Mỹ hiện đại hóa tàu sân bay, năng lực tấn công nhanh giảm một nửa

13/07/2015 07:00
Việt Dũng (nguồn mạng sina Trung Quốc)
(GDVN) - Tàu sân bay có năng lực chỉ huy kiểm soát, tác chiến điện tử, tự vệ và tấn công, có thể phát động hành động tác chiến khi không làm cho đối phương cảnh giác.
Tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ
Tàu sân bay lớp Nimitz của Hải quân Mỹ

Mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc ngày 9 tháng 7 đưa tin, tại một diễn đàn tổ chức vào ngày 7 tháng 7, có chuyên gia Mỹ cho rằng, nhiều năm trở lại đây, lực lượng tàu sân bay Mỹ luôn “cung không đủ cầu”, gần đây hoạt động càng xuất hiện một số khó khăn.

Trong một cuộc hội thảo tổ chức ở Washington, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu hải quân Mỹ, trung tướng hải quân về hưu Peter Derry phát biểu trước người nghe, cho rằng: "Nhiều năm qua, lực lượng tàu sân bay luôn cung không đủ cầu".

Căn cứ vào quy định pháp luật, Hải quân Mỹ cần triển khai 11 tàu sân bay, tuy nhiên, trước khi tàu sân bay USS Gerald R. Ford được biên chế vào năm 2016, Quốc hội chỉ trao quyền cho Hải quân Mỹ duy trì 10 tàu sân bay.

Peter Derry chú ý tới, trong 15 năm qua, hoạt động của Hải quân Mỹ đã rất khó khăn, hơn nữa, hạn chế ngân sách những năm gần đây càng làm cho năng lực có thể triển khai 5 cụm tấn công tàu sân bay và duy trì 2 cụm tấn công tàu sân bay có thể hoàn thành sẵn sàng chiến đấu nhanh chóng trong vòng 30 ngày của Hải quân Mỹ trước đây bị suy yếu khoảng một nửa.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 của Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 của Hải quân Mỹ

Peter Derry cho biết, sau sự kiện 11/9, Hải quân Mỹ đã bước vào giai đoạn mới, dẫn tới chi tiêu khổng lồ. Hiện nay. Mỹ cần tiến hành tổ chức lại tài sản, hải quân cần tái thiết quy mô lớn.

Ông cảnh cáo, do nguồn lực có hạn, "hoạt động của chúng tôi hiện nay có một số khó khăn", đồng thời mọi người cũng ý thức được, "sự thụt lùi của chúng tôi trên phương diện bảo trì và hiện đại hóa đã đủ nghiêm trọng".

Peter Derry chủ trương duy trì chi tiêu cho triển khai tuyến đầu của lực lượng Hải quân Mỹ, cho rằng mức độ chi tiêu cần tương đương với chi tiêu của lực lượng mặt đất.

Đô đốc Hải quân Mỹ, cựu Tư lệnh lực lượng hải quân đóng ở châu Âu và châu Phi, Fitzgerald cho rằng, triển khai cụm chiến đấu tàu sân bay có một số lợi ích:

Trước hết, tàu sân bay là lực lượng chủ đạo để Tổng thống kiểm soát khủng hoảng.

Tàu sân bay USS Carl Vinson CVN 70 của Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS Carl Vinson CVN 70 của Hải quân Mỹ

Thứ hai, tàu sân bay có thể phát động hành động tác chiến trong tình hình không làm cho đối phương cảnh giác. Ông chỉ ra, trong 54 ngày trước của chiến dịch "Kiên quyết bảo vệ trung tâm", máy bay trên tàu sân bay không lệ thuộc vào căn cứ của nước ngoài là lực lượng đường không duy nhất có thể tiến hành tấn công đối với "Nhà nước Hồi giáo" (IS).

Tiếp theo, tàu sân bay không chỉ là một chiếc "tàu chở máy bay". Ông đã liệt kê năng lực chỉ huy kiểm soát, tác chiến điện tử, tự vệ và tấn công của cụm tấn công tàu sân bay. Hiệu suất tác chiến của cụm tấn công tàu sân bay cao hơn nhiều so với một chiếc tàu chiến hoặc tàu chiến nhỏ, từ đó đã mở rộng phương án lựa chọn trong tác chiến.

Cuối cùng, cụm chiến đấu tàu sân bay có thể cung cấp năng lực tác chiến kéo dài.

Tuy nhiên, tiến sĩ Robert Farley, Học viện ngoại giao và thương mại quốc tế Patterson, Đại học Kentucky cho rằng, tàu tấn công đổ bộ có sàn tàu lớn có thể đảm đương một phần chức năng của tàu sân bay, đồng thời giảm chi phí mua sắm.

Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS George Washington, Hải quân Mỹ
Máy bay chiến đấu trên tàu sân bay USS George Washington, Hải quân Mỹ

Ông cho rằng, trong tương lai, tàu tấn công đổ bộ sẽ gia nhập lực lượng tàu sân bay và sẽ thể hiện năng lực tác chiến hiệu quả hơn trong một số trường hợp.

Robert Farley cho rằng: "Mối đe dọa của tàu sân bay rất rõ ràng, đó chính là giá thành của nó", đồng thời cho rằng, vấn đề chi tiêu cũng sẽ làm suy yếu các năng lực khác của Hải quân Mỹ.

Đối với vấn đề này, Peter Derry thừa nhận giá trị của tàu tấn công đổ bộ sàn tàu lớn, nhưng ông cho rằng tàu tấn công đổ bộ không thể độc lập tác chiến trong môi trường có mối đe dọa cao, trong khi đó, tàu sân bay động cơ hạt nhân lại có đủ khả năng sống sót ứng phó với các hành động tác chiến quy mô trung bình và quy mô lớn.

Ngoài ra, Fitzgerald cho rằng, tàu sân bay động cơ hạt nhân vẫn sẽ đảm đương chức năng vận chuyển, nhưng trang bị trên tàu sân bay sẽ có sự thay đổi. Trong tương lai sẽ xuất hiện lực lượng đường không thích ứng với tình hình tương lai. 

Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ, Hải quân Mỹ dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016
Tàu sân bay động cơ hạt nhân thế hệ mới USS Gerald R Ford Mỹ, Hải quân Mỹ dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016
Việt Dũng (nguồn mạng sina Trung Quốc)