Báo Nga:

Không có chuyện Indonesia, Việt Nam mua máy bay quân sự của Trung Quốc

03/04/2013 07:58
Đông Bình
(GDVN) - Bài báo đã phân tích nhiều nhân tố gây ảnh hưởng đến xuất khẩu máy bay chiến đấu Su-35 của Nga như tính năng, cạnh tranh, nhu cầu...
Máy bay chiến đấu đa năng Su-35 do Nga chế tạo
Máy bay chiến đấu đa năng Su-35 do Nga chế tạo

Ngày 1/4, mạng tin tức tổ hợp công nghiệp quân sự Nga cho biết, sau khi Không quân Nga đặt mua mấy chục máy bay chiến đấu Su-35, việc phát triển tiếp theo của loại máy bay này được xác định là để xuất khẩu ra nước ngoài, có kế hoạch thay thế đa số máy bay chiến đấu Su-30MK trong 10 năm tới, nhưng việc có xuất khẩu thành công ra thị trường quốc tế hay không còn tùy thuộc vào nhiều nhân tố.

Được biết, Su-35 có tính năng ưu việt, radar quét mảng pha điện tử bị động Irbis-E là phiên bản phát triển tiếp theo của Irbis-M. Nó không có cánh mũi, gờ đuôi có lắp radar tự vệ nhìn phía sau, thiết bị động lực là 2 động cơ phản lực véc-tơ AL-37FU/117S, lực đẩy khi đốt nhiên liệu phụ trội là 147 kN, khả năng lưu thông cửa nạp tương đối mạnh, cánh máy bay có thiết bị nâng cánh tà, sử dụng hệ thống tác chiến điện tử L175M Khibiny và hệ thống chỉ huy mới, buồng lái thủy tinh, bên trong có 2 màn hình tinh thể lỏng LCD cỡ lớn, phi công được trang bị hệ thống chỉ thị mục tiêu trên mũ.

Cục thiết kế Sukhoi cho biết, do trọng lượng cất/hạ cánh máy bay tăng lên, vì vậy Su-35 sử dụng hai bánh đáp. Máy bay có tốc độ khi bay thấp là 1.400 km/giờ, tốc độ khi bay cao là 2.400 km/giờ, khi trang bị vũ khí, không đốt nhiên liệu phụ trội thì tốc độ tuần tra của máy bay không thể vượt tốc độ âm thanh, nếu muốn có khả năng tuần tra siêu âm, cần trang bị động cơ đẩy cỡ lớn hoàn thiện, hơn nữa lực đẩy véc-tơ có thể nâng cao tính năng cơ động cho máy bay.

Viện nghiên cứu khoa học chế tạo thiết bị Tikhomirov - nhà nghiên cứu chế tạo radar máy bay chỉ biết, radar Irbis-E lắp thiết bị dẫn đường telex lớp 2, nhiều nhất có thể đồng thời tìm kiếm và theo dõi 30 mục tiêu trên không, bảo đảm đồng thời tấn công 8 mục tiêu trong số đó.

Khi tiến hành tấn công đối với các mục tiêu trên mặt đất, radar có thể đồng thời tìm kiếm và theo dõi 4 mục tiêu, bảo đảm tấn công 2 mục tiêu trong số đó.

Chiến đấu cơ Su-35
Chiến đấu cơ Su-35

Khoảng cách dò tìm lớn nhất đối với các mục tiêu trên không là 400 km. Do chỉ tiêu diện tích tản xạ hiệu quả của mục tiêu bị dò tìm không được tiết lộ, vì vậy không thể so sánh tính năng cụ thể của loại radar này.

Nhưng, khả năng phát hiện vật thể như máy bay chở khách Boeing-747 trong 400 km rõ ràng vượt xa khả năng phát hiện mục tiêu như máy bay chiến đấu hạng nhẹ JAS-39. Hơn nữa, nó còn trang bị hệ thống dò tìm hồng ngoại đối với các mục tiêu cách 80 km.

Máy bay chiến đấu dòng Su-27 bắt đầu ra đời sau khi xuất hiện các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của Mỹ như F-14, F-15, F-16, F-18. Vì vậy, các nhà thiết kế Liên Xô có thể tham khảo đầy đủ tính năng của các máy bay chiến đấu Mỹ, nghiên cứu chế tạo ra máy bay chiến đấu có không gian nâng cấp tương đối lớn.

Cho nên, máy bay chiến đấu dòng Su-27 và Su-30 sau đó đã nhanh chóng vượt máy bay MiG-29, trở thành sản phẩm xuất khẩu được hoanh nghênh nhất, trở thành đối thủ cạnh tranh chủ yếu của máy bay chiến đấu phương Tây trên thị trường thế giới, chủ yếu tiêu thụ cho các nước khó tiếp cận được công nghệ của phương Tây.

Mặc dù Su-27, Su-30 cũng từng xuất hiện rất nhiều ở các nước Liên Xô cũ, nhưng thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ lại là Ấn Độ và Trung Quốc. Trong khi đó, sức ép xuất khẩu máy bay chiến đấu Su-35 hiện nay rất lớn, nó phải tham gia vào cuộc cạnh tranh xuất khẩu trên 2 trận tuyến: Một là cạnh tranh với máy bay tiêm kích hiện đại thế hệ thứ tư của phương Tây.

