Hải quân Mỹ thử nghiệm, nâng cấp nhiều trang thiết bị mới

04/11/2014 07:40
Việt Dũng
(GDVN) - Hệ thống SEWIP Type 2 sẽ trang bị cho 140 tàu nổi, tàu cao tốc USNS Choctaw County lộ diện trong diễn tập, F-35C thử nghiệm trên tàu sân bay USS Nimitz.

Đầu tư 147 triệu USD nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử tàu chiến

Hải quân Mỹ đang nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử cho tàu chiến mặt nước để có thể đối phó với các mối đe dọa mới.

Tàu khu trục lớp Arleigh Burke, Hải quân Mỹ
Tàu khu trục lớp Arleigh Burke, Hải quân Mỹ

Theo bài báo, Hải quân Mỹ đã lắp hệ thống tác chiến điện tử mặt nước SLQ-32 Block2 bản nâng cấp cho tàu khu trục tên lửa USS Bainbridge lớp Arleigh Burke, bộ cảm biến tác chiến điện tử bản nâng cấp này có thể dò tìm được tín hiệu mối đe dọa rộng hơn so với hệ thống hiện có.

SEWIP Type 2 là phiên bản nâng cấp của hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32 hiện có, cung cấp các chức năng như dò tìm sớm, phân tích tín hiệu và cảnh báo răn đe để đối phó với tên lửa chống hạm và các mối đe dọa khác. SEWIP Type 2 áp dụng cấu trúc số hóa, có thể dựa vào kết cấu tàu để thay đổi bố trí, nhanh chóng ứng phó mối đe dọa, nâng cấp chức năng hệ thống.

Hải quân Mỹ đã mua lô 24 hệ thống SEWIP Type 2 đầu tiên, tàu khu trục Bainbridge hải quân hiện đang tiến hành kiểm tra tác chiến. Hệ thống này được Công ty Lockheed Martin nghiên cứu phát triển dựa trên một hợp đồng trị giá 147 triệu USD.

Hải quân Mỹ có kế hoạch lắp ráp SEWIP Type 2 cho 140 tàu chiến mặt nước, trong đó có tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu đổ bộ.

Trong tương lai, Hải quân Mỹ còn có kế hoạch nghiên cứu phát triển SEWIP Type 3. Ngoài "nghe lén" và phát hiện điện từ thụ động, SEWIP Type 3 sẽ còn bao gồm truyền tín hiệu và làm nghẽn hoặc gây nhiễu tín hiệu của địch.

Tàu song thể cao tốc lộ diện trong diễn tập, sẽ thử nghiệm tàu ngầm không người lái bí mật

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 3 tháng 11 dẫn trang mạng "Washington Post" Mỹ ngày 30 tháng 10 đưa tin, tàu USNS Choctaw County là một loại tàu cao tốc liên hợp, do thủy thủ Bộ tư lệnh vận tải biển quân sự hải quân điều khiển, diễn tập ở vùng biển bang North Carolina và bang Virginia.

Tàu cao tốc liên hợp USNS Choctaw County, Hải quân Mỹ
Tàu cao tốc liên hợp USNS Choctaw County, Hải quân Mỹ

Tàu chiến này dài 338 thước Anh này là một loại tàu song thể kiểu mới của Bộ Quốc phòng Mỹ, được thiết kế làm nhiệm vụ điều động nhanh lực lượng, tốc độ cao nhất đạt 50 dặm Anh/giờ. Trên tàu USNS Choctaw Country có thể cất hạ cánh máy bay trực thăng, đồng thời thiết kế dốc nghiêng để tiện cho nhanh chóng dỡ bỏ trang bị.

Người phát ngôn Bộ tư lệnh tác chiến đặc biệt Thủy quân lục chiến (MARSOC), thượng úy Barris Morris cho rằng, tiểu đoàn tác chiến đặc biệt số 1 Thủy quân lục chiến đóng ở trại Pendleton, bang California sẽ điều 1 tiểu ban tham gia cuộc diễn tập lần này. Tận dụng cơ hội này tập các hành động trên biển, bao gồm sử dụng tàu tốc độ cao liên hợp này. Lần này tập trung vào tập tác chiến hiệp đồng với lực lượng truyền thống dưới sự chỉ huy của sĩ quan chỉ huy tác chiến đặc biệt.

Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủy quân lục chiến đóng tại Norfolk, bang Virginia, trung tá Robert Neller cho biết, lực lượng thông thường của Thủy quân lục chiến và Quân đội Hà Lan cũng sẽ sử dụng tàu USNS Choctaw County trong diễn tập.

Robert Neller cho biết: "Chúng tôi chuẩn bị thử nghiệm một loại trang bị hoàn toàn khác. Tôi nghĩ, đây chính là mục đích chính của cuộc diễn tập lần này. Tàu tốc độ cao rất có triển vọng".

Quan chức Quân đội Mỹ không muốn tiết lộ chủng loại tàu ngầm không người lái tham gia diễn tập. Những năm gần đây, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm một số tàu ngầm không người lái, bao gồm vài loại tàu ngầm không người lái có tính chất hỗ trợ tác chiến đặc biệt.

