Nhật Bản muốn trang bị 80 máy bay trực thăng săn ngầm ứng phó TQ

06/10/2014 09:40
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật Bản sẽ phát triển máy bay trực thăng mới có thể chia sẻ số liệu thu thập được với máy bay khác, đồng thời thành lập "Đội đánh giá tác chiến săn ngầm".
Máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản
Máy bay trực thăng săn ngầm SH-60K của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản

Tờ "Nihon Keizai Shimbun" Nhật Bản ngày 4 tháng 10 đăng bài viết "Nhật Bản nâng cao năng lực săn ngầm ứng phó Trung Quốc" cho rằng, xét đến nhân tố Trung Quốc, Bộ Quốc phòng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bắt đầu tích cực tăng cường năng lực dò tìm tàu ngầm, năm tài khóa 2015 bắt đầu bắt tay vào công tác phát triển máy bay trực thăng săn ngầm kiểu mới.

Cùng với việc nâng cao tính năng thiết bị định vị thủy âm, tiến hành chia sẻ số liệu giữa các loại máy bay tương đồng, từ đó biết được vị trí và quỹ đạo hoạt động của tàu chiến địch thuận lợi hơn.

Kế hoạch chế tạo hiện nay là 80 chiếc. Ngoài ra sẽ còn thành lập lực lượng mới gồm các chuyên gia tàu ngầm và thiết bị định vị thủy âm dùng để ứng phó với Hải quân Trung Quốc - lực lượng có tàu ngầm mới nhất.

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, số lượng tàu chiến mặt nước có năng lực phòng không tương đối cao và tàu đổ bộ cỡ lớn của Hải quân Trung Quốc đang không ngừng tăng lên.

Tháng 3 năm 2014, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng cho biết, cần ra sức xây dựng cường quốc biển, cho thấy Trung Quốc sẽ không thỏa hiệp với nước khác trong vấn đề lãnh  thổ, chủ quyền, trong đó có đảo Senkaku.

Căn cứ vào cách nói của quan chức Lực lượng Phòng vệ Biển, ngoài số lượng tàu ngầm mới có hệ thống giảm tiếng ồn mạnh, hành trình tuần tra dài của Trung Quốc tăng nhanh, vùng biển hoạt động ngày càng rộng cũng làm cho tàu chiến và máy bay trực thăng (Nhật Bản) khó phát hiện được tàu ngầm Trung Quốc.

Do đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đẩy nhanh nâng cao năng lực tác chiến trên biển như tàu hộ vệ, tàu ngầm.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Họ muốn tăng cường tính năng của hai loại trang bị gồm máy bay trực thăng săn ngầm bố trí trên tàu chiến và máy bay tuần tra có cự ly tuần tra tương đối xa và có thể tiến hành giám sát ở vùng biển rộng. Máy bay trực thăng mới sẽ bắt đầu nghiên cứu phát triển vào năm tài khóa 2015.

Đến năm tài khóa 2022 kết thúc và trang bị chiến đấu thực tế. Hiện nay, loại máy bay tuần tra chủ lực P-3C cũng sẽ thay bằng máy bay tuần tra P-1 có năng lực dò tìm, nhận dạng tốt hơn một bậc.

Năng lực của lực lượng săn ngầm cũng đang chờ được tăng cường. Lực lượng Phòng vệ Biển sẽ thành lập "Đội đánh giá tác chiến săn ngầm" gồm khoảng 40 chuyên gia tàu ngầm và thiết bị định vị thủy âm ở căn cứ Yokosuka vào năm tài khóa 2016.

Lực lượng này sẽ thu thập những số liệu như địa hình đáy biển, nhiệt độ nước, âm thanh động cơ của tàu ngầm các nước, tiến hành phân tích đối với vùng biển và độ sâu do thiết bị định vị thủy âm dò tìm được.

