Điểm yếu trong hệ thống vũ khí tàu chiến hải quân Trung Quốc là gì?

30/03/2013 10:21
Đông Bình
(GDVN) - Bài báo tập trung phân tích tính năng, khả năng, cơ chế hoạt động… của tên lửa HQ-16, loại tên lửa làm nền tảng phát triển tên lửa HQ-26.
Hải quân Trung Quốc phóng thử tên lửa phòng không tầm trung HQ-16
Hải quân Trung Quốc phóng thử tên lửa phòng không tầm trung HQ-16

Tờ “Phương Đông” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, thông số tính năng của hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-26 trang bị cho tàu chiến hiện nay vẫn chưa được tiết lộ.

Việc phân tích về loại tên lửa này chỉ có thể dựa trên các tính năng của tên lửa HQ-16, bởi vì tên lửa HQ-16 là nền tảng phát triển của HQ-26. Hay nói cách khác, tên lửa phòng không tầm trung Trung Quốc đang từ thế hệ thứ ba bước sang thế hệ thứ tư.

Bài báo cho rằng, từ lâu, “tác chiến phòng không” của hạm đội tàu nổi Hải quân Trung Quốc chính là điểm yếu trong hệ thống vũ khí tàu chiến hải quân nước này.

Hải quân Trung Quốc bắt đầu tiến hành công tác nghiên cứu chế tạo tên lửa hạm đối không từ thập niên 1960. Trước khi nghiên cứu chế tạo thành công tên lửa phòng không HQ-16, Hải quân Trung Quốc đều trang bị loại tên lửa phòng không phóng nghiêng. Mãi đến khi biên chế tàu hộ vệ tên lửa Type 054A thì tình hình này đã dần thay đổi.

Tên lửa HQ-16 là loại tên lửa hạm đối không tầm gần và tầm trung phóng thẳng đầu tiên của Hải quân Trung Quốc. Theo báo Trung Quốc, tên lửa HQ-16 có khả năng phản ứng nhanh hơn tên lửa Shtil-1 do Nga chế tạo (bệ phóng xoay), có thể đối phó với các mục tiêu tấn công kiểu lướt biển hoặc bổ nhào.

Tạp chí “Take-off” Nga cho rằng, tên lửa phòng không HQ-16 của Hải quân Trung Quốc đã hỗ trợ có hiệu quả cho Hải quân Trung Quốc nhiều trong tham vọng vươn ra biển xa. Trước đây, khi thực hiện nhiệm vụ hộ tống ở vịnh Aden, tàu hộ vệ Châu Sơn của Hải quân Trung Quốc cũng đã trang bị tên lửa phóng thẳng HQ-16.

Tên lửa HQ-16 phóng thẳng đứng
Tên lửa HQ-16 phóng thẳng đứng

Theo bài báo, tên lửa HQ-16 là hệ thống vũ khí tên lửa đất đối không/hạm đối không tầm trung/tầm gần thế hệ thứ ba của Trung Quốc, có mục tiêu tác chiến là máy bay chiến thuật, tên lửa chống hạm, tên lửa chiến thuật phóng từ trên không, máy bay trực thăng và máy bay không người lái, do Tập đoàn Khoa học công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc nghiên cứu chế tạo.

Tên lửa phòng không HQ-16 áp dụng dẫn đường radar mạch xung đơn chủ động, tính năng tương đương SA-N-12 của Nga. Nó có các thông số sau: tầm phóng hiệu quả là 1,5-30 km, phóng cao hiệu quả 10-6.000 m, tỷ lệ bắn trúng phát một là 0,7-0,98, thời gian phản ứng là 5-8 giây, đạn dài 2,9 m, đường kính 0,232 m, nặng 165 kg, trọng lượng đầu đạn 17 kg, tốc độ bay tối đa 2,8 Mach.

Bài báo khoe rằng, thân tên lửa phòng không HQ-16 đã áp dụng bố cục khí động học phần cánh, nên nó có khả năng bay góc tấn lớn rất mạnh, có thể đánh chặn hiệu quả các mục tiêu, kể cả mục tiêu bay với tốc độ từ 2,0 Mach trở lên.

Tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 được sử dụng cho cả Hải quân và Lục quân, kiểm soát cả cao và thấp. Theo bài báo thì khả năng đối phó với các mục tiêu ở tầng trời thấp và tên lửa chống hạm kiểu lướt biển đã được xác nhận trong nhiều cuộc diễn tập quân sự trên biển. Là một loại vũ khí phòng không của Lục quân, tên lửa HQ-16 có tính cơ động rất cao, việc chuyển từ trạng thái hành quân sang trạng thai khai hỏa cần 13 phút.

Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Hoàng Sơn phóng tên lửa Hồng Kỳ (HQ)
Tàu hộ vệ tên lửa Type 054A Hoàng Sơn phóng tên lửa Hồng Kỳ (HQ)

Báo Trung Quốc tự đánh giá, tên lửa HQ-16 có khả năng tấn công nhiều mục tiêu rất mạnh. Một đơn vị phóng có thể đồng thời theo dõi 8 mục tiêu và tiến hành tấn công đối với 4 mục tiêu trong số đó. Nó có thể tấn công nhiều loại mục tiêu khác nhau, từ máy bay cho đến tên lửa hành trình, kể cả vũ khí dẫn đường chính xác do máy bay phóng.

Tạp chí “Kanwa Defense Review” Canada cho rằng, trong tác chiến trên biển, quá trình làm việc cơ bản của tên lửa HQ-16 có 5 giai đoạn: chuẩn bị phóng, tên lửa rời bệ phóng, chuyển hướng mục tiêu, kiểm soát bay, tiêu diệt mục tiêu.

Radar tìm kiếm mục tiêu của tàu chiến sử dụng thông tin về mục tiêu chỉ thị cho radar dẫn đường điều khiển hỏa lực, sau khi radar dẫn đường theo dõi mục tiêu một cách ổn định thì sẽ phát đi thông tin chuẩn bị phóng, thiết bị phóng trên tàu chiến hoàn thành kiểm tra chức năng của tên lửa trong vòng 5-6 giây, nguồn điện trên tàu cung cấp điện cho thiết bị của tên lửa, đồng thời truyền chỉ lệnh xoay tên lửa cho máy lái tự động của tên lửa (chỉ lệnh này tự sinh ra khi tên lửa bay).

Căn cứ vào chỉ lệnh “phóng”, nguồn điện ở tên lửa được khởi động, khởi động máy phóng. Khi tên lửa phóng thẳng đứng bay lên được 15-20 m, căn cứ vào chỉ lệnh tự chủ xoay, thân tên lửa sẽ xoay theo lệnh tự chủ, động cơ bắt đầu hoạt động đưa tên lửa tăng tốc bay lên.

Hệ thống phóng thẳng đứng của tàu hộ vệ tên lửa Type 054A, Hải quân Trung Quốc
Hệ thống phóng thẳng đứng của tàu hộ vệ tên lửa Type 054A, Hải quân Trung Quốc

Radar dẫn đường kiểm soát hỏa lực tự động “bắt lấy” tên lửa và chuyển sang trạng thái tự động theo dõi, đồng thời phát lệnh kiểm soát đưa tên lửa hướng tới mục tiêu, radar dẫn đường phóng một chùm mạch xung dò tìm, căn cứ vào tín hiệu phát ra để tiến hành theo dõi mục tiêu.

Khi ngắm chuẩn mục tiêu, radar dẫn đường phát lệnh điều khiển và xung hỏi đến tên lửa, sau khi nhận được tín hiệu trả lời trên tên lửa, radar dẫn đường tạo ra tín hiệu sai số theo dõi tên lửa, từ đó máy tính chuyên dụng trên tàu chiến sẽ tính toán được chỉ lệnh điều khiển và thông qua thiết bị phát tới thiết bị điều khiển tự động của tên lửa, bảo đảm dẫn đường chính xác cho tên lửa. Khi tên lửa tiếp cận mục tiêu đạt cự ly sát thương có hiệu quả, ngòi nổ vô tuyến điện sẽ kích nổ thích hợp cho đầu đạn.

Mặc dù tên lửa hạm đối không HQ-16 của tàu hộ vệ Type 054A chỉ đóng vai trò nhiệm vụ phòng không điểm trong hạm đội hỗn hợp của Hải quân Trung Quốc, nhưng tên lửa phòng không phóng thẳng đầu tiên HQ-16 được trang bị thuận lợi đã thu nhỏ khoảng cách giữa Hải quân Trung Quốc với hạm đội hải quân các nước tiên tiến trên thế giới về lĩnh vực phòng không hạm đội tầm gần.

Báo Trung Quốc “dẫn lời chuyên gia quân sự Mỹ” (không có tên tuổi) cho rằng, sau khi Hải quân Trung Quốc trang bị hệ thống Aegis nội địa và các dòng tên lửa “phòng thủ tên lửa” hải quân như HQ-9, HQ-16 và HQ-26, họ đã thực sự đã có một hệ thống phòng không khu vực hạm đội tầm xa, tầm trung và tầm gần tương đối hoàn chỉnh, được hình thành bởi tên lửa hạm đối không tầm xa, tên lửa hạm đối không tầm trung, pháo phòng thủ gần bắn tốc độ nhanh, trên cơ sở đó đem lại sự khởi đầu tốt đẹp cho Hải quân Trung Quốc thực hiện tham vọng trở thành hải quân tầm xa.

Tên lửa phòng không HQ-16A phiên bản Lục quân
Tên lửa phòng không HQ-16A phiên bản Lục quân
Đông Bình