Sau Biển Đông, Trung Quốc tìm mọi cách lắp trạm nghe lén ở Ấn Độ Dương

08/02/2013 06:00
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc có thể biến cảng Gwadar thành hòn ngọc sáng nhất của "chuỗi ngọc trai" ngăn chặn Ấn Độ, tránh bị Mỹ chi phối.
Hải quân Trung Quốc sử dụng chiến lược "chuỗi ngọc trai" để ngăn chặn Ấn Độ (nguồn báo Phương Đông, TQ).
Hải quân Trung Quốc sử dụng chiến lược "chuỗi ngọc trai" để ngăn chặn Ấn Độ (nguồn báo Phương Đông, TQ).

Tờ “The Pioneer” Ấn Độ vừa có bài viết cho rằng, gần đây Trung Quốc tiếp nhận quyền quản lý cảng Gwadar của Pakistan đã gây ra sự quan ngại cho New Delhi, đây là điều có thể hiểu được.

Một khi đầu tư sử dụng toàn diện, cảng nước sâu ở tỉnh Balochistan này có thể dễ dàng trở thành một “hòn ngọc” sáng nhất trong chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc.

Trong chiến lược “chuỗi ngọc trai”, ngoài cảng Gwadar, còn có cảng Hambantota của Sri Lanka, Marao của Maldives, Chittagong của Bangladesh và Coco của Myanmar.

Đương nhiên, Trung Quốc luôn phủ nhận việc đầu tư cho những cảng biển này là một phần trong chiến lược tổng thể ngăn chặn Ấn Độ.

Trung Quốc liên tục khẳng định những cảng biển này đều là cảng thương mại đơn thuần, đầu tư xây dựng những cảng biển này cơ bản là để bảo vệ tuyến đường biển của Trung Quốc.

Chẳng hạn, cảng Gwadar có thể cung cấp một tuyến đường thương mại mới cho Trung Quốc mở tới Ấn Độ Dương và Tây Á, con đường này không cần đi qua eo biển Malacca.

Eo biển Malacca nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Hải quân Mỹ, điều Trung Quốc muốn nhất là một cảng biển không chịu sự kiểm soát bởi lực lượng quân sự Mỹ.

Mỹ đưa tàu tuần duyên đến "chốt chặn" ở eo biển Malacca.
Mỹ đưa tàu tuần duyên đến "chốt chặn" ở eo biển Malacca.

Trên thực tế, mặc dù Bộ Ngoại giao Ấn Độ tìm cách làm dịu đi sự căng thẳng, thúc giục mọi người không nên “phản ứng quá mức” về việc Trung Quốc thay Cục cảng vụ Singapore giành quyền quản lý cảng Gwadar và coi đó là một giao dịch thương mại thuần túy.

Nhưng, gần đây Trung Quốc tỏ ra tự tin, đặc biệt là có thái độ và hành động ngày càng cứng rắn ở các khu vực như biển Đông, hoàn toàn không làm cho các nước láng giềng cảm thấy dễ chịu.

Dù sao, cảng thương mại cũng dễ được cải tạo thành căn cứ hải quân. Cho dù hoàn toàn không phải như vậy, cảng Gwadar cũng vẫn có thể làm trạm nghe lén của Trung Quốc.

Đối với Bắc Kinh, đây là điều quan trọng, bởi vì họ hoàn toàn không có lãnh thổ ở khu vực Ấn Độ Dương, nhưng lại muốn duy trì sự hiện diện nhất định tại đây.

Ngoài ra, một khi phát triển đầy đủ, cảng Gwadar còn có lợi cho Quân đội Pakistan. Cảng này cách Ấn Độ 400 km, là cảng thay thế hoàn hảo cho cảng Karachi nằm trong phạm vi tấn công của Ấn Độ - hầu như tất cả mọi hoạt động thương mại hiện nay của Pakistan đều phải đi qua cảng Karachi.

Radar cảnh báo sớm của Trung Quốc lắp đặt trên biển Đông (nguồn: mạng tin tức hàng không Trung Quốc)
Radar cảnh báo sớm của Trung Quốc lắp đặt trên biển Đông (nguồn: mạng tin tức hàng không Trung Quốc)

Tuy nhiên, đối với Trung Quốc hoặc Pakistan, việc sử dụng đầy đủ cảng Gwadar vẫn cần có thời gian. Bởi vì, những công việc cơ bản để xây dựng cảng Gwadar thành mạng lưới vận tải còn lâu mới hoàn thành.

Vài tháng qua, cảng Gwadar rất yên lặng. Trên thực tế, từ tháng 11/2012 đến nay, đã không có bất cứ con tàu nào neo đậu tại đây. Hơn nữa, những nhân tố bất ổn của tỉnh Balochistan cũng cần phải tính tới.

Người địa phương tỉnh Balochistan phản đối mạnh mẽ dự án này, họ chắc chắn sẽ tạo ra một lực cản lớn.

Việt Dũng