có khả năng biến đá ngầm thành đảo, kiểm soát vùng biển xung quanh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose ngày 15 tháng 5 cho biết, căn cứ vào Công ước Liên hợp quốc về luật biển, đá ngầm có thể có lãnh hải 12 hải lý, nhưng là đảo có người ở và có hoạt động kinh tế thì không những có thể được hưởng lãnh hải 12 hải lý, mà còn có thể vẽ ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy đã cố tình đánh lừa dư luận về công cuộc xâm lược vùng biển Việt Nam của Trung Quốc, thể hiện rõ tham vọng bành trướng lãnh thổ, xâm lược. Hành động của Trung Quốc đã liên tục bị Mỹ lên án, phê phán.
Trong chuyến thăm Mỹ vừa qua, Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy đã cố tình đánh lừa dư luận về công cuộc xâm lược vùng biển Việt Nam của Trung Quốc, thể hiện rõ tham vọng bành trướng lãnh thổ, xâm lược. Hành động của Trung Quốc đã liên tục bị Mỹ lên án, phê phán.

Charles Jose cho biết, Trung Quốc cải tạo đá Gạc Ma (thuộc chủ quyền của Việt Nam) có thể sẽ ảnh hưởng đến việc Philippines kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế. "Thuộc tính của đá Gạc Ma đang thay đổi, điều này sẽ làm cho tổ trọng tài cảm thấy hoang mang".

Tháng 1 năm 2013, Manila đưa tranh chấp Biển Đông ra tòa án trọng tài, tháng 3 năm 2014 lại trình báo cáo chứng cứ lên tòa án trọng tài, kiện "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc vẽ bậy đã vi phạm luật pháp quốc tế, Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện này.

Quan chức Bộ Ngoại giao Philippines mới đây cho biết, Trung Quốc hầu như có kế hoạch xây dựng đường băng sân bay ở đá Gạc Ma, đồng thời công bố hình ảnh chụp được từ trên không về đá Gạc Ma từ năm 2012 đến năm nay, chứng minh Trung Quốc thực sự tiến hành cải tạo đối với nó.

Charles Jose lên án chính quyền Trung Quốc lời nói và hành động bất nhất, cho biết, Bắc Kinh còn cản trở tàu tiếp tế của Philippines ở vùng biển bãi Cỏ Mây, rêu rao tàu Philippines vận chuyển vật liệu xây dựng, trong khi đó, chính Trung Quốc đang xây dựng rầm rộ.

Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma 14-3-1988 của Việt Nam (đang được treo tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân). Năm 1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược một số đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc cũng đang dùng vũ lực để cướp đoạt vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tham vọng của Trung Quốc cách bờ biển Malaysia chỉ khoảng 80 km.
Bức tranh miêu tả cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma 14-3-1988 của Việt Nam (đang được treo tại Phòng Truyền thống của Vùng 4 Hải quân). Năm 1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực xâm lược một số đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện nay, Trung Quốc cũng đang dùng vũ lực để cướp đoạt vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tham vọng của Trung Quốc cách bờ biển Malaysia chỉ khoảng 80 km.

Người dân Philippines và Việt kiều biểu tình Trung Quốc xâm chiếm biển

Hãng CNA Đài Loan ngày 16 tháng 5 còn cho biết, trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển Việt Nam, các thành viên một tổ chức ở Philippines và kiều bào Việt Nam ngày 16 tháng 5 đã tổ chức biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Philippines, phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng biển của Philippines và Việt Nam.

Khoảng 100 người Philippines và kiều bào Việt Nam vào buổi sáng đã tập trung ở trước lãnh sự quán Trung Quốc tại Philippines ở thành phố Makati, có người mặc quần áo rùa biển, có người cầm bảng hiệu bằng gỗ phản đối, hô to khẩu hiệu "Trung Quốc rút đi".

Quá trình biểu tình thuận lợi và có trật tự, cảnh sát Philippines đã rời khỏi hiện trường trước, chỉ để lại khoảng 10 cảnh sát chỉ huy giao thông.

Cuộc biểu tình này là do tổ chức USP4GG của người Philippines quốc tịch Mỹ phát động trước đó 2 ngày.

Người dân biểu tình mặc quần áo rùa biển có mang theo các biểu ngữ như "Không bắt trộm rùa ở vùng biển của Philippines" và "Không đụng đến rùa biển của Philippines".

Biểu tình ở Philippines phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam.
Biểu tình ở Philippines phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

Cách đây không lâu, cảnh sát biển Philippines đã bắt 1 tàu cá của Trung Quốc ở vùng biển bãi Trăng Khuyết (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), trên tàu phát hiện có khoảng 500 con rùa biển – đây là loại rùa được bảo tồn.

Trong hoạt động biểu tình, hạ nghị sĩ Walden Bello của Philippines đã lên án nhà cầm quyền Trung Quốc hạ đặt giàn khoan (trái phép) ở vùng biển của Việt Nam và xây dựng (trái phép) đường băng sân bay ở đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa - chủ quyền của Việt Nam), yêu cầu Trung Quốc rút khỏi những khu vực này và ký COC với ASEAN.

Walden Bello cho biết: "Chúng tôi cảm thấy rất lo ngại về hành vi nguy hiểm của Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng".

Lưu học sinh Việt Nam Ayra Nguyen nói: Hành động hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển, nếu Trung Quốc tiếp tục lộng quyền, đơn phương, sẽ chứng minh Trung Quốc không thể trở thành đối tác tốt của bất cứ nước nào.

Chị kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam và Philippines trong tranh chấp Biển Đông.

Tháng 5 năm 2012 và tháng 7, người dân Philippines cũng tổ chức biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Philippines về vấn đề Biển Đông.

Cộng đồng người Việt ở Đài Loan giương cao cờ Tổ quốc phản đối hành động xâm lược vùng biển Việt Nam của Trung Quốc
Cộng đồng người Việt ở Đài Loan giương cao cờ Tổ quốc phản đối hành động xâm lược vùng biển Việt Nam của Trung Quốc
Đông Bình