Mỹ-Nga thỏa thuận ngầm cho phép Nga không kích IS ở Syria?

06/10/2015 09:11
Đông Bình
(GDVN) - Nga can thiệp quân sự đối với Syria rất có thể đã được Mỹ "hiểu", Vladimir Putin và Barack Obama có thể đã đạt được "đồng thuận".

Mỹ-Nga thỏa thuận ngầm cho phép Nga không kích IS ở Syria?

Tờ "Người quan sát" Trung Quốc ngày 5 tháng 10 cho rằng, Nga sở dĩ can thiệp Syria phần lớn là do Nga lo ngại sự lan tràn của tổ chức cực đoan ở Syria.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ bên lề các hội nghị của Liên hợp quốc gần đây
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ bên lề các hội nghị của Liên hợp quốc gần đây

Các tổ chức cực đoan như IS đã thu hút rất nhiều các tín đồ Hồi giáo từ Caucasus và khu vực Trung Á, nếu để chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad sụp đổ, thì trong tương lai những tổ chức cực đoan này lấy Nga làm mục tiêu tấn công chắc chắn sẽ có được đại bản doanh ở nước ngoài rất lớn, an ninh quốc gia Nga sẽ bị thách thức.

Vì vậy, bảo đảm an toàn cho chính quyền Bashar Assad, ngăn chặn tổ chức cực đoan tiếp tục lan tràn ở Syria là cân nhắc quan trọng nhất trong chính sách Syria của Nga.

Đối với vấn đề này, chỉ huy của Lực lượng vệ binh cách mạng Iran từng đến thăm Moscow vài tháng trước, nghe nói đã đạt được một thỏa thuận mang tính chiến lược với Nga:

“Nỗ lực hết sức cần thiết để đảm bảo sự vững chắc của chính quyền Bashar Assad, từ đó để cho Syria trở thành một lá chắn, ngăn chặn các phần tử cực đoan Hồi giáo như IS lan tràn tới Nga và Iran”.

Hành động quân sự của Nga ở Syria nằm trong phạm vi mà Mỹ có thể chấp nhận được. Mặc dù Mỹ phê phán Nga tấn công nhằm vào phe đối lập Syria, nhưng sự can thiệp quân sự của Nga có lợi cho bảo vệ sự cân bằng trên chiến trường Syria vốn yếu ớt hiện nay.

Máy bay chiến đấu Nga triển khai không kích ở Syria
Máy bay chiến đấu Nga triển khai không kích ở Syria

Đáng chú ý, Mỹ và các nước đồng minh vùng Vịnh cũng tồn tại mâu thuẫn trong vấn đề Syria. Mỹ cho rằng, lật đổ chính quyền Bashar Assad là vấn đề quan trọng, nhưng hiện nay quan trọng là tấn công các tổ chức cực đoan.

Trong khi đó, các nước đồng minh vùng Vịnh cho rằng, các tổ chức cực đoan ở Syria cũng là lực lượng quan trọng để lật đổ Bashar Assad, có thể cho phép sự phát triển của tổ chức cực đoan.

Theo bài báo, lần này Nga can thiệp quân sự đối với Syria rất có thể đã được Mỹ "hiểu". Có tin cho biết, trong thời gian các hội nghị của Liên hợp quốc, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tổ chức hội đàm, đạt được "đồng thuận" về việc phối hợp tấn công IS.

Có phân tích cho rằng, Mỹ ngầm cho phép Nga không kích là một trong những thành quả "hội đàm Putin-Obama" lần này. Hơn nữa, để xóa bỏ nghi ngờ của các nước phương Tây, Nga nhiều lần nhấn mạnh sẽ không điều lực lượng mặt đất đến Syria, cũng coi như đã nể mặt Mỹ.

Máy bay chiến đấu Nga triển khai không kích ở Syria
Máy bay chiến đấu Nga triển khai không kích ở Syria

Mỹ bày tỏ hoan nghênh Nga tấn công tổ chức cực đoan, nhưng Mỹ yêu cầu Nga "tìm đúng mục tiêu", không được không kích phe đối lập Syria. Để tránh máy bay chiến đấu Nga-Mỹ va chạm trên không, hai bên đồng ý bắt đầu đối thoại trong ngắn hạn.

Điều này cũng có nghĩa là, Mỹ và Nga hoàn toàn không phải “mỗi người một phách” trên chiến trường Syria, mà là không ngừng tiếp xúc và trao đổi, phối hợp lập trường và mối quan tâm của mỗi bên.

