“Đất dụng võ” lớn nhất của tàu sân bay Trung Quốc chính là Biển Đông

25/10/2014 10:21
Đông Bình
(GDVN) - TQ đang chế 2 tàu sân bay nội, muốn quyết chiến với Mỹ, ưu tiên triển khai ở Biển Đông, vì ở đây an toàn hơn các nước khác và phục vụ các mục tiêu của TQ...
Tháng 12 năm 2013, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc thử nghiệm trên Biển Đông (ảnh chinamil)
Tháng 12 năm 2013, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc thử nghiệm trên Biển Đông (ảnh chinamil)

Mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 23 tháng 10 dẫn tờ "Kanwa Asian Defense" Canada (báo này do 1 tổng biên tập gốc Hoa làm chủ) ngày 22 tháng 10 có bài viết cho rằng, Trung Quốc sẽ nhanh chóng chế tạo tàu sân bay nội địa thứ hai ở Thượng Hải.

Hiện nay nhà máy đóng tàu Giang Nam Thượng Hải đang chuẩn bị chế tạo tàu sân bay nội địa thứ hai. Sau khi chế tạo xong, tàu sân bay này và 1 tàu sân bay nội địa khác chế tạo ở Đại Liên sẽ cung cấp 2 tàu sân bay có chức năng đầy đủ, sẵn sàng chiến đấu cho Hải quân Trung Quốc.

Tàu sân bay được cho là trang bị công nghệ cao nhất trong trang bị quân sự hiện đại, xây dựng một lực lượng có thể bảo vệ lợi ích ở nước ngoài và an ninh biên giới biển của Trung Quốc đã trở thành nhiệm vụ hết sức cấp bách trong xây dựng quốc phòng của Trung Quốc. Như vậy, tàu sân bay của Trung Quốc trong tương lai sẽ phát triển như thế nào? Nên triển khai ở đâu?

Động cơ hạt nhân và máy phóng là sự lựa chọn cuối cùng

Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc được tiết lộ cho đến nay có 2 thông tin: Một là thép tấm của tàu sân bay đầu tiên đã cắt, sẽ trực tiếp chế tạo 2 chiếc, đồng thời chế tạo ở nhà máy đóng tàu Đại Liên và nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải. Hai là tàu khu trục tên lửa 052D - "lá chắn bảo vệ" của tàu sân bay Trung Quốc đã hoàn thiện.

Hiện nay, tàu chiến Type 052D đã khởi công ở nhà máy đóng tàu Giang Nam ít nhất có 7 chiếc, đã có tàu Côn Minh số hiệu 172 đưa vào hoạt động (biên chế cho Hạm đội Nam Hải, triển khai ở Biển Đông).

Có 5 chiếc khác đang chế tạo hoặc lắp ráp. Chiếc thứ 7 đã bắt đầu chế tạo. Ngoài ra, nhà máy đóng tàu Đại Liên cũng khởi công một chiếc Type 052D. Cuối cùng tàu khu trục Type 052D rốt cuộc cần chế tạo bao nhiêu chiếc thì hiện còn chưa xác định.

Tàu khu trục tên lửa Côn Minh số hiệu 172 Type 052D, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc
Tàu khu trục tên lửa Côn Minh số hiệu 172 Type 052D, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc

Theo báo chí nước ngoài, Trung Quốc hiện nay đã khởi công 2 tàu sân bay. Trong khi đó chương trình tàu sân bay nội địa Trung Quốc được thực hiện phân thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, khi thiết kế và chế tạo tàu sân bay mới, trực tiếp sao chép tàu sân bay Varyag, tiến hành cải trang đối với những bộ phận vốn không cần thiết, nhưng về kết cấu bộ phận chính không thay đổi. Loại này sẽ áp dụng tua-bin hơi nước, trọng tải tương đồng với tàu Liêu Ninh, có thể mang theo 20 - 30 máy bay chiến đấu J-15.

