Quyền quyết bán Su-35 và tàu ngầm Lada nằm trong tay Vladimir Putin

08/04/2013 07:19
Việt Dũng
(GDVN) - "Cấp cao hai nước mới chỉ bàn hợp tác vĩ mô, chỉ ký những bản ghi chép, ghi nhớ, còn hợp đồng chính thức thì còn rất nhiều chuyện phải bàn".
Vấn đề mua bán máy bay Su-35 và tàu ngầm lớp Lada giữa Trung-Nga gây chú ý đặc biệt cho dư luận.
Vấn đề mua bán máy bay Su-35 và tàu ngầm lớp Lada giữa Trung-Nga gây chú ý đặc biệt cho dư luận.

Tờ “Phương Đông” Trung Quốc ngày 6/4 dẫn các nguồn tin cho biết, gần đây, truyền thông Nga và phương Tây đã quan tâm nhiều đến việc Trung Quốc mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 của Nga. Đây là sau gần 10 năm Trung Quốc lại mua trang bị kỹ thuật quân sự quan trọng của Nga.

Theo bài báo, trước chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình, hai nước Trung-Nga đã ký 2 “thỏa thuận khung” về mua bán vũ khí gồm tàu ngầm và máy bay. Sau đó, cấp cao nhất giới công nghiệp quân sự Nga xác nhận, Nga và Trung Quốc đã ký “thỏa thuận xác nhận về mua máy bay chiến đấu đa năng Su-35”.

Một vấn đề đặt ra là, tại sao Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo và cho bay thử 2 loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm là J-20, J-31, nhưng lại còn mua máy bay chiến đấu thế hệ 4+ là Su-35? Mục đích của Trung Quốc là gì?

Trung Quốc sẽ sao chép Su-35?

Tờ “Tin tức Quốc phòng” Mỹ cho rằng, “Trung Quốc có sao chép máy bay chiến đấu Su-35 hay không” luôn là vấn đề cốt lõi quan tâm nhất của Nga.

Vasilii Cashin, chuyên gia quân sự Trung tâm phân tích công nghệ và chiến lược Moscow ngày 25/3 cho rằng: Quan chức Nga phủ nhận từng thảo luận về giao dịch vũ khí với Trung Quốc. Nhìn vào quan hệ Trung-Nga, đối thoại cấp cao song phương chưa từng đề cập đến hợp đồng giao dịch vũ khí riêng, chỉ bàn về những hợp tác vĩ mô.

Một nguồn tin khác từ ngành quốc phòng Nga cho rằng, bản ghi nhớ ký tháng 12/2012 có trở thành giao dịch chính thức về máy bay chiến đấu Su-35 và tàu ngầm lớp Amur hay không thì còn rất nhiều chuyện phải bàn.

Biên đội máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc
Biên đội máy bay chiến đấu J-11 Trung Quốc

Theo tờ “Tin tức Quốc phòng”, năm 1995, Trung Quốc và Nga ký thỏa thuận sản xuất, đầu tư 2,5 tỷ USD để Công ty chế tạo máy bay Thẩm Dương sản xuất 200 máy bay Su-27SK, đặt tên là J-11A. Năm 2006, khi Trung Quốc đã sản xuất 95 máy bay, Nga hủy thỏa thuận, cho rằng phát hiện Trung Quốc đã thay đổi động cơ của máy bay chiến đấu, bí mật sản xuất J-11B, một phiên bản sao chép cao hơn, trang bị thiết bị điện tử hàng không và động cơ do Trung Quốc chế tạo.

Vì vậy, dư luận nghi ngờ Trung Quốc mua Su-35 để có được công nghệ cốt lõi và sao chép, sản xuất ra phiên bản của họ.

Nhưng, chuyên gia quân sự Anh Gary Lee cho rằng, Trung Quốc đã có tiến bộ trong công tác nghiên cứu chế tạo, nên sẽ không tiếp tục trực tiếp sao chép thứ mua được, mà chỉ học hỏi một phần, đồng thời thiết kế ra thứ của họ. Ông Vasilii Cashin cũng cho rằng, rủi ro từ việc bán động cơ cho Trung Quốc là rất nhỏ, “từ một hàng mẫu không thể sao chép thành một động cơ”.

Tạp chí “Kanwa Defense Review” cho rằng, Nga có thể áp dụng cách làm thông thường của họ, đó là xuất khẩu vũ khí phiên bản đơn giản hóa như máy bay chiến đấu Su-27 mà Nga từng xuất khẩu cho Trung Quốc.

Theo Kanwa, Trung Quốc sở dĩ muốn có hợp đồng vũ khí lần này với Nga là do họ cần động cơ thế hệ 4++ cho máy bay chiến đấu J-20 đang phát triển, hơn nữa radar Irbis-E của Su-35 cũng rất tiên tiến, mà Trung Quốc còn gặp khó khăn trong việc nghiên cứu chế tạo radar mảng pha bị động.