Nga sở dĩ không điều động lực lượng mặt đất quy mô lớn là do có nhiều nguyên nhân: Một là có thể gây cảnh giác cho các nước xung quanh Syria, gây lo ngại tiếp theo cho thế giới phương Tây về ý đồ chiến lược của Nga.

Hai là, triển khai lực lượng mặt đất quy mô lớn ở Syria sẽ giúp cho chính phủ Bashar Assad nhanh chóng giành chiến thắng lớn, nhưng Nga sẽ phải làm công tác chuẩn bị quy mô lớn. Trong khi đó, hiện nay, Nga vẫn không có năng lực triển khai hành động mặt đất quy mô lớn ở Syria.

Máy bay chiến đấu Nga triển khai không kích ở Syria
Máy bay chiến đấu Nga triển khai không kích ở Syria

Ba là, cho dù Nga có năng lực tiếp tế và chi viện quy mô lớn, khả năng trực tiếp điều động lực lượng mặt đất quy mô lớn can dự vẫn gây nghi ngờ, dù sao tình hình ở Syria rất phức tạp, mạo muội trực tiếp xuất quân sẽ có thể khiến cho Nga rơi vào bi kịch như ở Afghanistan trước đây.

Nhìn vào tình hình hiện nay, hành động không kích của Nga vẫn là để ổn định chiến tuyến của quân chính phủ Syria, cân bằng tình hình chiến trường ở Syria.

Hành động này không chỉ là sự ủng hộ rất lớn đối với cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, mà còn có lợi cho tăng cường vai trò ảnh hưởng của Nga ở Syria và khu vực Trung Đông.

Anh, Thổ Nhĩ Kỳ phê phán cách làm của Nga

Hãng tin VOA Mỹ ngày 5 tháng 10 đưa tin, Bộ Quốc phòng Nga vừa tiết lộ một đoạn phim cho thấy, trong 5 ngày qua, Nga liên tục điều động máy bay chiến đấu từ căn cứ không quân Asad ở bờ biển Syria.

Theo các chuyên gia, những vũ khí lắp trên máy bay chiến đấu Nga phần lớn đều là tên lửa dẫn đường “không chính xác”.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cuối tuần đã lên án mạnh mẽ việc máy bay chiến đấu Nga sử dụng bom “không dẫn đường”. Ông nói: "Họ đang ném bom không dẫn đường tới khu vực dân thường".

Bài viết phê phán hành động này chẳng khác gì “khủng bố trên không”, giống như trước đó, quân Chính phủ Syria đã sử dụng tên lửa không chính xác.

Tân Hoa xã ngày 5 tháng 10 cũng đã đưa tin, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5 tháng 10 ra tuyên bố cho biết, máy bay chiến đấu Nga vừa xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ tiếp giáp Syria, vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu tập Đại sứ Nga, đưa ra "phản đối mạnh mẽ" đối với Nga.

Tuyên bố cho biết, sự kiện xảy ra vào ngày 3 tháng 10. Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động khẩn cấp 2 máy bay chiến đấu F-16 cất cánh đánh chặn, máy bay chiến đấu Nga sau đó rời khỏi không phận Thổ Nhĩ Kỳ, quay lại Syria.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ​còn gọi điện cho Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov để nói về việc này, đồng thời cũng đã thông báo sự kiện này cho Ngoại trưởng các nước Mỹ, Pháp, Italy, Anh, Đức và Tổng thư ký NATO.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Peskov ngày 5 tháng 10 cho biết, Nga sẽ tiến hành xác minh thông tin do Thổ Nhĩ Kỳ phản đối. Khi được hỏi sự kiện này sẽ ảnh hưởng xấu như thế nào đến quan hệ hai nước, Peskov cho biết, quan hệ Nga-Thổ Nhĩ  Kỳ là đa dạng, có nền tảng cùng có lợi vững chắc.

Ngày 5 tháng 10, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ còn cho biết, 2 máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ ngày 4 tháng 10 còn bị một máy bay chiến đấu MiG-29 quốc tịch lạ làm phiền trên bầu trời biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.

Theo hãng tin BBC Anh ngày 5 tháng 10, tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hình dung sự can thiệp của Nga ở Syria là một sai lầm nghiêm trọng, sẽ khiến cho Moscow tiếp tục bị cô lập.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, sự kiện đánh chặn cuối tuần trước xảy ra ở không phận phía nam nước này. 

Đông Bình