Chiếc tàu sân bay này chủ yếu chế tạo ở nhà máy đóng tàu Đại Liên, bởi vì nhà máy đóng tàu Đại Liên trước đây từng có kinh nghiệm cải tạo tàu Varyag, hơn nữa máy bay hải quân J-15 cũng đã thích ứng với cất cánh kiểu nhảy cầu, tất cả chiến thuật và nhân viên đều huấn luyện theo phương thức nhảy cầu của tàu Liêu Ninh.

Điều gây quan tâm nhất là kế hoạch giai đoạn tiếp theo của tàu sân bay Trung Quốc. Tham vọng tương lai của Hải quân Trung Quốc tuyệt đối không phải là vùng biển xung quanh. Vì vậy, tàu sân bay thế hệ tiếp theo chắc chắn sẽ lớn hơn, để mang theo nhiều máy bay chiến đấu hơn, sức chiến đấu lấy tàu sân bay của Quân đội Mỹ làm tiêu chuẩn. Cho nên, trọng tải tàu sân bay tương lai của Trung Quốc phải đạt 90 - 100 nghìn tấn, đồng thời sử dụng động cơ hạt nhân và máy phóng.

Trước đây có nhà phân tích phương Tây dự đoán, tàu sân bay của Trung Quốc sẽ sử dụng động cơ hạt nhân tương đồng với tàu sân bay động cơ hạt nhân Ulyanovsk chưa hoàn thành của Liên Xô cũ. Theo kế hoạch, tàu sân bay Ulyanovsk sẽ là tàu sân bay động cơ hạt nhân đầu tiên của Moscow, lượng giãn nước đạt 85.000 tấn. Nhưng, giống như tàu sân bay Varyag, tàu sân bay này chưa hoàn thành chế tạo, thân tàu bị dỡ bỏ vào năm 1992.

Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh
Máy bay chiến đấu J-15 Trung Quốc cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh

Phát triển tàu sân bay chính là để quyết chiến với Mỹ

Trong tương lai, xung đột trên biển giữa hai nước Trung-Mỹ sẽ không ngừng. Vì vậy, Trung Quốc nếu như phát triển lâu dài tàu sân bay tương tự Liêu Ninh sẽ không thể cạnh tranh với Hải quân Mỹ. Nguyên nhân như sau: nếu trọng tải giãn nước rất nhỏ, thì không có năng lực chống chọi với Quân đội Mỹ trong tương lai, lượng giãn nước nhỏ thì mang được ít máy bay, không thể tiến hành đối đầu với Mỹ.

Thứ hai, phương thức cất cánh bằng máy phóng đã giải quyết sức chiến đấu của máy bay hải quân, có lợi cho trang bị đầy đủ các loại máy bay hải quân cho tàu sân bay (máy bay cảnh báo sớm, máy bay săn ngầm, máy bay vận tải), hơn nữa như vậy mới có thể tiến hành quyết đấu với tàu sân bay của Mỹ.

Tàu sân bay tương lai có thể sẽ ưu tiên triển khai ở Biển Đông

Tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh hiện nay của Trung Quốc đã triển khai ở quân cảng Thanh Đảo. Căn cứ này cách bờ biển Hàn Quốc chỉ có 600 km, cách Nagasaki Nhật Bản 1.000 km, như vậy, tàu sân bay của Hạm đội 7 không cần đi ra cửa thì tàu sân bay Liêu Ninh đã nằm trong phạm vi tấn công của nó.

Tuy triển khai tàu sân bay ở Thanh Đảo, tạo thuận lợi cho phi công huấn luyện, đồng thời cách nhà máy đóng tàu không xa, vì vậy khi xuất hiện bất thường thì có thể trực tiếp chạy vào nhà máy đóng tàu tiến hành nâng cấp, sửa chữa. Điều này có nghĩa là, huấn luyện của tàu Liêu Ninh căn bản không rời khỏi biển Hoàng Hải và biển Hoa Đông.

