Nga sáp nhập Crimea không mục đích nào khác ngoài lợi ích chiến lược?

27/03/2014 07:54
Đông Bình
(GDVN) - Nga sáp nhập Crimea sẽ bảo đảm giữ được nhiều lợi ích an ninh, chiến lược cho Nga, nhưng quan hệ với phương Tây sẽ nhanh chóng xuống cấp trong 5 năm tới.
Ngày 18 tháng 3 năm 2014, Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Crimea ký kết thỏa thuận Crimea gia nhập Nga
Ngày 18 tháng 3 năm 2014, Tổng thống Nga Putin và lãnh đạo Crimea ký kết thỏa thuận Crimea gia nhập Nga

Ngày 16 tháng 3 năm 2014, Crimea và Sevastopol đã tổ chức trưng cầu dân ý toàn dân về vấn đề địa vị của họ, kết quả trưng cầu dân ý cho biết, 96,77% cử tri tham gia bỏ phiếu tán thành Crimea gia nhập Liên bang Nga.

Ngày 17 tháng 3, Crimea tuyên bố sẽ độc lập trở thành quốc gia có chủ quyền, đồng thời chuẩn bị gia nhập Liên bang Nga với tư cách là một chủ thể tự trị mới.

Ngày 18 tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng đại diện Crimea và Sevastopol đã ký Hiệp ước, cho phép Crimea và Sevastopol gia nhập Liên bang Nga với tư cách chủ thể liên bang.

Vì sao Nga bất chấp sức ép gia tăng trừng phạt của phương Tây và nhanh chóng sáp nhập Crimea? Hành động này của Nga sẽ gây ảnh hưởng gì tới cục diện thế giới, sẽ gây ra một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới?

Nhà nghiên cứu Phùng Ngọc Quân, Trưởng phòng nghiên cứu Nga, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc trả lời phỏng vấn báo chí đã đưa ra các quan điểm về những vấn đề này.

Cờ Nga tại tòa nhà Quốc hội Crimea
Cờ Nga tại tòa nhà Quốc hội Crimea

Ba nguyên nhân quan trọng thúc đẩy Nga khẩn cấp kết nạp Crimea

Trong tình hình phương Tây chỉ trích Nga "xâm lược Ukraine" và vung cây gậy lớn "trừng phạt", Nga vẫn nhanh chóng kết nạp Crimea như vậy, lý do là gì? Phùng Ngọc Quân cho rằng, cần phải đi từ góc độ của Nga, dùng tư duy của người Nga để nhìn nhận vấn đề.

Theo ông, đối với Nga, ý nghĩa địa-chiến lược của Crimea rất quan trọng, rất khó bỏ qua. Bán đảo Crimea nằm ở phía bắc biển Đen, phía nam Ukraine, đối diện với eo biển Kerch, có cảng tốt tự nhiên, một năm có bốn mùa đều đi lại thuận lợi.

Vì vậy, đây là cảng quan trọng mà Nga không thể để bị mất được. Mấy chục năm qua, Hạm đội Biển Đen Nga luôn đồn trú ở Sevastopol, tây nam bán đảo này; nếu Nga để mất sự kiểm soát đối với Crimea, sự hiện diện của Hạm đội Biển Đen tại đây sẽ không thể bảo đảm.

Nga đưa ra quyết định sáp nhập Crimea cũng xuất phát từ sự cân nhắc an ninh thực tế và tâm lý an ninh truyền thống. Hơn 20 năm qua, từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, phương Tây luôn thông qua các phương thức như mở rộng NATO về phía đông, EU mở rộng về phía đông, dồn nén không gian an ninh của Nga. Trong bối cảnh này, Nga chắc chắn không thể chấp nhận tiếp tục để mất đi Crimea.

Người dân cầm cờ Nga và Hải quân Nga tại bến cảng Sevastopol, Crimea
Người dân cầm cờ Nga và Hải quân Nga tại bến cảng Sevastopol, Crimea

Ngoài ra, đây cũng là nhu cầu chính trị trong nước của Nga. Những năm gần đây, sự phát triển kinh tế của Nga đối mặt với "mất tốc độ" (tròng trành), tỷ lệ ủng hộ Putin giảm xuống trong thời gian trước.

