Máy bay ném bom B-52 Mỹ được liên tục nâng cấp, hoạt động đến năm 2050

06/02/2013 07:09
Đông Bình
(GDVN) - Máy bay ném bom chiến lược tầm xa huyền thoại B-52 của Mỹ đã làm nên nhiều “huyền thoại”, nhờ tầm nhìn xa từ thiết kế ban đầu.
Máy bay ném bom chiến lược B-52H của Không quân Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược B-52H của Không quân Mỹ

Tờ “Giải phóng quân” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, năm nay (2013) máy bay ném bom B-52 của Mỹ sẽ chào đón tròn 52 năm phục vụ cho Quân đội Mỹ. Nếu tính từ khi ra đời, thì loại máy bay huyền thoại này đã trải qua sinh nhật lần thứ 60 vào mấy tháng trước.

Sau khi thường xuyên để ý tới loại máy bay có thời gian hoạt động lâu nhất trong lịch sử quân sự này, người ta vừa thấy nó “gừng càng già càng cay”, đầy sức sống, vừa đặt ra câu hỏi: tại sao máy bay ném bom B-52 lại có tuổi thọ lâu như vậy? Rốt cuộc, nó còn có thể phục vụ bao nhiêu năm nữa?

Đứng ở điểm “tọa độ” thời gian và không gian phát triển vũ khí trang bị hiện nay, nhìn lại sự phát triển và dự báo tương lai của nó, rất nhiều điều của B-52 đáng để đánh giá, tham khảo.

Tung hoành ngang dọc, ra đời vì vũ khí hạt nhân

Năm 1946, Không quân Mỹ chính thức đưa ra hồ sơ đấu thầu một loại máy bay ném bom kiểu mới, đối với nhu cầu tác chiến của máy bay ném bom mới, Không quân Mỹ chủ yếu đặt ra 3 điều kiện: tác chiến ở độ cao trên 12.000 m; hành trình lớn, có thể bay xuyên lục địa; có thể mang theo bom nguyên tử (bom hạt nhân).

Đây chính là điều kiện mà Không quân Mỹ đặt ra trước khi máy bay ném bom B-52 ra đời.

B-52 là máy bay ném bom chiến lược tầm xa dưới tốc độ âm thanh do hãng Boeing Mỹ nghiên cứu chế tạo. Bắt đầu từ năm 1955 trước sau đã có 5 loại đã trang bị cho Không quân Mỹ. Phiên bản B-52H là phiên bản cuối cùng được bắt đầu trang bị năm 1961, cũng là một phiên bản duy nhất vẫn còn đang hoạt động cho đến nay.

Pháo đài bay B-52 Mỹ
Pháo đài bay B-52 Mỹ

B-52 luôn là một trong những trụ cột quan trọng của lực lượng tấn công chiến lược hạt nhân “tam vị nhất thể” (3 lực lượng hợp làm 1) của Mỹ, thủ đoạn tấn công hạt nhân của nó được cho là đã “vũ trang tận răng”.

Hiện nay, B-52 vẫn là phương tiện phóng tên lửa hành trình hạt nhân thường trực duy nhất của Không quân Mỹ. B-52 có thể trang bị 20 quả bom nguyên tử lớp 5.000 tấn, 1 quả bom nguyên tử lớp 10 triệu tấn, 20 quả tên lửa hành trình hạt nhân có tầm phóng 2.500 km.

Khả năng tấn công thông thường và khả năng tập kích đường dài của B-52 không thể coi thường. Trong nhiều cuộc chiến tranh cục bộ do Mỹ phát động, khu vực xuất phát tác chiến của B-52 đều ở xa tận Guam thuộc Thái Bình Dương, Diego Garcia ở Ấn Độ Dương, Fairford của Anh, thậm chí ở lãnh thổ Mỹ, hành trình tác chiến tối đa đạt 14.000 km, ưu thế “sức bền” rất rõ rệt.

