Mỹ: TQ sẽ thay thế một phần vai trò "cảnh sát thế giới"

18/09/2011 07:34
Đông Bình (Theo báo Quang Minh)
(GDVN) - Do Mỹ đang phải đối mặt với cắt giảm chi tiêu, TQ có thể thay thế Mỹ đóng vai trò "cảnh sát thế giới", ít nhất là ở châu Phi.

Ngày 14/9/2011, nguyệt san “Quốc phòng” Mỹ đăng bài cho biết, Tư lệnh Bộ Tư lệnh châu Phi của quân đội Mỹ vừa cho hay, Trung Quốc có triển vọng thay thế vai trò “cảnh sát thế giới” của Mỹ, ít nhất là ở khu vực châu Phi.

Ông bày tỏ "vui mừng" nhìn thấy Trung Quốc xuất khẩu nhiều loại vũ khí đến châu Phi, trong đó có bán tàu thuyền đường sông cho Congo, giúp chính quyền địa phương tăng cường tuần tra an ninh, đây là những loại vũ khí mà Mỹ không có.

Mỹ thay thế Tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Phi. Đây là lễ bàn giao tại Stuttgart, Đức ngày 9/3/2011, Tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh châu Phi Carter Ham đứng ở bên phải
Mỹ thay thế Tư lệnh lực lượng Mỹ tại châu Phi. Đây là lễ bàn giao tại Stuttgart, Đức ngày 9/3/2011, Tân Tư lệnh Bộ Tư lệnh châu Phi Carter Ham đứng ở bên phải

Trung Quốc có thể làm “cảnh sát” ở châu Phi

Bài báo cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ, sự mệt mỏi vì chiến tranh và thái độ cô lập của người dân chắn chắn sẽ cản trở những nỗ lực của quân đội Mỹ tái thiết những quốc gia bị chiến tranh tàn phá và yếu ớt đó.

Trên thực tế, hiện nay Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, những nước cung cấp lớn nhất cho viện trợ phát triển nước ngoài và các chiến dịch bảo vệ sự ổn định, đều đang lâm vào “cơn đau” suy thoái kinh tế.

Báo Mỹ cho biết, không ở nơi đâu cảm nhận rõ nét nhất về ảnh hưởng của việc cắt giảm viện trợ quân sự nước ngoài như châu Phi.

Nhưng, theo Thượng tướng Carter Ham, Tư lệnh Bộ Tư lệnh châu Phi quân Mỹ, cùng với việc dần dần từ bỏ vai trò cảnh sát thế giới của Mỹ, cộng đồng quốc tế ngày càng chờ đợi Trung Quốc có thể lấp khoảng trống này, ít nhất là ở châu Phi.

Trung Quốc cung cấp nhiều vũ khí cho các nước châu Phi, trong đó có tàu đổ bộ đường sông (Mỹ không có) cho Congo, cho thấy Trung Quốc đang thay thế một phần vai trò "cảnh sát thế giới" của Mỹ
Trung Quốc cung cấp nhiều vũ khí cho các nước châu Phi, trong đó có tàu đổ bộ đường sông (Mỹ không có) cho Congo, cho thấy Trung Quốc đang thay thế một phần vai trò "cảnh sát thế giới" của Mỹ

Carter Ham nói: “Rõ ràng là, giống như Mỹ và rất nhiều nước, Trung Quốc cũng cung cấp vũ khí cho các nước châu Phi”.

Theo báo Mỹ, ngày 14/9/2011, Carter Ham trả lời báo chí cho biết, Mỹ hoan nghênh Trung Quốc tăng cường cung ứng vũ khí cho các nước châu Phi, do nó đã đóng góp cho các nỗ lực chống khủng bố.

Chẳng hạn, Trung Quốc đang cung cấp tàu đổ bộ đường sông cho lực lượng an ninh Congo. Ham nói: “Thực ra, tôi cho rằng điều này rất hữu ích. Đây là khả năng mà họ cần, còn chúng ta không có khả năng này”.

Báo Mỹ cho biết, Mỹ và đồng minh khu vực của họ lo ngại, 3 tổ chức cực đoan châu Phi là tổ chức khủng bố Islamic Maghreb (AQIM), tổ chức Boko Harem và tổ chức vũ trang chống chính phủ Somalia (al-Shabab) đang mở rộng ảnh hưởng.

Hiện nay, 3 tổ chức này đang tuyển dụng người, thiết lập các trại huấn luyện trên khắp châu Phi. Điều này đã làm tăng sức ép không nhỏ cho Mỹ và đồng minh trong khu vực.

Carter Ham cho biết, do các nguồn lực của Mỹ giảm xuống, nên Mỹ vui mừng nhìn thấy sự tham gia của Trung Quốc. Ông nói: “Tôi không cho rằng, đây là cuộc chạy đua quân sự giữa hai nước Mỹ-Trung”.

Rất nhiều nước châu Phi đều trang bị máy bay do Trung Quốc chế tạo và sử dụng tàu của Trung Quốc để tuần tra vùng biển ven bờ. Điều này hoàn toàn không phải là chạy đua vũ khí, mà là các nước châu Phi tự quyết định tìm nguồn cung ứng và vũ khí trang bị tốt nhất cho họ.