Nhưng, nhưng căn cứ quân sự này cách Mỹ, Nhật, Hàn, Đài quá gần, huấn luyện bình thường của tàu Liêu Ninh đều khó tránh bị theo dõi, kiểm soát. Trong tương lai, lựa chọn căn cứ tàu sân bay phải xem xét môi trường xung quanh.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Hải quân Trung Quốc (nguồn mạng sina TQ)

Nhìn vào tình hình hiện nay, “đất dụng võ” lớn nhất của tàu sân bay Trung Quốc chính là Biển Đông. Căn cứ ở Tam Á, đảo Hải Nam của Hải quân Trung Quốc hoàn toàn có thể làm “ngôi nhà” vĩnh viễn của tàu sân bay Trung Quốc. Ở đây đã triển khai rất nhiều tàu chiến mặt nước và tàu ngầm.

Trong khi đó, điều quan trọng nhất là, tàu sân bay mới triển khai ở đây có thể thuận lợi cho biên đội tàu chiến cỡ lớn vươn ra biển sâu. Trong chuỗi đảo thứ nhất bị Mỹ phong tỏa chặt chẽ, từ Biển Đông có thể thuận lợi tiến ra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Trong khi đó, khởi hành từ căn cứ Tam Á, nơi neo đậu tàu sân bay hiện nay, không đến 2 ngày đủ để “chọc thủng” Tây Thái Bình Dương, thâm nhập đại dương.

Đồng thời, binh lực Quân đội Mỹ ở xung quanh vùng biển Tam Á hiện tương đối yếu, trong khi đó, sau khi Hải quân Trung Quốc triển khai cụm chiến đấu tàu sân bay ở đây, có thể đe dọa Nhật Bản ở hướng đông, đe dọa các nước xung quanh Biển Đông ở hướng nam, tiến đến Ấn Độ Dương ở hướng tây, bảo vệ tuyến đường dầu mỏ yếu ớt của Trung Quốc.

Đồng thời, Biển Đông lại là trận địa phản kích tàu ngầm hạt nhân chiến lược duy nhất hiện nay của Trung Quốc. Vùng biển tuần tra của tàu ngầm tên lửa đạn đạo Trung Quốc phải được bảo vệ chu đáo để đề phòng tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Virginia Mỹ xâm nhập Biển Đông, Trung Quốc cần bảo đảm an toàn trận địa phóng tàu ngầm hạt nhân tên lửa ở Biển Đông.

Hơn nữa, biên đội tàu sân bay có năng lực tác chiến đa chiều trên không, trên mặt biển, dưới mặt biển, như vậy có thể bảo vệ trận địa phản kích hạt nhân cuối cùng của Trung Quốc.

Tàu ngầm hạt nhân John Warner SSN-785 lớp Virginia, Mỹ hạ thủy ngày 10 tháng 9 năm 2014
Tàu ngầm hạt nhân John Warner SSN-785 lớp Virginia, Mỹ hạ thủy ngày 10 tháng 9 năm 2014

“Phối hợp (trái phép) đảo Phú Lâm, đảo Chữ Thập, đảo Gạc Ma mở rộng tuần tra”

Bài báo cho răng, tàu sân bay mới của Trung Quốc cũng có thể mang theo 20 máy bay chiến đấu J-15, máy bay này có thể mang theo 8 quả tên lửa không đối không, tuần tra 2 giờ ở khu vực cách tàu sân bay 200 km, có thể duy trì cảnh giới trên không trong thời gian tương đối dài.

Như vậy có thể triển khai (bất hợp pháp) máy bay cảnh báo sớm KJ-200 ở các sân bay như đảo Phú Lâm, “đảo Chữ Thập”, “đảo Gạc Ma” (đang bị Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp để phục vụ mưu đồ ăn cướp trong tương lai), đồng thời, thông qua biện pháp tiếp dầu trên không cho máy bay này, tăng cường khả năng ở lại trên không (bất hợp pháp) cho nó ở quần đảo Trường Sa. Còn máy bay trực thăng Z-18 sẽ nâng cao năng lực tác chiến biển xa cho Hải quân Trung Quốc.