Trên máy bay tuần tra mới cũng sẽ trang bị thiết bị có thể tiến hành chia sẻ số liệu do thiết bị định vị thủy âm thu thập được. Máy bay trực thăng săn ngầm đang biên chế hiện nay không thể chia sẻ thông tin sóng âm mà thiết bị định vị thủy âm thu thập được cho máy bay tuần tra khác.

Trong tình hình sử dụng máy bay trực thăng mới, cho dù sóng âm phát ra của một máy bay bị phản xạ tới các hướng khác nhau cũng có thể được một chiếc máy bay khác thu được, từ đó phán đoán vị trí của tàu ngầm địch một cách tương đối đơn giản.

Loại máy bay trực thăng săn ngầm đề phòng tàu hộ vệ bị tấn công này sẽ do các doanh nghiệp như Công nghiệp nặng Mitsubishi phụ trách sản xuất.

Máy bay tuần tra săn ngầm mới P-1 do Nhật Bản tự nghiên cứu phát triển (ảnh tư liệu)
Máy bay tuần tra săn ngầm mới P-1 do Nhật Bản tự nghiên cứu phát triển (ảnh tư liệu)

Ngoài ra, tờ "Asahi Shimbun" Nhật Bản ngày 4 tháng 10 có bài viết "Sửa đổi Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ chủ yếu nhằm vào Trung Quốc" cho rằng, báo cáo giữa kỳ về Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ của chính phủ hai nước Nhật-Mỹ ghi rõ, Lực lượng Phòng vệ sẽ mở rộng mức độ chi viện cho Mỹ.

Chính phủ hai nước Nhật-Mỹ sửa đổi Phương hướng hợp tác phòng vệ chủ yếu là nhằm vào Trung Quốc, nước tăng cường sức mạnh quân sự nhanh chóng.

Tại Ủy ban ngân sách Hạ viện ngày 3 tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác sửa đổi. Ông nói: "Môi trường an ninh toàn cầu đã thay đổi, Nhật-Mỹ cần sửa đổi Phương hướng hợp tác phòng vệ để ứng phó sự thay đổi".

Chính phủ hai nước Nhật-Mỹ lần này sửa đổi Phương hướng hợp tác phòng vệ là lần đầu tiên kể từ năm 1997 đến nay. Sự thay đổi của "môi trường an ninh toàn cầu" mà ông Akinori Eto nói đến là CHDCND Triều Tiên nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa. Ngoài ra, còn có một vấn đề lớn nhất, đó chính là vấn đề Trung Quốc.

Mục tiêu của Trung Quốc là tiến quân ra đại dương, Trung Quốc nhiều lần điều tàu công vụ xâm phạm lãnh hải Nhật Bản ở vùng biển đảo Senkaku. Tháng 11 năm 2013, Trung Quốc còn lập ra Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông, bao trùm lên không phận đảo Senkaku. Máy bay chiến đấu Trung Quốc cũng không ngừng bay áp sát máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (ảnh tư liệu)

Để ứng phó cụ thể với những mối đe dọa này của Trung Quốc, điều khác với trước đây là, lần này Nhật Bản chủ động đề xuất với Mỹ sửa đổi Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ.

Nhật Bản lần này đặc biệt coi trọng "tình hình màu xám" như lực lượng vũ trang ngụy trang thành ngư dân đổ bộ lên đảo Senkaku, Nhật Bản hy vọng Quân đội Mỹ có thể tham gia hành động chống lại Trung Quốc ở đảo Senkaku.

Làm thế nào để ứng phó với Trung Quốc trỗi dậy cũng là một vấn đề lớn đối với Mỹ. Do bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tình hình khó khăn tài chính, Mỹ đang cắt giảm chi tiêu quân sự, hơn bất cứ lúc nào, Mỹ hy vọng Nhật Bản có thể đảm đương trách nhiệm lớn hơn trong bảo đảm an ninh Đông Á.

Việt Dũng