Carter Ham nói: “Là một người Mỹ, tôi phải chăng hy vọng đồ họ dùng toàn là hàng hóa Mỹ? Đương nhiên, nhưng người châu Phi sẽ đưa ra quyết định có lợi nhất cho họ”.

Carter Ham không nói rõ là về khả năng Trung Quốc đã bán vũ khí cho Gaddafi hay không.

Quan chức Bộ Tư lệnh châu Phi lo ngại, các tổ chức khủng bố sẽ nắm chắc kho vũ khí của chính quyền Gaddafi. Trong đó, mối lo ngại lớn nhất chính là những tên lửa được Gaddafi giấu kín. Theo Carter Ham, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ và các đồng minh khu vực đang ngăn chặn những hệ thống phòng không tiện lợi này rơi vào tay các phần tử khủng bố.

Ham cho biết, điều được quan tâm tương tự là còn có đạn dược thông thường và vật liệu nổ có thể dùng để chế tạo bom cài trên đường. Ông cho biết: “Nếu không tiến hành kiểm soát, chúng sẽ rơi vào tay AQIM, Boko Harem và al-Shabab”.

Mỹ lo ngại kho vũ khí của Gaddafi rơi vào tay các tổ chức khủng bố AQIM, Boko Harem và al-Shabab
Mỹ lo ngại kho vũ khí của Gaddafi rơi vào tay các tổ chức khủng bố AQIM, Boko Harem và al-Shabab

Ham nói thêm, một mầm họa an ninh khác là nguyên vật liệu hóa chất của Gaddafi có thể được dùng cho chế tạo vũ khí. Ông nói, tất cả những bộ phận vũ khí hóa học tiềm ẩn này cuối cùng sẽ phải được “hủy bỏ”.

Bộ Tư lệnh châu Phi quân Mỹ đối mặt với cắt giảm chi tiêu

Mỹ cắt giảm ngân sách quân sự sẽ không chỉ ảnh hưởng đến các chiến dịch của Bộ Tư lệnh châu Phi, mà còn sẽ làm cho Bộ Tư lệnh hủy bỏ rất nhiều nhà thầu của họ. Ham nói, mặc dù Bộ Tư lệnh này hiện còn chưa nhận được bất cứ mệnh lệnh cụ thể nào về cắt giảm nhân viên và nhà thầu, nhưng dự kiến họ sẽ sớm nhận được lệnh này. Ông nói: “Rõ ràng là, chúng ta buộc phải suy nghĩ, chúng ta phải chăng có thể tận dụng đầy đủ các nguồn lực hiện có”.

Ham chỉ ra, trong tất cả các Bộ Tư lệnh của quân Mỹ, “tồn tại một xu thế chung phù hợp với lẽ phải, đó chính là giảm sự phụ thuộc vào nhà thầu”.

Trong Bộ Tư lệnh châu Phi, đội ngũ nhà thầu lớn nhất và duy nhất là các nhân viên phân tích tình báo. Họ đều đồn trú tại Trụ sở Bộ Tư lệnh châu Phi, đó là Kelley Barracks của Stuttgart-Đức. Những người khác thì làm việc ở một trạm vệ tinh của Anh và Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ ở thành phố Florida.

Bộ Tư lệnh châu Phi đối mặt với cắt giảm ngân sách quân sự
Bộ Tư lệnh châu Phi đối mặt với cắt giảm ngân sách quân sự

Ham nhấn mạnh: “Chúng tôi đang xem xét, phải chăng có một phương thức hiệu quả hơn, giảm sự phụ thuộc vào các nhà thầu. Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức giải quyết vấn đề này”.

Ngoài ra, Ham còn tiết lộ, tất cả các cơ quan tình báo Mỹ đều có khả năng đào thải lực lượng quá dư thừa của họ. Ông nói: “Chúng tôi cần tính toán làm thế nào để tận dụng có hiệu quả nhất những khả năng này để giảm dư thừa, từ đó tránh được tình trạng nhiều tổ chức cùng làm một việc”.

Một trong những phương pháp chính là giảm các nhân viên phân tích tại hiện trường, chuyển sang xin giúp đỡ của các nhân viên phân tích của Cục Tình báo Quốc phòng ở trên đất Mỹ.

Một phương pháp tiết kiệm chi phí khác là, củng cố sự hỗ trợ tình báo với Bộ Tư lệnh châu Âu, Bộ Tư lệnh phương Nam và Bộ Tư lệnh Trung ương của Mỹ. Ông nói: “Nếu có thể chia sẻ nguồn tin tình báo, chứ không phải tiến hành độc lập, chúng tôi sẽ có thể được lợi”.

Thắt chặt tài chính còn có nghĩa là, mặc dù có một số nghị sĩ ủng hộ, nhưng việc Bộ Tư lệnh châu Phi dời Trụ sở và đem công việc về nước làm sẽ không có nhiều khả năng trở thành hiện thực.

Ham cho biết, Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu vấn đề thay thế trụ sở Bộ Tư lệnh châu Phi. Nhưng, do bị chi phối bởi chi phí cao, Bộ Quốc phòng hoàn toàn không biết bắt đầu từ đâu.
Đông Bình (Theo báo Quang Minh)