"Đài Loan hoàn toàn không “đếm xỉa” tới tàu sân bay của Trung Quốc"

09/12/2012 06:00
Đông Bình
(GDVN) - Bài viết phân tích về khả năng chiến đấu của tàu sân bay Liêu Ninh hiện nay và khó khăn công nghệ phát triển tàu sân bay nội địa tương lai của TQ
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Những động thái gần đây của tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh của Trung Quốc tiếp tục thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, nhất là việc thử nghiệm cất/hạ cánh máy bay chiến đấu hải quân J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh. Truyền thông Đài Loan cũng theo sát sự kiện này.

Tờ chinatimes Đài Loan cho rằng khó khăn của tàu sân bay Liêu Ninh và máy bay hải quân vẫn còn ở phía trước, còn tờ Tin tức Liên hợp (ndn.com) thì cho rằng, máy bay chiến đấu J-15 không thể phát huy được đầy đủ sức chiến đấu trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Đối với vấn đề này, có chuyên gia Trung Quốc cho rằng, trong tương lai, công trình tàu sân bay có thể sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và rủi ro hơn, nhưng tự tin cho rằng, Trung Quốc có khả năng giải quyết được những khó khăn này.

“Khó khăn mới bắt đầu”

Bài báo cho rằng, hoạt động thử nghiệm cất/hạ cánh trên tàu sân bay của máy bay hải quân Nga đã gặp nhiều khó khăn, ít nhất có 5 chiếc máy bay thử nghiệm bị rơi.

Máy bay chiến đấu J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay chiến đấu J-15 cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh

Cuối năm 1994, máy bay Su-33 lần đầu tiên tiến hành huấn luyện trên tàu sân bay, đã nhanh chóng tổ chức tập luyện mô phỏng chiến thuật tấn công-phòng thủ.

Năm tiếp theo, tàu sân bay duy nhất Kuznetsov của Nga đã mạnh dạn tiến hành huấn luyện ở biển xa trong vòng 3 tháng, máy bay Su-33 đã tiến hành huấn luyện bay hơn 400 lần.

Rõ ràng, khoảng cách về trình độ giữa máy bay chiến đấu của tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc với tàu sân bay Kuznetsov vẫn rất lớn.

Sức chiến đấu của máy bay J-15 khó phát huy

Theo chinatimes, nhìn vào tỷ lệ tên lửa mang theo, máy bay J-15 mạnh hơn so với Su-33. J-15 không chỉ đã sử dụng hệ thống vũ khí nội địa, thậm chí có thể mang theo tên lửa chống hạm và đối đất, điều này làm cho J-15 có tính tấn công hơn so với Su-33 – loại máy bay không được định vị tấn công đối hải và đối đất.

Hải quân Trung Quốc thử nghiệm cất cánh máy bay J-15 trên tàu sân bay
Hải quân Trung Quốc thử nghiệm cất cánh máy bay J-15 trên tàu sân bay

Có chuyên gia cho rằng, máy bay J-15 hoàn toàn không sao chép máy bay Su-33 một cách đơn giản, nó đã “tự chủ nghiên cứu phát triển” về hệ thống điện tử hàng không. J-15 là một loại máy bay chiến đấu đa năng hạng nặng dùng cho hải quân, ngang hàng với Su-33 về cơ thể máy bay, có trọng lượng cất cánh lớn nhất trong số những máy bay chiến đấu hải quân hiện có trên thế giới.

Nhưng, hệ thống điện tử hàng không “tiên tiến hơn” máy bay Su-33, vượt MiG-29K của Ấn Độ, lớn hơn thân máy bay hải quân Rafale Pháp và F/A-18E/F Mỹ, có không gian cải tiến lớn hơn.

