Mỹ sẽ không vì Trung Đông mà lơi lỏng châu Á-Thái Bình Dương

29/09/2014 11:13
Đông Bình
(GDVN) - An ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương có liên quan đến các phương diện của lợi ích quốc gia Mỹ, nên Mỹ sẽ không lơi lỏng chiến lược "tái cân bằng".
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear

Trang mạng VOA Mỹ ngày 25 tháng 9 đưa tin trong cuộc họp báo tổ chức ở Lầu Năm Góc, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Samuel J. Locklear III đã trả lời phỏng vấn về các vấn đề có liên quan đến chức trách và hành động của Quân đội Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Khi phóng viên hỏi, hành động quân sự tấn công "Nhà nước Hồi giáo" (IS) hiện Mỹ đang tiến hành ở Iraq và Syria phải chăng sẽ làm giảm mức độ quan tâm của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ảnh hưởng đến chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Samuel J. Locklear III cho biết, an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương có liên quan đến các phương diện của lợi ích quốc gia Mỹ, điều này hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi tình hình Trung Đông, cho nên Mỹ sẽ không lơi lỏng chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương.

Ông nói: "Luôn có người lo ngại Mỹ chỉ có thể xử lý trước vấn đề của một khu vực, sau đó lại chuyển sang một vấn đề khác, nhưng, từ góc độ quân sự, cho dù cuộc chiến đấu với IS sẽ tiếp tục một khoảng thời gian, điều này cũng sẽ không ảnh hưởng đến chúng tôi duy trì hiện diện tuyến đầu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và làm việc chúng tôi nên làm".

Mỹ hiện đối mặt với cắt giảm chi tiêu quân sự quy mô lớn theo kế hoạch "tự động cắt giảm chi tiêu", vì vậy, có nhà phân tích lo ngại, trong tình hình ngân sách không đủ, Quân đội Mỹ muốn vừa sử dụng nguồn lực cho cuộc chiến với IS, vừa duy trì cam kết không giảm lực lượng quân sự ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thực hiện cam kết tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, đây là điều không thực tế.

Đối với vấn đề này, Đô đốc Samuel J. Locklear III nói: "Cho dù có 'tự động cắt giảm chi tiêu', Quân đội Mỹ vẫn là một lực lượng quân sự toàn cầu. Huống hồ, chúng tôi đã nằm trong kế hoạch 'tự động cắt giảm chi tiêu' rất nhiều năm rồi, nhưng có việc nào mà chúng tôi cam kết phải làm mà không làm? Tôi nghĩ, bạn chưa tìm được việc này".

Tháng 2 năm 2010, Hạm đội Hải quân Mỹ tập trận ở Biển Đông (ảnh tư liệu)
Tháng 2 năm 2010, Hạm đội Hải quân Mỹ tập trận ở Biển Đông (ảnh tư liệu)

Khi được hỏi về quan hệ quân sự của Trung-Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel J. Locklear III cho biết, những năm gần đây, tuyệt đại bộ phận tương tác quân sự của hai nước, bất kể là trên biển hay trên không đều chuyên nghiệp, an toàn và có lợi.

Mặc dù có sự kiện cá biệt như đánh chặn trên không xảy ra, nhưng hai bên Trung-Mỹ đã xây dựng cơ chế trao đổi để tránh sự kiện nguy hiểm xảy ra do hiểu nhầm.

Ông đồng thời cho biết, quy mô Hải quân Trung Quốc những năm gần đây tăng cường rõ rệt, hoạt động cũng tích cực hơn, cho nên về số lượng, giữa Trung-Mỹ sẽ đụng chạm đối phương nhiều hơn ở trên biển, điều này hoàn toàn không làm cho ông cảm thấy lo ngại.

Samuel Locklear cho rằng, trong cấp cao Trung-Mỹ đang tồn tại một số bất đồng về quan điểm, phía Mỹ cho rằng sự hiện diện tuyến đầu của Quân đội Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và quan hệ đồng minh chiến lược vững chắc do Mỹ xây dựng ở khu vực này là bảo đảm quan trọng của môi trường an ninh châu Á-Thái Bình Dương, điều này có lợi cho sự phát triển của tất cả các nước trong khu vực này.

Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng, cấu trúc an ninh này là không có lợi cho họ. Cho nên, hai bên Trung-Mỹ cần tiến hành đối thoại nhiều hơn trong tương lai để phòng ngừa và quản lý xung đột quân sự xảy ra do bất đồng quan điểm.

