Nhật Bản-Philippines tăng cường tập trận chung đối phó Trung Quốc

28/07/2015 07:19
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo)
(GDVN) - Nhật Bản muốn hoạt động huấn luyện chung với Philippines được tổ chức thường lệ, nội dung sẽ được lựa chọn tùy thuộc vào các động thái của Trung Quốc.
Binh sĩ tàu khu trục Harusame Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản chỉ huy một chiếc máy bay trực thăng của Hải quân Philippines hạ cánh
Binh sĩ tàu khu trục Harusame Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản chỉ huy một chiếc máy bay trực thăng của Hải quân Philippines hạ cánh

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 27 tháng 7 dẫn tờ "Sankei Shimbun" Nhật Bản ngày 26 tháng 7 đăng bài viết "Huấn luyện liên hợp giữa Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và Hải quân Philippines sẽ được tiến hành thường lệ và mở rộng quy mô".

Theo bài báo, Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn hoạt động huấn luyện chung với Hải quân Philippines trở thành hoạt động mang tính thường lệ, cứ nửa năm tổ chức một lần.

Tàu chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển tham gia hoạt động tấn công cướp biển ở vùng biển Somalia châu Phi, trên đường trở về sẽ tiến hành huấn luyện chung với Hải quân Philippines ở vùng biển Philippines.

Đồng thời, ba nước Nhật Bản - Mỹ - Philippines còn đang thảo luận tiến hành huấn luyện liên hợp, nhằm kiềm chế Trung Quốc - nước đang thông qua xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông và đơn phương khai thác các mỏ dầu khí ở biển Hoa Đông.

Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Vào ngày 12 tháng 5 vừa qua, 2 tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản gồm Harusame và Amagiri sau khi kết thúc nhiệm vụ tấn công cướp biển, trên đường trở về đã tổ chức huấn luyện chung với 1 tàu tuần tra của Hải quân Philippines ở vùng biển phía tây Manila.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản và Philippines tiến hành huấn luyện chung, nội dung chủ yếu là tiến hành tập luyện về thông tin liên lạc.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản muốn hoạt động huấn luyện liên hợp này trở thành hoạt động thường lệ, để các tàu chiến (hoàn thành nhiệm vụ tấn công cướp biển) được tham gia lâu dài.

Theo bài báo, từ ngày 22 đến ngày 26 tháng 6 năm nay, Lực lượng Phòng vệ Biển cũng đã điều động máy bay tuần tra P-3C tham gia huấn luyện tìm kiếm cứu nạn chung với Hải quân Philippines. Vùng biển quần đảo Trường Sa - nơi Trung Quốc đang lấn biển xây đảo (phi pháp) - cũng nằm trong phạm vi huấn luyện.

Khi lựa chọn nội dụng và địa điểm, huấn luyện liên hợp thường lệ sẽ xem xét các động thái của Trung Quốc để đưa ra sự lựa chọn có hiệu quả ngăn chặn mạnh nhất.

Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Đồng thời, về tăng cường năng lực ứng phó đối với nhiều tình huống trong đó có tìm kiếm cứu nạn, việc Mỹ tham gia và tiến hành huấn luyện liên hợp ba nước chắc chắn không thể thiếu.

Trong hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản và Philippines tổ chức vào tháng 1 năm 2015, hai bên thống nhất đồng ý thúc đẩy Không quân Philippines gia nhập huấn luyện liên hợp do Nhật Bản, Mỹ và Australia tổ chức hàng năm ở Guam.

Huấn luyện của Lực lượng Phòng vệ Biển và Hải quân Philippines cũng sẽ cân nhắc mở rộng thành khuôn khổ Nhật Bản - Mỹ - Philippines - Australia.

Hãng tin Reuters Anh ngày 25 tháng 7 dẫn Tân Hoa xã Trung Quốc cùng ngày cho biết, Hải quân Trung Quốc đưa tin ít ỏi về cuộc diễn tập quân sự tổ chức ở Biển Đông gần đây, đồng thời phê phán một số nước "xâm chiếm phi pháp" đảo đá ở khu vực này.

Lưu ý, những tuyên bố này của Trung Quốc có tính chất đổi trắng thay đen, tìm mọi cách "cả vú lấp miệng em". Nhưng, một sự thật là Trung Quốc đã dùng vũ lực ăn cướp trắng trợn biển đảo của Việt Nam trong gần 60 năm qua - PV.

Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)
Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận ở Biển Đông (nguồn mạng sina Trung Quốc)

Theo bài báo, Trung Quốc đã khởi động cuộc diễn tập trên biển ở vùng biển phía đông đảo Hải Nam. Các đá ngầm và bãi cạn ở khu vực này về cơ bản là không có người ở, "chủ trương chủ quyền của một số nước đối với khu vực này có xung đột và chồng lấn".

Trên thực tế, khu vực tập trận này bao gồm các đảo đá ở đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Do đó, đây là một cuộc tập trận bất hợp pháp, không thể chấp nhận được. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ đối với Trung Quốc về vấn đề này - PV.

Tân Hoa xã dẫn người phát ngôn Hải quân Trung Quốc Lương Dương ngang nhiên tuyên bố: "Tổ chức hoạt động diễn tập trên biển là cách làm thông thường của hải quân các nước trên thế giới.

Hải quân Trung Quốc tổ chức diễn tập thường lệ thường niên có mục đích chủ yếu là kiểm tra trình độ huấn luyện sát chiến đấu thực tế của bộ đội, nâng cao năng lực tác chiến cơ động và bảo đảm tổng hợp trên biển, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ quân sự đa dạng hóa và tìm kiếm cứu nạn hàng hải".

Nếu cuộc diễn tập thực sự diễn ra ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì rõ ràng đây là một hành động vũ lực nguy hiểm, trực tiếp xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, trực tiếp vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, trực tiếp đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực - PV. 

Gần đây, tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr Trung Quốc đã lần đầu tiên tham gia tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo đá ở Biển Đông (nguồn mạng sina ngày 20 tháng 7 năm 2015)
Gần đây, tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr Trung Quốc đã lần đầu tiên tham gia tập trận đổ bộ đánh chiếm đảo đá ở Biển Đông (nguồn mạng sina ngày 20 tháng 7 năm 2015)
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo)