Mỹ-Âu có thể không ngại gây chiến với Nga vì tầm quan trọng của Ukraine

19/02/2015 08:27
Việt Dũng
(GDVN) - Chính do tầm quan trọng về địa-chính trị và kinh tế, tầng lớp thống trị Mỹ và châu Âu mới sẵn sàng đánh một cuộc chiến tranh với Moscow.

Tờ "Khởi nghĩa" Tây Ban Nha ngày 13 tháng 2 có bài viết cho rằng, gần đây, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có những nỗ lực mới để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Ukraine.

Họ tuyên bố, tồn tại khả năng nổ ra chiến tranh, cuộc chiến tranh này có thể sẽ mở rộng và kéo dài tới khu vực rộng hơn, đây sẽ là một tương lai rất tiêu cực. Vì vậy, họ muốn để Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đàm phán đạt được một thỏa thuận.

Tất cả những nỗ lực để có hòa bình đều nên được hoan nghênh. Nhưng, điều này hoàn toàn không có nghĩa là người Pháp và người Đức chính là "bồ câu" hòa bình, càng không đáng để bình chọn giải Nobel hòa bình. EU do họ đại diện ngày càng nhận thức được, việc trừng phạt kinh tế đối với Moscow mà họ bỏ phiếu tán thành vào năm 2014 là một biện pháp trừng phạt tự chịu hậu quả.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sớm đã đoán được điểm này: với tính chất là sự phản ứng đối với sự trừng phạt của phương Tây, Nga đã chấm dứt nhập khẩu từ châu Âu, khiến cho châu Âu đã bị tổn thất 50 - 62 tỷ USD trong năm 2014 - 2015. Hơn nữa, tất cả điều này còn đang tiếp tục. Pháp và Đức thực sự là cường quốc, nhưng cũng là "kẻ ngốc". Hiện nay, họ thông qua những nỗ lực ngoại giao để xem tình hình phải chăng có khả năng cải thiện: Kinh tế hai nước còn chưa mạnh đến mức có thể xem nhẹ thương mại và xuất khẩu với Nga, cho dù những điều này có một số không quan trọng.

Sự thực thứ hai cần làm rõ là, các nhà lãnh đạo hai nước Pháp, Đức mang theo một dự thảo bao gồm nội dung 9 điểm. Tác giả của bản dự thảo này là ông Putin, vào tháng 9 năm 2014, ông Putin đã thúc đẩy thành lập một "Tiểu ban tiếp xúc Minsk", đồng thời đã ký kết một thỏa thuận có lợi cho mình, tuyên bố ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực miền đông Ukraine.

Nhưng vấn đề ở chỗ thỏa thuận Minsk vẫn chưa được thực hiện, các bên đều đang trốn tránh trách nhiệm. Khi hai bên lại bắt đầu trạng thái thù địch, sự lãnh đạo của chính quyền trung ương Ukraine đối mặt với mối đe dọa. Quân đội lực lượng ly khai có vũ trang ở miền đông làm cho quân chính phủ bị thương vong rất lớn. Chính vì vậy, Tổng thống Ukraine mới nóng lòng muốn gia nhập NATO, nhận được chi viện quân sự lớn hơn từ NATO, nhất là Mỹ.

Bộ trưởng Quốc phòng Donetsk thị sát sân bay
Bộ trưởng Quốc phòng Donetsk thị sát sân bay

Nhưng, đối với ông Poroshenko, điều đáng tiếc là không phải ai ở Mỹ cũng đồng ý cung cấp viện trợ quân sự. Đến nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama mặc dù đã chịu sức ép to lớn yêu cầu ông điều chỉnh lập trường, nhưng ông vẫn giữ thái độ phản đối về việc cung cấp vũ khí.

Đảng Cộng hòa và một bộ phận người của Đảng Dân chủ tháng 12 năm 2014 đã bỏ phiếu và thông qua một khoản viện trợ cả gói 350 triệu USD cho chính quyền trung ương Ukraine. Rất nhiều người đều sẵn sàng cung cấp vũ khí chống tăng, hệ thống phòng không, radar và máy bay không người lái với tổng trị giá 3 tỷ USD cho Ukraine.

Khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thăm Kiev, Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk đã thúc giục Mỹ thực hiện cam kết cung cấp vũ khí. Ông John Kerry cho biết, Tổng thống Mỹ Obama sẽ nhanh chóng đưa ra quyết định đối với vấn đề này. Để tiếp tục xác nhận khả năng này, tại phiên điều trần do Thượng viện Mỹ tổ chức gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kế nhiệm Ashton Carter cho biết: "Tôi nghiêng về cung cấp vũ khí, bao gồm những vũ khí sát thương có thể giải quyết vấn đề".

Kiev đã làm hết chức trách theo yêu cầu của châu Âu và NATO. Tháng 12 năm 2014, Ukraine sửa đổi Hiến pháp, từ bỏ địa vị "quốc gia không liên kết" của ông Yanukovych đưa ra vào năm 2010. Sau khi hủy bỏ luật này, Ukraine đã có điều kiện gia nhập NATO, nhưng phương Tây vẫn chưa đạt được thống nhất đối với tư cách thành viên của họ.

