Phi thuyền X-37B đưa chiến lược vũ trụ của Mỹ từ "thủ" sang "công"

21/07/2013 07:30
Việt Dũng
(GDVN) - X-37B trang bị cấu tạo đa năng có thể phóng vệ tinh nhỏ, trinh sát trên không, chống vệ tinh, làm cho đối kháng không gian của Mỹ mang tính tấn công.
Máy bay không gian không người lái X-37B của Mỹ
Máy bay không gian không người lái X-37B của Mỹ

Tờ "Thanh niên Trung Quốc" gần đây có bài viết cho rằng, từ cuối năm 2012 đến nay, máy bay không gian X-37B của Không quân Mỹ đã bay trong vũ trụ trên 6 tháng, và Mỹ đã giữ bí mật tuyệt đối về nhiệm vụ cụ thể của chuyến bay này.

Nhưng, nhìn vào dự tính ban đầu phát triển máy bay không gian của Mỹ, X-37B sẽ không thiếu chức năng quan trọng là chống vệ tinh. Có thể nói, vũ khí chống vệ tinh của quân Mỹ vừa là chương trình cấp cao duy trì ưu thế công nghệ quân sự của họ, vừa là trang bị khái niệm mới có cả giá trị chiến lược và chiến thuật.

Mỹ-Xô muốn có đặc quyền "Thiên cung" thúc đẩy vũ khí chống vệ tinh ra đời

Từ khi Mỹ lần đầu tiên phô diễn ưu thế công nghệ tuyệt đối về vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh thế giới thứ hai, lịch sử chiến tranh loài người đã lật sang một trang mới.

Duy trì "bất đối xứng" về công nghệ với đối thủ cạnh tranh trở thành một trong những trọng điểm của chiến lược quốc gia và quân sự Mỹ.

Đặc biệt là, sau khi Liên Xô sở hữu năng lực điều động lực lượng hạt nhân dựa trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, sự cân bằng hạt nhân giữa Mỹ-Xô làm cho bất cứ bên nào sử dụng vũ khí hạt nhân đều có nghĩa là tự sát.

Chính vì vậy, theo dõi và dự báo năng lực sử dụng sức mạnh hạt nhân của kẻ thù trở thành một cách làm có hiệu quả để giành lại quyền chủ động. Trên phương diện này, Liên Xô đã đi trước một bước.

Ngày 4 tháng 10 năm 1957, Liên Xô đã phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử loại người, đó là Sputnik 1.

Mỹ bị kích thích rất lớn, chưa đầy 2 năm sau đã thông qua thử nghiệm tấn công mô phỏng - phóng tên lửa bằng máy bay ném bom B-47, đã chứng minh khả năng tấn công vệ tinh của vũ khí kiểu đạn đạo dựa vào tên lửa đẩy. Điều này trực tiếp dẫn đến sự ra đời của vũ khí chống vệ tinh.

Máy bay không gian X-37B
Máy bay không gian X-37B

Nhưng, cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, cũng chính là giai đoạn đầu phát triển vũ khí chống vệ tinh, Mỹ đã thực hiện một loại tư duy chiến lược "cùng cực", tức là, sách lược phát triển vũ khí chống vệ tinh hướng vào sử dụng sức mạnh hạt nhân, tìm cách tiêu diệt triệt để hệ thống vệ tinh của kẻ thủ về tổng thể.

Nhưng vấn đề là, trong giai đoạn đầu của cạnh tranh không gian, loại sách lược này rõ ràng rất không tương xứng với mức độ xung đột có thể xảy ra. Hơn nữa, sử dụng sức mạnh hạt nhân là một thủ đoạn tấn công dã man gây thiệt hại cho cả đối thủ lẫn bản thân.

Ngoài ra, do phải thực hiện "Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân hạn chế" và "Hiệp ước ngoài không gian", Bộ Quốc phòng Mỹ cuối cùng đã hủy bỏ tất cả các chương trình phát triển vũ khí sử dụng đầu đạn hạt nhân để chống vệ tinh. Nhưng, Mỹ không hề chấm dứt phát triển vũ khí chống vệ tinh, mà vũ khí chống vệ tinh bắt đầu phát triển theo hướng thu nhỏ, chính xác và thực dụng.

