Gián điệp TQ ăn cắp công nghệ quân sự giỏi và đông hơn cả KGB Nga?

20/09/2013 08:10
Đông Bình
(GDVN) - Gián điệp TQ có cơ hội chưa từng có xâm nhập giới công nghiệp, khoa học Mỹ, có nhiều thủ đoạn hoạt động tinh vi, hoàn thiện, gây thách thức cho Mỹ.
Xe tăng chiến đấu Type-99 trong nhà máy lắp ráp của Trung Quốc
Xe tăng chiến đấu Type-99 trong nhà máy lắp ráp của Trung Quốc

Bài viết kỳ mới nhất của tờ "China in Brief" Quỹ Jamestown Mỹ có nhan đề "Mạng lưới gián điệp của Bắc Kinh". Bài viết cho rằng, nói đến ăn cắp bí mật quân sự và bí mật của các công ty Mỹ (đặc biệt là bí mật công nghệ) trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, không có cơ quan tình báo của nước nào so sánh được với KGB của Liên Xô.

Nhưng, tình hình đã thay đổi. Trong thời đại thông tin hiện nay, Trung Quốc đã thay thế Liên Xô, đồng thời còn tốt hơn - dựa trên cơ sở học hỏi phương pháp gián điệp công nghiệp của KGB. Đến nay, Trung Quốc là một trong những nước tạo ra mối đe dọa tiềm tàng nhất đối với ưu thế công nghệ và an ninh quốc gia của Mỹ.

So với KGB thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc có một ưu thế lớn: có cơ hội “chưa từng có” xâm nhập giới công nghiệp và các trường, viện nghiên cứu khoa học của Mỹ. Công dân Trung Quốc học tập và làm việc tại Mỹ trên 100.000 người. Ở đây phải nhấn mạnh, những người này hoàn toàn không nhất định là gián điệp, nhưng xét tới thân phận của công dân Trung Quốc, họ rất có thể trở thành một bộ phận quan trọng của hoạt động thu thập tình báo công nghiệp bí mật của Trung Quốc.

Trung Quốc tuyển mộ lực lượng rộng rãi và tổ chức để họ tiến hành các "hoạt động bẩn thỉu" ở nước ngoài, trong đó có các nhà khoa học, lưu học sinh, giám đốc điều hành doanh nghiệp, thậm chí thiết lập công ty ngụy trang hoặc thu mua công ty con của doanh nghiệp Mỹ.

Hai tàu hộ vệ mới Type 054A của Hải quân Trung Quốc
Hai tàu hộ vệ mới Type 054A của Hải quân Trung Quốc

Mối liên hệ chặt chẽ của tổ hợp quân sự - công nghiệp Trung Quốc có thể sử dụng "phương châm 16 chữ" (tiếng Trung) để khái quát, tức là “kết hợp quân-dân, kết hợp thời bình-thời chiến, ưu tiên hàng quân sự, lấy dân nuôi quân”.

Những phương châm này cũng được vận dụng cho kế hoạch gián điệp công nghiệp và kinh tế của Trung Quốc: doanh nghiệp công nghiệp quân sự thông qua hình thức mua và liên doanh để có được công nghệ lưỡng dụng, và ngụy trang bằng thương mại.

Đồng thời, gián điệp trực tiếp làm việc cho Trung Quốc sử dụng các loại thân phận để che chắn, nhận lệnh đánh cắp công cụ/phương tiện công nghệ cao do Mỹ và đồng minh phương Tây phát triển.

Theo tính toán của Cục điều tra Liên bang Mỹ, hiện nay, ở Mỹ có hơn 3.000 công ty có liên hệ với Trung Quốc và kế hoạch thu thập công nghệ của họ. Rất nhiều những công ty này đều là công ty con được các doanh nghiệp Trung Quốc thiết lập tại Mỹ, trước đây họ tương đối dễ nhận biết, các cuộc điều tra gần đây cho thấy rất nhiều công ty đã đổi tên, nhằm "duy trì khoảng cách với ông chủ Trung Quốc đứng đằng sau".