Theo báo “Liên hợp” Đài Loan, ngay từ 5 năm trước, Quân đội Trung Quốc rất hứng thú với Su-35, nhưng hai bên đã không thể đạt được thỏa thuận mua bán. Nguyên nhân là do Nga kiên trì muốn bán 48 máy bay Su-35, trong khi Trung Quốc chỉ muốn mua 24 máy bay Su-35. Hiện nay, qua nhiều nỗ lực, hầu như hai bên đã nhượng bộ lẫn nhau.

Su-35 Nga có khả năng cơ động mạnh, hơn F-35 Mỹ?
Su-35 Nga có khả năng cơ động mạnh, hơn F-35 Mỹ?

Theo tiêu chuẩn của Nga, máy bay chiến đấu Su-35 thuộc thế hệ 4++, sử dụng rất nhiều vật liệu, công nghệ mới nhất. Chẳng hạn vật liệu thân máy bay sử dụng rất nhiều hợp kim titan, làm cho tuổi thọ bay kéo dài tới 6.000 giờ. Trọng lượng cất cánh tối đa 34,5 tấn, tải trọng chiến đấu tối đa 8 tấn, tốc độ tối đa 2,25 Mach, có thể lắp các loại tên lửa, bom do Nga chế tạo.

Hệ thống radar mảng pha Irbis-E đỉnh cao của máy bay chiến đấu Su-35 có thể dò được mục tiêu 3 m2 trong cự ly 400 km, thậm chí dò được mục tiêu siêu thấp 0,01 m2 trong cự ly 90 km. Nó có khả năng đồng thời dò được và theo dõi 30 mục tiêu, đồng thời có thể sử dụng tên lửa dẫn đường radar chủ động tấn công 8 mục tiêu, trong đó có 4 mục tiêu ngoài 300 km.

Su-35 ưu việt hơn F-35 của Mỹ trên các phương diện như tính cơ động, bán kính tác chiến, tải trọng vũ khí, tốc độ cao nhất, chỉ có tính năng tàng hình hơi yếu, hơn nữa Su-35 còn có khả năng chống lại máy bay chiến đấu tàng hình F-22A tiên tiến nhất của Mỹ.

Đạt được thỏa thuận tùy thuộc vào số lượng mua và chuyển nhượng công nghệ

Một số phương tiện truyền thông Mỹ cho rằng, Trung-Nga đã ký “thỏa thuận liên chính phủ” sơ bộ về việc Trung Quốc mua 24 máy bay Su-35 Nga, hiện còn chưa ký thỏa thuận chính thức. “Thỏa thuận sơ bộ” ở đây chính là ghi chép đàm phán, bản ghi nhớ - những thứ mà mỗi lần hội đàm đều phải ký.

Chính vì vậy, một số chuyên gia cho rằng, sự bất đồng lớn nhất giữa Trung-Nga về Su-35 là ở vấn đề số lượng và chuyển nhượng công nghệ máy bay chiến đấu Su-35. Đặc biệt là về số lượng, 24 máy bay theo thỏa thuận lần này là con số mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được. Trong nội bộ Nga, bất đồng chủ yếu là ở ý kiến không thống nhất giữa cấp cao Chính phủ, ngành công nghiệp quốc phòng và quân đội Nga.

Tàu ngầm diesel Amur-1650 do Nga chế tạo
Tàu ngầm diesel Amur-1650 do Nga chế tạo

Một số quan chức cấp cao của công nghiệp Nga phổ biến cho rằng, không thể bán Su-35 cho Trung Quốc, hoặc có thể bán khi cam kết không sao chép. Nhưng, góc độ xem xét vấn đề của Điện Kremli có khác, Chính phủ Nga xuất phát từ các lợi ích toàn cầu như chính trị và ngoại giao, cho rằng cần bán Su-35 cho Trung Quốc. Vì vậy, quyền quyết định cuối cùng là ở trong tay Putin.

Trước đây, trong các hội nghị như hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, Nga nhiều lần đề xuất bán máy bay Su-35 cho Trung Quốc, theo tờ Kanwa thì chủ trương bán Su-35 cho Trung Quốc là quan điểm chính của nội bộ Nga hiện nay.

Theo một số chuyên gia Nga, ban đầu Trung Quốc kiên trì yêu cầu chuyển nhượng công nghệ máy bay Su-35, ít nhất là chuyển nhượng một phần. Nhưng Moscow yêu cầu mua ít nhất 48 chiếc thì mới cho phép chuyển nhượng công nghệ. Nay số lượng sơ bộ đạt được là 24 chiếc, nên vấn đề chuyển nhượng công nghệ có tính không xác định.

Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 (trong hình) và J-31, nhưng lại muốn mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 ++ Nga. Điều này khẳng định những tuyên truyền về sức mạnh của các loại máy bay mới này chỉ là có tác dụng tuyên truyền.
Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm J-20 (trong hình) và J-31, nhưng lại muốn mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 ++ Nga. Điều này khẳng định những tuyên truyền về sức mạnh của các loại máy bay mới này chỉ là có tác dụng tuyên truyền.
Việt Dũng