Mỹ đưa quân đến châu Phi: “Không được lợi thì không phải dậy sớm”

07/01/2013 08:13
Việt Dũng (nguồn Giải phóng quân báo, TQ)
(GDVN) - Mỹ tăng quân ở châu Phi để chống khủng bố, thúc đẩy dân chủ, kiểm soát tài nguyên chiến lược, mở rộng thị trường hàng hóa....
Quân Mỹ huấn luyện cho binh sĩ tại châu Phi
Quân Mỹ huấn luyện cho binh sĩ tại châu Phi

Tờ “Giải phóng quân báo” Trung Quốc vừa có bài viết cho rằng, năm 1993, quân Mỹ đã bị thiệt hại nặng nề trong trận Mogadishu ở Somalia và đã được Hollywood dựng thành phim Black Hawk Down (Diều hâu gãy cánh) – điều này đã làm chấn động tâm hồn của người dân Mỹ.

20 năm sau, chính sách châu Phi của Mỹ đã có sự thay đổi to lớn: năm 2013, Mỹ sẽ triển khai quân đội ở 35 quốc gia châu Phi, lữ đoàn 2 của sư đoàn bộ binh 1 quân Mỹ sẽ bắt đầu huấn luyện từ tháng 3/2013, tích cực làm công tác chuẩn bị cho việc triển khai quân đội.

Báo Trung Quốc cho rằng “không được lợi thì không phải dậy sớm”, đồng thời đặt câu hỏi: Mỹ tích cực tăng quân ở châu Phi, đằng sau rốt cuộc ẩn giấu điều bí ẩn gì? Và bài viết tự trả lời như sau:

Thứ nhất, Mỹ tiếp tục thúc đẩy chiến lược chống khủng bố “triển khai tuyến đầu”, không ngừng hoàn thiện vòng bao vây chống khủng bố. Châu Phi tồn tại một loạt căn bệnh “thâm căn cố đế” với các vấn đề như hỗn loạn biên giới, xung đột khu vực, nội chiến liên miên và lan tràn vũ khí, cộng với năng lực chính quyền của một số nước yếu, đây chính là thiên đường để chủ nghĩa khủng bố “sinh sôi nảy nở”.

Quân Mỹ đào tạo nhân viên vũ trang địa phương.
Quân Mỹ đào tạo nhân viên vũ trang địa phương.

Năm 2011, Mỹ công bố “Chiến lược chống khủng bố quốc gia” chỉ rõ, mặc dù Osama bin Laden đã bị tiêu diệt, nhưng các hoạt động của tổ chức Al Qaeda và các chi nhánh của nó vẫn lan tràn ở châu Phi.

Nếu Mỹ không thể ngăn chặn có hiệu quả và tấn công mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố ở châu Phi, thì cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của họ sẽ đối mặt với nguy cơ “thất bại trong gang tấc”, an ninh quốc gia của Mỹ cũng sẽ tiếp tục bị đe dọa nghiêm trọng.

Để nhanh chóng lấp đầy “khu vực lỗ hổng” của mối đe dọa an ninh phi truyền thống, Mỹ ý thức được cần thiết phải triển khai quân đội ở nhiều nước châu Phi, xây dựng nhiều hơn căn cứ tác chiến chống khủng bố ở tuyến đầu, cuối cùng hình thành vòng bao vây chống khủng bố khép kín trên phạm vi toàn cầu.

Thứ hai, tăng cường sức mạnh quân sự cho Bộ Tư lệnh châu Phi, đặt nền tảng vững chắc cho việc thúc đẩy “quan niệm giá trị dân chủ” và can thiệp vào các vấn đề của châu Phi.

Mặc dù ngay từ năm 2007 Mỹ đã thành lập Bộ Tư lệnh châu Phi, đã thiết lập ở châu Phi nhiều căn cứ quân sự và đã xây dựng một mạng lưới tình báo với hơn 10 căn cứ không quân cỡ nhỏ, nhưng sự hiện diện quân sự của họ hoàn toàn không chắc chắn, thường “lực bất tòng tâm” khi ứng phó với một loạt vấn đề gai góc.

Căn cứ quân sự của quân Mỹ tại Djibouti có 2.000 binh sĩ đặc nhiệm, thuộc Bộ Tư lệnh châu Phi.
Căn cứ quân sự của quân Mỹ tại Djibouti có 2.000 binh sĩ đặc nhiệm, thuộc Bộ Tư lệnh châu Phi.

Thông qua tăng cường triển khai lực lượng quân sự ở châu Phi, một mặt có thể làm cho Bộ Tư lệnh châu Phi (đặt trụ sở tại Stuttgart, Đức) thực hiện tốt hơn chức năng chỉ huy từ xa, nâng cao khả năng triển khai độc lập các hành động quân sự, không ngừng dồn ép không gian ảnh hưởng truyền thống ở châu Phi của các nước phương Tây khác, mà đại diện là Pháp.

Mặt khác, cũng có thể tạo được sự hậu thuẫn quân sự mạnh mẽ cho việc thúc đẩy thực hiện “quan niệm giá trị dân chủ”, nuôi dưỡng chính quyền thân Mỹ ở châu Phi.

Thứ ba, kiểm soát nguồn tài nguyên chiến lược, mở rộng thị trường châu Phi. Những năm gần đây, mức độ phụ thuộc của Mỹ vào nguồn tài nguyên chiến lược của châu Phi có xu hướng không ngừng tăng lên, thậm chí coi dầu mỏ của châu Phi là “lợi ích quốc gia mang tính chiến lược” của Mỹ.

Dự đoán, đến năm 2015, dầu mỏ mà Mỹ cần sẽ có 25% đến từ khu vực châu Phi (phía nam Sa mạc Sahara), vượt dầu mỏ mà Mỹ nhập khẩu từ khu vực Trung Đông.

Mỹ tăng cường mở rộng hiện diện quân sự tại châu Phi
Mỹ tăng cường mở rộng hiện diện quân sự tại châu Phi

Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở châu Phi tạo được sự đảm bảo an ninh cho tuyến cung ứng nguồn năng lượng chiến lược này. Ngoài ra, thị trường châu Phi rộng lớn cũng làm cho Mỹ hết sức thèm thuồng, đặc biệt là hiện nay Mỹ đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Mỹ coi châu Phi là “máy phát điện” kinh tế, là nơi “nâng đỡ” cho Mỹ thoát khỏi sự tác động của cuộc khủng hoảng.

Tháng 6/2012, chính quyền Obama công bố “Chiến lược của Mỹ đối với khu vực châu Phi nam Sahara” tập trung nhấn mạnh hoạt động thương mại với châu Phi. Đối với Mỹ, tăng cường hiện diện quân sự tại châu Phi cũng là biện pháp cần thiết để bảo đảm cho họ phát triển quan hệ kinh tế thương mại với châu Phi, khai thác tiềm năng thị trường châu Phi.

Việt Dũng (nguồn Giải phóng quân báo, TQ)