Phương Tây nghi ngờ máy bay chiến đấu mới J-10 của Trung Quốc đã sử dụng công nghệ của nước ngoài.
Phương Tây nghi ngờ máy bay chiến đấu mới J-10 của Trung Quốc đã sử dụng công nghệ của nước ngoài.

Trung Quốc đã tiến hành hoạt động gián điệp nhằm vào công nghệ của Mỹ từ mấy chục năm trước. Nhưng, thủ đoạn gián điệp của Trung Quốc hoàn thiện nhanh chóng, những thách thức do họ tạo ra khiến cho rất nhiều người phương Tây trở tay không kịp.

Chẳng hạn, một vụ án được Cục điều tra Liên bang Mỹ điều tra gần đây liên quan đến một hộ người Hoa quốc tịch Mỹ, Cục điều tra đã đăng quảng cáo trên báo chí ở khu vực vịnh San Francisco, thúc giục người Hoa quốc tịch Mỹ báo cáo những hoạt động khả nghi.

Ngoài ra, hoạt động gián điệp nhằm vào công nghệ Mỹ của Trung Quốc rõ ràng có tầm nhìn xa, một số gián điệp thậm chí ẩn náu lâu tới hàng chục năm.

Khi Mỹ dốc sức cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, Trung Quốc lại lặng lẽ phát động một cuộc chiến gián điệp toàn cầu. Nhìn vào rất nhiều phương diện, mối đe dọa từ hoạt động gián điệp của Trung Quốc trở nên lớn hơn, nên trở thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Máy bay trực thăng Black Hawk Trung Quốc nhập của Mỹ, bay ở hẻm núi
Máy bay trực thăng Black Hawk Trung Quốc nhập của Mỹ, bay ở hẻm núi

Các tổ chức khủng bố cực đoan bị đẩy tới đường cùng, không có nhiều khả năng lắm phát động tấn công hiệp đồng trên phạm vi toàn cầu, nhưng hoạt động gián điệp của Trung Quốc không phải như vậy, họ có đầy đủ tiền bạc và có hàng vạn "binh lính" tham gia.

Điều quan trọng hơn là, mục tiêu của họ không phải là các cơ quan chính phủ được bảo vệ nghiêm ngặt và các công trình xây dựng mang tính biểu tượng, mà chính là “cội nguồn” của ưu thế kinh tế và quân sự Mỹ. Những thông tin rời rạc này hầu như chưa đủ gây hại, nhưng nhìn vào số liệu thu thập vài năm thậm chí mấy chục năm, những thông tin vụn vặt này sẽ nhanh chóng trở thành "kim cương" chưa mài.

Nhà máy sản xuất đạn được Trung Quốc đang sản xuất vỏ đạn.
Nhà máy sản xuất đạn được Trung Quốc đang sản xuất vỏ đạn.
Tên lửa không đối không PL-11 và PL-8 của Không quân Trung Quốc
Tên lửa không đối không PL-11 và PL-8 của Không quân Trung Quốc
Xưởng lắp ráp máy bay trực thăng Z-11 và Z-8 Trung Quốc
Xưởng lắp ráp máy bay trực thăng Z-11 và Z-8 Trung Quốc
Xưởng sản xuất pháo chống tăng tự hành Type 89 của Trung Quốc
Xưởng sản xuất pháo chống tăng tự hành Type 89 của Trung Quốc
Dây chuyền sản xuất của Tập đoàn máy bay Thẩm Dương, Trung Quốc đang lắp ráp máy bay chiến đấu J-8.
Dây chuyền sản xuất của Tập đoàn máy bay Thẩm Dương, Trung Quốc đang lắp ráp máy bay chiến đấu J-8.
Đông Bình