Chính phủ Nhật Bản ra dấu hiệu có thể tham gia tuần tra Biển Đông

07/11/2015 07:44
Đông Bình
(GDVN) - Mặc dù Nhật Bản không phải là nước đương sự, nhưng nếu không bảo đảm tự do đi lại ở Biển Đông thì sẽ ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Nhật Bản.

BBC Anh ngày 5 tháng 11 đưa tin, trong cuộc họp báo ngày 5 tháng 11, về khả năng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia hoạt động tuần tra ở Biển Đông với Mỹ, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: "Chúng tôi coi trọng vấn đề bảo đảm an ninh của nước tôi, là vấn đề cần nghiên cứu đầy đủ trong thời gian tới".

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga

Tuy nhiên, ông Yoshihide Suga nhấn mạnh: "Hiện nay chưa có kế hoạch tham gia triển khai hành động tác chiến của Hải quân Mỹ".

Ông còn cho biết: "Đảm bảo tự do đi lại và bay ở vùng biển quốc tế Biển Đông - một nguyên tắc thông thường của luật pháp quốc tế là cực kỳ quan trọng", đồng thời đã tái khẳng định lập trường của Nhật Bản ủng hộ Quân đội Mỹ tuần tra Biển Đông.

Phát biểu của ông Yoshihide Suga được các phương tiện truyền thông chủ yếu của Nhật Bản hình dung là "đã ám chỉ khả năng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia các hành động như tuần tra Biển Đông trong tương lai".

Hội đàm Bộ trưởng Quốc phòng Trung-Nhật

Nội bộ Nhật Bản đang sôi nổi bàn luận việc Lực lượng Phòng vệ có nên tham gia hành động tuần tra Biển Đông của Quân đội Mỹ hay không, các nước đương sự của vấn đề Biển Đông trong đó có Trung Quốc cũng đang theo dõi các động thái của Nhật Bản.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và người đồng cấp Trung Quốc tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 4 tháng 11 năm 2015
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani và người đồng cấp Trung Quốc tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 4 tháng 11 năm 2015

Vào thứ Tư, khi tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) ở Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã tổ chức hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.

Ông Gen Nakatani đã bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tiến hành bồi lấp, xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông gây ra tình hình căng thẳng.

Đối với vấn đề này, ông Thường Vạn Toàn nói rằng, vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và Nhật Bản, hy vọng Nhật Bản không nên tiến hành các hành động làm cho vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp.

Tuy nhiên, ông Toàn bày tỏ đồng ý đối với việc ông Gen Nakatani thúc giục Trung Quốc nhanh chóng vận hành cơ chế liên lạc khẩn cấp trên biển giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Biên đội tàu ngầm và tàu nổi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Biên đội tàu ngầm và tàu nổi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Cuộc hội đàm giữa ông Thường Vạn Toàn và Gen Nakatani là cuộc hội đàm đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Trung Quốc và Nhật Bản sau 4 năm 5 tháng.

Mặc dù thời gian hội đàm chỉ khoảng 25 phút, nhưng Thường Vạn Toàn nói: "Trung Quốc coi trọng giao lưu quốc phòng với Nhật Bản", hai bên đã đạt được đồng thuận thúc đẩy trao đổi nhân viên quốc phòng giữa hai nước.

Ông Gen Nakatani cũng cho ông Thường Vạn Toàn biết về "Luật bảo đảm an ninh" do Nhật Bản thông qua vào tháng 9 vừa qua, đồng thời nhấn mạnh Nhật Bản kiên trì chính sách "chỉ phòng vệ".

Nhật Bản còn tranh cãi nội bộ

Ở Nhật Bản, nghị sĩ quốc hội Đảng Tự do Dân chủ cầm quyền Seiko Noda vào tối thứ Tư đã tham gia chương trình bình luận trên Đài truyền hình Nhật Bản cho rằng: "Vấn đề Biển Đông không liên quan trực tiếp đến Nhật Bản. Quần đảo Trường Sa xảy ra cái gì, Nhật Bản đều cần thực thi ngoại giao riêng với Trung Quốc".

Seiko Noda - nghị sĩ Quốc hội của Đảng Tự do Dân chủ (LDP) Nhật Bản
Seiko Noda - nghị sĩ Quốc hội của Đảng Tự do Dân chủ (LDP) Nhật Bản

Vào thứ Năm đã xảy ra tranh cãi ngày càng gay gắt ở xã hội Nhật Bản về việc Lực lượng Phòng vệ phải chăng tham gia tuần tra Biển Đông.

Các quan điểm thông thường cho rằng, mặc dù Nhật Bản không phải là nước đương sự của tranh chấp chủ quyền Biển Đông, nhưng nếu không thể bảo đảm tự do đi lại ở vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng (bất hợp pháp) ở Biển Đông thì cũng sẽ ảnh hưởng đến tự do đi lại ở tuyến đường quan trọng của Nhật Bản.

Nhưng, đối với Nhật Bản, so với Biển Đông, biển Hoa Đông càng có giá trị quan trọng liên quan đến vấn đề chủ quyền, cho nên, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phải chăng nên tham gia tuần tra Biển Đông còn tồn tại tranh cãi, đặc biệt là trong bối cảnh một số nước Đông Nam Á chưa có ý định tham gia tuần tra.

Đông Bình