Vũ khí dẫn đường chính xác giúp cho B-52 “như hổ thêm cánh”, tên lửa hành trình thông thường AGM-86 là vũ khí thường dùng để tấn công “điểm huyệt” của B-52. Trong các chiến tranh Afghanistan và Iraq, B-52 tiếp tục tạo nên huyền thoại mới, bắt đầu sử dụng phương thức tác chiến dẫn đường vệ tinh, dẫn đường laser tiến hành tấn công chính xác.

Máy bay ném bom tầm xa B-52 Không quân Mỹ
Máy bay ném bom tầm xa B-52 Không quân Mỹ

Sửa chữa nhanh, liên tục nâng cấp

Trong thời kỳ phát triển lớn của máy bay ném bom thập niên 1950-1960 thế kỷ trước, B-47 bị đào thải, XB-70 “sớm nở tối tàn”, duy nhất có B-52 phát huy hết được “tài năng”. Những máy bay ném bom sau này như B-1B, B-2 vốn được nghiên cứu phát triển để thay thế cho B-52, nhưng B-52 vẫn giữ vững vị trí của nó và cạnh tranh với những máy bay cùng cấp, không hề bị đánh bại. Tại sao lại kỳ diệu như vậy?

Điều không thể không nói đến là, Không quân Mỹ đã thực sự có tầm nhìn xa khi ngay từ đầu đã đặt ra 3 điều kiện chủ yếu như tác chiến ở độ cao trên 12.000 m, có thể bay xuyên lục địa, có thể trang bị bom nguyên tử. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu làm cho Không quân Mỹ rất ưa thích máy bay ném bom B-52.

Đối với quân Mỹ trong tình hình chi tiêu quân sự ngày càng căng thẳng hiện nay, độ tin cậy cao, sửa chữa tương đối đơn giản, tiết kiệm là một ưu thế khác của máy bay ném bom B-52.

Trong khi đó, máy bay ném bom B-1B ngay từ khi trang bị đã xuất hiện rất nhiều vấn đề, gây ra nhiều tranh cãi. Trong 18 năm sau khi được trang bị, B-1B đã bị tổn thất 7 chiếc, rò rỉ dầu, hệ thống điện tử không ổn định, sửa chữa khó khăn… luôn cản trở B-1B phô diễn trước công chúng.

Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer Mỹ

Máy bay ném bom B-2 có công nghệ tiên tiến, tính năng ưu việt, nhưng giá thành chế tạo đắt đỏ làm cho người Mỹ khó mà trang bị số lượng lớn.

Điều càng khiến cho quân Mỹ khó chịu được là yêu cầu điều kiện bảo trì của máy bay này quá nghiêm ngặt, chi phí quá cao.

Thời gian bảo trì bình quân cho mỗi giờ bay của máy bay B-2 dài tới 13,2 giờ, sau mỗi lần bay đều phải tiến hành sửa chữa vật liệu hấp thu sóng radar, kho chứa máy bay chuyên dụng lệ thuộc quá lớn vào độ nóng, độ ẩm, cộng với linh kiện và trang bị bảo trì không đầy đủ, làm cho B-2 luôn không thể được triển khai cho các căn cứ ở nước ngoài.

Hơn nữa, trong năm tài khóa 2012, tỷ lệ thực hiện nhiệm vụ của máy bay ném bom B-52 lên tới 78,3%, vượt xa 56,8% của B-1B và 51,3% của B-2.

Chính vì B-52 vẫn có ưu thế “không thể thay thế”, quân Mỹ mới không ngừng nâng cấp công nghệ mới cho loại máy bay này để thích ứng với sự thay đổi của nhu cầu và môi trường tác chiến mới.

- Từ năm 1971 đến năm 1993, B-52H đã hoàn thành chuyển đổi từ một phương tiện trang bị bom hạt nhân chuyển sang phương tiện trang bị tên lửa hành trình hạt nhân.

