Nhật Bản gấp rút tăng năng lực do thám, sẽ phóng nhiều vệ tinh gián điệp

07/05/2015 07:12
Việt Dũng (nguồn Tin tức Tham khảo)
(GDVN) - Nhật Bản đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực ISR, cả trên không, trên vũ trụ và trên biển để ứng phó Trung Quốc, 10 năm tới sẽ tăng gấp đôi vệ tinh gián điệp.

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 6 tháng 5 dẫn trang mạng "Tin tức Quốc phòng" Mỹ ngày 4 tháng 5 đăng bài viết "Nhật Bản nâng cao toàn diện năng lực ISR".

2 vệ tinh do thám của Nhật Bản (ảnh tư liệu)
2 vệ tinh do thám của Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Theo bài viết, ngân sách quốc phòng năm 2015 của Nhật Bản đặt nâng cao năng lực "tình báo, theo dõi và trinh sát" (ISR) lên vị trí hàng đầu. Hiện nay, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đang tìm cách tăng cường năng lực bảo vệ các hòn đảo tây nam xa xôi.

Chương trình mới ISR đã tuyên bố hay đang quy hoạch cho thấy, Nhật Bản không chỉ đang mở rộng năng lực ISR tới hệ thống trên không và trên vũ trụ, hơn nữa cũng đang mở rộng ứng dụng ở trên biển.

Nhà nghiên cứu cao cấp Grant Newsham thuộc Diễn đàn nghiên cứu chiến lược Nhật Bản cho rằng: "Coi trọng nâng cao năng lực ISR rất có ích, điều này đã phản ánh mấy vấn đề, đặc biệt là vấn đề năng lực ISR hiện có của Nhật Bản không phù hợp với tình hình khu vực".

Nhật Bản gấp rút tăng năng lực do thám, sẽ phóng nhiều vệ tinh gián điệp ảnh 2

Báo Nga: Nhật-Mỹ liên kết theo dõi Trung Quốc từ vũ trụ

(GDVN) - Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản chắc chắn cung cấp thông tin tình báo do vệ tinh và radar của họ thu được cho Quân đội Mỹ.

Thái độ của Nhật Bản đối với ISR có sự thay đổi căn bản là vào năm 1998. Khi đó, một quả tên lửa Taepodong của CHDCND Triều Tiên bay qua Nhật Bản đã làm cho nước này kinh sợ, đồng thời thúc giục nhà lãnh đạo Nhật Bản nghiên cứu chế tạo vệ tinh trinh sát (do thám) để thu thập tin tức tình báo.

Sau đó, do Trung Quốc tiến hành thử nghiệm chống vệ tinh vào năm 2007, hơn nữa các sự kiện xâm phạm không phận và lãnh hải Nhật Bản mang tính thăm dò tăng mạnh, những nhà quy hoạch và người dân vô cùng lo ngại.

Để giám sát các hòn đảo tây nam, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuyên bố sẽ mua sắm máy bay do thám không người lái Global Hawk, hơn nữa hiện nay đang tiến hành nghiên cứu sử dụng máy bay không người lái trên tàu chiến. Để hỗ trợ cho những biện pháp này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng sẽ triển khai một đơn vị giám sát bờ biển ở đảo Yonaguni, sát với Đài Loan.

Newsham cho rằng: "Có người lo ngại Nhật Bản quá lệ thuộc vào năng lực ISR của Mỹ, cần tăng cường các nguồn lực của mình, đặc biệt là trên phương diện ứng phó với các hoạt động của Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên".

Ông nói: "Đơn vị giám sát trên đảo Yonaguni muốn thực sự phát huy tác dụng thì phải có sự giúp đỡ của Lực lượng Phòng vệ Biển và Lực lượng Phòng vệ Trên không".

Máy bay do thám không người lái Global Hawk
Máy bay do thám không người lái Global Hawk

Cùng với công bố chiến lược vũ trụ hướng tới an ninh quốc gia vào tháng 1 năm nay, Nhật Bản cũng đang ra sức phát triển năng lực ISR trên vũ trụ.

Nhật Bản hiện có tổng cộng 4 vệ tinh thu thập tình báo, con số này có thể tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Một loạt vệ tinh lưỡng dụng dùng cho ISR đang được tính toán.

Ví dụ, Cơ quan nghiên cứu phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) đang triển khai hợp tác với Bộ Quốc phòng Nhật Bản, lắp bộ cảm biến cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo cho vệ tinh trinh sát mới ALOS-3. JAXA có thể sẽ còn bắt tay nghiên cứu chế tạo hệ thống cảnh báo sớm vũ trụ, cung cấp hỗ trợ cho Mỹ.

JAXA cũng đang đầu tư vốn lớn để thực hiện rất nhiều chương trình vệ tinh ISR lưỡng dụng mới, bao gồm chương trình vệ tinh chiến thuật. Hiện nay, Nhật Bản đang cân nhắc khả năng xây dựng "tài sản" tình báo điện tử và tình báo tín hiệu vũ trụ.

Nhật Bản gấp rút tăng năng lực do thám, sẽ phóng nhiều vệ tinh gián điệp ảnh 4

Thời báo Hoàn Cầu: "Việt Nam đã đặt mua 2 vệ tinh X-band của Nhật Bản"

(GDVN) - Phương hướng mới sẽ chú trọng ứng dụng thực tế, trong đó Việt Nam đã ký hợp đồng mua 2 vệ tinh X-band, loại vệ tinh này phải đổi mới 5 năm 1 lần.

Viện trưởng Scott Pace, Viện nghiên cứu chính sách vũ trụ, Học viện Chính trị Quốc tế Elliott, Đại học George Washington cho rằng: "Do nghĩa vụ phòng thủ của Mỹ trên toàn cầu, đối với Mỹ, ISR vũ trụ rõ ràng là một vấn đề quan trọng".

Scott Pace nói, ngoài ra, sau khi đạt được một loạt thỏa thuận với Mỹ, năng lực nhận biết tình hình vũ trụ và năng lực nhận biết lãnh hải là trọng điểm quan tâm của ISR vũ trụ Nhật Bản, Mỹ hy vọng Nhật Bản phát huy vai trò lớn hơn trên những lĩnh vực này.

Nhật Bản còn hy vọng tăng cường năng lực ISR trên biển, chủ yếu là thông qua mua sắm 20 máy bay tuần tra P-1 do Công ty Kawasaki chế tạo, thay thế máy bay tuần tra cánh cố định P-3C hiện có (loại máy bay tuần tra này đang tiến hành nâng cấp). Năng lực dò tìm/nhận dạng, tính năng bay, năng lực xử lý thông tin và năng lực tấn công của máy bay tuần tra P-1 đều được tăng cường.

Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn quốc tế AMI Mỹ, Bob Nugent cho rằng, Nhật Bản dự định tái tập trung ISR "cận chiến" để bảo vệ cảng biển và các công trình hạ tầng quan trọng khác. Ít nhất 5 chương trình nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Nhật Bản liên quan đến nhiều công nghệ và hệ thống ISR không điều khiển trên biển. 

Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 Nhật Bản
Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 Nhật Bản
Việt Dũng (nguồn Tin tức Tham khảo)