Cũng liên quan đến vấn đề này, tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 26 tháng 9 dẫn lời Đô đốc Samuel Locklear hình dung quan hệ quân sự Trung-Mỹ là “tồn tại bất đồng”, chứ không phải “không tin tưởng lẫn nhau”.

Cho rằng, tuy quân đội hai nước không thể hóa giải tất cả bất đồng, nhưng quân đội hai nước đang thông qua đối thoại học cách kiểm soát bất đồng.

Tướng Locklear nói: “Các sĩ quan Trung Quốc tiến hành trao đổi, đối thoại với tôi đều biểu hiện chuyên nghiệp, thẳng thắn, thân thiện”.

"Mỹ-Trung còn tồn tại bất đồng, nhưng thông qua đối thoại học cách kiểm soát bất đồng"
"Mỹ-Trung còn tồn tại bất đồng, nhưng thông qua đối thoại học cách kiểm soát bất đồng"

Khi nói về vấn đề tăng trưởng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Đô đốc Samuel Locklear cho rằng, nhìn vào con số, sức mạnh quân sự Trung Quốc thực sự tiếp tục tăng lên, Quân đội Trung Quốc ngày càng gia tăng hoạt động.

Ông nói: “Tôi không có dị nghị gì về điều này. Quân đội hai nước Mỹ-Trung đã nhiều lần tương tác tích cực. Chẳng hạn, Trung Quốc năm nay đã tham gia diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương”.

Đô đốc Samuel Locklear cho rằng, Mỹ vẫn có thể đồng thời tấn công IS và có khả năng tiếp tục thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, nhưng Mỹ hoàn toàn không có ý định thiết lập thêm căn cứ quân sự mới ở châu Á-Thái Bình Dương.

Được biết, Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ thăm Mỹ trong thời gian tới, đây cũng là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của ông Modi sau khi lên làm Thủ tướng. Trước đó, Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đều đã đến thăm Ấn Độ và thảo luận về các vấn đề song phương, kinh tế thương mại và an ninh, mở đường cho ông Modi thăm Mỹ.

Đối với vấn đề này, Đô đốc Samuel Locklear ngày 25 tháng 9 cho biết, ở góc độ quân sự, quân đội hai nước Mỹ-Ấn sẽ tận dụng cơ hội này tiếp tục mở rộng hợp tác quốc phòng. Mỹ-Ấn đang nỗ lực phát triển quan hệ đối tác quốc phòng lâu dài, bền vững. Đồng thời, hai nước còn đang hợp tác chặt chẽ về mua bán vũ khí.

Ngoài ra, Đô đốc Samuel Locklear còn trả lời phỏng vấn về nhiều vấn đề khác, trong đó có vấn đề Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, thay thế Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ…

Về vấn đề Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam, ngày 25 tháng 9, tướng Locklear đã nói về khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Việt Nam, khả năng hỗ trợ quân sự cho Việt Nam và lý do làm điều đó. Ông cho biết, các cuộc đối thoại về nới lỏng lệnh cấm này ở Mỹ đang tiếp tục, chưa có quyết định cuối cùng.

Theo Đô đốc Locklear, việc cung cấp vũ khí, hỗ trợ quân sự cho Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào nhu cầu của Việt Nam, vì Việt Nam có nhiều đối tác, nhiều láng giềng và nhiều mối quan hệ về an ninh.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3 Mỹ (ảnh tư liệu)
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3 Mỹ (ảnh tư liệu)

Locklear cho rằng, các nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng nhận thức rõ về môi trường và nhu cầu an ninh của mình và ngày càng hướng ra bên ngoài nhiều hơn trong xu thế ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Mỹ đặc biệt quan tâm đến việc giúp các nước này hiểu rõ những gì đang xảy ra với họ và cách ứng phó hữu hiệu hơn.

Phát biểu của Đô đốc Locklear được đưa ra trong bối cảnh mối quan hệ Việt-Mỹ đang có nhiều chuyển biến tốt đẹp, mà cột mốc đáng chú ý nhất là hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013 khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ, đồng thời quan chức cấp cao hai nước đã có nhiều tương tác tốt đẹp trong thời gian gần đây, hơn nữa bối cảnh an ninh khu vực đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, nhất là Trung Quốc đang đẩy mạnh yêu sách chủ quyền “đường lưỡi bò” bất hợp pháp.

Đông Bình