Xét tới tình hình này, ông Putin thông qua kết nạp Crimea vào Liên bang Nga, có thể làm phấn chấn rất lớn tinh thần dân tộc, tỷ lệ ủng hộ đối với ông theo đó lên cao, vị thế cầm quyền có thể được củng cố vững chắc.

Thu lợi chiến lược lớn hơn tổn thất kinh tế

Nếu phải cân nhắc lợi hại, Nga tiếp nhận Crimea có những lợi hại gì? Đối với vấn đề này, Phùng Ngọc Quân cho rằng, rất khó đơn thuần dùng "hại lớn hơn lợi" hay "lợi lớn hơn hại" để cân đo được sự việc.

"Nga kết nạp Crimea chắc chắn sẽ làm xấu đi rất lớn quan hệ giữa Nga và Ukraine, tiếp tục đẩy nhanh các bước dựa sát vào phương Tây của Ukraine. Nhưng, mặt khác, Nga vẫn có biện pháp gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới Ukraine, bao gồm mối liên hệ lịch sử với miền đông Ukraine, bao gồm ảnh hưởng về mặt chiến lược kinh tế thực tế.

Nếu Ukraine thực hiện chính sách chống Nga, Nga cũng sẽ có biện pháp tiếp tục kiềm chế Ukraine" - Phùng Ngọc Quân nhận định.

Tuy nhiên, Nga tiếp nhận Crimea cũng sẽ phải mang cho mình gánh nặng tài chính nhất định. Theo trang mạng rusnews ngày 19 tháng 3, Tổng thống Nga Putin đã giao trách nhiệm cho Bộ Lao động Nga trong thời gian ngắn đưa quỹ lương hưu của Crimea lên mức của Nga.

Nga còn cam kết một loạt viện trợ tài chính cho Crimea và ưu đãi về mặt phát triển các ngành nghề, chắc chắn sẽ tăng thêm một số sức ép cho Nga về mặt tài chính.

Hải quân Nga
Hải quân Nga

Phùng Ngọc Quân cho rằng: "So với lợi ích chiến lược mà Nga thu được, sức ép về kinh tế là không đáng kể gì. Tổn thất về kinh tế đứng vị trí thứ hai đối với người Nga".

Trên thực tế, khi cân nhắc được mất, bản thân ông Putin cũng từng tỏ rõ thái độ. Trong bài phát biểu tại Quốc hội ngày 18 tháng 3, ông Putin cho biết, do hành động có liên quan đến vấn đề Crimea, Nga trong tương lai sẽ đối mặt với "xung đột ngoại giao", "nhưng chúng ta phải đưa ra quyết định, là nên bảo vệ lợi ích quốc gia hay để mất đi lợi ích mà thờ ơ tiến bước!".

Nga ứng phó với trừng phạt của phương Tây như thế nào?

Nga kết nạp Crimea khiến cho các nước phương Tây phản ứng mạnh mẽ. Ngày 18 tháng 3, EU và Mỹ đã khởi động các biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhóm người thứ nhất khoảng hơn 20 quan chức Chính phủ và Quân đội Nga, cùng với những người như cựu Tổng thống Ukraine Yanukovych bị xếp vào danh sách trừng phạt.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 18 tháng 3 cũng chỉ trích hành động của Nga ở Crimea là "chiếm đoạt lãnh thổ", đồng thời cho rằng Mỹ và châu Âu thực hiện trừng phạt tiếp theo đối với Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết đoán trong vấn đề Crimea
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã quyết đoán trong vấn đề Crimea

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18 tháng 3 cũng kêu gọi thảo luận vấn đề Crimea tại Hội nghị thượng đỉnh G7, các nhà lãnh đạo Âu-Mỹ-Nhật cũng đã ra tuyên bố chung tại La Hay.

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Catherine Haydn thì cho biết: "Mỹ và các thành viên khác của nhóm G7 đã tạm dừng công tác chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi (Nga)".

