Mỹ định kỳ tuần tra Biển Đông, Trung Quốc cũng sẽ làm gì?

05/11/2015 07:39
Đông Bình
(GDVN) - Theo Thời Ân Hoằng, Trung Quốc và Mỹ có một "lợi ích cốt lõi chung" là không để xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông - đây là một xu thế lâu dài.

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 4 tháng 11 đưa tin, nhiều phương tiện truyền thông phương Tây đã chú ý đến một thông tin đó là Hải quân Mỹ có kế hoạch mỗi quý tiến hành tuần tra 2 lần hoặc nhiều hơn ở Biển Đông.

Ngày 3 tháng 11 năm 2015, tại Bắc Kinh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris hội kiến với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long
Ngày 3 tháng 11 năm 2015, tại Bắc Kinh, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Đô đốc Harry Harris hội kiến với Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Phạm Trường Long

Hãng tin Reuters Anh dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 2 tháng 11 cho biết, Hải quân Mỹ có kế hoạch mỗi quý tuần tra 2 lần ở trong 12 hải lý đảo nhân tạo ở Biển Đông để "nhắc nhở Trung Quốc và các nước khác về quyền lợi của Mỹ theo luật pháp quốc tế".

"Chúng tôi sẽ tiến hành hoảng 2 lần hoặc nhiều hơn một chút", "đây là số lần thích hợp, vừa làm cho nó được định kỳ vừa chưa đến mức thường xuyên gây tức mắt, điều này phù hợp với thường xuyên thực hiện quyền lợi của chúng tôi căn cứ vào luật pháp quốc tế, nhắc nhở Trung Quốc và các nước khác về ý đồ của chúng tôi" - quan chức này nói.

Tờ "The Huffington Post" Mỹ dẫn lời Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes ngày 2 tháng 11 cho biết, Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục triển khai hành động ở Biển Đông để chứng minh cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ nguyên tắc tự do đi lại.

Ông nói: "Đây là quyền lợi của chúng tôi... Điều này cho thấy chúng tôi sẽ kiên trì nguyên tắc tự do đi lại".

Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes
Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes

Ben Rhodes cho biết, mục tiêu của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông là muốn đề xuất một “cấu trúc ngoại giao đa phương” để giải quyết những vấn đề này.

Bài báo nhấn mạnh, sau khi tàu khu trục Mỹ đi vào khu vực xung quanh đá ngầm do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Biển Đông, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc tuần trước nói với Mỹ rằng nếu Mỹ không chấm dứt "hành vi khiêu khích" của họ, có khả năng xảy ra "lau súng cướp cò" (xung đột vũ trang).

Nguồn tin từ Hải quân Mỹ cũng đã tiết lộ chi tiết tàu khu trục USS Lassen Mỹ chạy áp sát đá ngầm ở Biển Đông vào tuần trước.

Theo trang mạng "Tin tức Quốc phòng" Mỹ, sau khi tàu khu trục Quân đội Mỹ đi vào vùng biển lân cận đá ngầm, bị tàu chiến Hải quân Trung Quốc bám đuôi, tàu Trung Quốc liên tục phát ra “cảnh cáo”, ngoài ra còn có tàu dân sự lượn vòng xung quanh tàu USS Lassen.

Ngày 27 tháng 10, tàu khu trục USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo trên Biển Đông
Ngày 27 tháng 10, tàu khu trục USS Lassen DDG-82 Hải quân Mỹ tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo trên Biển Đông

Nguồn tin từ Hải quân Mỹ cho biết, khi tàu khu trục USS Lassen đi ở khu vực lân cận đá ngầm do Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, thông qua quy trình thích hợp để cho thấy đây là đi lại hợp pháp, không có ý đồ sử dụng vũ lực,

đồng thời đóng radar điều khiển hỏa lực tự động, cũng không khởi động máy bay trực thăng trên tàu, máy bay tuần tra P-8A Poseidon bay trên bầu trời khu vực, nhưng không bay vào phạm vi 12 hải lý.

Đối với thông tin Mỹ muốn tuần tra thường lệ ở Biển Đông, ngày 3 tháng 11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng dọa Mỹ: "Ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh, quyền lợi biển hợp pháp và chính đáng của Trung Quốc là kiên định".

Đồng thời cho biết Trung Quốc sẽ "kiên quyết ứng phó" với các "hành vi cố tình khiêu khích" của bất cứ nước nào. Trung Quốc thúc giục Mỹ "chấm dứt tất cả những lời nói và hành động sai lầm, không tiếp tục áp dụng các hành vi nguy hiểm, khiêu khích đe dọa chủ quyền và lợi ích an ninh của Trung Quốc".

Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Trên thực tế, Trung Quốc không có bất cứ chứng cứ pháp lý nào để khẳng định chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông, có chăng thì chỉ có chủ quyền đối với đảo Hải Nam – cực bắc Biển Đông. Việc Trung Quốc bảo vệ chủ quyền đảo Hải Nam sẽ không có ai phản đối.

Nhưng hành động xâm lược trước đây và hành động quân sự hóa Biển Đông hiện nay của Trung Quốc đều bất hợp pháp và là điều không thể chấp nhận được.

Tại Bắc Kinh ngày 3 tháng 11, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris đã bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) của Trung Quốc, cho rằng, yêu sách này không đứng vững (về mặt pháp lý). Như vậy, cộng đồng quốc tế đang từng bước lên tiếng mạnh mẽ bác bỏ hoàn toàn yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bài báo dẫn lời giáo sư Thời Ân Hoằng, Học viện quan hệ quốc tế, Đại học nhân dân Trung Quốc cho rằng, Mỹ cố nhiên có thể tiến hành tuần tra thường xuyên đối với Biển Đông, còn Trung Quốc cũng tuyệt đối sẽ không "nhượng bộ" trong vấn đề Biển Đông (yêu sách bành trướng).

Giáo sư Thời Ân Hoằng - Học viện quan hệ quốc tế - Đại học nhân dân Trung Quốc, cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc
Giáo sư Thời Ân Hoằng - Học viện quan hệ quốc tế - Đại học nhân dân Trung Quốc, cố vấn Quốc vụ viện Trung Quốc

Nhưng, theo ông Hoằng, hai nước Trung Quốc và Mỹ có "lợi ích cốt lõi chung", đó là không để xảy ra xung đột vũ trang thực sự. Có thể dự đoán, hai nước Trung Quốc và Mỹ có lập trường đối lập trong vấn đề Biển Đông, nhưng "không xảy ra xung đột quân sự sẽ trở thành một xu thế lâu dài". 

Đông Bình