"Máy bay Mỹ không còn tự do bay dạo trên không phận Trung Quốc"

03/10/2015 11:28
Đông Bình
(GDVN) - Hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc có thể đang chế tạo tàu sân bay ở Đại Liên, máy bay J-20 biên chế cho tàu sân bay có thể là cơ hội duy nhất tạo ưu thế.

Hình ảnh vệ tinh: Trung Quốc chế tạo tàu sân bay ở Đại Liên

Mạng quân sự sina Trung Quốc và tờ "Nam Hoa buổi sáng" Hồng Kông ngày 2 tháng 10 đưa tin, hình ảnh vệ tinh do tờ “Jane's Defense Weekly” Anh công bố cho thấy, Trung Quốc có thể đang chế tạo tàu sân bay nội địa đầu tiên ở Đại Liên.

Hình ảnh vệ tinh cảng Đại Liên ngày 1 tháng 5, ngày 3 tháng 6 và ngày 22 tháng 9 năm 2015 (nguồn tờ "Nam Hoa buổi sáng" Hồng Kông)
Hình ảnh vệ tinh cảng Đại Liên ngày 1 tháng 5, ngày 3 tháng 6 và ngày 22 tháng 9 năm 2015 (nguồn tờ "Nam Hoa buổi sáng" Hồng Kông)

Hãng tin Reuters Anh cho biết, ở xưởng đóng tàu Đài Liên có một thân tàu lạ đã bước vào giai đoạn chế tạo cuối cùng. Nhưng tờ Jane’s Anh chỉ ra, phải chờ đến khi nhìn thấy được sàn tàu tầng trên và đường băng máy bay thì mới có thể xác định thân tàu này có phải là tàu sân bay hay không, song nhìn vào tốc độ lắp ráp chậm chạp và bề ngoài, thì tàu đang chế tạo là tàu chiến.

Theo tờ Jane’s, chiếc tàu chiến này cũng có khả năng là tàu tấn công đổ bộ hoặc tàu sân bay chở trực thăng lớp đầu tiên.

Hãng tin Reuters trước đó dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, Trung Quốc đang chế tạo 2 tàu sân bay, kích cỡ và lượng giãn nước tương đương tàu sân bay Liêu Ninh, khoảng 60.000 tấn.

Hiện nay, tàu sân bay Liêu Ninh là tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc, nó được mua của Ukraine vào năm 1998, rồi đưa về cải tạo. Tàu Liêu Ninh đã tham gia vài lần “diễn tập quân sự”, trong đó có “diễn tập” ở Biển Đông, nhưng nó vẫn chưa đi vào hoạt động toàn diện.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc
Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc

Theo tờ “Jane's Defense Weekly”, tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự chế tạo sẽ thoát thai từ tàu sân bay Liêu Ninh, thuộc “tàu sân bay hạng trung, lắp động cơ truyền thống, cất cánh kiểu nhảy cầu”, trọng tải khoảng 55.000 – 67.500 tấn, có thể chở 40 – 45 máy bay chiến đấu, chi phí chế tạo 3 – 5 tỷ USD.

Có chuyên gia quân sự cho rằng, tàu sân bay Liêu Ninh thực hiện nhiệm vụ thuận lợi là bước đi đầu tiên để Trung Quốc triển khai tàu sân bay tự chế trước năm 2020.

Theo báo Jane’s Anh, việc chế tạo tàu sân bay luôn được coi là bí mật quốc gia, kế hoạch chế tạo tàu sân bay của Trung Quốc cũng có chi tiết được tiết lộ. Năm nay, Lầu Năm Góc Mỹ từng đưa ra báo cáo cho biết, Trung Quốc có thể sẽ chế tạo nhiều tàu sân bay trong 15 năm tới.

Máy bay J-20 sẽ tạo ưu thế cho tàu sân bay Trung Quốc?

Trang mạng news.qq.com Trung Quốc ngày 2 tháng 10 có bài viết cho rằng, vị thế bá chủ toàn cầu của Mỹ ở mức độ rất lớn có nguồn gốc từ năng lực kiểm soát việc đi lại ở các đại dương trên toàn cầu.

Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2016 Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2016 Trung Quốc (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Điều này thúc đẩy Mỹ đặc biệt chú trọng xây dựng hải quân, để có lực lượng hải quân số 1 thế giới, hải quân tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại cũng không mạnh bằng Mỹ.

Đối với Hải quân Trung Quốc – lực lượng có bước đi hiện đại hóa chậm và quy mô nhỏ,      đưa máy bay chiến đấu tàng hình J-20 hiện đang phát triển lên tàu sân bay “sẽ là cơ hội duy nhất để tạo ra ưu thế tính năng trước Hải quân Mỹ ở khu vực cục bộ”.

Theo bài báo, máy bay chiến đấu J-10 cũng là máy bay chiến đấu bố cục cánh vịt, nhưng không thể triển khai trên tàu sân bay, bởi vì hình thức kết cấu bánh đáp chính của nó hạn chế.

Trong khi đó, bố cục kết cấu bánh đáp chính của J-20 rất giống dòng máy bay chiến đấu Su-27, hơn nữa, kết cấu thân c  ánh máy bay khu vực kết nối với bánh đáp có khả năng chống đỡ cao hơn nhiều dòng Su-27.

Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2015 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu J-20 số hiệu 2015 Trung Quốc

Rất nhiều người bác bỏ khả năng J-20 trang bị cho tàu sân bay khi nhìn vào kích cỡ của nó. Nhưng, J-20 còn ngắn hơn độ dài 21,2 m của máy bay chiến đấu Su-33, trong khi đó, Su-33 có thể hoạt động trên tàu sân bay Hải quân Nga.

Bài báo tự khen rằng, 4 năng lực gồm tầm xa, tàng hình, tốc độ cao, lắp tên lửa chống hạm tàng hình tạo ra khả năng phá hoại và khả năng xuyên thủng hệ thống phòng không cho J-20.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống phòng không mặt đất và lực lượng không quân Trung Quốc, Quân đội Mỹ không còn được như thập niên 1990, có thể điều động máy bay thoải mái bay dạo trên đất liền Trung Quốc. Tuyến thứ nhất đối đầu giữa lực lượng quân sự của Trung Quốc và Mỹ trong tương lai sẽ chỉ ở trên biển.

Trong quy hoạch phát triển máy bay chiến thuật, sau khi trải qua sự huy hoàng của F-4, F-14, A-6 và A-8, Hải quân Mỹ luôn ở trạng thái rất không thuận lợi. Máy bay nguyên mẫu cuối cùng A-12 cuối cùng không thể chế tạo, nó vốn dự định làm phiên bản cuối cùng của dòng F/A-18. Trong khi đó, ít nhất trước năm 2030, máy bay tốt nhất của họ là F-35B/C.

Máy bay chiến đấu Super Hornet Hải quân Mỹ bay trên Thái Bình Dương
Máy bay chiến đấu Super Hornet Hải quân Mỹ bay trên Thái Bình Dương

F-35 là máy bay tấn công tàng hình tầm xa rất ưu việt, nhưng trong nhiệm vụ phòng không hạm đội, khả năng tăng tốc và tốc độ của nó bị chỉ trích là còn kém so với F/A-18E/F, tính cơ động cũng rất bình thường.

Đối mặt với máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba như J-15, nó có ưu thế tính năng gần 1 thế hệ bởi tàng hình và thiết bị điện tử mang lại; nhưng đối mặt với J-20, nó trái lại bị thua nửa thế hệ thậm chí 1 thế hệ về tính năng bay – báo Trung Quốc tự tin khẳng định.

Theo bài báo, Hải quân Mỹ đã ý thức được họ thiếu máy bay chiến đấu hải quân đủ tiêu chuẩn, nhưng việc phát triển máy bay mới cần có thời gian, cho dù dựa vào thời gian do Hải quân Mỹ công bố hiện nay, thời gian biên chế F/A-XX thế hệ mới cũng sẽ không sớm hơn năm 2030. Theo quy luật thông thường, cuối cùng chậm vài năm là rất bình thường.

Bài báo tự tin cho rằng, theo tính toán hiện nay, nếu Trung Quốc có thể kịp thời biên chế lượng lớn J-20 cho tàu sân bay, thì sẽ trải qua mười mấy đến 20 năm, tàu sân bay Trung Quốc sẽ tạo ra ưu thế tính năng rõ rệt đối với Quân đội Mỹ. Đây là “độc nhất vô nhị” trong toàn bộ quốc đối đầu quân sự Trung-Mỹ, hơn nữa, là “cơ hội không thể làm lại” trong tương lai không xa.

Máy bay chiến đấu F-35C hạ cánh trên đường bằng tàu sân bay USS Nimitz ở ngoài khơi bờ biển California, Mỹ (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu F-35C hạ cánh trên đường bằng tàu sân bay USS Nimitz ở ngoài khơi bờ biển California, Mỹ (ảnh tư liệu)

Mặc dù báo Trung Quốc tự tin như vậy, nhưng Trung Quốc dám so với quốc gia có công nghệ quân sự số 1 thế giới như Mỹ là một việc đáng nghi ngờ, đặc biệt là khi Trung Quốc còn đang lệ thuộc vào bên ngoài về nhiều công nghệ quan trọng như công nghệ động cơ máy bay. Hơn nữa, máy bay J-20 mới còn đang phát triển, chưa được biên chế - PV.

Ngoài ra, để so sánh sức mạnh quân sự, cần phải so sánh trên nhiều phương diện. Phải thấy rằng, tàu sân bay Mỹ luôn tác chiến trong một hạm đội, một cụm tấn công hoàn chỉnh, gồm nhiều loại vũ khí trang bị tiên tiến, hiện đại như tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu ngầm, tàu tuần dương, liên đội máy bay… - PV.

Ngoài ra, khi chiến tranh xảy ra, Mỹ còn có thể huy động nhiều lực lượng quân sự tiên tiến khác, thậm chí còn thể áp dụng tác chiến hợp nhất trên biển-trên không-vũ trụ-mạng; hơn nữa còn có thể dựa vào sự hỗ trợ của các đồng minh khu vực.

Bên cạnh đó, những ưu thế về kinh nghiệm tác chiến, về chiến lược, chiến thuật quân sự… cũng là những vấn đề Trung Quốc còn phải học hỏi nhiều - PV.

Cụm tấn công tàu sân bay Hải quân Mỹ
Cụm tấn công tàu sân bay Hải quân Mỹ
Đông Bình