Mỹ đã phạm sai lầm vô tình đẩy Trung Quốc - Nga xích lại gần nhau hơn?

17/11/2014 15:40
Bình Nguyên
(GDVN) - Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh APEC, Nga và Trung Quốc đã ký kết một loạt các thỏa thuận tài chính, thương mai trị giá gần 10 tỷ USD.

Báo Đa Chiều - một tờ báo của người Hoa ở hải ngoại có trụ sở tại Mỹ gần đây có bài viết nhận định rằng Hoa Kỳ đã phạm phải một sai lầm rất nghiêm trọng và đã vô tình đẩy Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn trong các vấn đề có thể gây đối nghịch với nước Mỹ và các đồng minh.

Lãnh đạo Mỹ - Trung - Nga tại APEC 2014
Lãnh đạo Mỹ - Trung - Nga tại APEC 2014

Đa Chiều nhận định rằng Washington đã chính thức quay trở lại trạng thái chống lại Moscow xuất phát từ cuộc khủng hoảng tại Ucraine khi Nga sáp nhập phần đất Crimea vào lãnh thổ của mình vào tháng 2 năm nay, tiếp sau đó các đồng minh của Mỹ là châu Âu, Nhật Bản đã ban hành các lệnh trừng phạt nhằm thẳng vào Nga khiến Moscow phải tìm đường đến với Trung Quốc.

Sự bất đồng quan điểm, thiếu lòng tin giữa Nga và Mỹ ngày càng trở nên rõ ràng và lan rộng. Gần đây Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chỉ gặp nhau vỏn vẹn chưa đến 30 phút trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Cả hai nhà lãnh đạo của Nga và Mỹ khi gặp nhau đã không có gì nhiều đến nói chuyện với nhau thay vì những cái bắt tay và chào hỏi xã giao thường có.

Tuy nhiên, ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Australia, Tổng thống Nga Putin đã công khai "mắng mỏ" chính quyền Mỹ, đồng thời đổ lỗi cho Washington có ý đồ xấu khi liên tiếp áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Ông Putin cho rằng Mỹ đã phạm sai lầm khi làm những việc trái ngược với các thỏa thuận thương mại và luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở trạng thái căng thẳng kéo dài. Trung Quốc rất lo ngại chiến lược quay trở lại châu Á của Washington.

Với một loạt các chuyến thăm, hiệp định, thỏa thuận quốc phòng với các nước quang Trung Quốc của Hoa Kỳ, Bắc Kinh xem chúng là các phương tiện của Mỹ nhằm kiểm soát ảnh hưởng và sức mạnh đang lên của Trung Quốc.

Tờ  Đa Chiều bình luận rằng "Mỹ không thể đối phó được với sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc mà phải dùng đến các phương tiện địa chính trị trong đó có việc ủng hộ Nhật Bản phát triển sức mạnh, củng cố quan hệ với Philippines, Việt Nam, Ấn Độ - một loạt các quốc gia đang có mâu thuẫn về chủ quyền lãnh thổ với TQ.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã bắt đầu sử dụng chiến lược đối phó với sự xoay trục sang châu Á của Mỹ. Trung Quốc đơn phương tuyên bố khu nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông bao trùm lên quần đảo Senkaku của Nhật Bản, đồng thời đang âm mưu, toán tính thiết lập trạng thái tương tự như vậy ở Biển Đông.

Mặc dù, trong lần gặp gỡ nhân sự kiện APEC 2014 vừa diễn ra tại TQ, Chủ tịch nước TQ Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama cũng đã cùng nhấn mạnh về sự cần thiết phải xây dựng lòng tin và hợp tác nhưng cả hai đều nhắc đến các vấn đề quan tâm của chính mình đồng thời chưa có bất cứ hành động hay lộ trình cụ thể nào cho những điều mà các lãnh đạo Mỹ - Trung đã nhấn mạnh trước đó.

Sự thật này có thể được xem như dự đoán rằng quan hệ Trung – Mỹ có thể sẽ có cơ hội cải thiện dần dần nhưng nó cũng phản ánh một thực tế là những điều tồi tệ có thể sẽ trở lên tồi tệ hơn vào bất cứ lúc nào.

Đa Chiều so sánh mối quan hệ giữa Mỹ, Trung, Nga hiện nay với cốt truyện Tam Quốc chiến trong văn học cổ điển của Trung Quốc.

Tờ báo của người Hoa ở hải ngoại nhận định rằng Trung, Nga, Mỹ gần như đang ở trạng thái cân bằng nhưng nay Bắc Kinh và Moscow đang xích lại gần nhau hơn chính là hậu quả của những động thái do Washington đã tiến hành.

Đầu năm nay, khi Nga tiến hành sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình, chính quyền Mỹ đã ban hành các lệnh trừng phạt nặng làm Nga lâm vào tình cảnh khó khăn về kinh tế.

Đề bù đắp vào lỗ hổng này cộng động doanh nghiệp Nga đã quay sang Trung Quốc theo định hướng của chính phủ, hệ thống các ngân hàng trung ương của Trung Quốc và Nga gần đầy đã ký kết một thỏa thuận trị giá đến 24,4 tỷ USD để hình thành các dự án đầu tư trực tiếp giữa các doanh nghiệp hai nước.

Trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh APEC, Nga và Trung Quốc đã ký kết một loạt các thỏa thuận tài chính, thương mai trị giá gần 10 tỷ USD.

Nga và Trung Quốc cũng đã nhất trí cùng nhau tiến hành các cuộc tập trận chung quy mô lớn. Nói một cách thẳng thắng, Nga – Trung đang bắt tay nhau trên nhiều mặt trận cùng lúc, đặc biệt trong số này có hợp tác chế tạo, vận tải, tài chính – các lĩnh vực được xem là quan trọng, ưu tiên hàng đầu của mỗi nền kinh tế.

Theo thỏa thuận với Nga, các công ty của Trung Quốc được phép tham gia vào thị trường tài chính của Nga trên quy mô lớn. Nga, Trung cũng đã tiến hành các cuộc đàm phán về việc xây dựng dự án thiết lập hệ thống đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh với Moscow.

Đáng chú ý nữa là cả Nga và Trung Quốc đều đã đạt được sự đồng thuận, thậm chí đã ký kết các dự án mua bán, hợp tác năng lượng trên quy mô lớn và dài hạn trị giá hàng trăm tỷ USD.

Gần đây, ông Tập Cận Bình cũng đã tuyên bố về việc Trung Quốc sẽ bỏ ra khoảng 40 tỷ USD để thành lập dự án tham vọng mang tên Con đường tơ lụa mới với mục đích cải thiện các tuyến đường vận tải, thương mại ở châu Á.

“Nếu chiều hướng này còn tiếp diễn, rõ ràng nướcMỹ sẽ kết thúc trong một kịch bản ác mộng bởi Hoa Kỳ sẽ phải đối mặt với hai kẻ thù mạnh cùng lúc trong lúc đang tự mình tìm lại chỗ đứng ở châu Á” – tờ Đa Chiều chủ quan đưa ra nhận định mà quên đi một điều là Hoa Kỳ còn có những đồng minh rất mạnh ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...

Bình Nguyên