Biên đội tàu sân bay sớm hoàn thành

Nhìn vào tình hình trang bị của Hải quân Trung Quốc hiện nay, hình thức biên đội tàu sân bay tương lai của Hải quân Trung Quốc cần giống như biên đội tàu sân bay độc lập của Mỹ: Lấy tàu sân bay và tàu tiếp tế tổng hợp làm trung tâm, ngoài ra còn có 2 tàu khu trục tên lửa phòng không Type 052D, 4 tàu hộ vệ đa năng Type 054A, 2 tàu ngầm hạt nhân Type 093.

Máy bay trực thăng săn ngầm Z-18F Trung Quốc
Máy bay trực thăng săn ngầm Z-18F Trung Quốc

Phòng thủ ngoại vi của biên đội này do máy bay chiến đấu và máy bay cảnh báo sớm của tàu sân bay phụ trách, dựa vào thông lệ thường thì máy bay cảnh báo sớm sẽ cách tàu sân bay 100 km, bay cao 9.000 m, có thể đẩy phạm vi cảnh báo sớm của biên đội về phía trước khoảng 300 - 400 km, có thể nâng cao hiệu quả phạm vi cảnh báo sớm đối không của biên đội, TQ sẽ tranh thủ đủ thời gian cho triển khai hệ thống phòng thủ của nó.

Như vậy, tàu sân bay Trung Quốc và biên đội của nó sẽ tiến hành khảo sát thực địa đối với hệ thống chỉ huy biên đội trong môi trường thực tế, để binh sĩ biên đội làm quen với các hệ thống liên quan, làm quen và nắm chắc trang bị và trình tự hoạt động liên quan, đặt nền tảng cho sớm hình thành năng lực tác chiến.

Tín hiệu vươn ra đại dương

Bài báo cho rằng, khi sức mạnh quốc gia tổng hợp hiện nay của Trung Quốc có thể hỗ trợ cho nhiều tàu sân bay, Trung Quốc cần sớm để tàu sân bay của mình hình thành năng lực tác chiến. Đồng thời phát triển nhiều tàu sân bay. Hơn nữa, hiện nay, số lượng và chất lượng tàu sân bay của Trung Quốc đều khó đáp ứng được nhu cầu quốc phòng và “bảo vệ quyền lợi biển”, chỉ hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện. Muốn làm cho Trung Quốc sớm xông ra vùng biển xung quanh, con đường phát triển tàu sân bay của Trung Quốc còn xa.

Trung Quốc thông qua chế tạo tàu sân bay có thể thúc đẩy phát triển hạm đội và máy bay hải quân (như triển khai máy bay chiến đấu J-31 cho tàu sân bay), có thể thúc đẩy phục hưng toàn bộ công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc, tiến tới thúc đẩy toàn bộ công nghiệp dân tộc Trung Hoa “bay lên”. Do đó có thể thấy, Trung Quốc tích cực phát triển tàu sân bay nội địa không chỉ là bảo đảm cho “an ninh lãnh thổ” của Trung Quốc, mà sẽ còn gây ra ảnh hưởng quan trọng đối với dân tộc Trung Hoa.

Máy bay cảnh báo sớm cỡ nhỏ KJ-200 Trung Quốc
Máy bay cảnh báo sớm cỡ nhỏ KJ-200 Trung Quốc

Trong khi đó, đối với Hải quân Trung Quốc, điều này chỉ là bước đi đầu tiên trên con đường “vạn lý trường chinh”, làm thế nào tổ chức xây dựng tốt, sử dụng tốt, phát huy năng lực tác chiến tối đa của biên đội tàu sân bay này là vấn đề quan trọng hàng đầu cần xem xét của Hải quân Trung Quốc trong tương lai.

Đông Bình