Moscow cảnh cáo, Ukraine gia nhập NATO có nghĩa là đã từ bỏ thỏa thuận ký kết giữa NATO và Nga vào năm 1997, đã công khai phá vỡ quan hệ giữa họ. Người Nga không muốn xuất hiện một tổ chức quân sự đứng đầu là Mỹ ở khu vực biên giới.

Sự trừng phạt của châu Âu không những không thể thuyết phục người Nga, giúp họ rời xa khủng hoảng Ukraine, trái lại đã gây ra hậu quả ngược.

Hậu quả xung đột vũ trang ở Ukraine
Hậu quả xung đột vũ trang ở Ukraine

Ở hai khu vực tuyên bố tự trị này không có nhân viên quân sự Nga, nhưng vào lúc đầu khi nổ ra khủng hoảng, Crimea thực sự đã thông qua trưng cầu dân ý để tách khỏi Ukraine. Ở đó không có căn cứ quân sự, vũ khí và binh sĩ của Nga. Trên chiến tuyến khác của cuộc xung đột này, ông Poroshenko và các đồng minh Âu-Mỹ căn bản không thể chứng minh có sự hiện diện của Quân đội Nga.

Có thể nói, giữa người Mỹ và người châu Âu ít nhất thiếu các bước đi thống nhất với Đức, Pháp. Đức-Pháp không đồng ý tăng cường trừng phạt đối với Nga, càng không muốn đối diện với một cuộc đối đầu quân sự có quy mô lớn hơn. Vì vậy, họ cầm lấy kế hoạch hòa bình 9 điểm do ông Putin chủ trương ở Minsk, cốt lõi của kế hoạch này là đáp ứng yêu cầu toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhưng đồng thời cũng dành quyền tự trị lớn hơn cho hai khu vực Donetsk và Lugansk.

Kế hoạch hòa bình này cuối cùng có thành công hay không thì chẳng ai có thể đưa ra được nhận định rõ ràng. Truyền thông không tin Ukraine có thể thực hiện thống nhất, bởi vì giữa ông Poroshenko và nhà lãnh đạo khu tự trị miền đông Ukraine có sự đối lập quá lớn về lập trường chính trị và lập trường giai cấp. Ông Poroshenko ủng hộ tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới, chấp nhận phương án do họ đưa ra, đồng thời mong muốn gia nhập NATO, trong khi đó, các nhà lãnh đạo khu tự trị miền đông kiên trì phản đối những chính sách này. Hậu quả của sự bất đồng lớn này là máu và thù hận.

Ukraine rốt cuộc quan trọng thế nào, làm cho cuộc xung đột vũ trang này đã trở thành một vấn đề cả thế giới quan tâm?

Ukraine giáp giới với Nga, từng là một phần của Liên Xô. Họ là một trong những nước sản xuất ngô, lúa mì và các lương thực khác quan trọng trên thế giới, diện tích đất canh tác đạt 32 triệu ha, tương đương với 1/3 tổng diện tích đất canh tác của EU.

Sau khi các quốc gia xã hội chủ nghĩa Đông Âu lần lượt tan rã, đặc biệt là ông Yanukovych bị lật đổ vào đầu năm 2014, Ukraine bắt đầu chuyển hướng sang tư bản chủ nghĩa theo phương châm của tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế, triển khai hợp tác với các doanh nghiệp xuyên quốc gia. Có tin cho biết, các công ty Mỹ như Cargill, Monsanto và DuPont đều đã đặt chân vào ngành chăn nuôi của Ukraine.

Tống thống Ukraine Petro Poroshenko
Tống thống Ukraine Petro Poroshenko

Chính do tầm quan trọng về địa-chính trị và kinh tế, tầng lớp thống trị Mỹ và châu Âu mới sẵn sàng đánh một cuộc chiến tranh với Moscow. Tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO tổ chức ở Brussels gần đây, những tuyên bố như vậy rất mạnh mẽ. Tổng thư ký NATO Stoltenberg chủ trương tăng quân số lực lượng phản ứng nhanh của NATO từ 13.000 lên 30.000 người, đồng thời lập tức thành lập lực lượng tiên phong có quy mô khoảng 5.000 quân.

Lực lượng tiên phong nằm trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu, có thể đưa ra phản ứng nhanh đối với tình trạng khẩn cấp trong vòng 48 giờ. Ông Stoltenberg chỉ ra, thành lập một đơn vị như vậy là phản ứng đối với hành động mang tính tấn công thôn tính Crimea, vi phạm luật pháp quốc tế của Nga.

Sự bất đồng của nội bộ Chính phủ Mỹ và giữa Mỹ với Pháp-Đức có thể sẽ là một nhân tố có lợi, làm cho ông Poroshenko không thể trấn áp lực lượng nổi dậy của 2 khu vực Donetsk và Lugansk.

Việt Dũng