Nhật Bản sẽ xây căn cứ quân sự đa năng ở châu Phi, Trung Quốc cạnh tranh

20/05/2015 06:49
Việt Dũng (nguồn báo Văn hối)
(GDVN) - Nhật Bản muốn mở rộng nhiệm vụ của Lực lượng Phòng vệ ở nước ngoài; còn Trung Quốc muốn bảo vệ đầu tư ở Djibouti, hỗ trợ "một vành đai, một con đường".
Cứ điểm của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở Djibouti
Cứ điểm của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở Djibouti

Nhật Bản sẽ xây căn cứ quân sự vĩnh cửu ở châu Phi

Tờ "Văn hối" Hồng Kông ngày 19 tháng 5 đưa tin, đầu năm nay, truyền thông Nhật Bản cho biết, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch mở rộng cứ điểm Lực lượng Phòng vệ ở Djibouti, để nó trở thành căn cứ đa năng của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ở châu Phi và Trung Đông.

Nếu kế hoạch này được tiến hành thuận lợi, Nhật Bản sẽ có căn cứ mang tính vĩnh cửu đầu tiên ở nước ngoài.

Năm 2009, Chính phủ Nhật Bản căn cứ vào “Luật ứng phó cướp biển”, lấy ứng phó vấn đề cướp biển liên tiếp xảy ra ở vùng biển Somalia, vịnh Aden làm lý do, thuê của Chính phủ Djibouti một mảnh đất tiếp giáp sân bay quốc tế Djibouti, xây dựng cứ điểm của Lực lượng Phòng vệ.

Theo bài báo, tháng 7 năm 2011, Nhật Bản đã xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti.

Căn cứ này chiếm diện tích 12 ha, chi phí xây dựng 4,7 tỷ yên, đã xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở như bãi hạ cánh có thể đậu 3 máy bay trinh sát P-3C và nhà chứa máy bay có thể chứa 1 máy bay trinh sát.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản

Là nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ ba thế giới, Nhật Bản nhập khẩu lượng lớn dầu mỏ từ châu Phi để đáp ứng nhu cầu trong nước, hơn nữa tàu thuyền Nhật Bản cũng thường xuyên bị cướp biển Somalia tấn công ở vịnh Aden.

Nhật Bản thiết lập căn cứ quân sự ở Djibouti với quan điểm ban đầu là bảo vệ an toàn vận chuyển dầu mỏ. Nhưng mấy năm gần đây, các dấu hiệu cho thấy, Nhật Bản bắt đầu tìm cách xây dựng một căn cứ có chức năng tác chiến tổng hợp lâu dài ở Djibouti.

Là nước thua trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, luật pháp hiện nay của Nhật Bản không cho phép Nhật Bản xây dựng cơ sở quân sự hoặc căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Nhưng, sau khi tiếp tục lên nắm quyền vào năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra "chủ nghĩa hòa bình tích cực", về bản chất chính là muốn thoát khỏi sự trói buộc của thể chế sau Chiến tranh, sửa đổi triệt để Hiến pháp Hòa bình, tìm cách trở thành nước lớn về chính trị, quân sự.

Bài báo dẫn lời giáo sư Vương Bảo Phó, Đại học Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, Nhật Bản triển khai máy bay săn ngầm P-3C ở Djibouti với mục đích chủ yếu là đối phó tàu ngầm, chứ hoàn toàn không phải để đối phó cướp biển.

Tháng 8 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm căn cứ của Lực lượng Phòng vệ tại Djibouti (nguồn Tin tức Trung Quốc)
Tháng 8 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến thăm căn cứ của Lực lượng Phòng vệ tại Djibouti (nguồn Tin tức Trung Quốc)

Nhật Bản chỉ mượn danh nghĩa chống cướp biển hoặc chống khủng bố để tiến vào châu Phi, để xây dựng căn cứ quân sự thường trú ở Djibouti, tiến tới mở rộng nhiệm vụ của Lực lượng Phòng vệ ở nước ngoài, giúp cho lực lượng quân sự của họ vươn ra ngoài.