Tuy nhiên, phương thức cất/hạ cánh của máy bay J-15 đã làm hạn chế khả năng tác chiến của máy bay này trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Tàu sân bay tuy là một phương tiện khổng lồ, nhưng độ dài đường băng không đủ để máy bay chiến đấu cất cánh, vì vậy quân Mỹ sử dụng máy phóng hơi nước, hỗ trợ đẩy máy bay chiến đấu lên trên không.

Tàu sân bay Liêu Ninh không có máy phóng, chỉ có thể thiết kế mũi tàu vểnh lên, để cho máy bay chiến đấu cất cánh kiểu nhảy cầu. Phương thức này có độ khó công nghệ thấp, nhưng hạn chế rất lớn trọng tải của máy bay; J-15 có lẽ tuyệt vời về “tính năng lý thuyết”, nhưng khi cất cánh trên tàu, nhiên liệu và đạn dược có thể mang theo, đều phải giảm đáng kể.

Công nghệ máy phóng là kỹ năng độc đáo của người Mỹ, ngoài đồng minh Anh, Pháp… tuyệt đối không phổ biên ra bên ngoài.

J-15 thử hạ cánh xuống tàu sân bay Liêu Ninh
J-15 thử hạ cánh xuống tàu sân bay Liêu Ninh

Cần xác định vị trí chiến lược của tàu sân bay

Nhà bình luận quân sự nổi tiếng Đài Loan Kỳ Lạc Nghĩa ngày 26/11 cho rằng, sức chiến đấu của tàu sân bay lớn như thế nào tùy thuộc vào mục tiêu chiến lược của Trung Quốc và nhiệm vụ tác chiến mà họ trao cho tàu sân bay.

Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ có sự định vị khác nhau về tàu sân bay. Mỹ phải thúc đẩy thực hiện chiến lược toàn cầu, Liên Xô bảo vệ cho tàu ngầm hạt nhân thâm nhập Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, Pháp sử dụng quân đội ở nước ngoài hơn 3 tháng phải dùng đến tàu sân bay.

Hiện nay, Trung Quốc yêu cầu không cao đối với tàu sân bay, có thể sử dụng tương đối nhiều ở một số “lĩnh vực nhiệm vụ an ninh phi truyền thống”, chẳng hạn cứu trợ tai nạn trên biển quy mô lớn; tiến hành ngoại giao láng giềng, khẳng định vị thế nước lớn về chính trị; khi cần thiết tiến hành “răn đe” đối với các nước xung quanh.

Tàu sân bay Liêu Ninh
Tàu sân bay Liêu Ninh

Theo Kỳ Lạc Nghĩa, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc cần phải là một mắt khâu chính, chứ không phải hạt nhân (trung tâm) trong tác chiến duyên hải hoặc tác chiến biển xa ở mức độ nhất định. Thứ nhất, vai trò của tàu ngầm hạt nhân vượt xa tàu sân bay, nhưng nó không thể phô trương, hiệu quả chính trị thấp.

Thứ hai, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc chạy không xa, sử dụng động cơ thông thường, rất phụ thuộc vào tiếp tế trên biển, chạy càng xa thì đường tiếp tế càng dài, càng dễ bị đối phương cắt đứt.

Máy bay cảnh báo sớm hiện nay của Trung Quốc có cánh xoay tròn, không phải cánh cố định, phạm vi cảnh báo chỉ khoảng 100 km, không theo dõi được xa, thời gian trên không ngắn. Máy bay săn ngầm cũng áp dụng cánh xoay, sơ hở bảo vệ dưới mặt nước tương đối lớn.

Không có máy bay tiếp dầu hải quân, máy bay J-15 bay không xa và cũng không lâu. Trong khi đó, Trung Quốc không có căn cứ ở nước ngoài, làm hạn chế rất lớn tác chiến biển xa của tàu sân bay.

Kỳ Lạc Nghĩa cho rằng, Đài Loan hoàn toàn không “đếm xỉa” tới tàu sân bay của Trung Quốc, trong khi đó sức ép tâm lý của Trung Quốc sẽ lớn hơn, bởi vì Đài Loan nếu đáp trả sẽ có mục tiêu rõ ràng và tốt hơn; độ khó đáp trả tên lửa rất khó, bởi vì số lượng tên lửa nhiều, phân tán, tính cơ động cũng rất mạnh.

