Nga sửa căn cứ không quân ở miền Đông để đối phó TQ hay Mỹ-Nhật?

24/02/2014 12:37
Việt Dũng
(GDVN) - Lãnh thổ của Nga đều có sức hấp dẫn đối với tất cả các nước láng giềng, trong khi, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản đều tăng cường và phô diễn sức mạnh ở khu vực.
Căn cứ không quân "Thảo nguyên" Nga
Căn cứ không quân "Thảo nguyên" Nga

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" ngày 20 tháng 2 đăng bài viết nhan đề "Quân đội Nga sửa chữa căn cứ không quân ở biên giới Trung-Nga, nhấn mạnh ứng phó với mối đe dọa Mỹ-Nhật".

Bài viết dẫn tờ "Izvestia" Nga ngày 19 tháng 2 cho biết, Bộ Quốc phòng Nga bắt đầu chi tiền lớn sửa chữa căn cứ không quân đã bỏ hoang trước đây ở Viễn Đông.

Khởi công trước tiên là căn cứ không quân ở khu vực biên giới Nga-Trung. Chuyên gia cho rằng, trong tương lai Nga sẽ còn tiến hành cải tạo hiện đại hóa đối với một số sân bay khác của Quân khu Viễn Đông nhằm ứng phó với mối đe dọa quân sự từ các nước khu vực phía Đông.

Theo bài báo, đại diện Tổng cục xây dựng đặc biệt của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Bộ Quốc phòng đã quyết định chi 7,8 tỷ rúp (1 USD khoảng 35,4 rúp) sửa chữa căn cứ không quân “Thảo nguyên” ở khu vực biên giới ngoại Baikal, căn cứ này ở khu vực biên giới Nga-Trung cách thành phố Chita 250 km về phía đông nam.

Năm 2010, căn cứ này bị bỏ hoang, sau đó tất cả thiết bị đều bị dỡ bỏ. Vì vậy, tất cả công trình của căn cứ đều phải bắt đầu xây dựng từ con số không.

Bộ Quốc phòng có kế hoạch xây dựng lại tất cả công trình đồng bộ ở sân bay này cho quân đội. Dựa vào yêu cầu hiện đại hóa, sân bay sẽ được tiến hành cải tạo toàn diện, diện tích sẽ tăng lớn, đường băng sân bay sẽ mở rộng toàn diện, sẽ thực hiện công tác rải bê tông quy mô lớn, đồng thời lắp thiết bị chiếu sáng đặc biệt, thông tin vô tuyến điện và các thiết bị tiên tiến khác.

Công tác sửa chữa đã triển khai toàn diện vào ngày 19 tháng 1, toàn bộ công trình sẽ hoàn thành vào ngày 1 tháng 10 năm 2015.

Nga vừa triển khai lô 12 máy bay chiến đấu Su-35 áp sát Trung-Nhật
Nga vừa triển khai lô 12 máy bay chiến đấu Su-35 áp sát Trung-Nhật

Căn cứ không quân này được xây dựng vào thập niên 60 của thế kỷ trước, chủ yếu để cho lực lượng hàng không tầm xa sử dụng, thuộc sân bay cấp 1, có thể cất hạ cánh máy bay trên 75 tấn.

Sau khi giải tán Quân khu Siberia vào năm 2010, tất cả nhân viên của căn cứ này đều đã rút đi, căn cứ quân sự này chỉ còn thừa lại một số đường băng bê tông vài chục năm.

Cựu Tổng tư lệnh Không quân Nga, Đại tướng Peter Denekin cho rằng, sửa chữa sân bay “Thảo nguyên” là bước đi đầu tiên sửa chữa toàn diện sân bay quân sự Quân khu miền Đông.

Điều này có ý nghĩa mang tính toàn diện, máy bay chiến đấu cần phân tán triển khai ở các sân bay, tránh bị địch phá hủy lượng lớn trong một lần. Hiện nay, mạng lưới căn cứ không quân của Quân đội Nga ở khu vực Viễn Đông còn chưa thể làm được điều này.

Peter Denekin nói: “Bộ trưởng Sergei Shoigu không thể không từng bước khôi phục một số sân bay đã bị cựu Bộ trưởng Quốc phòng Serdyukov bỏ hoang, bao gồm 2 căn cứ ở bang Amur, 2 căn cứ ở khu vực Primorsky Krai.

Cần bảo trì toàn diện những sân bay này, điều này không cần chi rất nhiều tiền, mỗi sân bay cần cử 50-70 nhân viên bảo vệ là được”.

Viện trưởng Viện nghiên cứu các vấn đề địa-chính trị Nga, Thượng tướng Leonid Ivashov cho rằng, cụm chiến đấu của Không quân Nga sẽ phát huy vai trò chiến lược quan trọng trong tác chiến phòng thủ của Quân khu miền Đông.

Lực lượng xe tăng Quân đội Nga tiến hành huấn luyện (ảnh minh họa)
Lực lượng xe tăng Quân đội Nga tiến hành huấn luyện (ảnh minh họa)

Leonid Ivashov nói: "Hiện nay, mối đe dọa quân sự đến từ khu vực này đang ngày càng tăng cường. Chỉ huy cao nhất Quân đội Nga đã ý thức được, mấy năm trước, Bộ Quốc phòng từ bỏ những sân bay này là một việc làm ngu xuẩn, vì vậy cần tiến hành khôi phục toàn diện.

Ở đây, tôi hoàn toàn không muốn nói đến mối đe dọa từ Trung Quốc, lãnh thổ của Nga đều có sức hấp dẫn đối với tất cả các nước láng giềng. Trong tình hình này, quân đội yếu sẽ đối mặt với sự khiêu khích quân sự nghiêm trọng".

Ông chỉ ra, ngoài Trung Quốc, Mỹ cũng phô diễn sức mạnh của họ tại khu vực này, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự.

Ở khu vực Viễn Đông, Mỹ triển khai lực lượng tấn công đường không và cụm phòng thủ tên lửa mạnh hơn.

Trong khi đó, Nhật Bản đã vượt qua sự trói buộc của Hiến pháp Hòa bình, nếu loại trừ Lực lượng tấn công hạt nhân của Nga, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện nay mạnh hơn nhiều so với lực lượng Nga ở Viễn Đông và Thái Bình Dương. Vì vậy, điều này tạo ra mối đe dọa to lớn đối với an ninh của nga ở khu vực Viễn Đông.

Quân khu Viễn Đông - Quân đội Nga diễn tập (ảnh tư liệu)
Quân khu Viễn Đông - Quân đội Nga diễn tập (ảnh tư liệu)
Việt Dũng