Nhưng, quy mô cuộc diễn tập Bold Alligator 2014 vượt xa tác chiến đặc biệt và tàu ngầm không người lái. Cuộc diễn tập lần này có khoảng 8.000 người đến từ Mỹ và các nước khác tham gia. Dẫn đầu là đơn vị viễn chinh số 24 Thủy quân lục chiến ở trại Lejeune, bang North Carolina. Quan chức Quân đội Mỹ cho biết, ngoài Mỹ, còn có 19 nước tham gia cuộc diễn tập này, tổng cộng có 19 tàu chiến tham gia diễn tập.

Cuộc diễn tập này được tổ chức sớm nhất vào năm 2011, hình thức là diễn tập mô phỏng. Khi đó, trải qua hơn 10 năm chiến tranh Iraq và Afghanistan, Thủy quân lục chiến và Hải quân Mỹ muốn xây dựng lại năng lực tác chiến đổ bộ. Năm 2012, quy mô diễn tập mở rộng, vài nghìn quân nhân đến từ các nước trong đó có Mỹ tổ chức diễn tập ở vùng biển bang Virginia và bang North Carolina, trong đó rất nhiều người đã tham gia diễn tập đổ bộ ở bãi biển thuộc trại Lejeune.

Năm 2014, trọng điểm của diễn tập  Bold Alligator chuyển thành hành động ứng phó khủng hoảng. Robert Neller cho biết, cuộc diễn tập lần này sẽ không chỉ tiến hành đổ bộ quy mô lớn, lực lượng tham diễn đến nay hoàn toàn không biết gì về nhiệm vụ của mình.

Điều này ăn khớp với tình hình thực tế: Từ đầu năm 2014 đến nay, Thủy quân lục chiến trước sau đã thành lập vài đơn vị ứng phó khủng hoảng ở nước ngoài, trong đó một đơn vị được chọn làm đơn vị quân đội đầu tiên tham gia hoạt động ngăn chặn virus Ebola Tây Phi truyền ra quốc tế.

Máy bay chiến đấu F-35C Mỹ
Máy bay chiến đấu F-35C Mỹ

Máy bay chiến đấu F-35C thử nghiệm trên tàu sân bay USS Nimitz

Theo mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc, dựa vào kế hoạch, từ ngày 3 tháng 11, hai máy bay chiến đấu liên hợp F-35C Lightning của Hải quân Mỹ bắt đầu tiến hành thử nghiệm rộng rãi trên tàu sân bay Nimitz, điều này đánh dấu chương trình F-35 kéo dài 17 năm đã đạt cột mốc mới.

Hải quân Mỹ là quân chủng muốn mua máy bay chiến đấu F-35 thấp nhấp, vì vậy, nếu hai máy bay chiến đấu này (CF-3 và CF-5) thể hiện tốt từ các cuộc kiểm tra trên tàu sân bay, sẽ giúp làm thay đổi thái độ của quan chức cao cấp Hải quân Mỹ đối với chương trình F-35; trái lại, nếu như tính năng F-35 biểu hiện không tốt, Hải quân Mỹ có khả năng sẽ nghiêng sang dùng ngân sách cho mua nhiều máy bay chiến đấu F-18 hơn.

Căn cứ vào báo cáo của cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, năm 2015, Hải quân Mỹ đã đặt mua 2 máy bay chiến đấu F-35C, tổng số máy bay chiến đấu F-35 đặt mua trong 7 năm là 28 chiếc. Trong khi đó, năm 2015, Thủy quân lục chiến Mỹ đã đặt mua 6 máy bay chiến đấu F-35B, tổng số đặt mua đã lên tới 66 chiếc; Không quân Mỹ năm 2015 đã đặt mua 26 chiếc F-35A, tổng số đặt mua đã lên tới 130 chiếc.

Trước đó, máy bay chiến đấu F-35C từng gặp phải vấn đề cường độ móc đuôi không đủ, sau khi thiết kế lại, vấn đề đã được giải quyết, nhưng điều này cũng làm cho thời gian máy bay hạ cánh lên tàu sân bay kéo dài gần 1 năm, chi phí cũng tăng lên.

Gần đây, một vấn đề chi phối chương trình F-35 là trong tháng 6 năm 2014 động cơ F-35A bị cháy, điều này làm cho tất cả máy bay chiến đấu F-35 dừng bay vài tuần, việc thử nghiệm máy bay chiến đấu F-35C cũng bị ảnh hưởng. Điều này làm cho lực lượng hàng không Hải quân Mỹ giữ thái độ “xem chừng” đối với sự phát triển của chương trình F-35C.

Tàu sân bay USS Nimitz CVN 68, Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS Nimitz CVN 68, Hải quân Mỹ

Trong một cuộc họp báo ngày 30 tháng 10, Trung tướng Hải quân Mỹ Chris Bogdan đã bày tỏ rất lạc quan về chương trình máy bay chiến đấu F-35. Ông đồng thời tiết lộ, hai máy bay chiến đấu F-35C sẽ hạ cánh có sử dụng cáp hãm đà trên tàu sân bay Nimitz, đồng thời mở cửa một phần cho các phương tiện truyền thông đưa tin. Hoạt động thử nghiệm này dự kiến sẽ kéo dài khoảng 2 tuần, kết thúc vào ngày 17 tháng 11.

Việt Dũng