Nhật Bản bán vũ khí như xả lũ, thúc đẩy xuất khẩu cho các nước ASEAN

20/08/2014 09:59
Đông Bình
(GDVN) - Nếu các nước ASEAN tăng cường khả năng phòng thủ đối phó Trung Quốc trên biển thì môi trường an ninh của Nhật Bản sẽ được cải thiện.
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo

Gần đây, tờ “Nhật báo phố Wall” Mỹ có bài viết cho rằng: “Nhật Bản không chỉ bắt đầu xuất khẩu vũ khí, mà còn có tham vọng rất lớn”.

Hãng Kyodo Nhật Bản ngày 18 tháng 8 tiết lộ, chính quyền Shinzo Abe ngày 17 tháng 8 cơ bản quyết định, sẽ triệu tập các quan chức ngoại giao và quốc phòng các nước ASEAN tổ chức hội thảo lấy “bảo đảm an ninh biển” làm chủ đề, thảo luận vấn đề Nhật Bản xuất khẩu trang bị phòng vệ cho các nước thành viên ASEAN.

Tại hội thảo, Nhật Bản sẽ lắng nghe các yêu cầu liên quan đến hợp tác công nghệ của các nước ASEAN – những nước có kế hoạch phát triển quốc phòng, đồng thời giới thiệu và tìm cách bán “sản phẩm chất lượng cao của Nhật Bản”.

Đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản tổ chức hội nghị với các nước ASEAN thảo luận xuất khẩu vũ khí kể từ sau khi chính quyền Shinzo Abe quyết định nới lỏng hạn chế xuất khẩu vũ khí. Chính phủ Nhật Bản tin rằng, nếu các nước ASEAN tăng cường khả năng phòng phủ đối phó với “Trung Quốc ngày càng tự tin trên biển”, thì môi trường an ninh của Nhật Bản cũng sẽ được cải thiện.

Tháng 4 năm 2014, Nhật Bản đã nới lỏng “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”. Có phân tích từng cho rằng, Nhật Bản lúc ban đầu có thể e dè, xuất khẩu nhỏ giọt. Điều đáng ngạc nhiên là, Nhật Bản hoàn toàn không “xuất chiêu” theo cách này, mà thể hiện sự nhiệt tình bán vũ khí như là “xả lũ”.

Thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Nhật Bản sản xuất
Thủy phi cơ cỡ lớn US-2 do Nhật Bản sản xuất

Xuất khẩu công nghệ tàu ngầm cho Australia, cùng Anh nghiên cứu phát triển tên lửa máy bay chiến đấu, xuất khẩu thủy phi cơ cho Ấn Độ… Danh sách xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản nhanh chóng kéo dài, theo đó, báo Trung Quốc tỏ ra thực sự lo ngại, tuyên truyền rằng, Nhật Bản – quốc gia giương lá cờ “chủ nghĩa hòa bình” ngày càng “hằm hè” mà không cần che giấu (không giống như Trung Quốc: đòi ăn cướp biển đảo ở Biển Đông).

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 19 tháng 8 cũng cho rằng, trong thời gian vài tháng - kể từ khi chính quyền Shinzo Abe Nhật Bản lấy "Ba nguyên tắc chuyển giao trang bị phòng vệ" thay thế "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí", Nhật Bản đã "tiến vùn vụt" trên phương diện xuất khẩu vũ khí.

Tháng 7 năm 2014, ông Shinzo Abe thăm Australia, hai nước Nhật Bản-Australia ký kết thỏa thuận, Nhật Bản sẽ xuất khẩu công nghệ tàu ngầm lớp Soryu cho Australia. Ngày 17 tháng 7, Hội đồng bảm đảm an ninh quốc gia Nhật Bản phê chuẩn xuất khẩu linh kiện tên lửa cho doanh nghiệp Mỹ và cùng Anh nghiên cứu công nghệ tên lửa của máy bay chiến đấu.

Để thúc đẩy xuất khẩu thủy phi cơ US-2 cho Ấn Độ, Nhật Bản cũng đã thành lập tiểu ban đàm phán chuyên môn, đồng thời chuẩn bị đạt được thành quả thực chất khi Thủ tướng Ấn Độ Modi thăm Nhật Bản vào tháng 9 năm 2014.

Máy bay trực thăng do thám không người lái Nhật Bản
Máy bay trực thăng do thám không người lái Nhật Bản

Về mục đích xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản, tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản cho rằng: “Nhật Bản tăng cường hợp tác quân sự với ASEAN nhằm ngăn chặn Trung Quốc mở rộng vai trò ảnh hưởng ở khu vực này và tăng cường hoạt động trên biển.