- Năm 1993, máy bay B-52 bắt đầu bắt kịp trào lưu, chuyển đổi sang thông tin hóa. Tác chiến chính xác dần dần trở thành phương thức tác chiến chủ yếu của B-52, từng bước trang bị vũ khí dẫn đường chính xác được phóng ở ngoài khu vực phòng thủ.

Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Không quân Mỹ
Máy bay ném bom chiến lược tàng hình B-2 Không quân Mỹ

- Năm 2005, máy bay ném bom B-52 bắt đầu chuyển đổi theo hướng tác chiến trung tâm mạng, có kế hoạch nâng cấp hệ thống quản lý vũ khí treo bên ngoài, lắp thêm hệ thống thông tin vệ tinh, liên kết dữ liệu vượt tầm nhìn, đổi sang trang bị radar kiểm soát hỏa lực, pod ngắm mục tiêu cao cấp. Khi đó, lượng tải đạn vũ khí dẫn đường chính xác tiếp tục tăng lên 40%, radar hoạt động 1.000 giờ trở lên mới cần sửa chữa.

Tuy là chi phí cải tiến, nhưng vẫn còn rẻ hơn so với nghiên cứu chế tạo một loại trang bị mới có tính năng cơ bản tương đương, đây cũng là một nguyên nhân quan trọng để B-52 được bảo lưu.

Nhiệm vụ nặng nề, rốt cuộc về hưu

B-52 đã 60 tuổi, vẫn đầy “chí khí”. Năm 2003, quân Mỹ đã bắt đầu luận chứng đổi “trái tim” cho B-52, tức là trang bị động cơ mới. Quả đúng như vậy, hành trình của B-52 sẽ được tăng lớn. Máy bay ném bom B-52 có kế hoạch phục vụ ít nhất đến năm 2030, đồng thời hứa hẹn tiếp tục phát huy uy lực trước năm 2050.

B-52 có nhiệm vụ nặng nề. Tên lửa hành trình siêu thanh X-51A là một trong những lực lượng được Không quân Mỹ phát triển nhằm tiến hành tấn công tức thời đối với mọi mục tiêu trên toàn thế giới trong vòng 1 giờ, và máy bay chịu trách nhiệm mang theo X-51A chính là B-52.

Tên lửa hành trình siêu thanh X-51 Wave Rider được máy bay ném bom chiến lược B-52 mang theo thử nghiệm.
Tên lửa hành trình siêu thanh X-51 Wave Rider được máy bay ném bom chiến lược B-52 mang theo thử nghiệm.

Ngày 26/5/2010, máy bay ném bom B-52 đã mang theo X-51A, tiến hành phóng thử lần đầu tiên ở độ cao 12.000 m, tốc độ của X-51A cao nhất vượt 5 Mach, được gọi là một sự nhảy vọt về công nghệ quan trọng. Mặc dù các cuộc thử nghiệm X-51A lần thứ hai, thứ ba đều bị thất bại, nhưng công tác thử nghiệm vẫn đang được ra sức thúc đẩy.

X-51A dài khoảng 4,26 m, nặng khoảng 1 tấn, tầm phóng khoảng 1.100 km. X-51A bay tốc độ nhanh, đường đạn đầy biến đổi, khả năng đột phá phòng không mạnh, có thể tấn công mục tiêu nhạy với thời gian, các trang bị phòng không, phòng thủ tên lửa trên thế giới hiện vẫn chưa thể đối đầu với nó.

Có lẽ, tên lửa hành trình siêu thanh X-51A sẽ tiếp tục làm nên sự huy hoàng cho máy bay ném bom B-52.

Nhưng, B-52 dẫu sao cũng đã vào “tuổi xế chiều”, độ tin cậy sẽ từng bước giảm nhanh. Hiện nay, Không quân Mỹ có 1.000 người hàng ngày theo dõi tình hình chất lượng lực lượng máy bay B-52. Xem ra, Không quân Mỹ cũng phải cân nhắc khi giao nhiệm vụ cho B-52.

Tên lửa hành trình siêu thanh X-51 Mỹ
Tên lửa hành trình siêu thanh X-51 Mỹ
Đông Bình