Chiến lược quốc phòng của Mỹ: luôn duy trì "an ninh tuyệt đối"

Từ đối đầu Mỹ-Xô đến nay, Mỹ luôn thực hiện tư tưởng chiến lược "an ninh tuyệt đối", cũng được gọi là tư duy Chiến tranh Lạnh.

Đối với người Mỹ, mặc dù bản thân là nước mạnh nhất thế giới, nhưng vẫn lo ngại mối đe dọa từ nước khác. Trong quá trình này, Mỹ hoàn toàn không hiểu nhu cầu an ninh của nước khác, coi sự theo đuổi an ninh của nước khác là mối đe dọa an ninh của mình. Vũ khí hạt nhân đã vậy, vũ khí chống vệ tinh cũng như vậy.

Vũ khí laser chống vệ tinh của Không quân Mỹ
Vũ khí laser chống vệ tinh của Không quân Mỹ

Trên thực tế, Mỹ sở dĩ không tiếp tục coi vũ khí hạt nhân là ưu thế tuyệt đối, là do loại ưu thế được xây dựng trên nền tảng bản thân cũng bị tiêu diệt này hoàn toàn không có ý nghĩa gì.

Cho nên, họ mới luôn nỗ lực tìm kiếm ưu thế tuyệt đối mới trên phương diện phát triển vũ khí trang bị thông thường, gia tăng phát triển các loại vũ khí đối kháng không gian, để duy trì vị thế dẫn trước của Mỹ trong lĩnh vực không gian.

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ bắt đầu phát triển nhiều loại vũ khí chống vệ tinh trên đất liền, trên biển và trên không. Tháng 1 năm 1989, Mỹ đã thông qua chương trình phát triển vũ khí chống vệ tinh mới - "công nghệ chống vệ tinh chiến thuật", đặt vũ khí chống vệ tinh năng lượng chùm tia và vũ khí chống vệ tinh động năng lên vị trí quan trọng như nhau.

Đặc biệt là vũ khí laser (trong vũ khí năng lượng chùm tia), có thể tiêu diệt triệt để vệ tinh hoặc làm mất hiệu lực linh kiện điện tử nhạy cảm của vệ tinh. Điều này đã trở thành phương hướng chính nghiên cứu chế tạo vũ khí chống vệ tinh của Mỹ.

Tháng 10 năm 1997, một cuộc thử nghiệm của Lục quân Mỹ đã sơ bộ chứng thực hiệu quả tốt của vũ khí chống vệ tinh laser. Trong cuộc thử nghiệm, Lục quân Mỹ sử dụng vũ khí laser có công suất lớn nhất khi đó phóng chùm laser tới một vệ tinh khí tượng trị giá 60 triệu USD trên vũ trụ, 2 chùm laser của vũ khí laser mặt đất được phóng lên và đều đã bắn trúng vệ tinh ở độ cao 400 km, tốc độ bay 26.800 km/giờ, thể tích tương đương một chiếc tủ lạnh, cuộc thử nghiệm tấn công vệ tinh bằng chùm laser lần đầu tiên thành công.

Cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, Mỹ cũng đã khẩn trương nghiên cứu chế tạo vũ khí chùm hạt và vũ khí sóng ngắn năng lượng cao, những vũ khí này đều đã cung cấp nhiều con đường cho Mỹ phát triển năng lực chống vệ tinh.

Tên lửa SM-3 của Mỹ có khả năng chống vệ tinh
Tên lửa SM-3 của Mỹ có khả năng chống vệ tinh

Sau khi bước vào thế kỷ mới, trình độ công nghệ không gian của rất nhiều nước trên thế giới cũng đã có sự phát triển tương đối lớn. Nhưng, Mỹ hoàn toàn không muốn người khác đuổi kịp mình trong lĩnh vực công nghệ mang tính chiến lược. Khi đó, vũ khí chống vệ tinh của Mỹ bắt đầu phát triển theo hướng vừa mang tính phá hoại vừa mang tính bí mật.

Năm 2004, Lục quân Mỹ đổi tên chương trình vũ khí chống vệ tinh động năng thành "Chương trình công nghệ đối kháng không gian ứng dụng". Khả năng sát thương mềm của vũ khí chống vệ tinh lần đầu tiên được đưa vào công tác nghiên cứu chế tạo.

