Pakistan muốn Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Gwadar?

01/02/2013 14:19
Đông Bình (nguồn Đại công báo, Hồng Kông)
(GDVN) - Quan chức Pakistan cho rằng, TQ có thể xây dựng cảng Gwadar thành căn cứ quân sự, xây dựng đường ống dẫn dầu, đường sắt kéo về TQ.
Bộ trưởng Thông tin Pakistan Kaira tại cuộc họp báo
Bộ trưởng Thông tin Pakistan Kaira tại cuộc họp báo

Tờ “Đại công báo” Hồng Kông vừa có bài viết dẫn tin truyền thông Pakistan cho biết, ngày 30/1 Chính phủ Pakistan đồng ý trao quyền vận hành, kiểm soát cảng Gwadar cho Công ty TNHH Tập đoàn hải ngoại Trung Quốc (China Overseas Holdings Limited, COHL).

Phía Trung Quốc có thể xây dựng các công trình như đường sắt, đường ống dẫn dầu tại đây, phía Pakistan thậm chí còn muốn Trung Quốc có thể xây dựng căn cứ hải quân ở đó.

Theo tờ “Dawn” Pakistan, Bộ trưởng thông tin Pakistan Qamar Zaman Kaira ngày 30/1 đã tổ chức họp báo cho biết, Pakistan đồng ý sẽ trao quyền vận hành, kiểm soát cảng Gwadar – một cảng có ý nghĩa chiến lược, quan trọng cho Công ty TNHH Tập đoàn hải ngoại Trung Quốc.

Trước đó, nội các Pakistan đã thông qua nghị quyết này. Hành động này có ý nghĩa quan trọng đối với việc Trung Quốc xây dựng đường ống dẫn dầu đi từ Trung Đông tới miền tây Trung Quốc.

Cảng Gwadar có vị trí địa lý quan trọng, nó tiếp giáp biên giới giữa Pakistan và Iran, kề sát với eo biển Hormuz. Đa số tàu thuyền vận chuyển dầu mỏ từ khu vực vùng Vịnh tới thị trường quốc tế phải đi qua eo biển Hormuz.

Theo trang mạng kinh tế Trung Quốc, sau khi xây dựng xong đưa vào sử dụng năm 2005, cảng Gwadar luôn nằm dưới sự quản lý, kinh doanh của Tập đoàn cảng quốc tế Singapore. Tuy vị trí địa lý rất quan trọng, nhưng tình hình kinh doanh của cảng Gwadar luôn không tốt lắm.

Thông tin trên trang mạng chính thức của Tập đoàn cảng quốc tế Singapore cho biết, từ tháng 11/2012 đến nay, không có một tàu thương mại nào đến cảng Gwadar.

Trong hầu hết thời gian 7 năm qua, cảng Gwadar về cơ bản đều ở trạng thái để không. Vì vậy, Chính phủ Pakistan luôn cân nhắc việc trao quyền vận hành, kiểm soát cảng biển này cho một công ty Trung Quốc.

Khi trả lời phỏng vấn, ông Kaira cho biết, cảng Gwadar phát triển hạn chế khi nằm dưới sự quản lý của Tập đoàn cảng quốc tế Singapore, vì vậy hy vọng lần này chuyển giao quyền kinh doanh cho Trung Quốc có thể đem lại cơ hội phát triển mới cho cảng Gwadar, từ đó thúc đây sự phát triển kinh tế của Pakistan.

Ông này còn cho biết, sau khi tiếp nhận quyền quản lý, Trung Quốc sẽ tăng đầu tư kinh tế nhiều hơn cho dự án này. Được biết, Trung Quốc sẽ cấp 75% vốn trong khoản kinh phí 250 triệu USD đầu tiên để xây dựng cảng.

Ông Kaira còn công khai cho biết, nếu cảng Gwadar xây dựng thành căn cứ hải quân, Trung Quốc có thể sử dụng vai trò ảnh hưởng của Gwadar, lắp đặt đường ống dẫn dầu từ Trung Đông kéo về Trung Quốc, thậm chí xây dựng đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Tuy đây là một giao dịch thương mại, nhưng được Mỹ và nước láng giềng Ấn Độ quan tâm chặt chẽ. Bất cứ nhu cầu lợi ích nào của Trung Quốc ở các cảng biển của Nam Á đều có thể làm tăng mối lo ngại “bị Trung Quốc bao vây” của Ấn Độ.

Trung Quốc và Pakistan được cho là đồng minh của nhau. Trong hình là máy bay chiến đấu JF-17 Thunder hay còn gọi là FC-1 Kiêu Long, do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất.
Trung Quốc và Pakistan được cho là đồng minh của nhau. Trong hình là máy bay chiến đấu JF-17 Thunder hay còn gọi là FC-1 Kiêu Long, do Trung Quốc-Pakistan hợp tác sản xuất.
Đông Bình (nguồn Đại công báo, Hồng Kông)