Nhật Bản chủ trương vùng biển rộng lớn từ Ấn Độ Dương đến Biển Đông rồi đến Tây Thái Bình Dương phải được thông suốt và tự do, chứ không thể trở thành ao nhà của Trung Quốc”.

Theo bài báo, đối với các nước ASEAN, trang bị phòng vệ của Nhật Bản có sức hấp dẫn rất mạnh, đặc biệt là tàu chiến và máy bay. Một số nước ASEAN có nhu cầu tiếp thu tổng thể thành quả trang bị phòng vệ của Nhật Bản.

Hãng tin Jiji Press Nhật Bản cho rằng, hợp tác bảo đảm an ninh giữa Nhật Bản và các nước ASEAN đang từng bước thúc đẩy, chủ trương “chủ nghĩa hòa bình tích cực” của Nhật Bản và quan điểm “trật tự hàng hải phải được kiểm soát bởi luật pháp quốc tế chứ không phải sức mạnh cưỡng chế” được các nước ASEAN đồng tình.

Tờ "Kinh tế châu Á" Hàn Quốc cũng cho rằng: "Xuất khẩu vũ khí không chỉ để kiềm chế Trung Quốc, mà còn có thể giúp Nhật Bản trở thành người chơi mới trên thị trường vũ khí thế giới". Theo bài báo, Nhật Bản bán vũ khí cho các nước ASEAN có thể "một mũi tên trúng hai đích".

Theo bài viết, do Nhật Bản hủy bỏ “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” vào tháng 4 năm 2014, Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản bị “lung lay”, Nhật Bản tích cực xây dựng ngành sản xuất quốc phòng và tìm cách thúc đẩy xuất khẩu vũ khí.

Tên lửa đất đối hạm Type 12 do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo
Tên lửa đất đối hạm Type 12 do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo

Hiện nay, có không ít khách hàng tiềm năng mua vũ khí của Nhật Bản, trong đó có các nước Đông Nam Á có "tranh chấp lãnh thổ" với Trung Quốc như Philippines và Việt Nam, còn Ấn Độ cũng đang đàm phán mua thủy phi cơ US-2  của Nhật Bản.

Nhật Bản bán vũ khí cho các nước ASEAN sẽ gây ảnh hưởng thế nào đối với Trung Quốc? Hồ Văn Long, thường trực Hội nghiên cứu văn hóa quân sự Trung Quốc ngày 18 tháng 8 cho rằng, không ít quốc gia ASEAN có nhu cầu mua vũ khí, trong đó có một số nước có xung đột lợi ích với Trung Quốc.

Báo TQ thì bình luận: Lấy thực lực mà nói, nếu Nhật Bản thông qua các điều kiện ưu đãi như cho vay dài hạn để bán vũ khí quy mô lớn cho các nước có “tranh chấp lãnh thổ” với Trung Quốc, không chỉ tăng cường thực lực quân sự của những nước này, mà còn có thể làm cho họ áp dụng lập trường cứng rắn hơn trong “tranh chấp”, từ đó làm cho khả năng nổ ra xung đột tăng lên.

(Trên thực tế, nước nào cũng có quyền bảo vệ chủ quyền hợp pháp của mình, chỉ những kẻ đòi ăn cướp chủ quyền của nước khác thì mới là nguyên nhân duy nhất gây ra xung đột mà thôi. Việt Nam mua sắm vũ khí, tăng cường thực lực quân sự của mình, bảo vệ chủ quyền theo luật là hợp pháp, góp phần chống lại tư tưởng và hành động bành trướng, bá quyền, góp phần bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực).

Hồ Văn Long cho rằng, đối với một nước, chỉ mua vũ khí của một nước sẽ có rủi ro, chẳng hạn Ấn Độ mua vũ khí của vài nước, giúp họ giảm thiểu rủi ro. Hơn nữa, ASEAN hoàn toàn không phải “bức thành đồng”, rất nhiều nước có quan hệ mật thiết hơn với Trung Quốc. Vì vậy, Nhật Bản bán vũ khí ảnh hưởng không lớn lắm đối với thị trường vũ khí của Trung Quốc.

Vệ tinh do thám Radar-4 Nhật Bản
Vệ tinh do thám Radar-4 Nhật Bản

Như vậy, bài viết cũng để lộ Trung Quốc cũng muốn phát triển thị trường vũ khí ở Đông Nam Á, cũng muốn làm “lái súng” kiếm lợi nhuận. Một thực tế là, hiện nay, vũ khí trang bị nào hầu như Trung Quốc cũng có, Trung Quốc sản xuất nhiều như vậy để làm gì? Trung Quốc đang ra sức xuất khẩu vũ khí cho các nước, kể cả khu vực có xung đột để làm gì? Báo Trung Quốc không nên giãy nảy lên vì Nhật Bản thúc đẩy xuất khẩu vũ khí!

Đông Bình