Nhật Bản sẽ xây dựng căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên ở Đông Phi

11/11/2013 09:15
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật Bản có kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự đầy đủ chức năng hải, lục, không quân ở Djibouti để thực hiện các nhiệm vụ tại khu vực.
Tháng 8 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản thăm Djibouti, Đông Phi và thị sát cứ điểm của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Tháng 8 năm 2013, Thủ tướng Nhật Bản thăm Djibouti, Đông Phi và thị sát cứ điểm của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Tờ "Japan News Network" ngày 7 tháng 11 đưa tin, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch mở rộng cứ điểm hoạt động của Lực lượng Phòng vệ tại Djibouti, một quốc gia ở Đông Phi, đồng thời sẽ xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ ở nước ngoài, nhằm trấn giữ khu vực giao thông xung yếu của 2 châu lục Âu, Á, Phi.

Nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết, do Quốc hội Nhật Bản sắp thông qua Luật sửa đổi Lực lượng Phòng vệ, một khi được sửa đổi, Lực lượng Phòng vệ sẽ có thể được phép bảo vệ và vận chuyển kiều dân Nhật Bản và người nước ngoài ở lãnh thổ nước khác, vì vậy cần thiết xây dựng một căn cứ tại châu Phi, một khu vực bất ổn, để có thể cất/hạ cánh chuyên cơ của Chính phủ và máy bay chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ.

Tháng 6 năm 2001, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản lấy danh nghĩa tham gia hoạt động chống cướp biển quốc tế, đã thiết lập một cứ điểm hoạt động ở khu vực lân cận sân bay quốc tế Djibouti, Đông Phi, đồng thời đã điều máy bay trinh sát P-3C tham gia hoạt động chống cướp biển.

Đây cũng là cứ điểm hoạt động cố định đầu tiên mà Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thành lập ở nước ngoài. Hiện  nay, diện tích của cứ điểm tổng cộng là 12 ha, Lực lượng Phòng vệ Biển đã xây dựng bãi hạ cánh máy bay, kho sửa chữa máy bay, kho tiếp tế và kho đạn dược ở đó.

Máy bay trinh sát P-3C của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
Máy bay trinh sát P-3C của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Theo bài báo, Chính phủ Nhật Bản sắp tới sẽ cử quan chức cấp cao đến Djibouti, tiến hành đàm phán vói Chính phủ Djibouti, yêu cầu sở hữu mảnh đất diện tích khá lớn để mở rộng cứ điểm hoạt động hiện có thành căn cứ quân sự cố định lớn, lâu dài.

Để thuyết phục Chính phủ Djibouti, Chính phủ Nhật Bản đang chuẩn bị một gói phương án viện trợ kinh tế để cung cấp viện trợ cho Djibouti.

Chính phủ Nhật Bản hy vọng có thể sở hữu một mảnh đất ở cảng Djibouti để cho phép tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản trong tương lai cũng có thể lưu lại lâu dài ở Djibouti. Đồng thời sẽ còn xây dựng một nơi đóng quân của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất, để khi xảy ra bất ổn ở châu Phi, có thể giúp cho lực lượng đặc biệt của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất bay đến Djibouti, thực hiện nhiệm vụ cứu viện.

Nếu kế hoạch mở rộng này được Chính phủ Djibouti ủng hộ, Nhật Bản sẽ có thể sở hữu một căn cứ quân sự có đầy đủ chức năng hải, lục, không quân ở Đông Phi.

Do Djibouti nằm ở bờ tây vịnh Aden, đối diện với eo biển Mandab ở cửa lớn phía nam biển Đỏ, nằm ở khu vực giao thông xung yếu của 3 châu lục Âu, Á, Phi, trấn giữ yết hầu từ biển Đỏ đến Ấn Độ Dương, khi chạy xuyên qua kênh đào Suez tới châu Âu ở phía bác hay từ biển Đỏ nam tiến đến Ấn Độ Dương vòng qua mũi Hảo Vọng, các tàu thuyền đều phải tiếp nước, tiếp dầu ở cảng Djibouti, vị trí chiến lược của cảng này rất quan trọng, được phương Tây gọi là "người lính gác trên tuyến đường dầu mỏ". Nhật Bản xây dựng căn cứ quân sự ở đây có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng.

Biên đội tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành hộ tống ở vịnh Aden tháng 3 năm 2009 (ảnh tư liệu)
Biên đội tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành hộ tống ở vịnh Aden tháng 3 năm 2009 (ảnh tư liệu)
Việt Dũng