Các thủ đoạn sát thương mềm như laser làm mù, sóng ngắn gây nhiễu, đẩy ra khỏi quỹ đạo không chỉ có thể làm cho vệ tinh đối phương bị tê liệt, mà còn có thể giành được không gian tự do nhất định trong đối kháng quân sự và xoay xở ngoại giao, điều quan trọng hơn là, rủi ro công nghệ giảm đi, không tạo ra rất nhiều rác thải không gian sau khi tấn công vệ tinh đối phương như vũ khí sát thương cứng, ảnh hưởng đến toàn bộ an ninh quỹ đạo không gian, tác động đến vận hành an toàn của vệ tinh Mỹ.

Để đảm bảo ưu thế tuyệt đối, năm 2006, "Chính sách vũ trụ quốc gia Mỹ" của Chính phủ "Bush con" nhấn mạnh, Mỹ muốn phát triển năng lực vũ trụ mạnh và tiên tiến, hệ thống vũ trụ của Mỹ có quyền không bị gây nhiễu.

Đặc điểm lớn nhất của chính sách vũ trụ này chính là Mỹ phản đối cấm vũ khí ngoài vũ trụ, đồng thời đã tiếp tục nhấn mạnh tự do tuyệt đối của Mỹ ở ngoài vũ trụ, chỉ ra Mỹ có quyền cấm các quốc gia thù địch với lợi ích của Mỹ xâm nhập ngoài vũ trụ. Tất cả những điều này đã cung cấp hỗ trợ chính sách cho sự phát triển tiếp theo của vũ khí chống vệ tinh.

Máy bay chiến đấu F-15 Mỹ phóng tên lửa chống vệ tinh
Máy bay chiến đấu F-15 Mỹ phóng tên lửa chống vệ tinh

Cũng chính trong năm này, Mỹ đã đưa ra chương trình phát triển máy bay không gian X-37B, đây là một loại trang bị đa năng có các chức năng như phóng vệ tinh nhỏ, trinh sát trên không, chống vệ tinh. Trên phương diện chống vệ tinh, nó có năng lực theo dõi, gây nhiễu tiên tiến đối với vệ tinh của kẻ thù, thậm chí còn có thể "bắt" vệ tinh của kẻ thù làm "tù binh", đánh cắp tình báo đã thu được, hoặc đẩy nó khỏi quỹ đạo. X-37B đã mở màn cho đối kháng không gian của Mỹ từ phát triển trang bị đối kháng mang tính phòng ngự chuyển sang ra sức phát triển trang bị đối kháng mang tính tấn công.

Hệ thống vệ tinh Mỹ vừa là "điểm kiểm soát trên cao" vừa là "điểm yếu"

Những năm gần đây, cùng với sự thay đổi chiến lược quân sự nước lớn và phát triển không ngừng công nghệ không gian, vũ trụ đã trở thành tiêu điểm tranh chấp của các nước trong chiến tranh tương lai.

Vai trò của vệ tinh quân dụng trong chiến tranh ngày càng tăng cường, do vệ tinh có các đặc điểm như điểm quan sát cao, phạm vi theo dõi lớn, tốc độ nhanh, không bị hạn chế bởi ranh giới quốc gia, địa lý, thậm chí thời gian và điều kiện khí tượng, làm cho nó trở thành thủ đoạn chủ yếu thu thập thông tin chiến tranh, thực hiện chi viện tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết và từ mọi hướng trong chiến tranh thông tin hóa và là một trong những trang bị chính tiến hành tấn công chiến lược, nó cũng là thủ đoạn không thể thay thế để chi viện trực tiếp cho các hành động tác chiến trên chiến trường.

Trên thực tế, Mỹ sở hữu lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, sở hữu vũ khí trang bị tiên tiến nhất thế giới, đặc biệt là về vũ khí dẫn đường chính xác và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Nhưng, muốn cho những vũ khí này phát huy được uy lực, thì chắc chắn phải sở hữu một hệ thống hỗ trợ thông tin mạnh, nhiệm vụ của hệ thống vệ tinh chính là cung cấp dữ liệu chính xác cho vũ khí trang bị định vị chính xác, phát hiện mục tiêu, nhận rõ mối đe dọa. Một khi không được cung cấp dữ liệu thông tin từ vệ tinh, những trang bị chính xác này chỉ là đống sắt vụn.

Máy bay không gian không người lái X-37B Không quân Mỹ
Máy bay không gian không người lái X-37B Không quân Mỹ
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả! - Facebook
Việt Dũng