Nhưng, nếu gây thiệt hại cho tàu sân bay, càng có hiệu quả răn đe tâm lý hơn là tiêu diệt vài căn cứ tên lửa.

Máy bay cảnh báo sớm cỡ lớn KJ-2000, được Trung Quốc cải tạo trên nền tảng máy bay IL-76 do Nga chế tạo
Máy bay cảnh báo sớm cỡ lớn KJ-2000, được Trung Quốc cải tạo trên nền tảng máy bay IL-76 do Nga chế tạo

Vì vậy, Kỳ Lạc Nghĩa đề xuất rằng, "TQ cần có cảm giác cân bằng khi xem xét bất cứ phương tiện tác chiến chủ yếu nào, quá xem trọng một loại sẽ rất nguy hiểm. Quá tập trung vào phát triển tàu sân bay sẽ là sai lầm về chiến lược. Vũ khí trên tàu sân bay Liêu Ninh hiện có sự thay đổi trang bị, chi tiêu không quá lớn, việc phát triển tàu sân bay trong tương lai có thể ảnh hưởng tới kinh phí dành cho không quân".

Các công nghệ như cất cánh bằng máy phóng, cất/hạ cánh thẳng đứng có trở thành một phương hướng trong phát triển tàu sân bay tương lai của Trung Quốc hay không tùy thuộc vào sự định vị chiến lược đối với tàu sân bay, nếu coi tàu sân bay là chủ lực như Mỹ, thì đương nhiên phải sử dụng công nghệ mới, phải dẫn trước, nếu không sẽ đi sau người khác.

Nhưng, Mỹ có một xu thế cần xem xét là: Trước đây Mỹ theo đuổi tiên tiến, hiện cần đủ là được, bởi vì kinh phí không đủ, Mỹ cũng đang đánh giá lại, có thể sử dụng 30% sức mạnh để chiến thắng, thì làm sao phải phát triển đến 90% sức chiến đấu?

Máy bay trực thăng Z-8 thử hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay trực thăng Z-8 thử hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh

Máy phóng là một trở ngại tiếp theo

Chuyên gia Trung Quốc cho rằng, máy bay hải quân Trung Quốc để có được khả năng tác chiến thực tế còn có khoảng cách nhất định. Khi nào mọi người không còn coi máy bay chiến đấu cất/hạ cánh trên tàu sân bay là một câu chuyện nữa thì khi đó máy bay hải quân mới có khả năng chiến đấu thực tế.

Từ góc độ công nghệ trang bị, từ máy phóng hơi nước đến máy phóng điện từ, đều là một trở ngại tiếp theo của Trung Quốc trong việc nâng cao sức chiến đấu cho tàu sân bay, hơn nữa phát triển các loại máy bay chi  viện, bảo đảm đồng bộ như máy bay tiếp dầu, máy bay cảnh báo sớm cánh cố định, máy bay tác chiến điện tử, máy bay trinh sát cũng là một vấn đề mà chương trình tàu sân bay Trung Quốc phải giải quyết trong tương lai.

Ở góc độ này, rõ ràng là, “khó khăn còn ở phía trước” như báo chí Đài Loan chỉ ra. Nhưng, chuyên gia Trung Quốc tự tin cho rằng, Trung Quốc “có khả năng giải quyết tất cả mọi khó khăn, cũng giống như việc giải quyết được các vấn đề nan giải - nghiên cứu chế tạo máy bay hải quân, cáp hãm đà và cho máy bay chiến đấu hạ cánh xuống tàu sân bay”.

Biên đội tàu sân bay Trung Quốc (tưởng tượng)
Biên đội tàu sân bay Trung Quốc (tưởng tượng)
Đông Bình