Nhật Bản tăng cường sức mạnh trên biển để chống Trung Quốc ở Biển Đông

02/05/2015 07:50
Đông Bình
(GDVN) - Trung Quốc luôn là mối lo ngại hàng đầu của Nhật Bản, tranh chấp lãnh thổ ngày càng gay gắt, tuyến đường vận tải trên biển bị đe dọa...
Tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản
Tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản

Nhật Bản tăng cường sức mạnh trên biển

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 1 tháng 5 dẫn tờ "Le Monde" Pháp ngày 29 tháng 4 đưa tin, tàu khu trục chở trực thăng Izumo có năng lực tấn công đường không và săn ngầm, là tàu chiến có quy mô lớn nhất do Nhật Bản chế tạo sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Tàu Izumo dài 248 m, lượng giãn nước tiêu chuẩn đạt 19.500 tấn, có thể đồng thời cất hạ cánh 5 máy bay trực thăng. Nó chính thức bàn giao và đi vào hoạt động từ ngày 25 tháng 3 năm 2015.

Theo bài báo, hiện nay, dư luận còn chưa rõ khu vực mục tiêu tiếp theo của tàu Izumo. Căn cứ vào tuyên bố chính thức, tàu Izumo có sứ mệnh như sau: Bảo vệ khu vực xung quanh của Nhật Bản, bảo vệ an ninh khu vực và cứu người dân.

Tàu này đã chở tổng cộng 7 máy bay trực thăng. Nhưng, kho chứa máy bay của nó có thể chứa số lượng máy bay gấp gần 4 lần như vậy, hơn nữa chuyên gia cho rằng, nó có thể dùng để cất hạ cánh thẳng đứng máy bay chiến đấu F-35B của Quân đội Mỹ.

Tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản
Tàu sân bay trực thăng Izumo Nhật Bản

Trên thực tế, trong tương lai, trên tàu khu trục Izumo hoàn toàn có thể xuất hiện một số binh lính đến từ Mỹ hoặc nước đồng minh khác. Tàu Izumo là tượng trưng của "phục hưng" quân sự Nhật Bản? Nhà cầm quyền Nhật Bản phủ nhận đối với vấn đề này, nhấn mạnh họ sẽ tuân thủ chặt chẽ "chủ nghĩa hòa bình tích cực" thực hiện từ năm 1945 đến nay.

Tuy nhiên, Quốc hội Nhật Bản hiện đang triển khai thảo luận về việc tiến hành giải thích lại đối với Hiến pháp hòa bình trước mùa hè năm nay. Chính phủ Đảng Tự do Dân chủ (LDP) do ông Shinzo Abe lãnh đạo hy vọng mở rộng phạm trù "tự vệ tập thể".

Ishizuka Yasuhisa, Đại học quốc phòng Nhật Bản cho rằng: "Người Nhật Bản phổ biến yêu quý hòa bình, nhưng đến nay, 90% người Nhật Bản ủng hộ tăng cường sức mạnh quân sự, đây là sự thay đổi mang tính căn bản trong 40 năm qua của Nhật Bản".

Một văn kiện của Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã nói về mối đe dọa của nước này như sau: "Chúng tôi bị 3 cường quốc quân sự lớn gồm Trung Quốc, Nga và CHDCND Triều Tiên bao vây". Mặc dù hai nước Trung Quốc và Nhật Bản gần đây đã bắt đầu các nỗ lực đối thoại, nhưng Trung Quốc luôn là mối lo ngại đầu tiên của Nhật Bản.

Các văn kiện chính thức của Nhật Bản đều nhấn mạnh vấn đề tăng mạnh chi tiêu quân sự của Trung Quốc. Nhật Bản nhấn mạnh, tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ngày càng gay gắt, hơn nữa tuyến đường vận tải trên biển của Nhật Bản đã bị đe dọa.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B do Mỹ chế tạo
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35B do Mỹ chế tạo

Trong bối cảnh này, Quân đội Nhật Bản đang tiếp tục tăng cường sức chiến đấu. Không quân Nhật Bản đã đặt mua lô 42 máy bay chiến đấu F-35 đầu tiên. Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản đã thành lập một đơn vị đổ bộ, đồng thời sẽ triển khai lực lượng thường trực ở đảo Yonaguni lân cận Đài Loan.

