Hải quân TQ tăng tốc "Tây tiến", tàu sân bay sẽ đến Địa Trung Hải?

24/10/2014 13:02
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc thúc đẩy vững chắc chiến lược "Tây tiến", tàu chiến đã đến vịnh Ba Tư, Địa Trung Hải và Biển Đen, đang chế tạo 2 tàu sân bay... đòi đọ với Mỹ.
Biên đội hộ tống tốp 17 Hải quân Trung Quốc đến thăm Iran (ảnh tư liệu)
Biên đội hộ tống tốp 17 Hải quân Trung Quốc đến thăm Iran (ảnh tư liệu)

Tờ "Tuần san kinh tế Nhật Bản" ngày 18 tháng 10 có bài viết cho rằng, tàu chiến Hải quân Trung Quốc đã xuất hiện ở eo biển Hormuz, bao gồm tàu khu trục "Aegis Trung Hoa" (tàu Trường Xuân) và tàu hộ vệ mới nhất (tàu Thường Châu). Những tàu chiến này của Hải quân Trung Quốc vào sáng ngày 20 tháng 9 đã cập cảng Bandar Abbas, miền nam Iran, sau đó tập trận chung với Hải quân Iran.

Theo bài báo, tăng cường quan hệ hữu nghị với Trung Quốc phù hợp với lợi ích quốc gia của Iran. Trong bối cảnh bị Âu-Mỹ trừng phạt vì phát triển hạt nhân, tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Nga không những có thể tránh bị hoàn toàn rơi vào cô lập trong cộng đồng quốc tế, mà còn tạo ra sự kiềm chế đối với các nước Âu-Mỹ.

Mặt khác, đối với Trung Quốc thì có lợi ích gì? Đây là chuyến thăm hữu nghị đầu tiên đối với Iran của Hải quân Trung Quốc, hơn nữa là lần đầu tiên Hải quân Trung Quốc tiến vào vịnh Ba Tư.

Bài báo cho rằng, "Tây tiến" là con đường đã định của Hải quân Trung Quốc. Ngay từ tháng 1 năm 2009, Trung Quốc đã lấy danh nghĩa tấn công cướp biển, đã điều biên đội hộ tống tới vùng biển Somalia. Khởi đầu từ đó, tháng 7 năm 2012 hạm đội Trung Quốc lại lấy danh nghĩa thăm hữu nghị đi xuyên qua Địa Trung Hải, đến Biển Đen. Đây cũng là lần đầu tiên tàu chiến Hải quân Trung Quốc tiến vào Biển Đen.

Tàu khu trục tên lửa Trường Xuân số hiệu 150, thuộc biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc đến thăm Iran
Tàu khu trục tên lửa Trường Xuân số hiệu 150, thuộc biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc đến thăm Iran

Khi Nhật Bản dành toàn bộ mối quan tâm vào biển Hoa Đông, Trung Quốc đã từng bước thúc đẩy vững chắc chiến lược "Tây tiến" - Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng một phương thức diễn tả: "một vành đai và một con đường", trong đó "một vành đai" chỉ "vành đai kinh tế con đường tơ lụa", còn "một con đường" chỉ "con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21".

Khi thăm Kazakhstan vào tháng 9 năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất cùng xây dựng "vành đai kinh tế con đường tơ lụa", trong thời gian thăm Đông Nam Á vào tháng 10 cùng năm, ông lại kêu gọi thực hiện sáng kiến "con đường tơ lụa trên biển". "Một vành đai và một con đường" bắt đầu từng bước thúc đẩy theo các chính sách cụ thể.

Theo bài báo, vận tải đường biển sở dĩ trở thành phương thức vận tải có ưu thế nhất hiện nay, một trong những lý do chính là không cần vượt qua biên giới quốc gia. Vận tải trên đất liền phải bảo đảm có quan hệ hữu nghị với các nước dọc tuyến đường, tình hình an ninh nội bộ các nước cũng phải ổn định.

Nhưng, Trung Quốc vẫn thúc đẩy xây dựng "vành đai kinh tế con đường tơ lụa" trong tình hình hoàn toàn không thỏa mãn những điều kiện này, nguyên nhân chủ yếu là điều này liên quan đến năng lượng và tài nguyên khoáng sản cùng với sự phát triển kinh tế của khu vực lục địa Trung Quốc.

Tàu hộ vệ Thường Châu số hiệu 549 thuộc biên đội hộ tống tốp 17 Hải quân Trung Quốc đến thăm Iran (ảnh tư liệu)
Tàu hộ vệ Thường Châu số hiệu 549 thuộc biên đội hộ tống tốp 17 Hải quân Trung Quốc đến thăm Iran (ảnh tư liệu)

Bài báo cho rằng, đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, vấn đề trong nước mới là vấn đề được ưu tiên xem xét. Để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, xây dựng các đô thị kinh tế quan trọng ở khu vực nội địa là vấn đề cấp bách. Cùng với việc phát triển kinh tế khu vực nội địa, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước Trung Á cũng có lợi cho ngăn chặn hoạt động khủng bố ở trong nước của Trung Quốc.

Hơn nữa, để tạo dựng được tình hình khu vực có lợi cho Trung Quốc ở các khu vực như Trung Đông, Trung Quốc cũng cho rằng cần thiết phải thể hiện sự hiện diện quân sự của họ. Vì vậy, phải có một lực lượng hải quân có thể vươn ra bên ngoài. Trong đó, sự hiện diện của tàu sân bay chác chắn là nổi bật nhất.

Bài báo cho rằng, Trung Quốc hiện nay sở hữu tàu sân bay huấn luyện Liêu Ninh, nghe nói ít nhất còn có 2 tàu sân bay đang chế tạo. Để hình thành biên đội tàu sân bay, việc chế tạo tàu khu trục và tàu hộ vệ cũng tương đối nhanh chóng.

Đến khoảng năm 2025, có lẽ sẽ nhìn thấy cảnh biên đội tàu sân bay Hải quân Trung Quốc tới lui tuần tra ở Địa Trung Hải và chạm mặt với tàu chiến Quân đội Mỹ ở vịnh Ba Tư. Cảnh tượng Mỹ-Trung đấu nhau hiện diện quân sự sẽ nhanh chóng mở ra.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Việt Dũng