Hoa Kỳ không tranh đoạt Biển Đông, ông Carter ra biển là trùng hợp ngẫu nhiên

06/11/2015 06:48
Đông Bình
(GDVN) - Theo quan chức Mỹ: Mỹ hài lòng với sự ủng hộ của ASEAN, Mỹ không tranh đoạt lãnh hải ở Biển Đông, ông Carter ra Biển Đông là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng Hồng Kông ngày 5 tháng 11 đã có bài viết liên quan đến vấn đề Biển Đông, trong đó có việc Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) không ra được Tuyên bố chung và việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter lên tàu sân bay đi ra Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter

Nhà Trắng: Không có ý để ASEAN và Trung Quốc xảy ra tranh chấp

Theo bài báo, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ ba ở Malaysia không thể ra Tuyên bố chung. Dư luận cho rằng, Mỹ không tranh thủ được sự ủng hộ đầy đủ của các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Nhưng, ngày 4 tháng 11, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, Ben Rhodes cho biết, Mỹ cảm thấy hài lòng đối với sự ủng hộ của các nước ASEAN, Mỹ không hy vọng nhìn thấy giữa các nước ASEAN và Trung Quốc xảy ra tranh chấp.

Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nói: "Cho tôi nói rất thẳng thắn rằng, chúng tôi hoàn toàn không hy vọng nhìn thấy các nước ASEAN xảy ra khẩu chiến công khai với Trung Quốc, đây không phải là thứ chúng tôi tìm kiếm.

Hành động của chúng tôi ở Biển Đông không phải là để tạo ra làn sóng phản đối đối với yêu sách chủ quyền (vô lý, bất hợp pháp) của Trung Quốc, mục tiêu của chúng tôi chỉ là cho thấy Mỹ sẽ bảo vệ các quy tắc tự do đi lại".

Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes
Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes

Ben Rhodes nhấn mạnh, Mỹ cũng không hy vọng bị coi là người tranh đoạt chủ quyền lãnh hải Biển Đông, mà là người bảo vệ các quy tắc quốc tế. ASEAN là một diễn đàn rất tốt, có thể cùng Trung Quốc bàn bạc làm thế nào để tránh leo thang tình hình, còn Trung-Mỹ không ngừng tăng cường hợp tác quân sự cũng có lợi cho tránh phán đoán nhầm.

Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho rằng: "Tôn trọng các quy tắc quốc tế ở Biển Đông là rất cần thiết, điều này cho thấy nếu bạn (Trung Quốc) muốn đơn phương hành động, bạn sẽ bị cô lập".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên tàu sân bay ra Biển Đông là sự trùng hợp

Đối với việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ra Biển Đông, người phát ngôn Lầu Năm Góc Mỹ Jeff Davis cho rằng, đây chỉ là sự trùng hợp về thời điểm.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Mỹ Jeff Davis
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Mỹ Jeff Davis

Theo Jeff Davis: "Lên tàu sân bay chỉ là một vấn đề thời cơ. Khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ashton B. Carter tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) ở Kuala Lumpur, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đi qua khu vực này. Ông Ashton B. Carter bay đến thăm tàu sân bay là một cơ hội ngẫu nhiên".

Lầu Năm Góc cho biết, Quân đội Mỹ gần đây đi vào vùng biển 12 hải lý của đá ngầm ở Biển Đông là đi lại tự do ở vùng biển quốc tế, hoàn toàn không phải đi qua vô hại.

Tờ “Hoàn Cầu” Trung Quốc ngày 5 tháng 11 cũng có bài viết cho rằng, sau hội nghị ADMM+, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter tuyên bố sẽ cùng Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt ra Biển Đông.

Điều đáng chú ý là, việc này diễn ra ngày sau khi ông Ashton B. Carter có cuộc hội kiến với Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia ngày 3 tháng 11 năm 2015
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia ngày 3 tháng 11 năm 2015

Trong cuộc hội kiến đó, ông Toàn nói với ông Carter là: “Chúng tôi thúc giục Mỹ chấm dứt mọi lời nói và hành động sai lầm, không tiếp tục áp dụng các hành động nguy hiểm đe dọa ‘chủ quyền’ và ‘lợi ích an ninh’ của Trung Quốc”.

Lưu ý, cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không có chủ quyền đối với các quần đảo trên Biển Đông.

Trước phát biểu của ông Toàn, ông Ashton B. Carter tuyên bố thẳng rằng: “Mỹ sẽ tiếp tục kiên trì nguyên tắc mà Mỹ thực hiện từ lâu, được hưởng tự do đi lại và tự do bay dựa vào luật pháp quốc tế, áp dụng cho tất cả các khu vực trên toàn cầu bao gồm cả Bắc Cực”.

Nhiều tờ báo Mỹ bình luận cho rằng, việc này rất có thể làm cho tình hình căng thẳng giữa Trung-Mỹ ở Biển Đông nghiêm trọng hơn.

Trước đó, Trung Quốc đã vô cùng bất mãn đối với việc Mỹ điều tàu khu trục USS Lassen đi vào vùng biển 12 hải lý của đá ngầm ở Biển Đông (đá Subi do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp) để phá yêu sách quá mức, vô lý, bành trướng và bất hợp pháp mang tên “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Trung Quốc đã vô cùng tức tối, đã cử một loạt quan chức lên tiếng phản đối và đe dọa Mỹ.

Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Theodore Roosevelt Hải quân Mỹ
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Theodore Roosevelt Hải quân Mỹ

Nhưng, tất cả các tuyên bố sau đó của các quan chức cấp cao Mỹ cho thấy, Mỹ đã lật bài ngửa với Trung Quốc ở Biển Đông, quyết phá tan yêu sách tham lam quá mức “đường lưỡi bò”, cho rằng, yêu sách này “không đứng vững” về mặt pháp lý, Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra để bảo vệ tự do đi lại ở Biển Đông; hơn nữa Mỹ sẽ tìm một khuôn khổ “ngoại giao đa phương” để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Đông Bình