Đương nhiên, sức mạnh quân sự trên biển vẫn là mục tiêu ưu tiên của Nhật Bản. Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản hiện nay sở hữu 124 tàu chiến các loại, là lực lượng quân sự trên biển lớn thứ tư thế giới.

Đối với nhà lãnh đạo Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, mối đe dọa từ Nga tương đối nhỏ, trong khi đó, Biển Đông nằm ở "trạng thái bùng nổ". Ông cho biết: "Chúng tôi phải chuẩn bị ứng phó với hành động xâm phạm dưới bất cứ hình thức nào".

Theo kế hoạch, trước năm 2025, số lượng tàu ngầm của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ từ 16 chiếc hiện nay tăng lên 22 chiếc. Căn cứ quân sự duy nhất ở nước ngoài của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là căn cứ ở Djibouti, bất kể về số lượng nhân viên hay máy bay cũng đều tăng lên.

Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Chiến lược "quay trở lại châu Á" của Mỹ đã đem lại một số lợi ích thực sự. Một số trang bị hiện đại mới đã đưa tới Nhật Bản: Bộ tư lệnh Hải quân Mỹ đóng ở Nhật Bản đã tăng thêm 2 tàu khu trục, trong khi đó, Hạm đội 7 Mỹ đã tăng thêm 1 tàu tuần dương, tức là đã tăng hơn 1.000 binh lính.

Hơn nữa, tàu sân bay của Hạm đội 7 Quân đội Mỹ cũng được đổi sang sử dụng tàu sân bay USS Ronald Reagan mới nhất chở theo máy bay không người lái chiến lược Global Hawk và máy bay chiến đấu F-35.

Nhưng, sự phục hưng quân sự của Nhật Bản cũng tồn tại tính hạn chế. Từ khi bước vào thế kỷ 21 đến nay, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản luôn giảm đi. Từ năm 2012 đến nay, ngân sách quốc phòng của Nhật Bản mới xuất hiện mức tăng 2 - 3% mỗi năm. Sự phục hưng thực sự của lực lượng quân sự còn phải tùy thuộc vào mức độ khôi phục của nền kinh tế Nhật Bản.

Nhật Bản muốn nhập khẩu máy bay cảnh báo sớm của Mỹ

Tờ "Tin tức Trung Quốc" dẫn báo chí Nhật Bản ngày 30 tháng 4 còn cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã thị sát căn cứ hải quân Virginia Mỹ. Ông Gen Nakatani còn thị sát máy bay cảnh báo sớm mà Lực lượng Phòng vệ sẽ nhập khẩu, cho thấy trong tương lai Nhật Bản sẽ tăng cường hoạt động cảnh giới.

Máy bay cảnh báo sớm E-2D do Mỹ chế tạo
Máy bay cảnh báo sớm E-2D do Mỹ chế tạo

Ngày 29 tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã ngồi lên máy bay vận tải Osprey mới của Bộ Quốc phòng Mỹ, thăm căn cứ hải quân Norfolk của bang Virginia. Lần này, ông Gen Nakatani cũng đã thị sát 4 máy bay cảnh báo sớm E-2D (có phạm vi theo dõi rộng hơn) mà Lực lượng Phòng vệ Trên không sẽ nhập khẩu.

Sau khi thị sát, tại Washington, ông Gen Nakatani đã nói về máy bay cảnh báo sớm: "Nhập khẩu để bổ sung cho phạm vi mà radar duyên hải của Nhật Bản không thể quét được ở biển Hoa Đông, hy vọng tăng cường năng lực cảnh giới của Nhật Bản".

Ngoài ra, ông Gen Nakatani còn hội đàm với chủ tịch tỉnh Okinawa bàn về vấn đề di chuyển căn cứ Futenma Quân đội Mỹ. Ông Gen Nakatani cho biết: "Đã nhờ phía Okinawa, đang điều chỉnh, hy vọng sớm nói chuyện trực tiếp, giải thích với ông ấy".

Đông Bình