Reuters: Vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ vẫn đủ để săn phẳng thế giới

03/06/2013 14:35
Bình Nguyên
(GDVN) - Dù số lượng đầu đạn hạt nhân cũng như các phương tiện mang phóng (tàu ngầm là 1 ví dụ) của cả Mỹ và Nga đã được và lên kế hoạch giới hạn theo hiệp ước START mới, nhưng theo bình luận của Reuters, chúng vẫn đủ để săn phẳng cả thế giới.
Báo Reuters của Anh đưa tin cho biết hiện chính quyền Nga đã có kế hoạch điều động và nối lại hoạt động tuần tra bằng tàu ngầm hạt nhân ở các vùng biển ở phía Nam bán cầu sau hơn 20 năm bị gián đoạn kể từ khi Liên Xô sụp đổ.
Tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Nga
Tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Nga


Đây được xem là một phần của kế hoạch khôi phục lại ảnh hưởng và sức mạnh quân sự của Moscow trong thời điểm thế giới có những biến động hết sức phức tạp hiện nay.

Theo tin của Itar-Tass, Hải quân Nga sẽ điều động các tàu ngầm hạt nhân lớp Borei (có khả năng mang 16 quả tên lửa hạt nhân tầm xa) đến các vùng biển phía Nam sau thời điểm có quyết định và  mệnh lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin về thành lập và triển trai lực lượng thường trực tác chiến của Hải quân Nga tại Địa Trung Hải.

Theo Reuters, thông tấn  Itar-Tass trích dẫn một quan chức của Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga cho biết, việc điều động các cuộc tuần tra bằng tàu ngầm hạt nhân sẽ cho phép Nga hoàn thành nhiệm vụ răn đe chiến lược không những ở Bắc mà còn ở Nam bán cầu.

Cũng theo quan chức giấu tên này, việc Nga tiến hành tuần tra bằng tàu ngầm hạt nhân ở Nam bán cầu đã được cân nhắc qua nhiều năm. Theo những tin tức mới nhất, nhiều khả năng tàu ngầm hạt nhân Yuri Dolgoruky lớp Borei sẽ được Nga điều động đi tuần tra trước năm 2020.

Trong năm nay tàu ngầm Yuri Dolgoruky sẽ chính thức được biên chế trong đội hình chiến đấu của Hải quân Nga. Hiện nó đang trong quá trình hoàn thiện các cuộc thử nghiệm liên quan đến các loại vũ khí chiến lược sẽ tích hợp.

Chính sách của Nga rất chú trọng đến việc xây dựng và duy trì sức mạnh của một đội quân tinh nhuệ. Điều này đã được giới chức cầm quyền của Moscow tuyên bố rõ ràng kể từ khi Tổng thống Putin quay trở lại Điện Kremlia vào tháng 5 năm ngoái.

Trong 13 năm đã và đang nắm quyền điều hành nước Nga, chính phủ của Tổng thống Putin thường xuyên nhắc đến các mối đe doạ từ bên ngoài mỗi khi phát biểu về chủ đề xây dựng  các lực lượng vũ trang cũng như kêu gọi sự đoàn kết chính trị ở xã hội Nga.

Trong những năm gần đây, bắt đầu xuất hiện trở lại những e ngại về một cuộc đối đấu hạt nhân mới giữa Nga và Mỹ, cuộc chiến đã gây ra sự tốn kém và sợ hãi cho cả thế giới trong thời gian Chiến tranh Lạnh.

Tàu ngầm Yuri Dolgoruky
Tàu ngầm Yuri Dolgoruky


Thực tế thì vào năm 2010, hai cựu thù Chiến tranh Lạnh là Mỹ và Nga đã phải ký kết với nhau một hiệp ước khởi điểm về giới hạn số lượng các loại vũ khí hạt nhân tầm xa trong các kho vũ khí của mình.

Tuy nhiên, mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân cũng như các phương tiện mang phóng (tàu ngầm là 1 ví dụ) của cả Mỹ và Nga đã được và lên kế hoạch giới hạn theo hiệp ước START mới, nhưng theo bình luận của Reuters, chúng vẫn đủ để săn phẳng cả thế giới.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố công khai rằng Nga sẽ tiếp tục  nâng cấp các kho vũ khí của mình.

Hiện tại, theo đánh giá của giới chuyên gia, các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ đất liền (ICBM) của Nga có thể tấn công toàn bộ các mục tiêu trên Bắc bán cầu. Khả năng và tầm “phủ sóng” của các tàu ngầm hạt nhân của hải quân nước này cũng tương tự.

Cả tàu ngầm lớp Borey và tên lửa đạn đạo Bulava đều là các sản phẩm được thiết kế từ những năm 1990 khi khoa học và công nghệ quốc phòng của Nga đều bị đầu tư thiếu đầy đủ do tác động của tình hình khi Liên Xô thay đổi.

Nga coi tên lửa đạn đạo Bulava và các phương tiện mang phóng chúng đều là những vũ khí “xương sống” trong hệ thống các công cụ răn đe hạt nhân chiến lược và đã thực sự giành sự quan tâm và đầu tư thích đáng để phát triển và chế tạo chúng trong những năm qua.

Bình Nguyên