Tổng thống Pháp Hollande ngày 18 tháng 3 kêu gọi EU áp dụng phản ứng "cứng rắn và hài hòa" đối với hành động sáp nhập Crimea của Nga, đồng thời cho biết Pháp không thừa nhận Crimea sáp nhập vào Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh William Haig cho biết, Anh sẽ đình chỉ hợp tác quân sự với Nga.

Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida ngày 18 tháng 3 cũng tuyên bố thực hiện trừng phạt đối với Nga.

Chuyên gia Phùng Ngọc Quân cho rằng, biện pháp tiếp tục trừng phạt Nga của phương Tây gồm có: về chính trị, tiếp tục cô lập, bài xích Nga, chống lại tham gia Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi, thậm chí "đá" Nga ra khỏi nhóm G8; về kinh tế, cũng sẽ áp dụng một loạt biện pháp như đóng băng tài sản tài chính, "hạn chế xuất khẩu dầu khí" để trừng phạt Nga.

Eo biển Kerch nối Nga với Crimea, ông Putin ra lệnh xây cầu nối với Crimea
Eo biển Kerch nối Nga với Crimea, ông Putin ra lệnh xây cầu nối với Crimea

Đối mặt với trừng phạt của phương Tây, Nga dự định sẽ thực hiện chống trừng phạt đối với phương Tây. Phùng Ngọc Quân phân tích cho rằng: "Nếu như phương Tây tịch thu tài sản nước ngoài của các công ty Nga, Nga cũng có khả năng tịch thu tài sản của phương Tây tại Nga.

Nếu như phương Tây tiến hành hạn chế đối với xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga, Nga sẽ tiếp tục tìm kiếm tăng xuất khẩu cho phương Đông. Nga còn có thể thông qua tiếp tục tăng cường phạm vi hợp tác đối ngoại để ứng phó với trừng phạt của phương Tây, gồm tăng cường hợp tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương như Trung Quốc và Ấn Độ, tăng cường hợp tác với các nước BRICS".

Sẽ không gây ra "Chiến tranh Lạnh mới"

Sự đối đầu căng thẳng giữa phương Tây và Nga gây ra bởi tình hình Crimea gia nhập Nga đã dẫn đến sự liên tưởng của rất nhiều người về khả năng nổ ra cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" giữa Nga và phương Tây. Đối với vấn đề này, Phùng Ngọc Quân hoàn toàn không tán thành.

Ông ta cho rằng: "'Chiến tranh Lạnh' có hàm nghĩa đặc biệt, là chỉ sự đối lập gay gắt về ý thức hệ giữa hai phe trên phạm vi toàn thế giới, tiến hành đối đầu quyết liệt về quân sự, cô lập lẫn nhau về kinh tế.

Hiện nay, trong bối cảnh lớn toàn cầu hóa và trong tình hình phương Tây chiếm vị thế mạnh, Nga và phương Tây không có nhiều khả năng lắm triển khai cuộc 'Chiến tranh Lạnh' mới. Nhưng, chắc chắn, quan hệ giữa Nga và phương Tây sẽ xấu đi nhanh chóng trong 5 năm tới".

Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga
Hạm đội Biển Đen, Hải quân Nga

Còn ảnh hưởng từ việc “Crimea gia nhập Nga” đối với Trung Quốc, Phùng Ngọc Quân cho rằng: "Ở cấp độ chính trị quốc tế, ảnh hưởng của bản thân vấn đề Crimea đối với Trung Quốc không lớn.

Nhưng, sự biến động và điều chỉnh của cục diện chiến lược quốc tế do nó gây ra có ảnh hưởng rất quan trọng đối với Trung Quốc, cũng là vấn đề quan trọng mà Trung Quốc cần nghiên cứu.

Về đầu tư kinh tế, hiện nay, dự án hợp tác đầu tư của Trung Quốc ở Crimea chỉ là một sự khởi đầu, còn chưa đầu tư quy mô lớn. Sau khi Crimea gia nhập Liên bang Nga, những dự án này có thế đối mặt với việc đánh giá lại".

Đông Bình