Trung Quốc cạnh tranh

Tờ “Tin tức Quốc phòng” Mỹ ngày 16 tháng 5 có bài viết cho rằng, Trung Quốc hiện đang đàm phán thi công căn cứ quân sự ở Djibouti, làm cho quốc gia nhỏ bé châu Phi này có thể đồng thời có căn cứ quân sự của hai nước Trung Quốc và Mỹ, đây cũng là minh chứng mới nhất cho thấy Trung Quốc đang phô trương sức mạnh quân sự.

Nhà phân tích Alex Sulivan của Trung tâm an ninh Mỹ mới (CNAS) cho rằng, do lợi ích toàn cầu của Trung Quốc ngày càng tăng, hiện là lúc Trung Quốc tích cực nhất trong các vấn đề an ninh quốc tế.

Djibouti đã là nơi đặt doanh trại Lemonnier của trụ sở quân sự Mỹ tại lục địa châu Phi. Doanh trại Lemonnier dùng cho các chiến dịch chống khủng bố bí mật và các hoạt động quân sự khác ở Yemen, Somalia và các nước châu Phi khác. Đây cũng là căn cứ quân sự vĩnh viễn duy nhất của Mỹ tại lục địa châu Phi.

Biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc
Biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc

Tổng thống Ismail Omar Guelleh của Djibouti cho biết, "các cuộc thảo luận đang tiến hành", hoan nghênh Trung Quốc đóng quân.

Pháp và Nhật Bản cũng có căn cứ quân sự ở Djibouti. Djibouti trấn giữ cửa ra vào biển Đỏ, từng là thuộc địa của Pháp, cũng từng được hải quân các nước châu Âu và các nước khác sử dụng làm căn cứ tấn công cướp biển Somalia.

Ông Ismail Omar Guelleh cho biết: "Pháp đóng quân đã từ lâu, người Mỹ phát hiện vị trí địa lý của Djibouti có lợi cho tấn công chủ nghĩa khủng bố ở khu vực này. Người Nhật Bản hy vọng không bị cướp biển xâm phạm. Hiện nay, người Trung Quốc cũng hy vọng bảo vệ lợi ích của nước họ, chúng tôi hoan nghênh họ".

Djibouti nhìn ra eo biển Mandab của châu Phi và bán đảo Ả Rập, đây là một trong những tuyến đường hàng hải bận rộn nhất thế giới, nối liền biển Đỏ với vịnh Aden.

Quan chức Mỹ tại doanh trại Lemonnier cho biết, Trung Quốc không có nhiều khả năng dùng căn cứ quân sự công khai để kiềm chế quân đồn trú Mỹ, mà phần nhiều là quan tâm tới vị trí chiến lược của Djibouti. Djibouti tiếp giáp với Đông Phi - nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng chưa khai thác.

Trung Quốc đầu tư khai thác tài nguyên vài tỷ USD ở đó. Quan chức này cho rằng, cướp biển không có nhiều khả năng là nguyên nhân để Trung Quốc thiết lập căn cứ quân sự.

Biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc
Biên đội hộ tống Hải quân Trung Quốc

"Bảo vệ đầu tư của nước mình cần có hải quân, hải quân cần có căn cứ hải quân tiên tiến. Trung Quốc tăng cường vai trò ảnh hưởng ở châu Phi là mối quan tâm của Mỹ, hơn nữa, Hải quân Trung Quốc bành trướng ở các khu vực cũng là sự quan tâm của Mỹ" - Alex Sulivan nói.

Djibouti và Bắc Kinh năm 2014 đã ký kết thỏa thuận quân sự, cho phép Hải quân Trung Quốc sử dụng bến tàu của Djibouti, hành động này đã chọc giận Washington.