Hai là trong tương lai còn cạnh tranh với hàng hóa cùng loại giá rẻ của Trung Quốc, chủ yếu là J-11 và J-10, thậm chí máy bay tiêm kích JF-17 Thunder (FC-1 Kiêu Long) do Trung Quốc-Pakistan hợp tác nghiên cứu chế tạo.

Máy bay tiêm kích Su-35 Nga
Máy bay tiêm kích Su-35 Nga

Báo Nga cho rằng, Trung Quốc đã sở hữu rất nhiều máy bay tiêm kích Su-30MKK, hơn nữa còn đang tích cực thúc đẩy chương trình máy bay J-11B sử dụng thiết bị điện tử hàng không, radar và động cơ do họ tự sản xuất.

Phía Nga rất không vừa lòng với việc Trung Quốc sao chép, sản xuất máy bay dòng Su của Nga, cho rằng đây là nguyên nhân đang gây trở ngại cho việc bán máy bay tiêm kích hải quân Su-33 cho Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc đã gặp phải một số vấn đề trong chương trình J-11, trong đó có vấn đề không thể bảo đảm độ tin cậy và tuổi thọ của động cơ, làm cho một số quan chức Nga tiếp tục tính toán khôi phục xuất khẩu máy bay dòng Su cho Trung Quốc, nhưng J-11 vẫn là nhân tố gây ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu máy bay chiến đấu của Nga.

Các phương tiện truyền thông cho rằng, Trung Quốc và Nga đã sơ bộ đạt được thỏa thuận cung ứng 24 máy bay chiến đấu Su-35, nhưng hợp tác này vẫn tồn tại không ít nghi vấn, dù sao máy bay chiến đấu hiện đại của Trung Quốc cũng đã trở thành đối thủ cạnh tranh xuất khẩu với các sản phẩm của Nga.

Việc cung ứng lô máy bay tiêm kích này có thể sẽ gây khó khăn cho Su-35 tiến quân vào thị trường các nước khác trong tương lai.

Trên thực tế, triển vọng xuất khẩu Su-35 không hề lạc quan, cơ bản không thể so sánh với Su-27 và Su-30. Các nước Đông Âu đã không còn mua máy bay tiêm kích của Nga, tiềm năng cung ứng Su-35 cho các nước đang phát triển cũng bị hạn chế, bởi vì định vị thị trường này rất phức tạp, các nước có phương hướng mua sắm khác nhau.

Su-35 Nga
Su-35 Nga

Trong vài năm tới, Ấn Độ còn tiếp tục mua và sản xuất (cấp phép) máy bay tiêm kích Su-30MKI trang bị thiết bị điện tử nội địa, Malaysia sẽ mua máy bay chiến đấu cải tiến Su-30MKM sử dụng thiết bị của Nga và Pháp, do hai loại máy bay này đều rất tiên tiến, về tính năng có thể tương đương Su-35, vì vậy Ấn Độ và Malaysia chưa chắc đã nhập khẩu Su-35, từ đó giảm mạnh tiềm năng xuất khẩu Su-35.

Algeria và Venezuela sẽ nhập khẩu máy bay chiến đấu Su-30MK2 và Su-30MKA không tiên tiến lắm, từ đó có nghĩa là trọng điểm chi tiêu quân sự của những nước này đang chuyển hướng tới các chương trình khác.

Hàn Quốc sẽ tiếp tục mua máy bay chiến đấu F-15K của Mỹ, trong chương trình mời thầu mua sắm máy bay mới của Không quân Hàn Quốc cơ bản không có vị trí của Su-35. Ả-rập Xê-út cũng nghiêng về ưu tiên mua máy bay chiến đấu của châu Âu. Nước có tiềm năng tương đối lớn trong việc nhập khẩu Su-35 là Brazil thì trong giai đoạn cuối cùng mời thầu mua sắm đã không lựa chọn Su-35.

Hiện nay, thị trường các nước Trung Đông dành cho máy bay tiêm kích Nga cũng tương đối hạn chế, khách hàng tiềm năng của họ là Libya, Syria, có thể còn có Iran, nhưng đa số các nước Trung Đông đã bị các đối thủ cạnh tranh khác nhanh chân đến trước. Còn với thị trường châu Phi, đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Nga là Trung Quốc.

Trong khi đó, thị trường mới ở khu vực Đông Nam Á, như Indonesia và Việt Nam thì có hứng thú lớn hơn với Su-35, bởi vì những nước này không sẵn sàng mua máy bay tiêm kích của Trung Quốc hoặc phương Tây.

Nhưng, do những nước này hiện đang bận mua máy bay tiêm kích dòng Su-30, vì vậy đơn đặt hàng Su-35 tương lai có thể sẽ rất hạn chế. Tóm lại, các số liệu phân tích cho thấy, triển vọng xuất khẩu Su-35 không hề lạc quan, tiềm năng xuất khẩu của nó cơ bản không thể so sánh với Su-27 và Su-30.

Máy bay chiến đấu đa nang Su-35 do Nga chế tạo.
Máy bay chiến đấu đa nang Su-35 do Nga chế tạo.
Đông Bình