Nghe nói, Trung Quốc muốn xây dựng căn cứ quân sự vĩnh cửu ở thành phố cảng Obock - phía bắc Djibouti. Địa điểm này nằm ở vịnh Tadjoura, đối diện với cảng chính Djibouti. Cảng chính Djibouti có rất nhiều tàu thương mại và do Quân đội Mỹ sử dụng.

Alex Sulivan cho rằng: "Trong tương lai, Trung Quốc cũng tìm kiếm thêm nhiều hơn tuyến đường và hiện diện, có thể phải phân tích các vấn đề cụ thể, nhưng Mỹ cần hoan nghênh thỏa thuận Djibouti có thể đạt được. Chúng tôi không muốn Trung Quốc cô lập, chỉ cần họ có thể cùng đóng góp cho ngăn chặn các thách thức an ninh, chúng tôi sẽ hoan nghênh".

Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 Trung Quốc đến Ấn Độ Dương (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Sự lo ngại của Mỹ là, mặc dù Trung Quốc đưa ra cam kết, nhưng Mỹ không thể hoàn toàn xác định ý nguyện hòa bình của Trung Quốc.

"Tôi muốn tìm hiểu làm thế nào để làm giảm mối lo ngại này, bởi vì, đây không phải là điều chúng tôi có thể bỏ qua bất cứ lúc nào" - Sulivan nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ và Lầu Năm Góc đều từ chối bình luận về đối thoại giữa Trung Quốc và Djibouti. Theo hãng AFP Pháp, nếu đàm phán thuận lợi, Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti.

Cùng với hành động quân sự của Hải quân Trung Quốc ngày càng vươn ra bên ngoài, họ đã coi hoạt động chống cướp biển là một trong những động lực chính của hoạt động tầm xa.

Ngoài tàu chiến mặt nước, Trung Quốc năm 2014 cũng đã điều tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm thông thường tới Ấn Độ Dương.

Việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự lâu dài ở Djibouti sẽ gây lo ngại cho Mỹ và Ấn Độ. Mỹ lo ngại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trên toàn cầu, còn Ấn Độ lo ngại Trung Quốc tăng cường bành trướng quân sự ở Ấn Độ Dương.

Bảo đảm cung ứng năng lượng có lẽ là một nguyên nhân khác Trung Quốc muốn xây dựng căn cứ vĩnh viễn ở Djibouti. Nhưng, nguyên nhân này không thuyết phục. Là tuyến đường hàng hải bận rộn, biển Đỏ và eo biển Mandab luôn có tầm quan trọng chiến lược.

Năm 2014, tàu ngầm thông thường Type 039 Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở cảng Colombo, Sri Lanka
Năm 2014, tàu ngầm thông thường Type 039 Hải quân Trung Quốc xuất hiện ở cảng Colombo, Sri Lanka

Tuy nhiên, căn cứ vào số liệu năm 2013, tầm quan trọng của vùng biển này đối với bảo đảm an toàn nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc thấp hơn nhiều so với eo biển Hormuz và eo biển Malacca.

18% khí đốt và 43% dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển Hormuz.

Tương tự, eo biển Malacca là nơi phải đi qua của 30% khí đốt và 82% dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc chỉ có 3% dầu mỏ nhập khẩu đi qua eo biển Mandab.

Tờ “Nam Hoa buổi sáng” Hồng Kông ngày 13 tháng 5 cũng cho rằng, dự tính, Trung Quốc sẽ thiết lập một loạt trạm tiếp tế ở nước ngoài tại các cảng quan trọng để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Mặc dù chúng không có nhiều khả năng biến thành căn cứ quân sự hoàn toàn, nhưng khi đưa ra kế hoạch “một vành đai, một con đường”, Bắc Kinh thực sự thấy cần tăng cường đóng quân ở nước ngoài.

Chuyên gia quân sự hải quân Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, lợi ích quốc gia của Trung Quốc mở rộng, Trung Quốc tất yếu sẽ thiết lập nhiều trạm tiếp tế ở nước ngoài hơn ở châu Phi và các khu vực quan trọng khác. 

Việt Dũng (nguồn báo Văn hối)